Vào dịp cả nước tưng bừng kỉ niệm lần thứ 35 ngày giải phóng miền Nam, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia cho ra mắt bạn đọc cuốn sách
Cuộc kháng chiến chống Mĩ của Việt Nam: Tác động của những nhân tố quốc tế của tác giả Nguyễn Khắc Huỳnh.
Tác giả Nguyễn Khắc Huỳnh là một nhà ngoại giao lão thành đã từng tham gia cuộc đàm phán Paris về Việt Nam, một nhà nghiên cứu lịch sử ngoại giao có uy tín. Kết hợp nhận thức lí luận cùng kinh nghiệm thực tiễn, khai thác nhiều nguồn tư liệu ở trong và ngoài nước, đặc biệt là những ghi chép trong hồ sơ của riêng ông, cuốn sách đã đem lại cho người đọc một cái nhìn tổng quát, một sự phân tích sâu sắc cùng nhiều tư liệu ít được biết đến về ngoại giao Việt Nam trong thời kì kháng chiến cứu nước.
Đặt vấn đề chiến tranh Việt Nam trong bối cảnh chiến tranh lạnh trên phạm vi thế giới, cuốn sách đã phân tích thế trận quốc tế trong cuộc đấu tranh giữa hai phe, đường lối chính trị và sự điều chỉnh chính sách ngoại giao của mỗi bên trong quá trình đấu tranh đầy cam go, ác liệt.
Có thể thấy ở đây sự vận động trong quan hệ giữa ba nước Liên Xô - Trung Quốc - Hoa Kì đầy kịch tính trong giải pháp về cuộc chiến tranh Việt Nam. Tác giả đã phân tích từng cặp đôi quan hệ Xô - Trung, Xô - Mĩ, Mĩ - Trung rồi nhìn tổng thể tam giác Mĩ - Xô - Trung. Từ đó nêu lên những mặt đồng và bất đồng giữa hai nước lớn XHCN đối với vấn đề Việt Nam trong sự tính toán chiến lược giữa một mặt phải ủng hộ cuộc chiến đấu chung chống chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là Mĩ; một mặt lại chống đối lẫn nhau để đề cao uy tín và ảnh hưởng của riêng mình trong phong trào giải phóng dân tộc và phong trào cách mạng thế giới. Mâu thuẫn Trung Xô đã phát triển đến mức đối đầu, thậm chí xung đột đổ máu để rồi cả hai đều đi tìm sự thoả hiệp ở đối thủ chính của CNXH là đế quốc Mĩ. Và vấn đề Việt Nam được Tổng thống Mĩ Nichxơn đặt ra với Bắc Kinh trong sự trao đổi về vấn đề Đài Loan và đặt ra với Matxcơva về vấn đề Hội nghị thượng đỉnh Mĩ - Xô. Từ bối cảnh chung đó, tác giả đã phân tích ảnh hưởng của các nước lớn đối với cuộc kháng chiến Việt Nam đồng thời làm nổi bật đường lối độc lập, tự chủ trong chính sách ngoại giao của Đảng và Nhà nước ta.
Bản lĩnh chính trị và kinh nghiệm ngoại giao Việt Nam được thể hiện rõ nét và xuyên suốt trong cuộc đàm phán với Mĩ tại Paris. Tác giả dẫn dắt người đọc đi từ những hoạt động ngoại giao bước đầu trong những năm 1965-1967 đến đòn giáng quyết liệt Mậu Thân 1968 buộc phía Mĩ phải đưa ra đề nghị đàm phán. Cuốn sách dành nhiều trang để phân tích những bước đi đầy thận trọng và khôn khéo trong tiến trình đấu tranh với đối phương, thái độ ứng xử chủ động trước những phản ứng của các đồng minh XHCN, sự điều chỉnh sách lược để tiến đến Bản Thoả thuận tháng 10/1972 và những ứng phó trước cuộc tiến công tàn bạo của Mĩ trong “trận oanh kích đêm Giáng sinh” cuối tháng 12 năm đó. Bằng nguồn tài liệu sống động, tác giả đã giải đáp nhiều câu hỏi “Tại sao” - tại sao sau Mậu Thân, Giônxơn phải đề nghị đàm phán, tại sao cuộc đàm phán kéo dài, tại sao ta “ngả bài” để đi tới thoả thuận tháng Mười 1972, tại sao chính quyền Sài Gòn “ngáng chân” Nichxơn, Mĩ ném bom B52 vào Hà Nội nhằm mục đích gì, tại sao Nichxơn phải tuyên bố ngừng oanh tạc để trở lại vòng đàm phán… Những câu trả lời của tác giả đã cung cấp cho người đọc nhiều lập luận mang tính thuyết phục làm sáng rõ cách lí giải quanh co của phía đối phương.
Đương nhiên, với thắng lợi rực rỡ của cách mạng Việt Nam, tác giả cũng không quên nhắc đến sự ủng hộ của nhân dân thế giới, từ các nước đang tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đến nhân dân, nhân sĩ trí thức cũng như chính khách trong các nước tư bản và ngay tại chính nước Mĩ.
Tất cả những điều trên đã tạo nên những nhân tố quốc tế góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến cứu nước, thống nhất Tổ quốc. Tác phẩm trên đây của nhà ngoại giao Nguyễn Khắc Huỳnh là một đóng góp quan trọng vào việc nghiên cứu lịch sử ngoại giao Việt Nam, một món quà quý gửi tặng bạn đọc trong những ngày hân hoan mừng vui chiến thắng.