Ra đời cùng ngôi nhà E, bao năm qua bồn phun nước có quả cầu xoay đã trở thành hình ảnh thân thuộc trong tôi mỗi khi bước sâu vào khuôn viên của Trường ĐHKHXH&NV. Quả cầu như một phần tất yếu của kiến trúc tổng thể hậu cung ngôi trường. Sau bao nhiêu năm, quả cầu cần mẫn xoay mỗi khi Trường đón khách. Và không chỉ để đón khách, có lẽ nhiều khi cao hứng, người phụ trách ở một phòng nào đó chả rõ, lại đóng mạch điện, không hà tiện tiền điện nước, cho nó xoay. Nó xoay giữa vòng vây của những tia nước phun lên cao, khi rộn ràng, tinh nghịch, khi uể oải, cầm chừng.
Cho dù quả cầu xoay nhanh hay chậm, dòng nước phun cao hay thấp, mỗi khi vào sân trường, trông thấy bồn nước hoạt đông, tôi vẫn thích. Có nước là có sự sống. Đá xoay, nước chảy, ấy là sự vận động. Mà có vận động mới tồn tại. Có vận động là có phát triển, có tín hiệu đổi mới, sáng tạo.
Ngày nào vào sân trường không thấy quả cầu đang xoay, tôi không bị kích thích, không cảm thấy ngực mình có tiếng động rộn ràng. Sáng sớm vào trường lên lớp, thấy quả cầu ngủ ngày, tôi giảng bài có phần vấp váp, nói năng chậm chạp, và rất dễ làm người khác mếch lòng, hỏng việc.
Hoá ra, quả cầu đối với riêng tôi đã trở thành biểu tượng của ngôi trường, trở thành con tim thứ hai, liên đới, âm thầm chi phối năng suất lao động của tôi rồi.
Thế rồi một ngày nọ, bước vào sân trường tôi giật mình thấy có nhiều người vây quanh bồn nước. Một người đàn ông khoẻ mạnh đang vác gậy xỉa vào bồn nước. Có tai nạn hay sự cố gì đây? Tôi vội rảo chân lại gần, lo lắng.
Hoá ra quả cầu bị kẹt, không xoạy được. Tôi hỏi đùa: “Nó đình công à?”. Không ai đáp lại câu đùa không đúng lúc và có vẻ “thiếu lập trường xây dựng” của tôi. Mọi người loay hoay với con sào, tìm điểm tựa để bẩy quả cầu nhích lên khỏi ổ. Dường như sợ trái tim hồng ấy bị sứt mẻ, người cầm sào không dám mạnh tay. Thiếu sự kê kích dứt khoát, thiếu một điểm tựa chắc chắn, công việc dường như vô vọng. Quả cầu in logo Đại học khoa học xã hội nhân văn cứ trơ ỳ, như một sự khiêu khích, thách đố mọi người. Không có thời gian rỗi rãi, tôi bỏ đi, lòng phân vân.
Tối hôm ấy, có anh bạn nhà báo, bạn học đồng khoa, từ Quảng Bình gọi điện di động hỏi chuyện chơi. Vốn là là một người làm báo rất tài tử và xông xáo nhiều năm, nay anh đã trở thành cây bút chủ công về đề tài miền Trung cho nhiều tờ báo lớn. “Có gì mới không?”- anh hỏi, tôi ngần ngừ - “Ngày nay có chuyện gì ấn tượng không?” Tôi ngẫm nghĩ rồi buột miệng: “Quả cầu bồn nước trường ta bị kẹt”. Ông bạn nhà báo của tôi la lên thất thanh: “Trời ơi, tớ đang đau đầu vì tờ công lệnh đi Trường Sa, một ngày cáu giận vì bao chuyện, thế mà cậu chỉ ngồi luẩn quẩn sân trường. Ôi, còn dạy Nam Cao không, các ông giáo 'sống mòn'”. Tôi chưa kịp phản công, anh bạn tôi đã tắt máy. Hắn chẳng coi công việc của mình ra gì. Tôi ấm ức. Lại thêm cốc cà phê uống muộn, đêm ấy tôi trằn trọc không yên. Hình ảnh quả cầu sân trường lại ám ảnh tôi. Câu nói chế diễu của ông bạn Quảng Bình lại làm tôi miên man với những kỉ niệm, suy tư lẩn thẩn.
Làm khoa học xã hội và khoa học nhân văn thời nay khó lắm. Đúng như hình ảnh chiều nay tôi gặp trên sân trường. Một hình ảnh đầy tính biểu trưng. Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn và khoa học xã hội - nhân văn nói chung đều phải tìm điểm tựa để góp phần cứu cuộc sống này, cứu trái đất này.
Ngày xưa, Acsimet khi nghiên cứu nguyên lý đòn bẩy, đã có một tuyên bố nổi tiếng: “Nếu cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ bẩy được cả trái đất này”. Đấy là một tuyên bố đầy tự tin dựa trên cơ sở khoa học chắc chắn về phương diện lý thuyết. Cũng chính dựa trên những thành quả khoa học lý thuyết tương tự, một nhà bác học Mỹ đã có lần đề nghị với Tổng thống Mỹ giải tán Viện Hàn lâm. Theo ông, các quy luật cơ bản nhất về thế giới tự nhiên đã được khám phá, vấn đề là ứng dụng chúng. Thời đại công nghệ bắt đầu, đồng nghĩa với việc Viện Hàn lâm khoa học đã đi trọn con đường của nó, hoàn thành chức năng của nó… Lời đề nghị đó cũng tự tin đúng theo tinh thần Acsimet. Nhưng trong cả hai tuyên bố trên đều có phần đơn giản. Một sự đơn giản xuất phát từ sự đơn giản của bản thân đối tượng nghiên cứu.
Đúng là đến một lúc nào đó, những quy luật của thế giới tự nhiên bao quanh con người sẽ được nắm bắt đầy đủ. Một bức tranh khoa học tỉ mỉ về thế giới vật chất sẽ được xây dựng, đạt tới độ hoàn thiện. Những khái niệm, phạm trù, định luật khoa học như những “mắt lưới” sẽ đến lúc ken đặc, phủ kín thế giới hữu cơ và vô cơ bao quanh nhân loại này. Duy chỉ có cái thế giới “nội bộ” của con người là sẽ không có một tấm lưới khoa học nào ôm trùm nổi. Đời sống xã hội của con người là đối tượng nghiên cứu của khoa học xã hội, thế giới tinh thần của con người là đối tượng phản ánh và nghiên cứu của nghệ thuật và các ngành khoa học nhân văn. Nhân loại còn tồn tại, phát triển thì cái thế giới tinh thần ấy còn vẫn được mở ra như một thế giới bao la, biến động, phức tạp, mở rộng đến không cùng. Nghiên cứu về đời sống của chính bản thân con người, khoa học xã hội và nhân văn hiện ra như một hành vi tự quan sát bản thân, vì vậy mà nó khó lòng thoát khỏi sự chủ quan, ngộ nhận.
Nhìn từ góc nhìn tổng thể, khoa học hôm nay đã khác xa về hướng đi so với khoa học thời Hy-La cổ đại. Thời ấy khoa học tự nhiên và khoa học xã hội thống nhất trong một cái nhìn. Các nhà toán học, thiên văn học đồng thời cũng là những nhà triết học, ngôn ngữ học, trong số đó nhiều người còn là những nhà thơ. Sự phát triển theo hướng chuyên môn hoá của khoa học đã làm cho thế giới càng ngày càng bị đập vỡ vụn ra. Giữa triết học, sử học, xã hội học…với khoa học tự nhiên xuất hiện một vực sâu ngăn cách. Husserl và các nhà hiện tượng học thế hệ Trần Đức Thảo đã giật mìmh nhận ra rằng: triết học và các khoa học chính xác chỉ xiết tay nhau đi cho đến thời Trung cổ. Trước đó, cả hai được thiết lập trên lập trường tìm kiếm ý nghĩa của sự vật chứ không phải theo đuổi mục đích sử dụng sự vật, sử dụng thiên nhiên. Bắt đầu từ Galile, một phong cách khoa học mới hình thành, chi phối hết thảy. Thế giới được quan sát từ góc nhìn toán học, bị số hoá triệt để. Khoa học hiện đại chỉ sử dụng thế giới. Những tiến bộ của công nghệ đẩy nhu cầu và mức sống của con người lên cao, đồng thời nó cũng treo con người trên vực thẳm của sự diệt vong từng ngày.
Cái gì cứu được nhân loại? Một nhà văn tiên tri của thế kỷ 19 tuyên bố: Cái đẹp sẽ cứu vớt thế giới. Ông đặt niềm tin vào sức mạnh cảm hoá của nghệ thuật. Nhưng đó là lời giải đáp của thế kỷ 19 trước sự băng hoại của đạo đức. Còn hôm nay, chúng ta đứng trước sự băng hoại không chỉ của đạo đức mà còn là sự băng hoại của môi trường cùng toàn bộ thái độ ứng xử của con người đối với thiên nhiên và với bản thân đồng loại.
Vậy tìm đâu ra câu trả lời trước những đe doạ và thách thức hiện tại? Cái gì sẽ cứu nhân loại? Thế kỷ 19, con người còn đặt niềm tin vào những quy luật mỹ học. Sang thế kỷ này, cái đẹp cũng đã bị công nghệ hoá, niềm tin ấy vơi cạn. Chúng ta chỉ còn lại niềm tin duy nhất, là vào khoa học xã hội và nhân văn. Chính khoa học xã hội và nhân văn sẽ trì níu trái đất này.
Hình ảnh quả cầu mắc kẹt và mấy cán bộ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn loay hoay đi tìm điểm tựa, kích lại quả cầu, lại trở về ám ảnh tôi. Acsimet chắc chỉ nghĩ tới một điểm tựa duy nhất, phù hợp để bẩy được trái đất. Còn khoa học xã hội nhân văn có thể phải tìm rất nhiều điểm tựa mới cứu được sự sống trường tồn và tương lai phát triển cho nhân loại. Chính nó phải đảm nhận trọng trách điều chỉnh nhịp độ và hướng đi của khoa học công nghệ. Chính nó phải thận trọng, sáng suốt và tinh tế để tháo các ngòi nổ chiến tranh, làm hoà dịu các tranh chấp tôn giáo, sắc tộc. Nó phải khéo léo để tránh sự đổ vỡ, tìm kiếm sự ổn định, an toàn, giống như người cầm sào bên bồn nước, cố gắng không để quả cầu xây xát, bị thương.
Ngay trong những năm hoà bình đầu tiên ở miền Bắc, khoa học xã hội nhân văn của Đại học Tổng hợp Hà Nội đã thực sự thể hiện vai trò của xã hội lớn lao của nó. Những trí thức yêu nước, những học giả, nhà giáo lão thành cùng lớp cán bộ giảng dạy trẻ tiền phong đã người ở tuyến này, người ở tuyến kia, cùng xả thân trong cuộc đấu tranh mang tên “Chống Nhân văn - Giai phẩm”. Cái sai cái đúng, cái được, cái mất trong cuộc đấu tranh đều mang tính lịch sử. Điều đáng trân trọng nhất là các nhà khoa học xã hội trẻ, già lúc ấy đã thực sự sống hết mình, đã góp phần làm sáng tỏ một hướng đi phù hợp nhất cho đất nước, dự báo và tạo tiền đề cho một quá trình nhận thức lịch sử lâu dài. Khoa học nhân văn khi đó, Đại học Tổng hợp khi đó được hình dung như một trận địa tinh thần, một pháo đài tư tưởng.
Trong những năm chống Mỹ, khoa học xã hội và nhân văn cũng hoàn thành vẻ vang sứ mệnh lịch sử cao đẹp của mình. Nhưng trong cuộc chiến tranh khốc liệt vì độc lập và tự do dân tộc đó, những vấn đề thuộc về phương pháp luận khoa học lại quá sáng sủa, thậm chí đơn giản. Mục tiêu lớn nhất của cuộc đấu tranh đã cho phép chúng ta phân định dễ dàng thế giới sự vật thành hai khối: đúng và sai, đỏ và đen, cách mạng và phản cách mạng, ánh sáng và bóng tối. Những người nghiên cứu và giảng dạy khoa học xã hội - nhân văn có thể thong dong trên đại lộ tư tưỏng đã vạch sẵn, miễn là giữ vững niềm tin và nhiệt tình cách mạng. Đấy là một giai đoạn lịch sử mà khoa học xã hội, về mặt phương pháp luận, không cần băn khoăn chọn lựa
Đến hôm nay, khi đất nước đã về tay, khi hệ thống thế giới đã thay đổi, chuyển hoá từ trạng thái hai phe sang trạng thái đa cực, khi những mối quan hệ quốc tế một thời tưởng chừng vững bền như bàn thạch, bỗng chốc sụt lở, biến động khôn lường, khoa học xã hội - nhân văn thực sự phải đối mặt từng ngày với những cơn lốc thông tin, phải đứng trước những thử thách không thể trì hoãn về mặt chọn lựa phù hợp phương pháp luận và xử lý thông tin. Hơn bao giờ hết, những người làm khoa học xã hội chân chính phải chịu trách nhiệm trước hậu thế về những quyết sách của Đảng, Nhà nước hôm nay trong mọi lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hoá. Nước thịnh hay suy, điều đó, từ tầm nhìn vĩ mô, không phụ thuộc nhiều vào khoa học công nghệ, mà cơ bản là phụ thuộc vào khoa học xã hội-nhân văn. Chính khoa học xã hội - nhân văn phải dốc sức trả lời hàng loạt những câu hỏi phức tạp đang đặt ra từng ngày xoay quanh những vấn đề từ chủ quyền đất nước, an ninh điền địa, môi trường, tới chuyện tha hoá nhân cách, cũng như sự khủng hoảng niềm tin, quan niệm sống. Khoa học xã hội giữ chức năng điểm tựa cho cuộc sống được nâng lên trên tầm cao dân chủ, ổn định và phát triển.
Cái khó của những người thầy trên giảng đường khoa học xã hội và nhân văn hôm nay là ở sự khắc phục những mâu thuẫn để đi tới kết hợp hài hoà giữa tư cách người dạy nghề với tư cách một nhà khoa học, giữa đào tạo và nghiên cứu, giữa giáo dục ý thức chính trị trước mắt với kiến tạo phương pháp tư duy, thế giới quan khoa học. Sự mở rộng ngành nghề, lĩnh vực đào tạo (để đáp ứng những yêu cầu nổi lên từng ngày của xã hội ) tất yếu kéo theo sự phân tán trong nghiên cứu khoa học. Một mô hình đại học nghiên cứu có tầm cỡ trong khu vực và quốc tế không cho phép ngôi trường của chúng ta sống mãi với truyền thống của một pháo đài tư tưởng, mà phải sống trong vị thế kiêu hãnh của một lâu đài khoa học…
Thập niên đầu tiên của thế kỷ mới đang qua. Hình ảnh nào ấn tượng nhất trong năm cũ 2009? Với tôi có lẽ ấn tượng nhất vẫn là bồn nước trên sân trường hôm ấy. Tôi cũng không mong quả cầu lúc nào cũng xoay tròn trong nước. Tôi không thi vị hoá quả cầu. Bởi vì nó thân thuộc với tôi đến nỗi tôi xem nó cũng như một đồng nghiệp: lên lớp, họp hành, cũng phải có lúc nghỉ ngơi. Quả cầu xoay, mệt mỏi, thì dừng lại, nghỉ ngơi, ngẫm nghĩ. Nhưng dù nó nghĩ khác tôi, (nghĩ theo kiểu quả cầu), thì nó cũng nghĩ rằng: Chẳng ai bắt nó lên Hoà Lạc.