Điện ảnh Việt Nam 2015: Một năm sôi động

Thứ ba - 02/02/2016 04:12
“Ấn tượng, chất lượng” – đó là những từ đẹp đẽ nhiều tờ báo nhận xét về Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19. Những nhận xét đó không có gì quá đáng nếu nhìn vào những con số: 40 bộ phim được sản xuất trong năm 2015, 125 bộ phim tham gia chấm giải ở các hạng mục, 60% khán giả đến rạp với sự hào hứng bất ngờ, hoạt động chiếu phim, giao lưu, hội thảo, sự dập dìu của các “tài tử, giai nhân” cũng góp phần không nhỏ tạo nên ấn tượng cho Liên hoan phim; nhưng ấn tượng nhất có lẽ là Bông sen vàng cho bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của Victor Vũ - một minh chứng cho tinh thần hợp tác hội nhập giữa điện ảnh nhà nước và tư nhân, giữa văn chương và điện ảnh, giữa truyền thống và hội nhập… “Ấn tượng” thì rõ rồi, nhưng… còn “chất lượng”?
Điện ảnh Việt Nam 2015: Một năm sôi động
Điện ảnh Việt Nam 2015: Một năm sôi động

Một năm thật sự ấn tượng của điện ảnh Việt Nam

Quả là năm qua, 2015, điện ảnh đã có nhiều sự kiện ấn tượng. Trước hết, ngay trước thềm năm mới, sau gần 1 thế kỷ hình thành và phát triển (điện ảnh Việt Nam ra đời khoảng năm 1923 với bộ phim Kim Vân Kiều do người Pháp và người Việt cùng thực hiện), lần đầu tiên, một “Chiến lược phát triển điện ảnh Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030” bài bản và hoàn chỉnh nhất đã được nhà nước chính thức phê duyệt (ngày 26/1/2014). Kể từ đây, điện ảnh nước nhà sẽ có được một hướng đi rõ ràng và dứt khoát hơn, với kỳ vọng để bộ môn Nghệ thuật thứ 7 thực sự trở thành loại hình nghệ thuật “quan trọng nhất trong các nghệ thuât”. Không chỉ ấn tượng, với chiến lược phát triển, điện ảnh Việt Nam, với nhiều sự kiện và hoạt động trong một năm qua, ít nhiều cũng đã mang đến cho cả những người làm nghề, và công chúng khán giả ít nhiều niềm tin. Dù sao, sau gần một thế kỷ phát triển, nhìn bức tranh điện ảnh nước nhà “phát triển còi cọc”, số lượng phim sản xuất hàng năm thấp một cách bất ngờ (tính riêng phim truyện chỉ khoảng trên dưới chục bộ); phim làm ra thì không có người xem, thường lỗ vốn, bị chê nghèo nàn về nội dung và nghệ thuật, không ai có lòng lại không cảm thấy “sốt ruột”.

Một thời gian dài, chúng ta thường vin cớ rằng vì ít tiền, điều kiện kỹ thuật kém, nên các nhà làm phim Việt Nam không thể sản xuất được những bộ phim hay, đáp ứng thị hiếu của khán giả. Nhưng kể từ khi được chứng kiến một số nền điện ảnh lân cận, chẳng hạn như Iran, về điều kiện không khác xa nhiều so với Việt Nam, kinh  phí làm phim thường rất thấp, nhưng vẫn giành được các giải thưởng lớn trong nước và quốc tế, thậm chí cả các giải lớn như Cannes, Venice, Berlina, kể cả Oscar. Ngó sang một đất nước gần hơn là Hàn Quốc, thì vào khoảng những năm thập niên 80 thế kỉ trước, điện ảnh của xứ sở kim chi với số dân chưa đến 50 triệu (bằng một nửa Việt Nam) vẫn còn vật lộn với ngay khán giả trong nước, thì nay chỉ sau hơn 20 năm, điện ảnh Hàn đã làm mưa, làm gió khắp châu lục, sang cả Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, là những quốc gia điện ảnh hùng hậu nhất. Yếu tố nào đã mang đến hiệu quả lớn đến thế cho một nền điện ảnh của một quốc gia với số dân chỉ bằng nửa Việt Nam? Có nhiều yếu tố: con người, chính sách, tiền của, và trình độ người xem. Nhưng nhân tố quan trọng trước tiên, đó là một chính sách đúng đắn của nhà nước. Vậy nên, khi lần đầu tiên, nền điện ảnh nước nhà có một chiến lược phát triển dài hạn, niềm vui với những nhà làm phim và công chúng chúng mến mộ, đương nhiên là có thật.

 Liếc nhanh nội dung được phê duyệt trong chiến lược phát triển điện ảnh Việt Nam, ta hoàn toàn có lý do để vui: Từ nay đến năm 2020 (tầm nhìn đến năm 2030), sẽ có hàng trăm rạp phim được xây dựng mới; Hà Nội, thành phố Hố Chí Minh (TPHCM) sẽ có thêm các trung tâm chiếu phim hiện đại, mỗi năm sẽ sản xuất từ 25 đến 40 phim truyện (năm 2030 con số lên tới 60 phim, đấy là chưa kể các loại hình phim tài liệu, hoạt hình, khoa học cũng với con số như thế); nhà nước cũng sẽ đầu tư để phim Việt Nam được tham gia tranh giải ở nước ngoài; các trường quay lớn tại hai thành phố Hà Nội và TP HCM, cũng sẽ được đầu tư xây dựng nhằm đáp ứng việc làm phim trong nước, tiến tới hợp tác với nước ngoài; việc đào tạo nhân lực cho các ngành làm phim như đạo diễn, sản xuất phim, phát hành phim, diễn viên v.v và v.v, cũng sẽ được tập trung đầu tư. Điện ảnh không chỉ là nghệ thuật, mà còn là ngành công nghiệp trong một xã hội hiện đại, nếu không có đầu tư kinh phí và kỹ thuật sẽ khó lòng phát triển. Xin nêu nêu ra đây một ví dụ “dở khóc, dở cười” do chính cục trưởng điện ảnh Ngô Phương Lan kể để khẳng định điều đó. Năm 2013, cục Điện ảnh tổ chức Tuần lễ phim Việt Nam tại Hàn Quốc. Sau rất nhiều công tác chuẩn bị, chúng ta đã đưa sang nước bạn hơn chục bộ phim tiêu biểu nhất thuộc định dạng 35 ly, nhưng sau khi phim đã được tuyển lựa, được chuyển sang và chiếu thử ở nước bạn, thì tất cả mọi người mới “tá hỏa” không thể trình chiếu được. Lý do rất đơn giản: đã lâu rồi bạn không còn sử dụng máy chiếu cho loại phim nhựa 35 ly. Gần như tất cả các rạp chiếu ở Hàn Quốc hiện nay đã chuyển sang chiếu phim định dạng kỹ thuật số. Tình huống “dở khóc dở cười” đó phản ánh một phần nào sự “khập khiễng” của điện ảnh Việt Nam ở thời ngay thời kỳ hội nhập, hiện đại hóa, và lý do đơn giản không phải vì “thiếu tiền”, chỉ thiếu đúng hai chữ “hội nhập”.

Ấn tượng thứ hai, chính là các hoạt động phim ảnh trong suốt cả năm 2015, đặc biệt là Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19 được tổ chức tại TPHCM từ ngày 1 đến 5 tháng 12. Trước tiên phải kể đến bộ phim truyện Đập cánh giữa không trung của nữ đạo diễn trẻ Nguyễn Hoàng Điệp (sản xuất năm 2014, nhưng phải đầu năm 2015 mới chính thức chiếu rạp) với nhiều giải thưởng quốc tế và tạo được dư luận tốt với khán giả Việt, Nam, nhất là giới trẻ (nhưng gần như không để lại dấu ấn nhiều với khán giả trong LHP?); bộ phim tài liệu ngắn Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng của Nguyễn Thị Thắm, cũng là một đạo diễn rất trẻ, sản xuất từ trước năm 2013, nhưng chính thức phát hành 2015, lại cho thấy thêm một bất ngờ khác: phim được sản xuất chỉ bằng sự cố gắng nỗ lực của một cá nhân, xếp trong “kho” lâu ngày, đến khi đem công chiếu, bỗng bất ngờ “đốn tim” khán giả. Rồi còn cả trường hợp phim Cha và con và… của đạo diễn Phan Đăng Di, người đã nổi tiếng trước đó với Bi, đừng sợ, nay vị đạo diễn trẻ này lại gây “rúng động” vì phim của anh được chọn tranh giải chính thức Gấu Vàng Liên hoan phim Berlina. Tuy nhiên, cũng giống số phận bộ phim đình đám trước đó, đến lúc này nó vẫn chưa được trình chiếu chính thức trong nước (trong khi tại Pháp, lịch chiếu lại được xác định một cách rõ ràng). Rồi các phim Cuộc đời của Yến của đạo diễn Đinh Tiến Vũ, 14 ngày phép của đạo diễn Nguyễn Việt Khoa,  đặc biệt Em là bà nội của anh của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, tính đến thời điểm này doanh thu phòng chiếu đã đạt tới mức kỉ lục: khoảng 90 tỉ đồng (Phan Gia Nhật Linh từng hợp tác xây dựng đề án điện ảnh do Quỹ Ford tài trợ tại trường ĐHKHXHNV Hà Nội, từ đây anh đã nhận được học bổng học đạo diễn tại trường Đại học Nghệ thuật Điện ảnh Nam California). Có thể khẳng định, 2015 thực sự là một năm của điện ảnh trẻ trong nước. Nếu tính cả Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của Victor Vũ (người đã từng giảng dạy tại Dự án Điện ảnh của trường ĐHKHXH & NV Hà Nội), cũng là một đạo diễn trẻ, đã góp phần quan trọng tạo “ấn tượng” cho một năm của điện ảnh, mà không ít lĩnh vực hoạt động nghệ thuật khác trong nước có phần “tù đọng”.

Ở một khía cạnh khác, điện ảnh đã thực sự tận dụng đươc lợi thế rất lớn là truyền hình, mà chính trong chiến lược phát triển của Cục Điện ảnh cũng  đã có nhắc tới. Trong thời đại bùng nổ của truyền thông, trong đó đặc biệt là truyền hình, “màn ảnh lớn” đã “sống khỏe” so với nhiều loại hình nghệ thuật khác chính nhờ lợi thế tận dụng phát sóng trên “màn ảnh nhỏ”. Ngày nay, điện ảnh và truyền hình đã xích lại gần nhau, xâm nhập lẫn nhau, đến mức người ta đã không còn phân biệt rạch ròi đâu là phim truyền hình hay phim điện ảnh. Tính chất “liên ngành” trong thời đại công nghệ số cũng càng ngày càng cho phép điện ảnh tạo được vị thế tốt hơn. Bởi một thời điện ảnh vốn chỉ được coi là một thứ “giải trí thuần túy”, nay nó cũng nhận được mối quan tâm của giới nghiên cứu nhờ “tính liên ngành” của nó, nhất là với văn học.

 Thống kê nhanh các hoạt động điện ảnh 2015: đầu năm là Lễ trao giải Cánh Diều Vàng, giữa năm là hàng loạt các Liên hoan phim, Tuần lễ Phim, giao lưu với các nhà làm phim châu Âu, Pháp, Đức, Nhật, Hàn  Quốc, Ấn Độ…; rồi liên hoan phim Ong Vàng dành cho giới trẻ do trường Đại học Sân khấu Điện ảnh tổ chức, Lễ trao giải Bông sen vàng với các hoạt động “Chúng ta làm phim”, “Không gian phim” của TPD (Trung tâm phát triển tài năng điện ảnh, Hội Điện ảnh Việt Nam); Chương trình Gặp gỡ mùa thu, một hoạt động đào tạo nhân lực điện ảnh trẻ xuất hiện vài năm nay tại thành phố Đà Nẵng, có sự tham gia của đạo diễn Việt kiều Trần Anh Hùng, một số đạo diễn có tên tuổi ở nước ngoài và các nhà làm phim trẻ Việt Nam, cũng đã tìm ra một hướng đi mới trong việc làm phim trong nước. Một số nhà điện ảnh trẻ từng là thành viên tham gia Dự án điện ảnh của trường Đại học KHXHNV Hà Nội do Quỹ Fofd tài trợ giai đoạn 2005-2011, như như Phan Đăng Di, Nguyễn Mỹ Dung (với tư cách đồng tổ chức và giảng viên), Trịnh Đan Phượng (với tư cách nhà biên kịch)…, bước đầu đã có những kết quả rất đáng khích lệ (kịch bản của Trinh Đan Phượng, hiện đang là học viên cao học chuyên ngành điện ảnh trường ĐHKHXH & NV Hà Nội) đã nhận được giải thưởng 3.000 USD để tiếp tục đầu tư kinh phí sản xuất). Một học viên khác của Dự án điện ảnh là Phạm Thanh Hà cũng được nhận giải thưởng trong cuộc thi viết kịch bản cho phim hoạt hình năm 2015 (Phạm Thanh Hà cũng đã nhận được một giải thưởng kịch bản phim hoạt hình trong Liên hoan phim lần thứ 19). Cuối cùng, ấn tượng nhất của điện ảnh Việt Nam năm 2015 vẫn là thành công ngoài mong đợi của sự hợp tác giữa hãng phim tư nhân Thiên Ngân với sự đầu tư một phần vốn của nhà nước cho bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, phim đoạt giải bông Sen Vàng trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 11, tại th.ph HCM hồi cuối năm. Thậm chí, người ta cho rằng, ngành du lịch Phú Yên cũng được “ăn theo” nhờ những cảnh quay “đẹp như tranh vẽ” trong bộ phim của Victor Vũ. Rõ ràng điện ảnh vViệt Nam năm 2015 có nhiều ấn tượng…

Nhưng điện ảnh Việt Nam 2015… đã thực sự có “chất lượng”?

Nếu chỉ nhìn điện ảnh từ góc độ “vui vẻ, trẻ trung”, một thứ nghệ thuật của cái đẹp (nhất là diễn viên đẹp với số lượng áp đảo của giới sô bít), phim nhiều doanh thu, giao lưu quốc tế đều đặn, một vài khuôn hình đẹp, âm thanh vòm 5 đường tiếng, những chuyện phim giật gân, những cảnh đấm đá, đặc biệt là mốt phim đồng tính, phim 16+ …, điện ảnh Việt Nam thời gian qua, nhất là trong năm 2015, có “nhiều ấn tượng”, nhưng nó đã thực sự có “giá trị”?, chúng ta chưa thể khẳng định quá sớm điều đó.

Tại sao thế? Đơn giản thế này: ngoài một số hoạt động hết sức cố gắng và tâm huyết trong năm qua của nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân: vấn đề chỉ đạo quản lý của Cục Điện ảnh; hoạt đông đào tạo của hai trường Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và TPHCM, một số trường không chuyên; các Hãng phim truyền hình và phim truyện Việt Nam, Trung tâm TPD, các Hãng phim tư nhân và các nhà làm phim Việt kiều), những nghệ sĩ làm nghề chân chính, vẫn còn không ít những hoạt động điện ảnh khác mang nặng “thói chạy theo mốt”. Điện ảnh Việt Nam 2015 vẫn còn không ít hiện tượng “lai căng”, “học đòi”, “vay mượn”, dùng “chiêu trò”, nhầm lẫn “diễn xuất điện ảnh” với “trình diễn của giới sô bít”…, mà phần nào chỉ là để che giấu những non kém về tư duy nghệ thuật. Cứ nhìn vào ngay các Liên hoan, Lễ trao giải, hoạt động giao lưu, quảng cáo phim trong năm, thì biết ngay điện ảnh Việt 2015, tuy đã có sự “sôi động” bên ngoài, nhưng đồng đều về  “chất lượng”, thì quả là chưa có. Điện ảnh Việt thời hội nhập quả vẫn còn không ít “bất cập”: chưa qua giai đoạn làm phim nghệ thuật đã “học đòi” làm phim “thị trường”; một số bộ phim đạt doanh thu phòng vé cao, thu hút được nhiều khán giả, chẳng hạn, ngay cả với Em là bà nội của anh, cũng vẫn không hoàn toàn là một phim Việt thuần khiết (kịch bản mua từ Hàn Quốc); một số phim khác có chất lượng nghệ thuật (theo đánh giá của các nhà chuyên môn), thì chưa hẳn đã tìm được “sự đồng cảm” của đa số khán giả Việt Nam (Đập cánh giữa không trung, Cha và con và…), hoặc phim được đầu tư với số vốn lớn nhưng lại thất thu trong phòng vé (Sống cùng lịch sử); hoặc nữa phim nhảm nhí, gắn mác 16+ với mục đích “câu khác rõ ràng trong khi đa phần nội dung phim vẫn còn nghèo nàn; cứ nhìn danh mục 20 phim truyện tranh giải trong Liên hoan phim 19 thì biết: có tới hơn nửa trong đó được đánh dấu 16+ (phim cấm trẻ em dưới 16 tuổi, một chiêu trò “câu khách không hơn không kém!).

Một nội dung quan trọng khác của một nền điện ảnh dân tộc, là vấn đề đào tạo nhân lực, thì ngay “Chiến lược phát triển điện ảnh tới năm 2020, tầm nhìn 2030” mà Cục Điện ảnh công bố gần đây nhất vẫn còn tỏ ra ra khá “hời hợt”. Trong khi nhân lực mới là yếu tố quan trọng góp phần làm nên một nền điện ảnh thực sự chất lượng. Tôi quan niệm đào tạo nhân lực ở đây không chỉ là đào tạo những người làm phim, mà còn đào tạo cả những người xem phim. Và nếu chỉ nhìn bề ngoài số lượng các bạn trẻ, những “tài tử, giai nhân” “dập dìu” đến các rạp chiếu phim, chúng ta thấy rất mừng. Nhưng bên trong niềm vui mừng đó thật ra vẫn còn nhiều nỗi lo. Bởi lẽ, không ít trong số họ, đi xem phim rạp, đôi khi chỉ là “chạy theo mốt”. Trong khi chúng ta rất cần những người xem được trang bị những  kiến thức điện ảnh thực sự. Để thực hiện được mục tiêu đó, một điều không thể chậm trễ: chúng ta rất cần có con số lớn hơn 2 trường đào tạo chuyên ngành như hiện nay (ĐHSK & ĐA Sài Gòn và Hà Nội); cần phải chuyên nghiệp hóa (kể cả xã hội hóa) các mô hình đào tạo nhân lực điện ảnh. Một đất nước có tới hơn 90 triệu dân như Việt Nam, không thể chỉ tồn tại hai cơ sở đào tạo điện ảnh duy nhất. Tại Hàn Quốc, một đất nước chỉ với chưa đến 50 triệu dân, nhưng có tới hơn 40 cơ sở đào tạo điện ảnh. Tại Mỹ thì gần như trường đại học nào cũng đều có khoa đào tạo điện ảnh, thậm chí có trường có từ hai đến ba khoa. Trên thực tế, từ khoảng chục năm nay, tại một số trường đại học Việt Nam, đặc biệt là khối các trường lớn, như Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Văn hóa , Nghệ thuật Quân đội, Đại học Hoa Sen, các trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật…, cũng đã có tham gia đào tạo nhân lực điện ảnh một cách chuyên nghiệp. Tuy nhiên, “Chiến lược phát triển điện ảnh Việt Nam” đến tận năm 2030, gần như rất ít nhắc tới họ. Một nền nhân lực điện ảnh nếu không được đa dang hóa trong đào tạo, thì sẽ rất khó thực hiện được tầm nhìn hội nhập thế giới. Đa dạng hóa, nghĩa là không chỉ đào tạo làm phim, mà còn cả phê bình phim, viết về phim; không những chỉ đào tạo đạo diễn, diễn viên, mà còn cần cả đào tạo nhà sản xuất (trong khi, trên thực tế, ngay tại hai cơ sở đào tạo chuyên nghiệp nhất nước vẫn chưa có khoa Sản xuất phim), và còn nhiều vấn đề khác nữa…

Thầy Trần Hinh

Đạo diễn Đặng Nhật Minh, một trong những người làm nghề nghiêm túc và có nhiều đóng góp nhất cho sự nghiệp điện ảnh đất nước, đã không dưới một lần tâm sự: thế hệ của ông dù làm phim dưới thời bao cấp, kinh phí không nhiều, nhưng vẫn có những bộ phim toát ra được “cái hồn cốt” của con người Việt Nam, và nhận được không ít các giải thưởng quốc tế. Còn điện ảnh Việt Nam hiện nay có thể đã tiếp cận gần hơn với quốc tế, “hiện đại” hơn, nhưng thực sự vẫn còn thiếu nhiều bộ phim mang “hồn cốt Việt”?

Tất nhiên, không chỉ riêng điện ảnh, lĩnh vực nào cũng thế, theo tôi hiểu, thời nào cũng có cái hay cái dở, cái được và chưa được. Điều quan trọng là phải chính những người có trách nhiệm, các nhà quản lý điện ảnh phải “nghĩ tới” và “nói ra”; cần có sự “cung tay”, “góp sức” của nhiều người. Và một điều quan trong khác, cần phải có những tài năng thực sự mang “Tâm hồn Việt”, chứ không thể là một sự “lắp ghép gượng gạo”. Chỉ như thế, điện ảnh nước nhà mới có cơ hội “cất cánh”.                                                                                                                   

Tác giả: Trần Hinh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây