Nhiệm vụ xây dựng và phát triển các ngành đào tạo bậc đại học, chuyên ngành đào tạo bậc sau đại học đạt trình độ quốc tế được xác định là một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển của ĐHQGHN đến năm 2010 và tầm nhìn 2020. Trong đó, ngành Ngôn ngữ học - một trong số 8 ngành, chuyên ngành được lựa chọn để xây dựng đạt chuẩn quốc tế - đã triển khai đào tạo được 2 năm tại Trường ĐHKHXH&NV. PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Phó Hiệu trưởng Nhà trường - trả lời phỏng vấn về tình hình thực hiện nhiệm vụ đào tạo này.
- Thưa PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, thầy đánh giá thế nào về chất lượng của sinh viên ngành Ngôn ngữ học đạt trình độ quốc tế sau 2 năm đào tạo?
-
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn: Phải nói ngay rằng, đề án đào tạo ngành Ngôn ngữ học đạt trình độ quốc tế mới bắt đầu từ năm 2008, đến nay mới được 2 năm. Hai khoá có 71 sinh viên. Khoá đầu tiên mới học được 3 học kì, khoá thứ 2 mới học được 1 học kì và vẫn đang trong giai đoạn chủ yếu học các môn chung. Trong một thời gian ngắn như vậy thì việc đánh giá chất lượng của sinh viên là rất khó. Thông thường thì chỉ có thể đánh giá chất lượng sản phẩm đào tạo khi đã có ít nhất một khoá học kết thúc. Nhưng sơ bộ, căn cứ vào kết quả các môn chung và môn ngoại ngữ, có thể thấy rằng kết quả là khả quan. Rõ ràng là khi sinh viên đã được định hướng học tập ngay từ đầu, trải qua quá trình đánh giá, kiểm tra khắt khe thì các em đã phải tự vận động, nỗ lực rất nhiều để tự vươn lên hoàn thành các nhiệm vụ học tập, đặc biệt là phải chuẩn bị năng lực ngoại ngữ để nghe và hiểu giáo viên dạy bằng tiếng Anh. Theo kết quả thi môn ngoại ngữ vừa rồi, có nhiều em đạt điểm tốt. Như vậy, điều nhìn thấy rõ nhất là tính chủ động học tập, hay là thái độ học tập của sinh viên đã tích cực hơn nhiều.
- Xin PGS cho biết những kết quả cụ thể mà Nhà trường đã làm được khi triển khai chương trình đào tạo này?
-
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn: Trường ĐHKHXH&NV thật sự đã có những nỗ lực trong việc triển khai đào tạo ngành học này, thể hiện ở một số mặt sau:
Thứ nhất, Nhà trường đã thiết kế được một chương trình đào tạo trên cơ sở chương trình đào tạo đang được triển khai tại Khoa Ngôn ngữ học và có sửa đổi, tham khảo thêm các chương trình đào tạo tiên tiến trên thế giới, đưa vào đó các nội dung mới để phù hợp và tiếp cận được với các chương trình đào tạo ngôn ngữ học đang được triển khai trên thế giới hiện nay.
Thứ hai, Nhà trường đã có những chuẩn bị tích cực về mặt đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy chương trình này. Ngay cả đối với những người không giảng dạy bằng tiếng Anh, mà chỉ giảng dạy bằng tiếng Việt, đều phải có học vị từ tiến sĩ trở lên. Đứng trước yêu cầu phải giảng dạy bằng tiếng Anh, đội ngũ giảng viên của trường phải tìm mọi cách học tập để tự nâng cao trình độ chuyên môn và ngoại ngữ để có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao. Hoàn cảnh ấy đặt ra cả những thách thức và cơ hội cho chính các thầy cô. Đây cũng chính là một cú hích quan trọng trong chiến lược xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ của nhà trường.
Đề án 16+23 yêu cầu nhà trường phải có kế hoạch gửi cán bộ đi học tập, nâng cao chuyên môn và ngoại ngữ tại nước ngoài, mà phải tại các trường đại học thuộc top 200 trên thế giới. Đến thời điểm này, Nhà trường đã và đang ráo riết chuẩn bị, liên hệ với các đối tác chủ yếu là các trường đại học của Hoa Kì như Havard, Berkerly, Los Angeles... để đưa cán bộ đi học trong từ 3 đến 6 tháng. Việc này có thể được thực hiện vào cuối 2010, đầu 2011.
Thứ ba, về cơ sở vật chất, Trường đã xây dựng hệ thống phòng học chất lượng cao với nhiều trang bị hiện đại để phục vụ đào tạo. Hệ thống tư liệu cũng đã được chuẩn bị tốt với nhiều tài liệu tiếng Anh, hiện tại đã lập được một kho tư liệu riêng phục vụ chương trình đào tạo này.
Thứ tư, Nhà trường chú trọng thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, điều chỉnh đề cương môn học, giáo trình bài giảng. Các giáo viên khi được mời giảng dạy các môn học thuộc chương trình này phải tự điều chỉnh lại nội dung giảng dạy hiện có để có thể cập nhật về mặt tri thức, đổi mới về mặt phương pháp, mở rộng nguồn tư liệu để có thể đáp ứng yêu cầu đào tạo cao hơn.
Thứ năm, Nhà trường đã và đang làm tốt việc mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế làm cơ sở cho việc thu hút, mời được các giáo sư giỏi của nước ngoài sang giảng dạy, chuẩn bị gửi giáo viên đi học tập nâng cao trình độ, gửi sinh viên đi thực tập tiếng tại nước ngoài. Bắt đầu từ học kì này, sẽ có các chuyên gia nước ngoài đến dạy, dự kiến mỗi học kì sẽ có ít nhất 1-2 chuyên gia nước ngoài đến dạy cho sinh viên.
- Vậy đâu là những khó khăn lớn nhất mà Nhà trường gặp phải khi thực hiện chương trình đào tạo này?
-
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn: Đề án này là nhiệm vụ mới và có tầm chiến lược cao hơn tất cả các đề án đã có trước đây ở ĐHQGHN, nhưng đi kèm theo đó là những khó khăn ngay từ khi được phê duyệt cho đến khi được vận hành trong thực tế. Trường ĐHKHXH&NV hiện gặp một số khó khăn sau:
Thứ nhất, ĐHQGHN đặt ra những chuẩn chung cho tất cả các chương trình đào tạo thuộc đề án 16+23, trong đó có chuẩn chung về mặt ngoại ngữ với thời lượng học môn ngoại ngữ giống nhau. Nhưng có thực tế là đầu vào tuyển sinh của ngành Ngôn ngữ học đạt trình độ quốc tế chủ yếu thuộc khối C, chắc chắn nền tảng ngoại ngữ không bằng đầu vào tuyển sinh các ngành khác cùng thuộc đề án 16+23. Như vậy sẽ khó cho các sinh viên ngành Ngôn ngữ học đạt trình độ quốc tế khi cùng học với thời lượng ngoại ngữ như nhau, phải đạt chuẩn giống nhau những xuất phát điểm lại thấp hơn.
Thứ hai, việc giảng dạy ngoại ngữ và mời chuyên gia nước ngoài dạy ngoại ngữ hiện Trường không chủ động được. Việc tổ chức cho sinh viên tham gia các khoá học mùa hè thực tập tiếng ở nước ngoài là một yêu cầu có trong thiết kế ban đầu của đề án, nhưng chắc chắn trong thực tế triển khai sẽ có nhiều khó khăn do nhiều yếu tố.
Thứ ba, trong chương trình học có quy định rõ các môn học phải dạy bằng tiếng Anh nhưng nhiều môn học liên quan đến Việt ngữ học phải được dạy bằng tiếng Anh, thì điều đó liệu đã hoàn toàn hợp lí hay chưa? Chủ trương nâng cao trình độ tiếng Anh như một công cụ để tiếp thu, nghe hiểu được các bài giảng bằng tiếng Anh, tham gia các hội thảo nói tiếng Anh là đúng nhưng trong một số trường hợp cụ thể thì không phải là mục tiêu tiên quyết. Nhất là khi đề án chú trọng thu hút sinh viên nước ngoài đến học, khi học các môn nghiên cứu về tiếng Việt lại dạy bằng tiếng Anh thì tôi thấy điều đó là chưa khoa học. Bản thân tiếng Anh trong hoàn cảnh này cũng sẽ trở nên bất lực. Rõ ràng là ngoại ngữ là quan trọng nhưng trong những điều kiện cụ thể thì nó không phải là tiên quyết.
- Vậy Nhà trường có những đề xuất cụ thể gì với ĐHQGHN để việc thực hiện chương trình đào tạo này đạt kết quả mong muốn?
-
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn: Những điều trên cũng chính là những đề xuất của Trường ĐHKHXH&NV đối với ĐHQGHN. Một là tăng thêm thời lượng học ngoại ngữ cho sinh viên ngành Ngôn ngữ học đạt trình độ quốc tế; hai là điều chỉnh lại yêu cầu dạy bằng tiếng Anh đối với các ngành liên quan đến Việt ngữ học; ba là nên có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng hơn giữa các đơn vị trong ĐHQGHN trong việc thực hiện mục tiêu đào tạo chung.
- Vậy với những việc đã làm được, Nhà trường kì vọng như thế nào vào chất lượng đầu ra?
-
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn: Đương nhiên một quy trình đào tạo mà đầu vào tuyển sinh với một chất lượng cao hơn; có đầu tư ngân sách tốt; đầu tư về đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất và giáo trình bài giảng tốt hơn; sinh viên được học tập với một tâm thế khác, tích cực và nỗ lực hơn thì chắc chắn chất lượng đào tạo phải được cải thiện. Song đã đạt ngay đến chuẩn mà chúng ta mong muốn hay chưa thì đó là một câu chuyện dài và cần phải có sự cố gắng không ngừng.
- PGS đánh giá thế nào vể ảnh hưởng của chương trình đào tạo này với việc việc nâng cao chất lượng đào tạo trong trường nói chung? Sau ngành Ngôn ngữ học thì Nhà trường có kế hoạch tiếp tục phát triển thêm các chuyên ngành đào tạo đại học đạt trình độ quốc tế không?
-
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn: Với những mục tiêu đầu tư mạnh ở tất cả các khâu giáo trình, bài giảng, đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất... thì việc thực hiện các chương trình đào tạo thuộc Đề án 16+23 chắc chắn sẽ là một bước quan trọng, một hướng đi để nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường. Về phía Nhà trường cũng rất ủng hộ chủ trương trên của ĐHQGHN và hiện đang có kế hoạch xây dựng một số đề án phát triển các ngành đào tạo đạt trình độ quốc tế khác để trình ĐHQGHN.