Tin tức

Văn hoá quản lí: Từ lí thuyết đến thực tiễn

Thứ tư - 14/04/2010 12:06
Văn hoá quản lí là một khái niệm của khoa học hiện đại, gần đây được quan tâm nghiên cứu và ứng dụng trong hoạt động tổ chức quản lí. PGS.TS Phạm Ngọc Thanh - Phó Chủ nhiệm Khoa Khoa học Quản lí, Trường ĐHKHXH&NV - bàn về khái niệm này trong nghiên cứu học thuật, từ đó có những soi xét vào thực tiễn quản lí để tìm ra những cách thức vận dụng phù hợp.
Văn hoá quản lí là một khái niệm của khoa học hiện đại, gần đây được quan tâm nghiên cứu và ứng dụng trong hoạt động tổ chức quản lí. PGS.TS Phạm Ngọc Thanh - Phó Chủ nhiệm Khoa Khoa học Quản lí, Trường ĐHKHXH&NV - bàn về khái niệm này trong nghiên cứu học thuật, từ đó có những soi xét vào thực tiễn quản lí để tìm ra những cách thức vận dụng phù hợp.

* Văn hoá quản lí hay còn là cách ứng xử trong quản lí

- Thưa PGS.TS Phạm Ngọc Thanh, cuối thế kỉ 20, đầu thế kỉ 21, xuất hiện nhiều khái niệm khoa học “gắn” với hai chữ văn hoá, khái niệm văn hoá quản lí phải chăng cũng ra đời trong xu hướng ấy? - PGS.TS Phạm Ngọc Thanh: Nói như vậy cũng đúng. Bản thân khái niệm văn hoá rất rộng, có nhiều cách tiếp cận khác nhau, nên từ cách tiếp cận liên quan đến những lĩnh vực nào thì người ta thường gắn thuật ngữ ấy với các thuật ngữ, khái niệm của lĩnh vực ấy. Dù hoạt động quản lí, tổ chức có từ thời sơ khai trong hoạt động sống của con người nhưng khoa học quản lí hiện đại mới chỉ xuất hiện đầu thế kỉ XX, và đặc biệt khái niệm văn hoá quản lí thì còn mãi về sau mới được chú ý nghiên cứu. Những năm 70 của thế kỉ XX, khi khủng hoảng năng lượng thế giới nổ ra dẫn đến sự phá sản, thất bại của hàng loạt công ty, thế giới đã nhận ra sức mạnh của văn hoá quản lí thông qua trường hợp tiêu biểu là các công ty kinh doanh của người Nhật. Người Nhật với truyền thống trọng tình, coi trọng mối liên kết chặt chẽ giữa các cá nhân trong một tập thể, tất cả vì một mục tiêu chung đã vượt qua được những khó khăn lúc đó để có thể phát triển vững mạnh. Từ đó, văn hoá quản lí mới trở thành đối tượng được quan tâm nghiên cứu rộng rãi, khái niệm này xuất hiện với tần suất ngày càng dày đặc và cho đến bây giờ, tất cả các công ty, doanh nghiệp nổi tiếng trên thế giới có vững mạnh được là nhờ họ đã xây dựng được văn hoá quản lí tốt cho công ty mình. Trong cuốn “Đạo quản lí”, GS. Lê Hồng Lôi (Trung Quốc), đã phân chia các giai đoạn phát triển trong lịch sử loài người làm 3 giai đoạn: Giai đoạn con người chính trị khi xã hội bắt đầu có sự xuất hiện của nhà nước, quyền lực chính trị là tiêu chí phân định vai trò của cá nhân; Giai đoạn con người kinh tế khi xã hội tư bản ra đời và lợi ích kinh tế được coi là yếu tố quyết định mọi vấn đề; Giai đoạn con người văn hoá là từ những năm 70 của thế kỉ XX trở đi khi người ta nhận ra rằng kinh tế chưa phải là cái quyết định mọi vấn đề, hoá ra con người còn cần đến các giá trị văn hoá, giá trị tinh thần để có thể có một cuộc sống tốt đẹp. Đặc biệt, vào cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI, những yếu tố văn hoá càng ngày càng có ý nghĩa to lớn trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập sâu rộng giữa các quốc gia, các cộng đồng. - Vậy thì một định nghĩa “gọn gàng” nhất về văn hoá quản lí là...? - PGS.TS Phạm Ngọc Thanh: Đây cũng lại là một điều khó vì có tới hàng trăm định nghĩa khác nhau về văn hoá và quản lí, vậy thì khái niệm văn hoá quản lí cũng có hàng trăm cách tiếp cận. Có người chú ý đến khía cạnh văn hoá ứng xử, có người lại quy về những giá trị vật chất và tinh thần. Trước khái niệm văn hoá quản lí, người ta nói nhiều đến văn hoá kinh doanh gắn với các doanh nghiệp và đào tạo các nhà kinh doanh. Nhưng văn hoá quản lí có nội hàm rộng hơn. Trong đề tài nghiên cứu cấp Đại học Quốc gia của mình năm 2008, tôi đã đưa ra định nghĩa: “văn hoá quản lí là một hệ thống ý nghĩa, giá trị, niềm tin chủ đạo với những biểu trưng khác nhau, được các chủ thể tham gia quá trình quản lí cùng đồng thuận, có ảnh hưởng ở phạm vi rộng lớn đến cách thức hành động của toàn bộ thành viên trong tổ chức, nhằm đạt được các mục tiêu quản lí đã đặt ra”. - Nếu để “thoát” khỏi cách định nghĩa học thuật thì văn hoá quản lí được hiểu giản dị là gì thưa PGS? - PGS.TS Phạm Ngọc Thanh: Nên hiểu là cách ứng xử. Văn hoá quản lí chính là cách ứng xử như thế nào trong quá trình quản lí, biểu hiện ra bên ngoài bằng các giá trị vật chất và phi vật chất. - Văn hoá quản lí có vai trò quan trọng như thế nào trong hoạt động tổ chức quản lí một cơ quan, doanh nghiệp hiện nay? - PGS.TS Phạm Ngọc Thanh: Văn hoá quản lí có vai trò rất quan trọng trong hoạt động của một đơn vị, thể hiện ở các chức năng sau. Một là, chức năng định hướng. Nó cũng tương tự như văn hoá của một gia đình, mỗi cá nhân sinh ra, lớn lên đều có xu hướng tiếp cận và hướng đến các giá trị, chuẩn mực văn hoá của gia đình mình, cái được định hình trong truyền thống gia đình. Nó giúp chúng ta luôn hành động phù hợp với các chuẩn mực đã có. Hai là, chức năng điều chỉnh. Ở đây hiểu theo hai nghĩa là điều chỉnh những cá nhân có hành vi “lệch chuẩn” so với các giá trị đã có, và cũng có thể là thay đổi, điều chỉnh những giá trị đã có nhưng không còn hợp thời. Ba là, chức năng kiểm tra, đánh giá. Bốn là, chức năng động viên, cố kết. Nhờ những giá trị truyền thống của tổ chức, những lễ nghi, những niềm tin, sự đồng thuận trong cách làm việc, phong cách quản lí hài hoà sẽ giúp cá nhân phấn khởi, tin tưởng vào thành công, tự nguyện đóng góp sức mình vào công việc chung. - Vậy ta có thể quan sát thấy rõ những biểu hiện cơ bản nào của văn hoá quản lí ở các cơ quan, tổ chức hiện nay? - PGS.TS Phạm Ngọc Thanh: Biểu hiện của văn hoá quản lí ở các cơ quan chia làm 2 loại: biểu biện vật chất và phi vật chất. Biểu hiện vật chất có thể nhìn thấy rõ như cách ăn mặc, giao tiếp, cách bố trí phòng làm việc, kiến trúc các toà nhà, logo, biển hiệu, ấn phẩm tuyên truyền của đơn vị. Biểu hiện phi vật chất chính là các triết lí hoạt động, khẩu hiệu và phương châm hành động, các giá trị, những truyền thống, niềm tin, tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá, các truyền thuyết hoặc huyền thoại về cá nhân hoặc tập thể được xây dựng nên... Những giá trị của văn hoá quản lí của một công ty có thể nhìn thấy rất rõ trong đời sống hoạt động bình thường của công ty ấy khi ta có cơ hội tiếp xúc. Chính nó làm nên sự khác biệt giữa tổ chức này và tổ chức kia. Việc ứng dụng văn hoá quản lí vào thực tế quản lí của đơn vị mình đòi hỏi sự sáng tạo, có chủ định và ý thức cao, cộng với cả sự kiên nhẫn nữa.

* Khác biệt hay là chết!

- Có thể thấy là văn hoá quản lí đi kèm theo đó là cả hệ giá trị văn hoá tinh thần của cả một xã hội, cả một thời kì lịch sử. Từ những nghiên cứu thực tiễn của mình, nếu có thể đưa ra những nét so sánh chung nhất, PGS có thể nêu ra những khác biệt giữa các giá trị văn hoá quản lí hiện đại và những nguyên tắc lề lối quản lí trước đây? - PGS.TS Phạm Ngọc Thanh: Nếu so sánh hai giai đoạn phát triển, từ 1975 đến 1986 - giai đoạn được gọi là trước đổi mới – và từ 1986 đến nay – giai đoạn sau đổi mới thì có thể thấy: Sự khác nhau quan trọng nhất là chúng ta đã xác định được những định hướng phát triển chiến lược, tạo những thay đổi lớn thuộc về những giá trị cốt lõi trong triết lí quản lí. Từ thay đổi đó mới biểu hiện ra những thay đổi bằng hành động bên ngoài. Tâm lí quản lí hành chính, con người cá nhân sống phụ thuộc vào tập thể, vào sự bao cấp của Nhà nước - một đặc trưng căn bản của một thời kì bao cấp kéo dài – đã không còn. Tư duy quản lí ấy khiến không phát huy được sự sáng tạo, chủ động của cá nhân, thui chột năng lực và nhiệt tình của họ, Đến nay, triết lí quản lí thời kinh tế thị trường chiếm ưu thế, con người cá nhân đã được đánh giá đúng vị trí của mình, được tự do sáng tạo và phát triển. Con người kinh tế được đề cao. Các thành phần kinh tế đều được tôn trọng và đối xử bình đẳng. Nhà nước đã có hành lang pháp lí tạo điều kiện cho cá nhân, tập thể phát triển và đóng góp công sức của mình làm lợi cho bản thân và cộng đồng. Điều đó tạo ra dân chủ rộng rãi và thúc đẩy xã hội phát triển. Đó là sự phát triển tất yếu trong một thế giới hội nhập toàn cầu, một thế giới “phẳng”. - Vậy theo PGS đâu là vấn đề cốt lõi của một doanh nghiệp trong nỗ lực xây dựng những giá trị văn hoá quản lí của riêng mình? - PGS.TS Phạm Ngọc Thanh: Chỉ một câu thôi: "Khác biệt hay là chết!". Điểm quan trọng trong xây dựng giá trị cốt lõi cho doanh nghiệp là phải tạo ra sự khác biệt với các doanh nghiệp khác. Điều đó cũng đòi hỏi sự đổi mới liên tục. Đối với doanh nghiệp, văn hoá quản lí thể hiện từ văn hoá ứng xử giữa con người với con người trong nội bộ công ty, mở rộng ra là văn hoá ứng xử với khách hàng, với xã hội, trong đó văn hoá về chất lượng sản phẩm đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nếu anh quan niệm khách hàng là thượng đế, anh sẽ tìm ra cách thức chăm sóc khách hàng làm cho họ hài lòng nhất, tạo ra những sản phầm với chất lượng tốt nhất. Trong bộ sách Đạo kinh doanh Việt Nam và thế giới, khi nghiên cứu 25 huyền thoại doanh nhân thế giới cho thấy, dù có quá nhiều sự khác biệt nhưng họ đều có chung một tư tưởng chủ đạo: “Kinh doanh là phụng sự xã hội”, tức là họ đặt mục tiêu phục vụ xã hội trên mục tiêu lợi nhuận. Họ đã tạo ra sự khác biệt giữa mình và các đối thủ khác. Đó cũng là biểu hiện của văn hoá quản lí rất tích cực và trung thành với giá trị văn hoá ấy, họ đã thành công trên thương trường. Ngược lại, những doanh nghiệp coi khách hàng là đối tượng để lừa đảo thì họ làm ra những sản phẩm kém chất lượng, lừa dối khách hàng để thu lợi. Đương nhiên những doanh nghiệp như thế không thể có chỗ đứng lâu dài trong lòng khách hàng. - Trong hoạt động tổ chức, quản lí thì quản lí con người có vai trò vô cùng quan trọng cho sự phát triển của một cơ quan, tổ chức. Theo PGS, vấn đề quản lí con người hiện nay đang gặp những khó khăn cơ bản gì? - PGS.TS Phạm Ngọc Thanh: Nhìn chung thì quản lí con người rất phức tạp, so với quản lí tổ chức, quản lí công việc... Mặt khác, tất cả mọi hoạt động của một đơn vị đều liên quan đến con người, do đó nếu quản lí tốt sẽ đem lại hiệu quả hoạt động cao cho đơn vị ấy. Theo quan điểm của tôi thì quản lí con người tốt là phải động viên, khai thác triệt để những tiềm năng của họ, làm cho họ tự nguyện tham gia thực hiện các nhiệm vụ được giao một cách nhiệt tình, qua đó tạo được hiệu quả công việc như mong muốn. Hiện nay, quản lí con người gặp các thách thức và khó khăn sau: Một là, quan hệ xã hội hiện nay rất phức tạp, mỗi cá nhân đảm nhiệm nhiều vai trò, vị trí với những quan hệ đan xen khác nhau, với những hệ gí trị, chuẩn mực khác nhau. Nhà quản lí cần phải biết tôn trọng những khác biệt đó. Hai là, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ hiện nay làm thay đổi chính ngay con người và các quan hệ con người, các phương thức hoạt động của con người. Muốn không trở thành lạc hậu, nhà quản lí phải không ngừng vươn lên, tìm kiếm những phương thức quản lí con người mới thích ứng với những điều kiện mới. Ba là, con người phát triển đến một trình độ văn hoá cao, có kiến thức rộng, thông tin nhiều chiều, thường xuyên đổi mới,... khiến con người “thông thái” hơn, nên làm quản lí cũng đòi hỏi phải hết sức “thông thái”. Bốn là, bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập cũng đem lại những thách thức lớn cho công tác quản lí con người, trong quá trình đạt tới chuẩn mực quốc tế và làm sâu sắc thêm bản sắc văn hoá dân tộc. - Vậy từ những nghiên cứu về khoa học quản lí hiện đại, các nhà khoa học có lời khuyên gì cho các doanh nghiệp, tổ chức trong việc xây dựng hệ giá trị văn hoá quản lí, tổ chức trong cơ quan của mình trong thời kì hội nhập hiện nay? - PGS.TS Phạm Ngọc Thanh: Tôi chỉ có một lời khuyên là các công ty, doanh nghiệp hãy trung thành với những giá trị văn hoá quản lí mà mình đã xây dựng, phát triển được. Trung thành cũng không có nghĩa là bảo thủ, cứ khư khư giữ mãi những giá trị đã không còn hợp thời. Phải luôn đổi mới, bổ sung thêm nhiều yếu tố văn hoá mới, tích cực để những giá trị mình đã có tăng thêm sức mạnh. Sự thành công của nhiều công ty, doanh nghiệp, tổ chức không thể không tính đến vai trò hết sức quan trọng của văn hoá quản lí. Một đơn vị có văn hoá quản lí mạnh, tích cực sẽ giúp họ đi lên, ngược lại, văn hoá quản lí yếu sẽ cản trở sự phát triển.

Tác giả: thanhha

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây