Ngôn ngữ
Thực tiễn hoạt động đối ngoại trên đất Thăng Long - Hà Nội suốt một ngàn năm qua đã định hình một hệ thống quan điểm, nguyên tắc, phương pháp ngoại giao vừa mang tính khoa học sâu sắc, vừa mang tính nghệ thuật tinh tế trong hoạt động ngoại giao. Tất cả những điều ấy đã góp phần hình thành nên văn hoá đối ngoại Thăng Long - Hà Nội. Cuốn sách tổng hợp các hoạt động đối ngoại tiêu biểu diễn ra trên đất Thăng Long - Hà Nội một ngàn năm qua, từ đó khái quát một số bài học lịch sử cũng như chỉ ra những vấn đề đang đặt ra đối với đối ngoại Hà Nội nói riêng và của đất nước nói chung.
Cuốn sách gồm 8 chương với các nội dung: Chương 1 - Thăng Long trong hoạt động đối ngoại của nhà Lý (1009-1225); Chương 2 - Thăng Long trong hoạt động đối ngoại của nhà Trần (1226-1400); Chương 3 - Đông Đô - Đông Quan trong hoạt động đối ngoại thời kháng chiến chống Minh và thời Lê Sơ (1426-1257); Chương 4 - Thăng Long trong hoạt động đối ngoại của nhà Mạc và Lê - Trịnh (1527-1789); Chương 5 - Thăng Long - Hà Nội trong hoạt động đối ngoại thời Tây Sơn và thời Nguyễn (1789-1945); Chương 6 - Các hoạt động đối ngoại tiêu biểu của Hà Nội giai đoạn 1945-2006; Chương 7 - Một số nhận xét về hoạt động đối ngoại qua ngàn năm lịch sử trên đất Thăng Long - Hà Nội; Chương 8 - Bài học lịch sử và một số vấn đề đặt ra.
Công trình có sự tham gia của các chuyên gia Sử học hàng đầu của Trường ĐHKHXH&NV: PGS.TS Phạm Xuân Hằng, PGS.TS Vũ Quang Hiển, cố PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế, PGS.TS Nguyễn Văn Kim, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, PGS.TS Vũ Văn Quân. Cuốn sách được biên soạn trong khuôn khổ chương trình tổng kết chặng đường nghìn năm Thăng Long - Hà Nội.
Cuốn sách được đánh giá là đã khai thác được một số lượng lớn, phong phú, đa dạng các tài liệu liên quan đến đề tài nghiên cứu, bao gồm 184 đầu sách bằng các thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, Hán Nôm cùng nhiều tài liệu lưu trữ… Công trình cũng có phần phụ lục khá phong phú và quan trọng như Bảng thống kê 207 sứ đoàn phong kiến Việt Nam từ năm 954 đến năm 1883; Bảng thống kê tổng cộng 84 sứ đoàn Trung Quốc đến Thăng Long từ năm 1010 đến năm 1841…
Điểm nổi bật của cuốn sách là từ góc nhìn địa văn hoá và địa lịch sử, tập thể các nhà khoa học đã tập trung làm rõ vai trò của Thăng Long - Hà Nội trong việc hội tụ, khởi phát những tư duy, quan điểm, tư tưởng chính trị đối ngoại, nghệ thuật ngoại giao, hình thành và triển khai thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại của đất nước qua các thời kỳ lịch sử khác nhau. Cuốn sách đã lựa chọn và giới thiệu khái quát về thân thế, sự nghiệp của các nhà ngoại giao tiêu biểu trong lịch sử dân tộc - những con người mà tài năng, tâm huyết và sự cống hiến của họ trên lĩnh vực đối ngoại luôn gắn bó mật thiết với những chặng đường phát triển của vùng đất Thăng Long - Hà Nội gần trọng một ngàn năm. Đây thực sự là một trong những niềm tự hào đối với người Hà Nội hôm nay, đồng thời cần thiết phải được ghi nhận như một nguồn nội lực nhân văn quan trọng của thủ đô cần khai thác triệt để và quảng bá rộng trong thời kỳ hội nhập vì mục tiêu phát triển.
Chương 7 và 8 của công trình được đánh giá là những phần có ý nghĩa khoa học và chính trị thực tiễn sâu sắc. Các tác giả đã đưa ra những nhận xét, đánh giá mang khách quan và toàn diện về hoạt động đối ngoại qua một ngàn năm lịch sử trên đất Thăng Long - Hà Nôi; chỉ rõ tính sáng tạo, tính nhân văn trong lựa chọn phương cách ứng xử ngoại giao của dân tộc. Phương cách đó đã và đang ngày càng hoàn thiện, vươn tới tầm nghệ thuật xử lý các vấn đề bang giao với bên ngoài trước những bối cảnh và tình huống phức tạp đặt ra ở mỗi thời kỳ lịch sử.
Theo PGS.TS Trịnh Vương Hồng (Viện lịch sử quân sự Việt Nam), đây là công trình tổng kết lịch sử mang tính chất nghiên cứu cơ bản, đồng thời còn mang tính chất một công trình nghiên cứu ứng dụng. Chỉ với nửa ngàn trang sách, tập thể tác giả đã phác hoạ lịch sử đối ngoại của cả một dân tộc suốt 1000 năm. Trong đó, người đọc bị cuốn hút bởi những sự kiện đối ngoại/xử lý/ứng xử đặc sắc và sâu sắc. Đóng góp quan trọng nhất và cũng là kết tinh sức lao động của tập thể tác giả là ở chương 7 và 8. Tác giả xác định vai trò của Thăng Long trong xác lập các nguyên tắc ứng xử với phong kiến Trung Quốc; vai trò của ngoại giao trong góp phần vào thắng lợi của các cuộc kháng chiến…
PGS.TS Phạm Quang Minh (Trường ĐHKHXH&NV) thì nhận xét: Hệ thống các bài học lịch sử trong hoạt động đối ngoại ngàn năm trên đất Thăng Long - Hà Nội được các tác giả tổng kết trên bốn phương diện: mục tiêu tổng quát, nguyên tắc tổng quát, phương pháp tổng quát, các giải pháp tổng quát. Những kết quả này có giá trị tham khảo hữu ích cả về lý luận và thực tiễn đối với công tác đối ngoại hiện nay của Thủ đô. Đặc biệt, đề xuất về việc quan tâm phát triển môi trường văn hoá đối ngoại có ý nghĩa hết sức quan trọng và cần thiết phải được đặt lên vị trí ưu tiên hàng đầu trong định hướng chiến lược phát triển hoạt động đối ngoại của Thủ đô cũng như của cả nước hiện nay.
Công trình giúp người đọc có được những hiểu biết cơ bản, có hệ thống về bức tranh hoạt động đối ngoại trên đất Thăng Long - Hà Nội và những con người có đóng góp quan trọng làm nên trí tuệ, bản lĩnh ngoại giao Việt Nam. Thông qua các nhận định, đánh giá của các tác giả về đặc điểm hoạt động đối ngoại và các bài học lịch sử nêu ra, cuốn sách làm rõ vị thế, tầm vóc đối ngoại của Thủ đô trong chiều dài lịch sử, với tư cách kinh đô, thủ đô nước Việt. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, vùng đất kinh đô của nhà Lý, Trần, Lê … và là Thủ đô của cả nước sau cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đây cũng là nơi ghi dấu biết bao sự kiện ngoại giao, đối ngoại của dân tộc, khẳng định ví trị trung tâm và là trái tim của cả nước.
Tác giả: Thanh Hà (tổng hợp)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn