Tin tức

Cơ hội luôn dành cho tất cả mọi người!

Thứ sáu - 26/03/2010 13:05
Sao tháng Giêng năm học 2009 - 2010 của Trường ĐHKHXH&NV là Đào Hải Phương, sinh viên K51 Khoa Báo chí và Truyền thông. Không chỉ học giỏi, có bề dày thành tích trong hoạt động Đoàn và Hội, Đào Hải Phương còn được các thầy cô và bạn bè nhìn nhận là một người "đa-zi-năng" trong công việc, rất cầu tiến và sẵn sàng thử sức trong những lĩnh vực mà mình quan tâm. Đầu năm 2010, Hải Phương là một trong hai đại diện của sinh viên ĐHQGHN tham dự sự kiện “Đối thoại ủng hộ hợp tác giáo dục Đông Nam Á lần thứ nhất” tại Thái Lan và Diễn đàn “Để Việt Nam cất cánh” trong Festival sinh viên thủ đô. Hãy nghe bạn chia sẻ những bí quyết và dự định của mình.
Cơ hội luôn dành cho tất cả mọi người!
Cơ hội luôn dành cho tất cả mọi người!
Sao tháng Giêng năm học 2009 - 2010 của Trường ĐHKHXH&NV là Đào Hải Phương, sinh viên K51 Khoa Báo chí và Truyền thông. Không chỉ học giỏi, có bề dày thành tích trong hoạt động Đoàn và Hội, Đào Hải Phương còn được các thầy cô và bạn bè nhìn nhận là một người "đa-zi-năng" trong công việc, rất cầu tiến và sẵn sàng thử sức trong những lĩnh vực mà mình quan tâm. Đầu năm 2010, Hải Phương là một trong hai đại diện của sinh viên ĐHQGHN tham dự sự kiện “Đối thoại ủng hộ hợp tác giáo dục Đông Nam Á lần thứ nhất” tại Thái Lan và Diễn đàn “Để Việt Nam cất cánh” trong Festival sinh viên thủ đô. Hãy nghe bạn chia sẻ những bí quyết và dự định của mình. - Chào Hải Phương, danh hiệu Sao tháng Giêng vừa nhận được có ý nghĩa thế nào với bạn? Mình thực sự cảm thấy vinh dự và hạnh phúc khi là một trong số 247 bạn sinh viên trên cả nước được nhận danh hiệu này. Có lẽ đây là danh hiệu “to” nhất mình nhận được từ trước đến giờ (cười) và mình cũng khá bất ngờ khi được thông báo nhận danh hiệu này từ Đoàn TN Trường. Đây là kết quả của những cố gắng và nỗ lực của mình trong suốt thời gian vừa qua đồng thời cũng là động lực để mình tiếp tục phấn đấu nhiều hơn. - Hãy bắt đầu từ ngành học của bạn nhé, tại sao bạn lại thích nghề Báo? Bố mình là một nhà báo, chính vì thế mà từ nhỏ mình đã được tiếp cận với công việc thú vị này khi được bố cho mày mò camera, thậm chí đi làm cùng. Mặt khác, quá trình tham gia vào các hoạt động tập thể đã khiến mình thích những công việc năng động, luôn thay đổi và mới mẻ mỗi ngày. Lúc ấy thì mình cũng chưa thể biết nghề báo có thực sự phù hợp với mình không, chỉ biết rằng mình có một suy nghĩ rất rõ ràng là muốn thi vào ngành báo chí. Chính vì thế, mình đã không ngần ngại chọn thi vào Khoa Báo chí và Truyền thông của Trường ĐHKHXH&NV, trở thành thành viên thứ… tư trong gia đình là sinh viên của ngôi trường này (bố - Khoa Văn Trường Tổng hợp, chị gái – K46 Quốc tế học, anh rể - K46 Du lịch học, và mình). Đến giờ, mình vẫn thấy đó là một quyết định hoàn toàn đúng đắn. Nếu không thi vào ngành báo chí thì lựa chọn thứ hai lúc đó của mình là Thiết kế thời trang. [img class="caption" src="images/stories/2010/01/13/seu1.jpg" border="0" width="580"/>
- Việc học tập chiếm bao nhiêu quỹ thời gian hàng ngày của bạn? Bạn có bí quyết học tập gì? Mình không có một quỹ thời gian nhất định cho việc học, đối với mình mọi thứ luôn luôn cần sự linh hoạt và mình có thể học bất cứ lúc nào, ở đâu. Bởi ngành mình học khá đặc trưng và nguồn tài liệu duy nhất không chỉ có trong sách vở mà còn phải học từ thực tế rất nhiều. Cũng như PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái luôn nhắc nhở sinh viên Khoa Báo rằng: “Nghề báo là nghề có thể học được, còn dạy thì không”. Mỗi người sẽ có một cách “học” riêng cho mình và việc học cũng không giới hạn trong một khối lượng kiến thức nhất định nào. Thời kì đầu, khi học các môn đại cương thì mình khá chăm chỉ làm đề cương và thấy đó là phương pháp rất tốt để tiếp thu kiến thức mà không cần ngồi học thuộc. Nhưng với các môn chuyên ngành thì như vậy là chưa đủ, phải học từ thực tế, từ từng tờ báo, nguồn tin tức hằng ngày và rất nhiều yếu tố khác. Khoa Báo chí và Truyền thông của Trường ĐHKHXH&NV không phân chia thành các chuyên ngành riêng biệt nên đòi hỏi sinh viên phải có đầy đủ các kĩ năng để có thể tác nghiệp ở mọi loại hình báo chí. Điều này vừa tạo nhiều cơ hội nhưng đồng thời cũng là áp lực đối với sinh viên. Theo mình thì đây là một cơ hội tốt vì mình muốn thử sức ở mọi lĩnh vực để có thể biết đâu là thế mạnh của mình. - Việc Nhà trường chuyển đổi hình thức đào tạo từ niên chế sang tín chỉ có khiến bạn gặp khó khăn gì trong học tập không và bạn đã khắc phục như thế nào? Hình thức đào tạo tín chỉ là một hình thức khuyến khích sự chủ động của sinh viên và mình nghĩ, sinh viên báo chí có nhiều sự lựa chọn trong môi trường này. Các môn chuyên ngành của bọn mình cũng khá phù hợp với hình thức đào tạo này, ví dụ: Quảng cáo, PR, Phát thanh, Truyền hình, Thực hành báo in…vì khi đó sinh viên phải tác nghiệp thực tế và những giờ trên lớp chỉ là lúc để giảng viên định hướng cũng như trao đổi lí thuyết với sinh viên. Thời gian trên lớp ít đi tuy giúp mình có điều kiện được làm nhiều công việc khác nhưng cũng đòi hỏi mình phải có phương pháp tự học hợp lí bởi lượng kiến thức tiếp thu trên lớp khá khiêm tốn. Hình thức đào tạo tín chỉ mới được áp dụng nên vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc nhưng mình tin rằng, khi đã vận hành trôi chảy thì đây thực sự là một môi trường học tập hấp dẫn và hiệu quả. [img class="caption" src="images/stories/2010/01/13/seu2.jpg" border="0" width="580"/>
- Đã và đang đảm nhận nhiều vị trí trong tổ chức Đoàn Thanh niên và Hội sinh viên Nhà trường cũng như của ĐHQGHN, nhiều người đánh giá bạn là người “tham lam” và quá cầu toàn trong công việc? Hình như nếu không bận rộn thì mình sẽ cảm thấy "buồn chân buồn tay" và thiêu thiếu cái gì đó. Vì thế mà bạn bè cùng phòng hay cùng lớp luôn thắc mắc "không hiểu nó làm gì mà lúc nào cũng hối hả, lúc nào cũng thấy bận". Quả thực là mình cũng khá tham lam khi một lúc kiêm khá nhiều vai trò và vai trò nào cũng muốn làm tốt: học cũng muốn tốt nhất có thể vì là năm cuối, hoạt động Đoàn Hội cái nào cũng muốn nhúng tay vào và lại đi làm bán thời gian nữa. Trong công việc mình cũng hay cầu toàn, vì mình quan niệm “mọi thứ đến tận cùng rồi sẽ ổn, còn nếu chưa ổn thì đó chưa phải là tận cùng” nên mọi thứ đều có thể giải quyết được. Tuy nhiên, đôi lúc cầu toàn quá cũng không tốt. Có thể cũng chính vì thế mà mình có khả năng phát huy bản thân trong nhiều lĩnh vực. Thật sự mình phải cảm ơn rất nhiều những gì mình đã có trong 4 năm học đại học, có lẽ nó sẽ là quãng thời gian nhiều ý nghĩa nhất với mình, là quãng thời gian mình được học hỏi, trưởng thành và có những người bạn tuyệt vời... Trong đó mình đặc biệt muốn cảm ơn các anh chị trong Văn phòng Đoàn, các bạn sinh viên trong BCH cũng như trong Khoa đã luôn sát cánh và ủng hộ mình. - Một trong những mảng hoạt động của Đoàn trường mà bạn đã đảm nhận rất thành công trong năm nừa qua là công tác truyền thông, bạn có thể nói đôi nét về những việc đã làm và những ý tưởng mới trong tương lai? Nếu nói là thành công thì cũng không hẳn, nhưng mình và các bạn trong Ban thư kí Hội sinh viên Trường cũng đã rất nỗ lực trong công tác truyền thông để các hoạt động Đoàn Hội được quảng bá một cách hiệu quả nhất. Khi trở thành UỶ viên BCH Hội sinh viên Trường và sau đó là UỶ viên Ban thư kí Hội sinh viên Trường, do học chuyên ngành Báo chí nên mình thường được giao phụ trách công việc ở mảng này, nghe cũng khá “hoành tráng” nhưng thực tế thì chưa thật sự được như mong muốn. Công việc chính của mình là tuyên truyền quảng bá về các chương trình bằng các bài viết trước, trong và sau khi sự kiện diễn ra qua các kênh truyền thông như forum, website trường và các kênh khác có thể. Chương trình mà bọn mình cảm thấy đầy đủ và hoàn hảo nhất là Cuộc thi Miss Nhân văn 2009 vừa qua. Với một kênh thông tin riêng trên tamtay.vn mọi thông tin liên quan đều nhanh chóng cập nhật, chính vì thế rất thuận tiện cho cả thí sinh và BTC trong quá trình sự kiện diễn ra và cuộc thi cũng được nhiều người biết đến hơn. Theo mình, công tác truyền thông trong các hoạt động Đoàn Hội của Trường ĐHKHXH&NV trong một hai năm gần đây đã có những sự phát triển và dấu ấn nhất định. Nhờ đó, các hoạt động của Đoàn trường đã đến được với nhiều sinh viên hơn. Trong thời gian tới, dù sắp ra trường nhưng mình cũng sẽ cố gắng tiếp tục đóng góp những gì có thể cho mảng công tác này. - Được biết là tờ báo “Tự nguyện” - đứa con tinh thần của Đoàn Thanh niên Trường ĐHKHXH&NV có sự góp công rất lớn của bạn trong khâu biên tập và trình bày, bạn có thể chia sẻ gì về công việc này? Hình như mình và “Tự nguyện” có duyên với nhau thì phải. Trước khi đến với Tự nguyện, mình đã phụ trách tổ chức đội Phóng viên chiến dịch tham gia đợt tình nguyện hè năm 2008. Một lần ngồi nói chuyện với anh Phạm Huy Cường – Phó bí thư, Chủ tịch HSV Trường, mình có tâm sự rằng mình có hứng thú với cả hai công việc này nên anh Cường khuyến khích mình làm. Cũng chưa kịp tham khảo các anh chị khoá trước về kinh nghiệm làm nhưng mình cứ chủ động triển khai những ý tưởng riêng. Sau khi vận động và thông báo tới các lớp, đội phóng viên tình nguyện đã chốt danh sách 21 phóng viên. Mình tổ chức họp, phân công theo các đội, xây dựng quy định hoạt động, làm thẻ, mua sổ bút… và duy trì liên lạc với các bạn trong suốt chiến dịch. Lúc đó, tuy được gọi là “đội trưởng” nhưng mình không trực tiếp đi tình nguyện mà “cắm chốt” ở nhà làm đầu mối và trách nhiệm của mình là ở phần…hậu kì. Số Tự nguyện đầu tiên, mình hoàn toàn không có kinh nghiệm trong tay, mọi thứ đều phải mày mò từ đầu. Việc thiết kế lúc đó phải nhờ bạn mình bên Mĩ thuật công nghiệp, hai đứa nhiều đêm thức trắng luôn để làm cho kịp vì bạn mình cũng không quá thành thạo về thiết kế báo. Rất may khi đó, mình được học môn Thiết kế và trình bày báo in trên lớp, tuy không được học về kĩ thuật nhưng cuốn trình của Tim Harrower mà cô Nguyễn Thu Giang cung cấp đã giúp mình nắm được những quy tắc thiết kế cơ bản và rất háo hức để áp dụng cho Tự nguyện. Thế là mình tự mò Quark (phần mềm thiết kế báo khá thông dụng) và càng mò thì càng thấy hấp dẫn. Cứ thế, mình kiêm luôn hai vai trò biên tập và thiết kế. Sau mỗi số Tự nguyện, mình cảm thấy chắc tay hơn rất nhiều và cảm thấy có nhiều cảm hứng, giống như một sự đam mê đối với Tự nguyện. Trong đó, mình nhớ nhất là số Tự nguyện 16, số báo đặc biệt dành tặng K50 vì trong số báo này có những anh chị mà mình rất yêu quý và số Tự nguyện 18 chào mừng Đại hội Đoàn TN Trường Khoá VI vừa rồi, mình đã hoàn thành việc biên tập và thiết kế chỉ trong… 2 ngày. Mình cũng rất tự hào vì tờ báo của trường mình cũng được các trường bạn trong khối ĐHQG đánh giá cao. Mình hi vọng với những gì mình đã đóng góp cho Tự nguyện, tờ báo sẽ ngày càng phát triển và được các bạn sinh viên yêu mến nhiều hơn. - Bạn là đại diện cho sinh viên ĐHQGHN dự diễn đàn “Để Việt Nam cất cánh” trong Festival sinh viên Thủ đô vào tháng 1/2010 và Đối thoại ủng hội hợp tác giáo dục Đông Nam Á lần thứ nhất tháng 2/2010. Bạn dự định sẽ đóng góp ý kiến gì ở hai sự kiện trên? Vừa rồi mình đã tham gia diễn đàn “Để Việt Nam cất cánh” trong Festival sinh viên Thủ đô. Đây là một diễn đàn rất thú vị trong đó các bạn sinh viên có cơ hội được gặp gỡ và trao đổi ý kiến với các nhân vật quan trọng như TS Nguyễn Sĩ Dũng (Phó chủ tịch Văn phòng Quốc hội), Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, GS Sử học Lê Văn Lan. Các bạn sinh viên cũng như các vị khách mời đã rất sôi nổi đưa ra những quan điểm thú vị về các vấn đề liên quan đến sự nâng tầm cho Việt Nam trong thời kì hiện nay. Tham dự diễn đàn, mình tham gia đóng góp ý kiến dưới góc nhìn một sinh viên báo chí, đó là trách nhiệm của tuổi trẻ trong vấn đề đối ngoại và quảng bá hình ảnh Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Sắp tới, mình rất may mắn là một trong hai đại diện của ĐHQG tham dự Đối thoại ủng hộ hợp tác giáo dục Đông Nam Á lần thứ nhất do tổ chức AUN và Đại học Chulalongkorn Thái Lan phối hợp tổ chức. Chủ đề của đối thoại này là “Sinh viên tham gia quản trị đại học” theo mình là một chủ đề hấp dẫn và thiết thực trong thời kì hiện nay. Hình như hai sự kiện mình tham gia lần này cũng khá liên quan đến nhau, bởi khi tham gia Đối thoại tại Thái Lan mình có trách nhiệm đại diện cho tiếng nói của sinh viên Việt Nam vào nội dung của đối thoại đồng thời quảng bá hình ảnh Việt nam tới bạn bè sinh viên châu Á. Đây là cơ hội rất tốt để mình được mở mang tầm mắt và trau dồi các kĩ năng khi tham gia các diễn đàn quốc tế. Mình đang chuẩn bị mọi thứ để có thể tham gia với kết quả tốt nhất. Theo mình, để sinh viên có thể tham gia tích cực vào quá trình quản trị đại học thì kênh thông tin hai chiều giữa sinh viên và Nhà trường phải được chú trọng đầu tư sao cho hiệu quả. Mình sẽ chú trọng vào ý kiến này đồng thời sẽ tham khảo các thầy cô để có thể đưa ra những luận điểm phù hợp nhất. [img class="caption" src="images/stories/2010/01/13/seu3.jpg" border="0" width="580"/>
- Dường như bạn đang có nhiều điều mà một sinh viên mong muốn: học giỏi, rất năng động trong công việc và các hoạt động chung, và với những kinh nghiệm đã có thì dường như một tương lai nghề nghiệp tốt cũng đang chờ bạn ở phía trước. Bạn có thể chia sẻ kinh nghiệm thành công của mình với mọi người? Theo mình thì cơ hội luôn dành cho tất cả mọi người. Xuất phát điểm của mình cũng như tất cả các bạn sinh viên khác, mình cũng phải nỗ lực rất nhiều mới có thể đạt được những gì mình đang có, và chắc chắc đây cũng chỉ là những bước khởi đầu mà thôi. Cơ hội “thiên tạo” không có nhiều nên chính mình phải là người tạo ra cơ hội và bằng những cách khác nhau để nắm lấy nó. Mình thấy các bạn trẻ hiện nay có rất nhiều điều kiện để khẳng định và phát triển năng lực bản thân. So với nhiều bạn thì những gì mình có chưa thấm vào đâu cả, nhưng mình tin là mình có thể tạo ra cơ hội để tiến tới những điều xa hơn trong khả năng có thể. - Một số dự định trong tương lai của bạn? Dự định gần nhất của mình là tốt nghiệp loại giỏi, thực hiện một tác phẩm truyền hình tốt nghiệp thật tốt là quà tặng bố. Mình cũng rất muốn được thử nghiệm môi trường giáo dục ở nước ngoài nhưng chắc là mình sẽ không đi du học mà sẽ tìm các khoá học ngắn hạn về báo chí để tham gia. Công việc tương lai mình mong muốn được tham gia vào lĩnh vực truyền hình hoặc PR. Công việc bán thời gian hiện tại cũng sẽ giúp mình có nhiều kinh nghiệm để phát triển nghề nghiệp trong tương lai. - Cảm ơn Hải Phương về cuộc trò chuyện.


- Họ và tên: Đào Hải Phương - Biệt danh: Sếu, Nối nơ, Thắt nơ… - Sinh viên năm thứ 4 Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn - Chức vụ:
  • Chi hội trưởng chi hội sinh viên lớp K51 Báo chí và Truyền thông trong 4 năm học.
  • Liên chi hội trưởng Khoa Báo chí và Truyền thông
  • Uỷ viên Ban thư kí Hội sinh viên Trường ĐHKHXH&NV nhiệm kì 2008 - 2010.
  • Uỷ viên Ban chấp hành Hội sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội.
  • Chủ nhiệm CLB Nhà báo tương lai của Khoa Báo chí và Truyền thông năm 2008.
- Kết quả học tập năm học 2008 – 2009: 3,43 - Đạt loại Giỏi. - Kết quả rèn luyện năm học 2008 – 2009: 95. - Thành tích trong công tác:
  • Tổ chức các buổi gặp mặt của thành viên CLB Nhà báo tương lai về nghiệp vụ báo chí.
  • Tháng 10/2009: Trưởng ban tổ chức Festival Báo chí và Truyền thông lần I tại Trung tâm thực nghiệm ĐHQGHN.
  • Phụ trách mảng truyền thông trong các hoạt động phong trào của Đoàn TN - Hội SV Trường các năm học 2008 – 2009, 2009 - 2010.
  • Phụ trách tổ chức đội Phóng viên chiến dịch tham gia Chiến dịch tình nguyện hè 2008 và 2009.
  • Phụ trách biên tập và thiết kế 05 tờ Nội san Tự nguyện (Xuất bản tháng 9/2008, tháng 1, tháng 6, tháng 10 và tháng 12/2009).
- Phần thưởng đạt được:
  • Danh hiệu Gương mặt trẻ tiêu biểu ĐHKHXH&NV năm học 2007 - 2008 và 2009 - 2010.
  • Tháng 4/2009: Đội trưởng Đội Olympic tiếng Anh Trường tham gia Cuộc thi Olympic Tiếng Anh không chuyên ĐHQG mở rộng lần IV - Đội đạt giải Nhì tập thể.
  • 2 lần nhận học bổng Chung-Soo của Hàn Quốc.
  • Nhận Giấy khen của Đoàn ĐHQG, Hội sinh viên ĐHQG vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động tháng thanh niên và tình nguyện hè 2008.
  • Giấy khen của BCH Hội sinh viên ĐHKHXH&NV vì có thành tích xuất sắc trong công tác Hội nhiệm kì 2007 – 2009.
  • Danh hiệu Sao tháng giêng năm học 2009 - 2010.

Tác giả: thanhha

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây