Ngôn ngữ
Trong chín năm kháng chiến chống Pháp, GS. Hoàng Xuân Nhị tham gia Ủy ban hành chính kháng chiến Nam Bộ, trực tiếp làm Giám đốc Viện Văn hóa Kháng chiến Nam Bộ và Giám đốc Nha Giáo dục Nam bộ. Hòa bình lập lại, ông tập kết ra Bắc, công tác tại Trường Sư phạm Hà Nội (1954-1957) và Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1957 -1982). Với ý thức trách nhiệm cao của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa giáo dục, Giáo sư đã tập trung cao độ học tiếng Nga để dịch 4 tập Nguyên lý mỹ học Mác – Lênin” của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô và cuốn Những phạm trù mỹ học của Bôrep, biên soạn 8 tập giáo trình Văn học Nga phục vụ kịp thời cho việc giảng dạy đại học và nghiên cứu văn học (2, tr 400). Sau khi đã mở đường, đắp móng cho chuyên ngành Văn học Nga và truyền bá nguyên lí mĩ học Mác - Lênin ở Việt Nam, GS. Hoàng Xuân Nhị trở về với những di sản văn hóa dân tộc. Trong suốt thời kì chống Mĩ cứu nước, giáo sư Hoàng Xuân Nhị đã viết chuyên luận Tìm hiểu thơ Hồ Chủ Tịch. Cuốn sách được xuất bản lần đầu năm 1974 và tái bản năm 1976, là một công trình đầy tâm huyết “mang đậm chất muối, chất mặn của đất, của đời, đồng nhịp với hơi thở chiến đấu và xây dựng của quân và dân ta”.
Giáo sư Hoàng Xuân Nhị (1914-1991). Ông là Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn (1960-1979)
Trong sự nghiệp nghiên cứu của mình, GS. đã để lại nhiều bài báo, nhiều công trình khoa học xuất sắc. Chúng ta có thể kể đến các công trình tiêu biểu như: Chống tư tưởng tư sản phản động hiện đại trong mĩ học và văn học nghệ thuật (giới thiệu, lược dịch, biên soạn). Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội xuất bản; M. Gorki – Đời sống và sự nghiệp.Nxb Sự thật, 1958 – 1959; Lịch sử văn học Nga thế kỉ 19.Nxb Văn hoá, 1960; Nguyên lí mĩ học Mác – Lênin,tập 1. 1961, 1963; Lênin và tính đảng trong văn học cách mạng hiệnđại. 1970, (in rônêô); Chủ nghĩa xét lại hiện đại trong văn học nghệ thuật ở một số nước. Đại học Tổng hợp Hà Nội, 1974; Tìm hiểu thơ Hồ Chủ tịch. Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1976. Là một người yêu nước, tự hào về dân tộc, kính yêu chủ tịch Hồ Chí Minh nên giáo sư đã dành nhiều tâm huyết để nghiên cứu thơ văn của Người. Ông đã viết công trình Tìm hiểu thơ Hồ Chủ tịch trong những ngày thầy trò Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội phải sơ tán ở Việt Bắc, ông đã “công tác và lao động giữa đồng bào Việt Bắc thân thương mà tinh thần thủy chung cách mạng và truyền thống chiến đấu vẻ vang là niềm tự hào của nhân dân cả nước, giữa núi rừng đã từng là “thủ đô kháng chiến” và đã từng in dấu chân của Bác Hồ muôn vàn kính yêu…”. Ông viết xong những dòng cuối của công trình thì nghe tin sét đánh: Bác Hồ kính yêu từ trần. Tháng 10 năm 1969, ông mở đầu năm học cho lớp Văn năm thứ IV bằng chuyên đề về Thơ Hồ Chủ tịch với nỗi tiếc thương vô hạn với nỗi đau lớn lao tuôn trào qua dòng nước mắt và lời giảng nghẹn ngào.
Với nhãn quan khoa học của một người cộng sản, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin làm cơ sở lí luận, soi chiếu các hiện tượng văn học từ lập trường tính đảng, chú trọng hàng đầu các nội dung tư tưởng của văn học, GS. Hoàng Xuân Nhị đã khám phá, phân tích các vấn đề quan trọng như tính đảng, tính nhân dân, tính dân tộc trong thơ Bác. Chuyên luận đã làm sáng tỏ một vấn đề cốt lõi trong hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật của Hồ Chí Minh: Bác viết văn làm thơ với mục đích cao đẹp là vì cách mạng, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Với Bác, văn chương trước hết vũ khí chiến đấu, là phương tiện tuyên truyền cách mạng và nội dung cách mạng là đối tượng thẩm mĩ chủ yếu, hàng đầu. Khi cắt nghĩa về hiệu quả nghệ thuật to lớn của thơ Bác, GS. Hoàng Xuân Nhị cho rằng “Bác sáng tác vì cách mạng và nhân đấy mà vì thơ”. Vì thơ không phải là mục đích chính nhưng nếu không vì thơ sẽ thiếu tính nghệ thuật, sẽ thiếu sức hấp dẫn, cảm hóa. Bác là một tài năng nghệ thuật, Bác hiểu sâu sắc đặc trưng thẩm mĩ của nghệ thuật. Tư tưởng cách mạng trong thơ Bác được chuyển hóa nhuần nhị trong tư tưởng - tình cảm - thẩm mĩ, do đấy mà Bác đã “đưa đường lối của Đảng vào tận tim gan của mỗi người dân mất nước, cũng do đấy mà dẫn đến sự nhất trí của toàn dân trong đấu tranh vì lợi ích sống còn của Tổ quốc, của dân tộc”. Những phân tích như trên là sâu sắc, thuyết phục tuy nhiên nếu tác giả chuyên luận tập trung làm nổi bật cái hay, cái tài nghệ thơ ca của Bác thì tính thuyết phục càng cao hơn.
Bìa một số công trình khoa học tiêu biểu của Giáo sư Hoàng Xuân Nhị
Chuyên luận Tìm hiểu thơ Hồ Chủ tịch được viết dưới ánh sáng lí luận của mĩ học Mác – Lênin và đường lối văn nghệ của Đảng. Tác giả chuyên luận có ý thức làm sáng tỏ những vấn đề lí luận mĩ học Mác – Lênin qua việc nghiên cứu thơ văn Hồ Chí Minh. Tác giả chỉ ra sự thống nhất gắn bó giữa tính dân tộc và tính đảng, giữa truyền thống dân tộc và nhân loại trong thơ của Bác. Đặc biệt, ông chỉ ra, thơ Bác là sự kết tinh cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại ngày nay. Là một người đặc biệt quan tâm về các phạm trù mĩ học, GS. Hoàng Xuân Nhị tán thành quan điểm cho rằng, trong mĩ học Mác – Lênin, cần dành vị trí riêng cho cái anh hùng, cái cao thượng bên cạnh các phạm trù cái đẹp, cái bi, cái hài… Theo ông, “cái anh hùng là một phạm trù rộng lớn bao gồm ba loại phẩm chất: Chính trị, đạo đức, thẩm mĩ gắn với nhau khăng khít và hòa hợp nhau rất đẹp”. Ông cho rằng, trong thơ của Bác có cái cao thượng và phạm trù này gắn mật thiết với cái anh hùng, với chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Những nhận định đó được ông chứng minh qua thực tiễn sáng tạo thơ ca của Bác và cuộc đời trong sáng cao đẹp của Bác. Những luận bàn về các phạm trù mĩ học trong thơ Hồ Chí Minh là một đóng góp có tính lịch sử cụ thể của chuyên luận này, tuy nhiên tác giả cũng bị giới hạn bởi quan niệm giản đơn của thời ấy về cái bi kịch trong xã hội mới.
Giáo sư Hoàng Xuân Nhị tại một cuộc họp (ảnh tư liệu)
Chuyên luận Tìm hiểu thơ Hồ Chủ tịch của GS. Hoàng Xuân Nhị là công trình giàu tính lí luận và đầy tâm huyết, góp phần làm sáng tỏ những giá trị to lớn của văn thơ Hồ Chí Minh, đặc biệt thể hiện tình cảm kính yêu sâu sắc và nồng nhiệt của nhà trí thức yêu nước đối với lãnh tụ cách mạng Việt Nam. Tình cảm sâu nặng ấy đã tạo cho chuyên luận khoa học này đậm chất tùy bút văn chương, cái tôi của nhà nghiên cứu được thể hiện rõ nét qua từng trang viết, đó là cái tôi của một trí thức yêu nước làm khoa học vì tình cảm và lí tưởng cách mạng.
Không ít người boăn khoăn: Vì sao một người một người giỏi tiếng Pháp, am tường văn hóa Pháp như GS. Hoàng Xuân Nhị lại không tập trung nghiên cứu văn học phương Tây? Vì sao ông không dùng sở trường ấy mà lại chọn con đường nghiên cứu văn học Nga và tìm hiểu thơ Hồ Chí Minh? Boăn khoăn ấy là có cơ sở nhưng tôi nghĩ, sự lựa chọn con đường học thuật như vậy là hợp lí. Bởi vì GS. Hoàng Xuân Nhị là trí thức yêu nước, là chiến sĩ cách mạng; tình cảm cách mạng đã vẫy gọi định hướng con đường khoa học của ông và ông đã đến với văn chương nhằm làm sáng tỏ chân lí cách mạng qua những công trình nghiên cứu.
GIÁO SƯ HOÀNG XUÂN NHỊ
+ Đơn vị công tác: Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội + Chức vụ quản lý: Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn (1960 - 1979).
Chống tư tưởng tư sản phản động hiện đại trong mĩ học và văn học nghệ thuật (giới thiệu, lược dịch, biên soạn). Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội xuất bản. M. Gorki – Đời sống và sự nghiệp. Nxb Sự thật, 1958 - 1959. Lịch sử văn học Nga thế kỉ 19. Nxb Văn hoá, 1960. Nguyên lí mĩ học Mác – Lênin, tập 1. 1961, 1963. Lênin và tính đảng trong văn học cách mạng hiện đại. 1970. Chủ nghĩa xét lại hiện đại trong văn học nghệ thuật ở một số nước. Đại học Tổng hợp Hà Nội, 1974. Tìm hiểu thơ Hồ Chủ tịch. Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1976. |
Tác giả: PGS.TS Trần Khánh Thành
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn