Ngôn ngữ
Cho đến nay, Bộ môn Khảo cổ học của Trường ĐHKHXH&NV gần như là cơ sở đào tạo lớn nhất cả nước, cung cấp đến 90% nhân lực ngành này cho viện nghiên cứu, bảo tàng, bản quản lí di tích và nhiều cơ quan văn hóa du lịch
Khoa học hiện đại và liên ngành
So với các ngành KHXH&NV thì Khảo cổ học là một trong những ngành có tuổi đời lâu nhất ở Việt Nam. Trước năm 1954, các hoạt động khảo cổ ở Việt Nam và Đông Dương do các học giả người Pháp thực hiện. Đến những năm 60 của thế kỉ trước, Bộ môn Khảo cổ học được thành lập tại Khoa Lịch sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, và nay là Bộ môn Khảo cổ học thuộc Khoa Lịch sử (Trường ĐHKHXH&NV – ĐHQGHN), có nhiệm vụ vừa đào tạo, vừa thực hiện các cuộc khai quật khảo cổ phục vụ đào tạo. Cho đến nay, Bộ môn Khảo cổ học của Trường gần như là cơ sở đào tạo lớn nhất cả nước, cung cấp đến 90% nhân lực ngành này cho các viện nghiên cứu, bảo tàng, ban quản lí di tích và nhiều cơ quan văn hoá, du lịch.
“Nhiều người cứ nghĩ Khảo cổ là một ngành có vẻ lạc hậu, hoặc chỉ thuần tuý là ‘đào bới’ thôi, nghĩ vậy thì thật đơn giản và ‘thô’ quá” – PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung nói – “Trên thực tế, đây là một khoa học liên ngành, hiện đại, nhiều tiềm năng và rất dễ hội nhập, giao lưu với thế giới”.
PGS Lâm Thị Mỹ Dung cũng cho biết thêm: Trước đây, thế giới quan niệm Khảo cổ học là một chuyên ngành của Khoa học Lịch sử – đó là ngành khoa học nghiên cứu quá khứ của loài người dựa trên sử liệu là tàn tích vật chất con người để lại trong lòng đất và trên mặt đất. Có nơi lại xếp Khảo cổ học vào các chuyên ngành của Nhân học, tức là không chỉ phục dựng bức tranh quá khứ theo dòng chảy lịch sử mà còn gợi mở nhiều vấn đề liên quan đến lối sống, ứng xử của ông cha chúng ta với môi trường tự nhiên, xã hội.
Khảo cổ học là ngành học nhiều tiềm năng phát triển, bởi nhu cầu tìm hiểu về đời sống quá khứ nhằm rút ra những hiểu biết và giá trị văn hoá cho đời nay là nhu cầu muôn thủa. Trên thực tế, nhiều nước rất thành công trong việc ứng dụng khoa học khảo cổ để phục dựng các giá trị nguồn cội và đặc sắc của văn hoá, dân tộc, từ đó có thể khai thác các lợi ích về kinh tế, du lịch và xã hội. Khảo cổ học là ngành học rất nền tảng, đem lại nhiều kiến thức, hiểu biết cho nhiều ngành khoa học khác. Với những đóng góp quan trọng của nó, Khảo cổ học đã phát triển thành nhiều chuyên ngành hẹp như: Khảo cổ học đô thị, Khảo cổ học nông nghiệp, Khảo cổ học môi trường, Khảo cổ học biển…
PGS Lâm Thị Mỹ Dung khẳng định, tu nghiệp ở nước ngoài gần như là yêu cầu bắt buộc đối với cán bộ nghiên cứu và giảng dạy tại Bộ môn, rộng hơn là đối với những người làm khảo cổ trong nước. Bởi Khảo cổ học hiện nay sử dụng rất nhiều tiến bộ mới nhất của khoa học công nghệ: phần mềm xử lí, máy đo đạc, công nghệ gen, ADN, kĩ thuật 3D… Người làm khảo cổ cần rất nhiều kĩ năng, từ vẽ, sử dụng bản đồ đến chụp ảnh, quay video, xử lí máy tính… Khai quật chỉ là một công đoạn, quan trọng hơn là cách xử lí, đánh giá thông tin thu nhận để cho ra những kết luận giá trị. Bởi vậy người làm khảo cổ cần kiến thức nền rất rộng, cả kiến thức về khoa học xã hội nhân văn và khoa học tự nhiên. Và càng tốt nếu người ấy có cả thiên hướng am hiểu về công nghệ, kĩ thuật.
Khi chúng tôi nhắc tới băn khoăn về cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên chuyên ngành Khảo cổ học ở Việt Nam hiện nay, Chủ nhiệm Bộ môn khẳng định “chắc nịch”: “Gần như 100% sinh viên tốt nghiệp đều có việc làm đúng chuyên môn, thậm chí khi các em chưa tốt nghiệp, nhiều cơ quan, tổ chức đã đến đặt vấn đề tuyển dụng. Đó là vì nhu cầu nhân lực ngành này ở nước ra hiện rất lớn, trong khi số lượng đào tạo hàng năm rất hạn chế”.
Những cơ quan, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng sinh viên chuyên ngành này là Viện Khảo cổ học (thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), Bảo tàng Quốc gia (trước đây là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam), các cơ quan quản lí khảo cổ khác là các bảo tàng và ban quản lí di tích địa phương. Ngoài ra, nhiều cơ quan, công ty làm về du lịch cũng rất cần tuyển sinh viên ngành Khảo cổ học. Đặc biệt, từ năm 2001, Nhà nước ban hành Luật Di sản văn hoá với những quy định rõ ràng về tiêu chuẩn của nhân lực làm trong ngành Khảo cổ học. Điều này càng mở ra cơ hội việc làm rất lớn cho sinh viên chuyên ngành này.
PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung cũng đánh giá rất cao những sinh viên lựa chọn ngành Khảo cổ, bởi: “Trong bối cảnh nhiều sinh viên còn khá thụ động và lúng túng trong lựa chọn ngành học thì các sinh viên ngành Khảo cổ học thường có ý thức rất rõ về nghề nghiệp mình muốn theo đuổi. Ngay từ năm thứ nhất khi mới bước vào Khoa, các em đã được đi thực địa, kiến tập khảo cổ, hiểu rõ những khó khăn, vất vả của nghề và quyết tâm theo nghề này. Đó thực sự là những bạn trẻ có niềm say mê lớn đối với văn hoá dân tộc và ham thích việc khám phá những bí ẩn của lịch sử, của quá khứ”.
Cán bộ và sinh viên Bộ môn Khảo cổ học tác nghiệp tại di chỉ gò Vườn Chuối (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức)
Sinh viên Khoa Lịch sử từ năm thứ 3 được đăng kí lựa chọn theo học chuyên ngành này nếu đạt các yêu cầu về năng lực học tập. Ba năm đầu, sinh viên học các kiến thức chung về lịch sử. Năm thứ 4, các em được học những kiến thức chuyên môn như những đặc trưng cơ bản của khảo cổ học Việt Nam và thế giới, những thành tựu khảo cổ học mới nhất…; được giảng viên giúp tiếp cận với những vấn đề thực tế của ngành. Bên cạnh đó, Bộ môn chú trọng đào tạo kĩ năng khai quật, ra hiện trường, tổ chức công việc, và rèn luyện cho các em khả năng làm việc độc lập.
Sinh viên Khảo cổ cũng rất năng động tìm kiếm cho mình những trải nghiệm nghề nghiệp ngay từ năm thứ 2, thứ 3. Nhiều em đã được đi theo các đoàn chuyên gia trong và ngoài nước khai quật khảo cổ ở nhiều dự án lớn. Tất cả những thuận lợi này giúp sinh viên đáp ứng tốt với công việc sau này.
Hiện nay, Bộ môn Khảo cổ học (Khoa Lịch sử – Trường ĐHKHXH&NV) là cơ sở đào tạo duy nhất xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đào tạo từ bậc đại học cho đến cao học, tiến sĩ chuyên ngành Khảo cổ học. Chương trình đào tạo của Bộ môn được xây dựng cập nhật, trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nước như Pháp, Nga, Mĩ. Bộ môn cũng mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều đại học lớn trên thế giới có ngành khoa học khảo cổ rất phát triển như Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc), Đại học Kanazawa (Nhật Bản), Đại học Tôn Trung Sơn (Trung Quốc), Viện Khảo cổ học Cộng hoà Liên bang Đức… Nhiều dự án hợp tác lớn được triển khai như Dự án nghiên cứu niên đại AMS văn hoá Hoà Bình với Đại học Quốc gia Seoul, Dự án nghiên cứu văn hoá Sa Huỳnh với Viện KCH Đức, Dự án Đào tạo và Nghiên cứu Di sản văn hoá với Đại học Kanazawa… Trong nước, đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học của Bộ môn đã đóng góp công sức và để lại dấu ấn với việc phát hiện và khai quật nhiều nền văn hoá khảo cổ của đất nước. Việc công nhận Hội An, Mĩ Sơn, Kinh thành Huế là di sản thế giới cũng có công rất lớn của các thầy cô giáo của Bộ môn.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tham quan Bảo tàng Nhân học (Trường ĐHKHXH&NV). Thành lập từ tháng 3/2005, Bảo tàng được xây dựng dựa trên cơ sở bộ sưu tập hiện vật khảo cổ học do giảng viên và sinh viên Bộ môn Khảo cổ học thu thập từ nhiều năm nay ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam
Gần đây nhất, PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung được Đại học Kanazawa (Nhật Bản) mời giảng dạy và mời tham gia vào chương trình Graduate Program in Cultural Resource Management của ĐH Kanazawa. Dự án có sự tham gia của các đại học Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Indonesa. Đại học Kanazawa cũng đề nghị cấp 1 đến 2 suất học bổng của Chính phủ Nhật Bản cho học viên cao học, nghiên cứu sinh của Nhà trường tham gia dự án này. Giá trị học bổng là 160.000 yên/tháng, thời gian học từ 2 năm đến 4,5 năm. Ứng viên phải đáp ứng các điều kiện về văn bằng tốt nghiệp ĐH chuyên ngành về Khảo cổ học hoặc các chuyên ngành văn hoá có liên quan, có trình độ tiếng Anh tốt, qua được vòng phỏng vấn về chuyên môn của đối tác. Năm 2012, đã có một cán bộ của Bộ môn được nhận vào chương trình này.
“Đây là cơ hội tuyệt với cho sinh viên, học viên chuyên ngành Khảo cổ học của Nhà trường được học tập tại những môi trường tiên tiến nhất, được tham gia những hoạt động khai quật thực tế và học hỏi kinh nghiệm từ những chuyên gia nước ngoài” – PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung nói – “Bên cạnh đó, Bộ môn cũng có cơ hội mới để nâng tầm vị thế và hội nhập với Khảo cổ học thế giới”.
Thông tin tuyển sinh
Sinh viên Khoa Lịch sử từ năm thứ 3 được đăng kí lựa chọn theo học chuyên ngành Khảo cổ học nếu đạt các yêu cầu về năng lực học tập. |
Tác giả: Thanh Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn