Tin tức

Đào tạo, nghiên cứu khoa học ở Khoa Lịch sử và cơ hội cho sinh viên

Thứ sáu - 08/07/2016 01:44
Đến tháng 11 năm 2016, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội kỷ niệm 60 năm thành lập. Suốt chặng đường xây dựng và phát triển đó, Khoa Lịch sử luôn khẳng định được vị thế của một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học đa ngành, đa lĩnh vực về sử học, khảo cổ học, văn hóa học quy mô lớn và chất lượng hàng đầu của cả nước. Các thế hệ sinh viên Khoa Lịch sử luôn cảm thấy tự hào vì đã được học tập, trưởng thành và luôn gắn bó, hướng về tập thể Khoa.
Đào tạo, nghiên cứu khoa học ở Khoa Lịch sử  và cơ hội cho sinh viên
Đào tạo, nghiên cứu khoa học ở Khoa Lịch sử và cơ hội cho sinh viên

1. Khoa Lịch sử được thành lập năm 1956, gắn liền với sự ra đời của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội danh tiếng, nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Từ thế hệ “khai nền đắp móng” gồm các nhà giáo, nhà khoa học nổi tiếng như GS. Trần Đức Thảo, GS. Đào Duy Anh, GS. Trần Văn Giàu, GS.NGND Đinh Xuân Lâm, GS.NGND Phan Huy Lê, GS.NGND Hà Văn Tấn, GS.NGƯT Trần Quốc Vượng…, đến nay đã có 206 cán bộ đã và đang công tác tại Khoa. Hiện tại, Khoa Lịch sử có 44 cán bộ, 8 bộ môn, một trung tâm và một tổ chuyên môn. Đó là các bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại, Lịch sử Việt Nam cận hiện đại, Lịch sử Thế giới, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Khảo cổ học, Văn hóa học và Lịch sử văn hóa Việt Nam, Lý luận sử học và Đô thị học, Trung tâm Liên văn hóa và tổ Văn phòng - Tư liệu. Với cơ cấu như vậy, Khoa Lịch sử là một trong những đơn vị có số cán bộ đông đảo nhất trong Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Bên cạnh những cán bộ có kinh nghiệm lâu năm là các chuyên gia hàng đầu cả nước về đào tạo và nghiên cứu sử học, Khoa Lịch sử còn có đội ngũ đông đảo cán bộ trẻ, trong đó nhiều người đã đạt trình độ Phó Giáo sư, Tiến sĩ, được đào tạo và tu nghiệp ở nước ngoài.

Cho đến nay, Khoa Lịch sử đã đào tạo được 57/60 khóa sinh viên, với khoảng gần 7.000 cử nhân sử học các hệ (chính quy, vừa học vừa làm); cùng với khoảng 800 thạc sĩ và trên 200 tiến sĩ. Với những kiến thức và kỹ năng được trang bị, sau khi ra trường, anh chị em đều tự tin, phát huy tốt năng lực và phẩm chất của bản thân trong mọi môi trường làm việc. Vì vậy, nhiều sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh tốt nghiệp ở Khoa Lịch sử đã trở thành các nhà lãnh đạo, nhà khoa học nổi tiếng, giữ vị trí chủ chốt trong các cơ quan quản lý Nhà nước, các trường đại học, các viện, cơ quan nghiên cứu khoa học, thông tấn, báo chí, các nhà xuất bản, thư viện, bảo tàng, trung tâm lưu trữ, cơ quan giáo dục, văn hóa, thông tin…

Hiện nay, Khoa Lịch sử đồng thời đào tạo cả hệ chuẩn (khoảng 100 sinh viên/năm), hệ chất lượng cao (khoảng 20 sinh viên/năm) và hệ sư phạm (khoảng 50 sinh viên/năm). Hàng năm, Khoa được phép tuyển sinh khoảng 50 học viên cao học và hàng chục nghiên cứu sinh. Khoa Lịch sử là đơn vị hàng đầu của cả nước về đào tạo sử học, từ đại học đến sau đại học, với đủ các chuyên ngành đào tạo của khoa học lịch sử.

Ngày 13-11-2000, tập thể Khoa Lịch sử được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động. Cùng với đó, hàng chục cán bộ của Khoa đã được phong tặng các danh hiệu Anh hùng Lao động (GS. Trần Văn Giàu), Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú; được nhận nhiều huân, huy chương và bằng khen các loại. Đó là sự ghi nhận xứng đáng cho những thành tựu và đóng góp to lớn của tập thể và cán bộ Khoa Lịch sử trong sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Lễ khai giảng và trao học bổng sử học Lê Văn Hưu tại Khoa Lịch sử năm học 2015-2016

2. Một chủ trương có tính chiến lược trong suốt lịch sử phát triển của Khoa Lịch sử là kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học. Trên tinh thần đó, hoạt động nghiên cứu khoa học luôn được các cán bộ trong Khoa xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Tính đến nay, đã có trên 5.000 công trình nghiên cứu khoa học của các thầy cô trong Khoa được công bố, gồm các giáo trình, sách chuyên khảo và tham khảo, các bài báo đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành, ở cả trong và ngoài nước. Bình quân mỗi năm học, toàn Khoa có thêm khoảng một chục đầu sách mới và trên 50 bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí khoa học, tham dự các hội thảo khoa học trong nước và quốc tế.

Khoa Lịch sử cũng đã và đang triển khai nhiều chương trình, đề án, đề tài nghiên cứu khoa học các cấp. Trong số đó là nhiều đề tài khoa học cấp Nhà nước, như Các giá trị truyền thống và con người Việt Nam hiện nay; Thiết chế chính trị xã hội nông thôn Việt Nam; Tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Lịch sử Chính phủ Việt Nam; Lịch sử và hiện trạng hệ thống chính trị ở Việt Nam; Luận cứ khoa học và những giải pháp thực tiện tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân ở nước ta hiện nay; Lãnh thổ phía Nam và biên giới Tây Nam trong Lịch sử; Lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ; Lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa; Giáo dục Thăng Long - Hà Nội, định hướng phát triển giáo dục và đào tạo thủ Thủ đô trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Thăng Long - Hà Nội với vai trò trung tâm chính trị, hành chính của đất nước - Những bài học về quản lý và phát triển; Tác động của tiếp biến và hội nhập văn hóa đến phát triển ở Việt Nam hiện nay…

Đặc biệt, trong triển khai Đề án khoa học xã hội cấp Quốc gia Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam do Ban Bí thư Trung ương trực tiếp chỉ đạo và Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý, các cán bộ của Khoa Lịch sử đã được giao trực tiếp làm Chủ nhiệm, Chủ biên, Đồng chủ biên 15/30 đề tài, tương ứng với những đề đài khoa học độc lập cấp Nhà nước. Đây là một vinh dự lớn lao, qua đó khẳng định vị thế và uy tín khoa học của Khoa Lịch sử trong giới sử học Việt Nam. Bên cạnh đó, các cán bộ của Khoa Lịch sử đã và đang chủ trì, thực hiện nhiều đề tài khoa học cấp Bộ, cấp tỉnh và Thành phố, cấp Đại học Quốc gia Hà Nội, đề tài hợp tác nghiên cứu với các địa phương...

Trong hợp tác quốc tế nói chung, Khoa Lịch sử rất trú trọng các hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học. Khoa đã và đang có quan hệ với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu của các nước Pháp, Đức, Hà Lan, Nga, Úc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan… Bên cạnh các quan hệ hợp tác đào tạo (nhiều cán bộ và sinh viên của Khoa được tu nghiệp, đào tạo ở nước ngoài; nhiều học giả, sinh viên nước ngoài đến Khoa để trao đổi học thuật và học tập), Khoa Lịch sử cũng đã hợp tác tốt với các trường đại học, viện nghiên cứu của nước ngoài tổ chức nhiều hội thảo khoa học quốc tế, triển khai các chương trình trao đổi, hợp tác nghiên cứu khoa học. Cán bộ của Khoa đã tham gia nhiều hội nghị, hội thảo khoa học ở nước ngoài; đồng thời Khoa Lịch sử cũng đã trực tiếp tổ chức hoặc tham gia tổ chức nhiều hội thảo khoa học quốc tế lớn ở trong nước. Thông qua đó, các cán bộ, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên của Khoa có cơ hội tham gia thường xuyên các sinh hoạt khoa học quốc tế, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, đồng thời cũng nhằm nâng dần trình độ khoa học và đào tạo của Khoa trong xu thế hội nhập với khu vực và thế giới.

Định hướng nghiên cứu khoa học của Khoa Lịch sử trong thời gian sắp tới sẽ vẫn tiếp tục tập trung vào năm chủ đề lớn: lịch sử vùng đất phía Nam, nhất là Nam Bộ; đô thị và quá trình đô thị hoá ở Việt Nam; các vùng văn hoá, các không gian văn hoá và mối giao lưu văn hoá trong nước và quốc tế; các mối giao thương và quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông; mối quan hệ quốc tế, quá trình hội nhập và con đường phát triển đặc thù của Việt Nam.

Với những đóng góp đặc biệt xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, nhiều cán bộ của Khoa Lịch sử đã được nhận các giải thưởng trong nước và quốc tế. Các giáo sư Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng… được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ; giáo sư Phan Huy Lê được nhận Giải thưởng Văn hoá Á châu của Nhật Bản (Fukuoka); các giáo sư Phan Đại Doãn, Phan Hữu Dật, Nguyễn Thừa Hỷ… được nhận Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ; các giáo sư Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Phạm Thị Tâm, Vũ Minh Giang, Nguyễn Hải Kế… được nhận giải thưởng công trình nghiên cứu khoa học tiêu biểu của Đại học Quốc gia Hà Nội.

3. Cũng nằm trong chủ trương kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học, Khoa Lịch sử luôn trú trọng công tác nghiên cứu khoa học trong sinh viên, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học. Ngay từ khi bước vào giảng đường đại học, sinh viên Khoa Lịch sử đã dần được làm quen với một phương pháp học tập hoàn toàn khác ở bậc phổ thông. Suốt bốn năm học, sinh viên được rèn luyện thường xuyên trong môi trường học thuật, được tham dự các hội nghị, hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế, các buổi tọa đàm, thuyết trình khoa học… do Nhà trường, Khoa, các Bộ môn và Đoàn Thanh niên - Hội sinh viên tổ chức. Ngoài những giờ học trên lớp, sinh viên được tham gia các chuyến tham quan, thực tập, thực tế chuyên môn và rèn luyện các kỹ năng.

Cũng từ năm thứ nhất, sinh viên được tham gia nghiên cứu khoa học dưới sự hướng dẫn, kèm cặp tận tình của các giảng viên trong và ngoài Khoa. Hằng năm, Khoa Lịch sử đều tổ chức Hội nghị Khoa học sinh viên, từ cấp Bộ môn đến cấp Khoa. Những báo cáo đạt chất lượng tốt ở cấp Khoa sẽ được tham dự Hội nghị khoa học sinh viên cấp Trường, cấp Đại học Quốc gia Hà Nội và cấp cao hơn. Trong nhiều năm, Khoa Lịch sử luôn dẫn đầu toàn Trường về thành tích nghiên cứu khoa học sinh viên. Có những năm, số lượng báo khoa học sinh viên Khoa Lịch sử đạt gần 200 trong tổng số sinh viên đang theo học tại Khoa. Nhiều báo cáo khoa học sinh viên của Khoa đã đạt giải cao ở cấp Trường, cấp Đại học Quốc gia và cấp Bộ. Đây là điều kiện thuận lợi để sinh viên được rèn luyện các kỹ năng về nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao kết quả học tập. Những em đạt thành tích tốt về nghiên cứu khoa học sẽ được ưu tiên trong đánh giá điểm rèn luyện, nhận các học bổng, giải thưởng, xét kết nạp Đảng viên… Nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đã tâm sự rằng, dù không làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu, nhưng được tham gia nghiên cứu khoa học và với những kỹ năng nghiên cứu được học khi còn là sinh viên đã giúp họ rất nhiều trong công việc hiện tại.

Hội nghị Khoa học sinh viên Khoa Lịch sử năm học 2015-2016

Những sinh viên có kết quả xuất sắc trong học tập và nghiên cứu khoa học, sau khi tốt nghiệp sẽ được Khoa giữ lại làm cán bộ giảng dạy, tiếp tục bồi dưỡng hoặc được các thầy cô giới thiệu về làm việc tại một số cơ quan Nhà nước ở trung ương và các địa phương. Nhiều sinh viên sau khi ra trường, công tác ở các nơi khác nhau đã trở lại học cao học và nghiên cứu sinh tại Khoa, một số tiếp tục tham gia, cộng tác cùng các thầy cô thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học.

Các thầy cô Khoa Lịch sử luôn dành sự quan tâm đặc biệt, mong muốn và tạo cơ hội cho sinh viên cùng tham gia triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học. Năm 1999, “Nhóm Nghiên cứu thương mại châu Á” được thành lập, do GS.TS Nguyễn Văn Kim làm trưởng nhóm, tập hợp một số cán bộ trong và ngoài Khoa, chủ yếu là cán bộ trẻ, các nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên của Khoa Lịch sử. Sau 17 năm thành lập, Nhóm đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận trong lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo và hợp tác quốc tế; nhiều năm liên tục được nhận Bằng khen và công nhận là “Nhóm nghiên cứu mạnh” của Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong kế hoạch sắp tới, Khoa Lịch sử tiếp tục thành lập hai nhóm nghiên cứu mới là “Nhóm Nghiên cứu Thăng Long - Hà Nội” và “Nhóm Tài nguyên văn hóa”, nhằm tập hợp đông đảo cán bộ của tất cả các Bộ môn, các nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên trong Khoa thực hiện những nhiệm vụ nghiên cứu quan trọng, đáp ứng xu thế phát triển của nền sử học và yêu cầu đổi mới, hội nhập của đất nước trong giai đoạn hiện nay.

4. Đã có 60 khóa, với hơn 7.000 sinh viên tới học tập tại Khoa Lịch sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Với rất nhiều người, đó là cơ duyên, là sự lựa chọn có tính chất bước ngoặt của cuộc đời, và họ không hề nuối tiếc vì đã chọn học Sử tại Khoa Lịch sử Anh hùng.

Tác giả: TS. Phạm Đức Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây