Ngôn ngữ
Đó là Đại học Văn khoa (10/1945) - trường đại học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do Chủ tịch Hồ Chí Minh kí sắc lệnh thành lập ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công hơn một tháng, thể hiện khát vọng vươn lên và tầm nhìn chiến lược về vai trò, sứ mệnh của khoa học xã hội và nhân văn của nước Việt Nam độc lập vừa mới ra đời trên nền tảng lịch sử hàng ngàn năm văn hiến của dân tộc.
Đó là Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (6/1956) - một trung tâm khoa học cơ bản, đa ngành, cái nôi hình thành và phát triển các ngành khoa học xã hội và nhân văn hiện đại của Việt Nam, đã góp phần tạo dựng uy tín cho nền khoa học và giáo dục Việt Nam trong những năm tháng kháng chiến và kiến quốc đầy gian nan, thử thách.
Đó là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (10/1995)- thành viên chủ chốt trong Đại học Quốc gia Hà Nội - có sứ mệnh đi đầu trong sáng tạo, truyền bá tri thức, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, đổi mới phương thức giáo dục theo hướng hiện đại và hội nhập, nhằm nhanh chóng trở thành một trung tâm đào tạo và học thuật có tầm vóc trong khu vực và quốc tế.
70 năm trôi qua, mái trường này đã là nơi hội tụ của nhiều nhà khoa học uyên bác, những nhà giáo tài danh, những nhà quản lí nổi tiếng. Không hiếm những tên tuổi trí thức nổi bật trong lịch sử như: Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Đặng Thai Mai, Nguyễn Mạnh Tường, Cao Xuân Huy, Trần Văn Giàu, Hoàng Xuân Nhị,... cho đến những thế hệ tiếp nối với: Nguyễn Tài Cẩn, Trần Đình Hượu, Đinh Gia Khánh, Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức... Bên cạnh tên tuổi của nhiều nhà giáo, nhà khoa học tài danh, lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam cũng mãi không quên sự hy sinh, mất mát của hàng nghìn cán bộ, sinh viên Nhà trường trên các chiến trường ác liệt trong những năm kháng chiến chống Mĩ cứu nước, tiêu biểu như Lê Anh Xuân, Chu Cẩm Phong, Nguyễn Trọng Định, Nguyễn Hồng...
Mỗi gương mặt nhà giáo, dù dành cả cuộc đời hay chỉ có một khoảng thời gian không dài gắn bó với mái trường này, thì họ cũng đã gửi gắm vào đây những tinh hoa, trí tuệ, tâm huyết và cả những tình cảm, ước mong sâu nặng của mình. Chính họ đã tạo nên truyền thống học thuật, những giá trị cốt lõi và định hướng tầm nhìn của một trường đại học khoa học cơ bản hàng đầu đất nước qua những chặng đường lịch sử.
10 giải thưởng Hồ Chí Minh và 14 giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ; hàng nghìn công trình khoa học, trong đó có những công trình nghiên cứu kinh điển, đặt nền móng cho các ngành khoa học xã hội và nhân văn; đào tạo hàng vạn sinh viên, hàng ngàn thạc sĩ và tiến sĩ, đóng góp nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao cho đất nước - đó là những thành tích đặc biệt ấn tượng của Nhà trường trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Tiếp nối những thế hệ khai khoa, các thầy cô giáo của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn hôm nay đang tập trung trí tuệ và sức lực giải quyết nhiều vấn đề lí luận và thực tiễn của nền giáo dục, khoa học và cuộc sống, góp phần xây dựng nên diện mạo mới cho các ngành khoa học xã hội nhân văn Việt Nam, khẳng định và nâng cao thêm vị thế và tầm vóc của Nhà trường.
Năm 2015 là thời điểm kỉ niệm 70 năm truyền thống của Đại học Văn khoa (1945 - 2015) và 20 năm thành lập Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (1995 - 2015). Để nhìn lại chặng đường đã qua của Trường, không có gì ý nghĩa hơn là nói về chính những con người đã gắn bó và góp phần quan trọng làm nên tên tuổi và uy tín của mái trường này.
Tri ân những đóng góp của các thế hệ nhà giáo, nhà khoa học, Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Nhà trường đã chỉ đạo tổ chức biên soạn cuốn sách Chân dung nhà giáo - nhà khoa học tiêu biểu, nhằm thu thập các thông tin và bài viết giới thiệu các gương mặt nhà giáo, nhà khoa học tiêu biểu của Trường qua các thời kì. Hơn 100 gương mặt được chọn lọc và trân trọng giới thiệu trong cuốn sách này là các Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân; các nhà giáo, nhà khoa học đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học - công nghệ; các Phó Giáo sư - Nhà giáo Ưu tú; các nhà giáo, nhà khoa học có nhiều đóng góp trong hoạt động học thuật và phát triển các ngành khoa học mới, cũng như trong công tác quản lí, xây dựng và phát triển Nhà trường. Mỗi bài viết có thể chỉ là những lát cắt phản ánh, những góc nhìn, nhận định, đánh giá và cảm xúc riêng của mỗi tác giả về nhân vật. Nhưng quan trọng hơn, những bài viết này là sợi dây tình cảm đặc biệt kết nối tinh thần học thuật và chất nhân văn giữa các thế hệ nhà giáo, nhà khoa học của Nhà trường. Để từ đó, cảm hứng sống, làm việc và cống hiến sẽ được khơi dậy mạnh mẽ hơn trong đội ngũ cán bộ, sinh viên, học viên, vì sự phát triển của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, vì nền khoa học xã hội và nhân văn của đất nước.
Hơn 100 chân dung là chưa đủ để phản ánh những gương mặt nhà giáo, nhà khoa học tiêu biểu của Trường trong 70 năm qua. Hơn nữa, trong quá trình khai thác thông tin, lựa chọn nhân vật và viết bài, do hạn chế về tài liệu lưu trữ và thời gian, chắc không tránh khỏi có những nhân vật, sự kiện chưa có thông tin thật đầy đủ, cập nhật và chính xác. Rất mong nhận được sự cảm thông và lượng thứ của các thầy, cô giáo và quí độc giả.
Nhân dịp ra mắt Tập 1 cuốn sách, thay mặt Ban Giám hiệu Nhà trường, tôi xin chân chân thành cảm ơn các thầy, cô giáo; các thân nhân, gia đình cựu giáo chức đã hợp tác, cung cấp nhiều thông tin, tư liệu quí giá về các nhà giáo, nhà khoa học lão thành; cảm ơn các tác giả đã dày công sưu tầm tư liệu và viết bài với tình cảm trách nhiệm và đầy tình yêu thương, kính trọng với các thầy, cô giáo và Nhà trường; cảm ơn các thành viên trong Ban Biên tập đã dành nhiều thời gian và công sức để biên tập và tu chỉnh các bài viết; và cuối cùng xin được cảm ơn Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội đã nhiệt tình đảm nhận công việc xuất bản cuốn sách rất có ý nghĩa này. Chúng tôi rất mong và hy vọng tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp và bổ sung thông tin của các thầy, cô giáo và độc giả để các bài viết cũng như kho tư liệu về chân dung các nhà giáo, nhà khoa học tiêu biểu của Trường Đại hoc Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội qua các thời kì ngày càng dày dặn, đầy đủ và sống động hơn.
Tác giả: GS.TS.NGND Nguyễn Văn Khánh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn