Tin tức

GS.VS.NGND. Phan Cự Đệ và một sự nghiệp đa dạng, phong phú, thống nhất

Thứ hai - 14/09/2015 00:27
Nhắc tới những nhà giáo, nhà khoa học đã làm nên lịch sử và tên tuổi của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước kia, nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội, không thể không kể đến Giáo sư, Viện sĩ, Nhà giáo Nhân dân Phan Cự Đệ. Tròn năm mươi năm kể từ khi công tác tại Khoa Ngữ văn cho đến khi nằm xuống, giáo sư Phan Cự Đệ đã không ngừng làm việc bằng trí tuệ mẫn tiệp, sự miệt mài, lòng say mê khoa học và cả sự nhạy bén, năng động của một người trí thức mang tinh thần nhập cuộc tích cực với đất nước, với thời đại, kiến tạo được một sự nghiệp thành công trên nhiều phương diện quan trọng.
GS.VS.NGND. Phan Cự Đệ và một sự nghiệp đa dạng, phong phú, thống nhất
GS.VS.NGND. Phan Cự Đệ và một sự nghiệp đa dạng, phong phú, thống nhất

Là người con của vùng đất hiếu học, không chỉ được đào tạo một cách bài bản cả Nho học và Tây học, GS. Phan Cự Đệ còn là người không ngừng tự học – học trong sách vở, học qua kinh nghiệm thực tiễn và những chuyến đi. Khả năng tự học, tự rèn luyện và trau dồi ngoại ngữ đã khiến ông thông thạo nhiều thứ tiếng, nhờ đó tiếp cận hệ thống tư liệu, tri thức của nhiều nền giáo dục Đông, Tây để truyền đạt đến các thế hệ học trò. Ở tư cách một nhà giáo, dấu ấn mạnh mẽ của sinh viên Khoa Văn về thầy Phan Cự Đệ là hình ảnh một người thầy hiền từ nhưng nghiêm cẩn và vô cùng tâm huyết với sự nghiệp đào tạo của Trường, của Khoa. Công tác tại Khoa từ những ngày đầu thành lập, cho đến khi đã ngoài tuổi “cổ lai hi”, thầy vẫn lên giảng đường với một năng lượng tràn đầy và khả năng đối thoại cởi mở về những vấn đề thời sự văn học. Thầy đã trực tiếp hướng dẫn hơn 100 khóa luận cử nhân, 20 luận văn thạc sĩ, 10 luận án tiến sĩ, được nhiều thế hệ học trò tôn kính, được Nhà nước phong tặng chức danh Giáo sư và danh hiệu Nhà giáo Nhân dân – những danh hiệu cao đẹp nhất dành cho một người thầy.

Nhưng sự nghiệp đào tạo của GS. Phan Cự Đệ không chỉ bó hẹp trong phạm vi Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Đại học Quốc gia Hà Nội, bởi hầu hết những ai học tập, nghiên cứu văn học đều biết đến tên tuổi và gián tiếp trở thành học trò của ông qua những cuốn sách, bài báo, những công trình nghiên cứu công phu của ông về văn học. Là một trong những chuyên gia đầu tiên và đầu ngành của hệ thống giáo dục đại học mới, nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ đã công bố hơn ba mươi đầu sách và hàng trăm bài báo về lý luận, nghiên cứu, phê bình văn học, được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật năm 2007.

Giáo sư, Viện sĩ, Nhà giáo Nhân dân Phan Cự Đệ (1933-2007)

Cụm công trình của GS. Phan Cự Đệ được nhận Giải thưởng Nhà nước bao gồm Nhà văn Việt Nam (nghiên cứu văn học), Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại (lý luận phê bình), Ngô Tất Tố (nghiên cứu văn học), Hàn Mặc Tử (nghiên cứu văn học). Các công trình này phần nào phản ánh được tính hệ thống cũng như sự đa dạng trong sự nghiệp nghiên cứu văn học của tác giả. Lấy văn học Việt Nam hiện đại làm đối tượng, GS. Phan Cự Đệ vừa có cái nhìn xuyên suốt mang tính lịch sử để thấy được tiến trình vận động và phát triển của nền văn học, vừa có ý thức soi chiếu và tổng kết các hiện tượng từ góc độ lý luận, vừa nghiên cứu các trường hợp tiêu biểu. Trong bộ sách Nhà văn Việt Nam (thực hiện cùng với GS. Hà Minh Đức), những tư liệu và sự phân tích của nhà nghiên cứu đã giúp người đọc hình dung về nền văn học hiện đại một cách cụ thể, sinh động thông qua chân dung các nhà văn được lựa chọn, điều này là hết sức quý giá trong bối cảnh đất nước sau chiến tranh, tình hình thông tin, tư liệu còn khó khăn, khan hiếm. Nếu Nhà văn Việt Nam là công trình văn học sử thì Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, như tác giả tự nhận định: “có tính chất một chuyên đề lý luận hơn là một cuốn văn học sử. Nói đúng hơn, đây là một chuyên đề lý luận về thể loại dựa trên cơ sở thực tiễn của tiểu thuyết Việt Nam”. Nhà nghiên cứu ý thức sâu sắc sự cần thiết của một cuốn lý luận văn học Việt Nam xuất phát từ thực tiễn Việt Nam để tránh tình trạng “xúng xính trong một bộ quần áo đi mượn về lý luận”, song đồng thời ông cũng đặt những đặc trưng dân tộc trong những quy luật phổ biến để soi rọi tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. Gần một nghìn trang sách đã cho thấy sức lao động cũng như hàm lượng tri thức dồi dào của tác giả, đó là chưa kể đến những bài viết riêng lẻ về các nhà tiểu thuyết Việt Nam hiện đại như sự minh họa, bổ sung cho công trình này. Trước khi được trao Giải thưởng Nhà nước, công trình đã được Hội đồng Khoa học Trường Đại học Tổng hợp tặng giải Nhất về nghiên cứu khoa học nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập trường (1976), là một trong mười công trình đạt Giải thưởng khoa học công nghệ Đại học Quốc gia Hà Nội lần thứ nhất. Trong Ngô Tất Tố và một loạt bài viết khác về nhà văn hiện thực phê phán tiêu biểu trước Cách mạng tháng Tám 1945 này, Phan Cự Đệ đã chỉ ra hành trình của Ngô Tất Tố từ “Một nhà nho “bất kính” đối với Khổng Tử” đến “Một nhà văn hiện thực xuất sắc viết về nông thôn trước Cách mạng tháng Tám”, tác giả của “một bộ sử biên niên của xã hội Việt Nam những năm ba mươi và bốn mươi” với một sự khảo sát và phân tích kỹ lưỡng, có hệ thống văn nghiệp của Ngô Tất Tố. Còn Hàn Mặc Tử (phê bình và tưởng niệm) là công trình của “tình cảm yêu mến dành riêng cho Hàn Mặc Tử”. Cuốn sách tìm hiểu thế giới nghệ thuật độc đáo, phức tạp, bí ẩn, chỉ ra những nét đặc trưng trong quan niệm thẩm mỹ, trong cá tính sáng tạo của thi sĩ, phân tích sự hòa hợp giữa “chất Đạo và chất Đời trong thơ Hàn Mặc Tử” không chỉ bằng cái nhìn khách quan của một nhà nghiên cứu với vốn kiến thức phong phú về các trường phái, trào lưu văn học và triết học, về văn hóa, tôn giáo, mà bằng cả sự đồng cảm, tiếc thương của một tấm lòng trân trọng và một trái tim nhạy cảm với cái đẹp, với nỗi đau.

Đặt cụm công trình được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật của GS. Phan Cự Đệ trong toàn bộ sự nghiệp nghiên cứu, phê bình văn học của ông, bên cạnh những chuyên luận công phu khác như Phong trào Thơ mới (1932 – 1945), Tự lực văn đoàn – con người và văn chương, hay những đề tài khoa học quy mô lớn do ông chủ trì, sau đó được xuất bản thành những cuốn sách bề thế như Văn học Việt Nam thế kỷ XX, Truyện ngắn Việt Nam – Lịch sử, Thi pháp, Chân dung và hàng loạt bài viết, cuốn sách trải rộng lên nền văn học Việt Nam hiện đại, có thể thấy phẩm chất mấu chốt và thống nhất bao trùm lên con người và sự nghiệp ấy, đó là sự cẩn trọng và trung thành với phương pháp làm việc của một nhà nghiên cứu mác – xít được kết hợp nhuần nhuyễn với niềm đam mê, sự tinh tế trong cảm thụ và thẩm bình văn chương.

Ông là một trong những nhà khoa học xuất sắc của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Trường ĐHKHXH&NV/Ảnh: Bùi Tuấn

Không chỉ cặm cụi, say mê trên giảng đường hay trong những trang sách, GS. Phan Cự Đệ còn là một người trí thức mẫn tiệp, năng động và nhạy bén với thời cuộc trong vai trò một nhà ngoại giao, nhà quản lý xuất sắc. Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Quốc tế do ông là Giám đốc và Câu lạc bộ Giao lưu Kinh tế văn hóa quốc tế do ông là Chủ tịch đã hoạt động tích cực, sôi nổi, hiệu quả, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển văn hóa và ngoại giao của đất nước. Ông còn được Viện Hàn lâm Thông tin Quốc tế Liên bang Nga bầu làm Viện sĩ chính thức. Những chuyến đi, những cuộc giao lưu văn hóa quốc tế đã khiến cho tri thức trong ông trở nên sống động hơn, và dường như cũng khiến ông trở nên trẻ trung hơn, ngày càng nhiều cảm hứng hơn trong công việc. Và, như Giáo sư từng tâm sự lúc sinh thời, dù ở cương vị nào, làm việc gì, ông cũng luôn xác định phải hết lòng, hết sức, phải nghĩ đến trách nhiệm của người trí thức với Đảng, với đất nước.

Trong sự nghiệp khá đồ sộ mà nhà giáo, nhà nghiên cứu, phê bình văn học Phan Cự Đệ để lại, nhiều vấn đề, nhiều luận điểm đã được kế thừa và tiếp nối, và cũng có những quan điểm mang tính lịch sử đã được vượt qua – đây là điều bình thường đối với khoa học xã hội, đặc biệt là nghiên cứu, phê bình văn học. Song những phẩm tính, nhiệt huyết và tác phong làm việc của ông mãi là một tài sản quý báu mà nhà khoa học, người thầy có vóc dáng bé nhỏ nhưng mang một năng lượng sống dồi dào và tinh thần dấn thân mãnh liệt ấy để lại cho những ai đã từng tiếp xúc, từng nghe ông giảng bài, và đọc những dòng ông viết. Chính vì thế, có lẽ là một định mệnh khi GS.VS. NGND. Phan Cự Đệ đã chọn đúng ngày khai trường 5/9/2007 để đi vào cõi vĩnh hằng - ông khép lại hành trình của đời mình vào một sớm mai, khi bao thế hệ học trò của ông sẽ bắt đầu một năm học mới, để tiếp tục sự nghiệp cao cả mà suốt đời mình, ông và những người trí thức như ông, đã dày công xây đắp.

GIÁO SƯ, VIỆN SĨ, NHÀ GIÁO NHÂN DÂN PHAN CỰ ĐỆ

  • Năm sinh: 1933.
  • Năm mất: 2007.
  • Quê quán: Nghệ An.
  • Tốt nghiệp đại học ngành Văn học (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) năm 1957.
  • Được công nhận chức danh Giáo sư năm 1991.
  • Được trao tặng danh hiệu Viện sĩ Viện Hàn lâm Thông tin Quốc tế Liên bang Nga năm 2000.
  • Được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 1995.
  • Thời gian công tác tại Trường: 1957-2003.

            + Đơn vị công tác:

  Khoa Ngữ văn (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội).

  Trung tâm Nghiên cứu Văn hoá Quốc tế (Trường ĐHKHXH&NV).

            + Chức vụ quản lý:

            Nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu văn hoá quốc tế (Trường ĐHKHXH&NV).

            Nguyên Chủ tịch Câu lạc bộ Giao lưu Văn hoá Quốc tế (Trường ĐHKHXH&NV).

  • Các hướng nghiên cứu chính: những vấn đề lý luận và lịch sử về văn học Việt Nam hiện đại: các thể loại, khuynh hướng, phương pháp sáng tác, các tác giả tiêu biểu.
  • Các công trình khoa học tiêu biểu:

Phong trào “Thơ mới” (1932 – 1945). Nxb Khoa học, 1996, tái bản 1982.

Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại (2 tập). Nxb ĐH&THCN, 1974 – 1975, 1977 – 1978, 2000, 2001.

Tự Lực văn đoàn – Con người và văn chương. Nxb Văn học, 1990.

Văn học lãng mạn Việt Nam 1932 – 1945. Nxb Giáo dục 1997.

Tuyển tập Phan Cự Đệ (4 tập). Nxb Văn học, 2000.

Ngô Tất Tố (viết chung với Nguyễn Đức Đàn), Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1962.

Nhà văn Việt Nam (2 tập) (viết chung với Hà Minh Đức). Nxb Giáo dục, 1979, 1983.

Văn học Việt Nam 1900 – 1945 (chủ biên). Nxb Giáo dục, 1997, 1998, 1999.

Văn học Việt Nam thế kỷ XX (chủ biên). Nxb Giáo dục, 2004.

Phan Cự Đệ tuyển tập (3 tập, Lý Hoài Thu tuyển chọn). Nxb Giáo dục, 2006.

Truyện ngắn Việt Nam – Lịch sử, Thi pháp, Chân dung (chủ biên). Nxb Giáo dục, 2007.

Hàng trăm cuốn sách, bài báo, tạp chí, kỷ yếu khoa học về các vấn đề lý luận văn học, văn học Việt Nam hiện đại, giao lưu văn hóa Việt Nam và thế giới.

  • Các giải thưởng khoa học tiêu biểu:

+ Giải Nhất nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1976 cho công trình Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại.

+ Giải thưởng Công trình khoa học tiêu biểu Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2004 cho công trình Văn học Việt Nam thế kỷ XX - Những vấn đề lý luận và lịch sử.

+ Giải thưởng khoa học công nghệ Đại học Quốc gia Hà Nội lần I năm 2006 cho công trình Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại.

+ Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007 cho cụm công trình Nhà văn Việt Nam, Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, Ngô Tất Tố, Hàn Mặc Tử.

 

Tác giả: ThS. Nguyễn Thị Năm Hoàng

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây