Tin tức

CLAUDE BLANCHEMAISON – Người bắc nhịp cầu cho mối quan hệ Pháp-Việt Nam

Thứ hai - 04/07/2016 02:13
Vị đại sứ có cái tên rất “ngộ”: Nhà Trắng (tiếng Pháp: Blanchemaison có nghĩa là Nhà Trắng). Bước vào tuổi 65, ông vẫn giữ được sự trẻ trung, nhanh nhẹn vốn có của mình. Có lẽ cái nghề ngoại giao đã tạo được cho ông phong cách đặc biệt ấy. Tại Hội trường L’Éspace, đêm 29 tháng 6 vừa qua, cùng ngồi “diễn đàn” với chuyên gia quan hệ quốc tế, hiện là Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐHQGHN, PGS.TS Phạm Quang Minh, hai nhà ngoại giao đã nhắc lại những câu chuyện thật sự thú vị của hơn hai thập kỉ trước: thời kì Việt Nam chỉ mới bắt đầu con đường đổi mới, còn đầy rẫy những khó khăn đã vươn lên hội nhập với quốc tế như thế nào?...
CLAUDE BLANCHEMAISON – Người bắc nhịp cầu cho mối quan hệ Pháp-Việt Nam
CLAUDE BLANCHEMAISON – Người bắc nhịp cầu cho mối quan hệ Pháp-Việt Nam

Ông nói một cách say sưa. Thời gian sắp xếp để ông giới thiệu cuốn sách vừa ra mắt của mình với số đông cử tọa cả Pháp và Việt, do Trung tâm L’Éspace ấn định chỉ được gói gọn trong 40 phút, nhưng phần trình bày của ông kéo dài cả hơn tiếng đồng hồ. Vậy mà cả hội trường L’Éspace đều lặng im phăng phắc. Ban đầu, tôi có phần băn khoăn: tình yêu nào đã tạo động lực để một người nước ngoài tuổi ngoại lục tuần, lại đã xa Việt Nam hơn 20 năm, khi kể lại những kí ức của mình về đất nước ấy, vẫn giữ được sự  nhiệt tình, đắm say đến như vậy? Nhưng rồi sau khi nghe những điều ông tâm sự, đặc biệt, khi có dịp đọc kĩ cuốn hồi kí Những năm tháng làm đại sứ tại Việt Nam của ông do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Hà Nội ấn hành tháng 3 năm 2016, tôi đã dần dà ngộ ra: đúng là, phải có một tình yêu mãnh liệt đến thế nào với con người và đất nước Việt Nam, Claude Blanchemaison mới nói bằng những tình cảm tốt đẹp đến như thế.

Thế hệ của tôi, một số người Việt Nam từ cách đây hơn 20 năm, vào lúc đất nước còn rất nhiều khó khăn (thập niên 90), vẫn còn nhớ vị Đại sứ Pháp có cái tên rất “ngộ”: ngài Đại sứ Nhà Trắng. Biết qua vậy thôi, chứ nói rằng hiểu được tâm tư và việc làm của một vị chính khách nước ngoài, đặc biệt vị khách ấy lại đến từ nước Pháp, trước đó đã có ít nhiều “sứt mẻ” trong quan hệ với Việt Nam, thì càng khó khăn hơn. Trong 2 tiếng rưỡi đồng hồ nghe ông tâm tình, và đọc cuốn sách ông vừa giới thiệu, không ít cử tọa buổi thuyết trình hôm đó đều tấm tắc: Làm sao có một vị đại sứ nước ngoài yêu Việt Nam đến như thế nhỉ?

Thực ra Claude Blanchemaison không khoe khoang “công trạng” của mình trong buổi thuyết trình, cũng như trong cuốn sách ông viết. Những điều ông nói và viết ra đều hết sức giản dị và chân thành. Blanchemaison chính thức đến Hà Nội vào mùa xuân năm 1989, thời điểm Việt Nam còn bị cấm vận, kinh tế vô cùng khó khăn, một số quốc gia bạn bè thì “làm ngơ” lạnh lùng, thậm chí có kẻ còn quay lưng “thù địch”, Pháp lúc ấy là một trong những nước hiếm hoi “phá rào” bắt tay với Việt Nam. Quả những năm giữ nhiệm kì đại sứ Pháp tại Việt Nam, Blanchemaison không hình dung hết sự “phức tạp” ở nơi đất nước mình đến. Ông kể, ngay năm đầu tiên nhiệm kì đại sứ của mình, cũng đúng dịp nước Pháp tổ chức long trọng Lễ kỉ niệm 200 năm Cách mạng 1789, vị Tân Đại sứ đã vượt qua mọi khó khăn, tổ chức đón tiếp những người bạn Việt Nam và quốc tế trong khoảng không không mấy rộng rãi của Sứ quán Pháp tại 57 phố Trần Hưng Đạo, vẫn thịnh tình, chu đáo đúng với phong cách vốn có của người Pháp. Còn bản thân tôi, tôi vẫn nhớ, cùng một số đồng nghiệp trường Đại học Tổng hợp lúc đó tham dự buổi lễ, đã được thưởng thức những li rượu vang chính hiệu Pháp đựng trong thùng gỗ, mà ông đại sứ kể trong cuốn hồi kí của mình, đã cất công đặt mua từ tận Tourraine, quê hương ông. Ông kể lại những ngày đầu đến Hà Nội, mặc dù đã xác định những khó khăn trước đó, vị đại sứ  vẫn “vô cùng lo lắng. Tôi mới đến Hà Nội được ít ngày, với chỉ thị chung là tạo điều kiện để hai nước Pháp Việt xích lại gần nhau hơn”.

Hơn 20 năm sau, kể từ ngày đầu tiên đặt chân đến Việt Nam, Claude Blanchemaison có tới hai cuốn sách viết về Việt Nam. Cuốn thứ nhất ông viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Phải đến cuốn thứ hai này, ông mới dành trọn ven tình cảm của mình cho con người và đất nước Việt Nam mà ông vô cùng mến yêu. Cuốn sách chỉ dài chưa đến 160 trang. Một vị cử tọa tuổi đã cao (chắc từng làm việc cùng thời, khi Blanchemaison là đại sứ) than phiền, “ông có phần thất vọng vì nghĩ nó phải dày gấp 4, 5 lần như thế”. Nhưng đồng diễn giả Phạm Quang Minh lại khẳng định rằng, cuốn sách tuy mỏng nhưng có sức nặng của cả một sự nghiệp của vị đại sứ kia. Ông giải thích, dù chỉ là kí ức của một nhiệm kì 4 năm, nhưng Blanchemaison lại bắt đầu cương vị đại sứ của mình vào thời điểm khó khăn nhất. Lúc đó Việt Nam chỉ mới trải qua thời kì đổi mới chừng 3, 4 năm, khó khăn chất chồng, lại biết bao biến cố xảy ra: chiến tranh vùng Vịnh, sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa, trong đó có nước đứng đầu là Liên Xô, sự phản bội của người bạn lớn quốc gia láng giềng, Việt Nam bị thế giới bao vây, cấm vận. Khó khăn đến mức, Claude Blanchemaison kể một chi tiết rất thú vị, ngay tại Sứ quán, chiếc máy điện thoại dùng để liên lạc chỉ là máy quay tay, luôn phải có một người trực máy, chứ không hiện đại như bây giờ. Dù là Đại sứ của một quốc gia phương Tây không còn nghèo, nhưng ông đại sứ vẫn không thể làm được gì khác.

Những năm tháng làm Đại sứ tại Việt Nam tập hợp 23 câu chuyện thú vị và cảm động mà vị đại sứ “Nhà Trắng” không chỉ trải nghiệm trong 4 năm làm đại sứ của mình. Đúng hơn, ngoài 4 năm chính thức ở Việt Nam, Claude Blanchemaison còn có đôi ba lần trở lại Việt Nam. Và còn nữa, phải có tới hơn 20 năm từ xa nhìn lại, và một tấm lòng yêu Việt Nam đến đắm đuối, một người Pháp như ông mới thổ lộ, bày tỏ những tình cảm tốt đẹp về mảnh đất mình ở đến như thế. Những ai là người có may mắn dự buổi tọa đàm của ông với PGS.TS Phạm Quang Minh tại L’Éspace đêm 29 tháng 6 chắc đã hiểu hết được “tấm lòng thật” và cả sự say mê công việc của Blanchemaison những năm tháng này. Trong những hồi ức do chính người trong cuộc kể lại, tôi biết những câu chuyện được viết ra và kể lại của ông hoàn toàn có đủ độ tin cậy. Đó là những suy nghĩ thật. lòng. Blanchemaison tiết lộ rằng, hồi đầu, khi chỉ mới lóe lên ý định sẽ đến Việt Nam, ông biết đất nước này chưa nhiều, không ít người can ngăn, thế nhưng ông vẫn quyết đến. Ông giải thích quyết định mà lúc đó có người cho là “ngông cuồng” của mình hết sức dung dị: “Và lựa chọn ấy cũng khá logic trong lộ trình thích khám phá châu Á của tôi, bởi hai năm trước tôi đã được bổ nhiệm là Phó Giám đốc Ban Cận Đông trước sự ngạc nhiên của hầu hết các đồng nghiệp, và sự lựa chọn cổ điển đã được quyết định. Tôi sẽ ra đi, và điểm đến sẽ là Việt Nam”.

Sự lựa chọn ấy về sau này ông mới khẳng định được là hoàn toàn đúng đắn. Ở thời điểm 1989, Blanchemaison tuy không hẳn còn trẻ, những chắc chắn ông chưa già: 45 tuổi, tuy không hẳn là 20, nhưng một tâm hồn của người yêu một chút phiêu lưu, mạo hiểm (của những người làm ngoại giao), thích “quay cuồng trong giông bão” cũng là điều dễ hiểu.. Blanchemaison kể lại, ngày đầu tiên đến Hà Nội, transit từ Băng Cốc bằng chiếc Tupolev (một loại máy bay rất cũ kỹ do Liên Xô chế tạo) của Việt Nam Airlines, trước đó, dự bữa tiệc “chém hụt miệng chai champagne của ông bạn đại sứ Pháp tại đây, trong lòng ông không khỏi đôi chút bồi hồi. Phải chăng đó là “một điềm xấu”?

Nhưng không phải thế. Đến Hà Nội, khi bắt tay vào công việc với cương vị đại sứ, “một núi những điều cần lo” đã không còn thời gian để ông lo nghĩ ngoài việc nhiệm sở nữa. Ông kể tòa Đại sứ Pháp ngày ấy và bây giờ vốn được tận dụng từ một cơ sở cũ rất kém tiện nghi, thiếu thốn và bất cập đủ thứ. Ngay đến đầu năm 1989, thủ đô Hà Nội vẫn còn hết sức khó khăn. Muốn mua bán cái gì, một số đại sứ nước ngoài ở Hà Nội phải sang tận Băng Cốc. “Trên phố rất ít xe hơi, không có taxi, nhiều xích lô và hàng ngàn xe đạp”, “điện thì bị cúp thường xuyên, ngay cả với các Đại Sứ quán”. Người dân Hà Nội đã quen sống kham khổ lâu rồi. “Ba mươi năm chiến tranh đã khiến cho cả một đất nước kiệt quệ”. Nhưng vị đại sứ dù đã quen được làm việc trong đầy đủ tiện nghi không hề nao núng. Ông đã đôn đáo khắp nơi, làm đủ mọi cách, thậm chí còn “dàn dựng” được cả một đoàn thanh tra từ chính quốc sang. Nhờ vậy, khuôn viên Đại sứ quán đã được trang bị những vật dụng thiết yếu phục vụ cho công việc. Nhưng điều quan trọng nhất, cũng theo Claude Blanchemaison kể lại, chính những con người Việt Nam đã cho ông niềm tin và sự hứng khởi trong công việc. Người đầu tiên ông trân trọng kể lại với tâm trạng đầy phấn khích là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tên tuổi vị đại tướng này ông đã biết đến từ lâu, nhưng phải tận khi đặt chân đến Hà Nội, trong cương vị Đại sứ Pháp, ông mới có may mắn được gặp. Ông kể: “Ngay lập tức, người đàn ông mà tôi gặp đã gây ấn tượng cho tôi bởi thân hình nhỏ bé, ánh mắt linh hoạt, vầng trán rộng nổi bật dưới một mái tóc trắng phau – núi lửa dưới tuyết đấy, các nhà báo nói thế”. Trong nhiệm kì 4 năm của mình, Claude Blanchemaison, chứng kiến không phải chỉ một lần vị Đại Tướng anh hùng kia, vào dịp nước Pháp kỉ niệm 200 năm Cách mạng Pháp, mà lần lượt các năm sau đó, có lẽ vì quá yêu đất nước của Victor Hugo, vị Đại tướng ấy đều đến nơi đây mỗi dịp Quốc khánh 14 tháng 7. Ông trò chuyện thân tình với vị Tân Đại sứ và tất cả mọi người. Thậm chí có lần còn ngỏ ý mượn những cuốn sách tiếng Pháp mà ông thích đem về nhà đọc. Sự ngưỡng mộ vị anh hùng của đất nước Việt Nam đã tiếp thêm ngọn lửa nhiệt thành trong vị đại sứ Pháp ở thời điểm khi ông chỉ mới ngoài tuổi 40. Có lẽ vì thế mà ông bắt đầu yêu Việt Nam và muốn làm được điều gì đấy giúp đỡ đất nước nhỏ bé đã từng chịu nhiều nỗi đau mất mát của chiến tranh do các nước lớn gây ra.

Đúng như thế! Trong 23 câu chuyện của cuốn hồi kí Những năm tháng làm Đại sứ tại Việt Nam, Claude Blanchemaison còn kế lại nhiều câu chuyện xúc động khác, mà chỉ trong một bài viết nhỏ, tôi khó lòng kể hết ra đây. Chẳng hạn, câu chuyện nối kết của ông với những chính khách Pháp để giúp mối quan hệ Việt Pháp xích lại gần nhau; chuyện trong nhiệm kì 4 năm của ông, có tới 3 đoàn làm phim Pháp sang Việt Nam thực hiện những bộ phim giúp mọi người cùng có dịp nhìn lại những năm tháng lịch sử quan hệ Pháp Việt (3 bộ phim Đông Dương, Điện Biên PhủNgười tình của điện ảnh Pháp đã được hoàn thành trong thời gian này). Đặc biệt nhất, có lẽ phải nhắc đến  chuyến viếng thăm lần đầu tiên của một chính khách phương Tây, Tổng thống Francoise Mittérant, đến Việt Nam, vào năm cuối nhiệm kì của Blanchemaison, đầu tháng 2 năm 1993. Chuyến đi quan trọng này cũng sẽ dẫn đến hệ quả lần đầu tiên Việt Nam được vinh dự đăng cai tổ chức Hội nghị Quốc tế francophonie vào năm 1997 với 75 nguyên thủ quốc gia nước ngoài tham dự, nâng tầm quốc tế của đất nước, sau một thời kì bị cấm vận và phong tỏa…

Quang cảnh khán phòng

Và còn rất nhiều những câu chuyện khác, mà ấn tượng nhất là câu chuyện “Đất nước sinh ra những người phụ nữ tuyệt vời”, trong đó tác giả đã nhắc đến những nữ anh hùng trong lịch sử Việt Nam (Bà Trưng, bà Triệu). Nói đến đây, PGS. TS Phạm Quang Minh hóm hỉnh so sánh nước Pháp “vĩ đại thế” mà chỉ có duy nhất một nữ anh hùng là Jean d’Arc,  trong khi Việt Nam có tới “Hai bà Trưng”. Và còn nữa, vị Phó chủ tịch nước Việt Nam trong nhiệm kì đại sứ  của Blanchemaison, bà Nguyễn Thị Bình, người có thể nói và nghe tiếng Pháp một cách điêu luyện, mà ông từng hết lòng thán phục; rồi những người phụ nữ yểu điệu thướt tha trong các tà áo dài mà Blanchemaison có dịp gặp gỡ và tiếp xúc trong nhiều năm qua…, khiến PGS.TS Minh đã phải đặt câu hỏi: nguyên nhân sâu xa nào khiến ông Đại sứ Pháp “yêu quý người phụ nữ Việt Nam đến như thế?”.

Thật tiếc thời gian một buổi tối tại L’Éspace không đủ đài, để vị đại sứ được bộc bạch hết tâm sự của mình về đất nước và những con người Việt Nam ông có dịp gặp gỡ và tiếp xúc trong suốt những năm tháng qua. Cuối buổi tọa đàm, cũng có vị cử tọa lớn tuổi đặt một câu hỏi “tế nhị” rằng, phải chăng vì là một nhà ngoại giao, sự “tinh tế” đã khiến vị đại sứ không nói hết mọi điều, chỉ giữ lại những gì đẹp đẽ về đất nước và con người Việt Nam trong cuốn sách. Ông Đại sứ không trả lời trực tiếp câu hỏi này, nhưng bản thân tôi thầm nghĩ: cuộc sống bao giờ chả thế, khi yêu và thật lòng yêu, người ta chỉ biết nhìn thấy những điều tốt đẹp. Âu đó cũng là một lẽ thường tình. Nhưng nếu đọc nốt những dòng cuối cùng của Claude Blanchemaison trong phần kết cuốn hồi kí, tôi nghĩ đôi điều “ngờ vực” kia sẽ không còn lí do tồn tại. Quả là Claude Blanchemaison yêu Việt Nam thật lòng. Ông khẳng định:

“Để khép lại cuốn sách của mình, tôi muốn được thổ lộ với các bạn đọc những lí do đã khiến tôi yêu sâu sắc đất nước Việt Nam.

Trước tiên, tôi kính cẩn nghiêng mình trước lòng dũng cảm mà dân tộc Việt Nam đã chứng tỏ trong suốt chiều dài lịch sử của mình, cho dù những trang sử ấy là đau đớn hay vinh quang. Và có chút đặc biệt hơn khi nghĩ đến tất cả những người phụ nữ của đất nước này, trong những tao loạn, binh biến của chiến tranh cũng như trong sự phát triển của thời bình, họ đều đã biết cách chứng tỏ thế mạnh đáng ngưỡng mộ của mình.

Kế đến, tôi muốn tỏ lòng kính trọng trước nền văn hóa sâu rộng của đất nước này, họ đã biết liên kết sự phát triển danh tính riêng với rất nhiều sự trợ giúp từ bên ngoài, đem đến sự hiện đại và phát triển kinh tế. Điều đó được kiểm chứng qua nền văn học, cũng như trong nghệ thuật sân khấu, âm nhạc hay điện ảnh.

Tôi cũng muốn bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình trước tính thông thái, sự dí dỏm của người Việt, mà tính hài hước và sự phê phán đã đem lại tiếng cười cho họ cũng như cho tôi và những người bạn của tôi qua mỗi câu chuyện.

Cũng bởi vì những di sản phong phú và ẩm thực nữa. Đương nhiên cũng vì sức mạnh quyến rũ của phong cảnh, không gian thơ mộng của những vùng nông thôn cũng như thành phố.

Nhưng trong những lí do mà tôi nêu trên, tôi xin thú nhận một điều với các bạn đọc của tôi, mà những người biết tôi có thể sẽ khẳng định điều này. Tôi thực sự say mê trí thông minh, vẻ đẹp và sự nhạy cảm của phụ nữ Việt Nam.”  

Tác giả: Trần Hinh, Ảnh: Trần Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây