Ngôn ngữ
Cuốn chuyên khảo “Nghệ nhân và Margarita (M. Bulgakov) và đặc điểm tiểu thuyết huyền thoại thế kỉ XX” của Tiến sĩ Nguyễn Thị Như Trang, ngay trong nhan đề của nó đã hàm chứa khả năng đụng chạm đến những vấn đề quan thiết của nghiên cứu phê bình và lịch sử văn học hiện nay. Trước hết, đó là vấn đề huyền thoại và tiểu thuyết hiện đại, với phạm vi rất rộng: từ cách hiểu thuật ngữ “huyền thoại”, đặc trưng của tư duy huyền thoại đến những đặc điểm thi pháp của tiểu thuyết hiện đại và những biến thể của nó. Thứ đến, vấn đề thể loại của Nghệ nhân và Margarita – cuốn tiểu thuyết “chung kết” của nhà văn phi xô viết M. Bulgakov, một trong những hiện tượng kỳ bí nhất của văn học thế giới thế kỷ XX, luôn gây tranh luận: bản thân tác giả thì gọi đó là tiểu thuyết huyễn tưởng, còn giới nghiên cứu lại định danh cho nó hoặc là tiểu thuyết trào phúng, tiểu thuyết triết lý hay tiểu thuyết phiêu lưu huyền bí, v.v… Cũng vì tính chất bí ẩn, đa nghĩa của cuốn tiểu thuyết mà nó luôn mời gọi bất kỳ một giả thuyết khoa học nào. Đặt vấn đề Nghệ nhân và Margarita như là một tiểu thuyết huyền thoại – đó là giả thuyết khoa học của tác giả chuyên khảo này.
Điểm xuất phát của quá trình luận giải trong chuyên khảo này là mối tương quan giữa cấu trúc của tiểu thuyết Nghệ nhân và Margarita và cấu trúc huyền thoại. Tiểu thuyết Nghệ nhân và Margarita thuộc về một xu hướng của tiểu thuyết thế kỷ XX là đồng hóa một phần cấu trúc huyền thoại. Tham chiếu những đặc điểm cơ bản của cấu trúc huyền thoại (thời gian chu kỳ, trò chơi trên những nơi tiếp giáp giữa thực tế và ảo ảnh, cốt truyện được tổ chức theo lối “tích lũy” với những motif mạt thế, kẻ song trùng, kẻ lường gạt, nhà tiên tri, các yếu tố của ngôn ngữ hợp nhất giữa chủ thể và khách thể, đối tượng và ký hiệu), trong phần chính của chuyên khảo, tác giả đã lần lượt khảo sát 1) sự tiếp biến liên văn bản trong cuốn tiểu thuyết để tìm ra những mã văn hóa-lịch sử, 2) nguyên lý trò chơi carnival trong một thế giới hỗn độn, hòa trộn phức tạp những đối lập nhị nguyên nhằm hướng đến trạng thái hài hòa, thống nhất, và 3) cấu trúc chủ thể trần thuật với đặc điểm vừa đồng nhất vừa đa dạng hóa thông qua điểm nhìn và giọng điệu. Những kết quả khảo sát cho phép tác giả đi đến kết luận: Nghệ nhân và Margarita là sản phẩm của sự tương tác giữa tư duy huyền thoại và tư duy tiểu thuyết, biểu hiện cụ thể, sinh động khuynh hướng song chiếu trực tiếp với huyền thoại cổ xưa trong diễn trình của tiểu thuyết huyền thoại thế kỷ XX.
Với tất cả sự phong phú và logic của những luận điểm trong chuyên khảo, tác giả đã biện giải giả thuyết khoa học của mình một cách thuyết phục. Theo đó, hoàn toàn có cơ sở để có thể đặt một nhan đề khác cho cuốn sách, chẳng hạn, “Nghệ nhân và Margarita” (M.Bulgakov) – tiểu thuyết huyền thoại” . Chuyên khảo này là kết quả trực tiếp từ Luận án tiến sĩ, được Hội đồng chấm Luận án tiến sĩ của Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá xuất sắc, cũng như những bài nghiên cứu của tác giả đã công bố trên các tạp chí chuyên ngành.
Dĩ nhiên, coi Nghệ nhân và Margarita như một tiểu thuyết huyền thoại cũng chỉ là một trong nhiều phương án “đọc” cuốn tiểu thuyết vĩ đại và độc đáo này. Đến lượt mình, phương án “đọc” này của Nguyễn Thị Như Trang lại mời gọi sự luận bàn, trao đổi của độc giả cuốn sách.
Chào đón công trình nghiên cứu chuyên sâu của một nhà Nga học trẻ, có giá trị hữu ích cả về phương diện lý thuyết và lịch sử văn học, tôi xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả.
Thông tin về tác giả Nguyễn Thị Như Trang
|
Tác giả: PGS.TS.Phạm Gia Lâm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn