Ngôn ngữ
Sau đêm chung kết ấn tượng ngày 6/11, sinh viên K52 Tâm lí học, Trần Thị Gấm đã chính thức trở thành người đại diện cho vẻ đẹp của Nữ sinh ĐHKHXH&NV. Chúng tôi đã có buổi trò chuyện với tân Hoa khôi để nghe bạn chia sẻ thông tin xung quanh cuộc thi, nêu lên quan điểm riêng về công việc, học tập, về những ước mơ trong cuộc sống cũng như trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với xã hội.
Sau đêm chung kết ấn tượng ngày 6/11, sinh viên K52 Tâm lí học, Trần Thị Gấm đã chính thức trở thành người đại diện cho vẻ đẹp của Nữ sinh ĐHKHXH&NV. Chúng tôi đã có buổi trò chuyện với tân Hoa khôi để nghe bạn chia sẻ thông tin xung quanh cuộc thi, nêu lên quan điểm riêng về công việc, học tập, về những ước mơ trong cuộc sống cũng như trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với xã hội.
- Sau đêm chung kết, đa số ý kiến đều cho rằng danh hiệu này rất xứng đáng với những gì bạn đã nỗ lực thể hiện trong các vòng thi, cá nhân bạn đánh giá thế nào về chiến thắng của mình?
Trần Thị Gấm: Em rất vui vì những nỗ lực trong một thời gian dài đã được nhìn nhận. Nhưng khi giành chiến thắng rồi, em nghĩ mình còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa để hoàn thiện bản thân.
- Các thí sinh năm nay được đánh giá là khá đồng đều và gây ấn tượng với khán giả, cá nhân bạn có ấn tượng đặc biệt với một gương mặt thí sinh hoặc một tiết mục đặc biệt nào đó không?
Trần Thị Gấm: Thật sự thì em thấy các bạn khá đồng đều và mỗi người có thế mạnh riêng. Nếu xét về ngoại hình thì em thích bạn Mã Thị Huyên, số báo danh 12 đến từ Khoa Khoa học Quản lí. Bạn Huyên có gương mặt rất khả ái. Về tài năng thì em ấn tượng với màn múa võ của Trịnh Thị Mai, số báo danh 16. Đây là tiết mục độc đáo và cá tính, cho thấy một vẻ đẹp mạnh mẽ tiềm ẩn của nữ sinh bên cạnh vẻ ngoài hiền dịu thường thấy.
- Cuộc thi năm nay đề cao vẻ đẹp của trí tuệ, tài năng, những ý tưởng đóng góp cho cộng đồng của các nữ sinh, vậy bạn có thể chia sẻ về những tiết mục mà mình mang đến cuộc thi để góp phần thể hiện những tiêu chí trên?
Trần Thị Gấm: Em nghĩ slogan chính của cuộc thi năm nay "Sắc đẹp vì cộng đồng" rất hay vì đã khẳng định được một chân lí là vẻ đẹp chỉ có giá trị và được tôn vinh khi nó góp phần xây dựng, thúc đẩy những lợi ích chung của tập thể. Nói cách khác, người đạt giải của cuộc thi không chỉ có vẻ đẹp ngoại hình mà còn phải có tấm lòng nhiệt thành, biết hành động vì những giá trị và quyền lợi chung của cộng đồng, của xã hội.
Trong phần thi ý tưởng vì cộng đồng, em đề xuất ý tưởng thành lập câu lạc bộ nữ sinh Trường ĐHKHXH&NV. Đó là ý tưởng không quá khó để thực hiện, lại đem lại quyền lợi thiết thực cho các bạn nữ sinh của nhà trường, vốn chiếm số đông trong sinh viên toàn trường hiện nay. Câu lạc bộ sẽ là địa chỉ giúp các bạn gái trao đổi thông tin, cùng nhau chia sẻ và nâng cao nhận thức bản thân về mọi mặt, là nơi các bạn được tạo điều kiện để có thể bộc lộ khả năng và đóng góp sức mình cho các hoạt động chung.
Trong phần thi tài năng, em chọn diễn hài kịch. Vở Lí trưởng và mẹ Đốp thời hiện đại có hai nhân vật thuộc hàng “kinh điển”, tức là ai cũng biết, trên sân khấu nhưng lại thổi vào đấy nội dung và ý tưởng rất hiện đại. Vì đây là vở hài kịch nên em nghĩ sẽ đem lại cho khán giả sự vui vẻ, thoải mái. Người cũng diễn chung với em là một sinh viên nhưng chị ấy diễn rất giỏi. Nhờ có sự tung hứng của bạn diễn mà em đã diễn tốt hơn cả khả năng của mình.
Về diễn kịch thì em đã có một thời gian yêu thích và gắn bó với nó từ những năm học phổ thông. Khi lên đại học, em lại có thời gian tham gia câu lạc bộ kịch của Hội sinh viên Nhà trường. Do đó, em chọn đó sẽ là tiết mục tài năng dự thi của mình. Em cũng rất vui vì đó là một trong 5 tiết mục tài năng được trình diễn đêm chung kết.
Các phần thi trang phục dạ hội và áo dài thì thực tế, em cũng không có nhiều điều kiện để chọn lựa lắm. Nói chung, em cố gắng chọn những bộ đẹp và phù hợp với tiêu chí cuộc thi cũng như phong cách của nữ sinh trong một trường đại học.
- Câu hỏi ứng xử của bạn là về một vấn đề khá nhạy cảm: sống thử trong sinh viên và bạn phải đưa ra ý kiến của mình về vấn đề này. Bạn có hài lòng với phần thi ứng xử của mình? Bạn có thể một lần nữa nêu lên quan điểm của mình về vấn đề này?
Trần Thị Gấm: Thú thật là em hơi bất ngờ và lúng túng khi nhận câu hỏi này. Nhưng đây là một câu hỏi hay và là một vấn đề xã hội gây nhiều tranh cãi hiện nay. Sống thử là hiện tượng xã hội du nhập từ phương Tây, là hệ quả tất yếu trong quá trình phát triển của xã hội hiện đại. Em nghĩ là nó có cả mặt tích cực và tiêu cực. Nó có mặt tích cực khi giúp các bạn trẻ tìm hiểu về nhau trước khi chính thức bước vào cuộc sống gia đình. Nhưng ảnh hưởng tiêu cực của hiện tượng trên lại vô cùng lớn với cả cá nhân và xã hội. Đây là lối sống xuất phát từ phương Tây và rất mâu thuẫn với truyền thống văn hoá Á đông, do đó chưa nhận được sự đồng tình của xã hội. Với cá nhân, nếu không có kiến thức và bản lĩnh, sống thử dẫn đến những hệ luỵ về cả tinh thần và thể xác. Ví dụ như hiện tượng có thai khi còn nhỏ tuổi, các bạn gái sớm phải từ bỏ ước mơ học hành và sự nghiệp để bước vào cuộc sống gia đình khi không có sự chuẩn bị đầy đủ cho tương lai; hiện tưởng khủng hoảng tâm lí như sợ yêu, lười yêu, suy nghĩ tiêu cực về tình yêu khi bị đổ vỡ tình cảm sau khi đã sống thử... Đặc biệt, một hiện tượng hay gặp trong các bạn trẻ là sống thử dễ làm cho cá nhân đánh mất sự lãng mạn cần thiết trong tình yêu, trong khi đó lại dễ đánh đống tình yêu với tình dục đơn thuần.
Nói chung, các bạn trẻ nên có kiến thức xã hội và kiến thức tâm sinh lí cần thiết đủ để hiểu hiện tượng này và có quyết định sáng suốt cho hành động của mình. Quan trọng là các bạn phải có lối sống tích cực và biết hướng tới tương lai.
- Theo bạn, Hoa khôi Nữ sinh ĐHKHXH&NV sẽ đại diện cho những vẻ đẹp gì của nữ sinh Nhân văn, và sẽ khác gì với Hoa khôi các trường đại học khác?
Trần Thị Gấm: Có lẽ nhắc đến nữ sinh trường này trường kia, ít nhiều mọi người có “định vị” riêng về những nét đặc thù của nữ sinh mỗi trường và Hoa khôi rõ ràng là người đại diện tiêu biểu cho vẻ đẹp đặc thù ấy. Hoa khôi Nữ sinh Trường ĐHKHXH&NV là đại diện cho vẻ đẹp đặc trưng của nữ sinh Nhân văn: nữ tính, duyên dáng, tinh tế nhưng cũng rất thông minh, giỏi giang. Và tất nhiên, đó phải là người có lối sống nhân văn, biết yêu thương mọi người xung quanh, sống vì mọi người. Dung hoà giữa nét đẹp truyền thống và hiện đại chính là đặc trưng nổi bật của nữ sinh Nhân văn.
- Sau khi đăng quang, bạn sẽ làm gì để thực hiện trách nhiệm của một Hoa khôi? Bạn sẽ hướng tới việc thể hiện hình ảnh bản thân như thế nào?
Trần Thị Gấm: Em sẽ cố gắng làm tốt bổn phận của một sinh viên đang học tập trong môi trường đại học và tham gia các hoạt động đóng góp cho phong trào chung của Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên và Nhà trường. Em muốn mình là một nữ sinh học tập tốt, thân thiện với mọi người và tích cực trong các hoạt động chung. Với cương vị là Hoa khôi, em sẽ động viên bạn bè nhiệt tình cùng tham gia những hoạt động chung ấy.
- Bạn hãy chia sẻ với độc giả niềm yêu thích của mình với ngành học mà bạn đang theo đuổi là Tâm lí học?
Trần Thị Gấm: Tâm lí học là ngành học rất mới mẻ nhưng ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng của mình trong xã hội hiện đại. Khi nhu cầu vật chất đã ngày càng được đáp ứng thì con người lại càng phải đối mặt với nhiều vấn đề mới, đặc biệt là các vấn đề về tâm lí và sức khoẻ tâm thần. Người ta ngày càng nhận ra ảnh hưởng quan trọng của tâm lí tác động đến chất lượng cuộc sống của cá nhân và cộng đồng. Đây là một ngành học giúp ích được trực tiếp tới đời sống cá nhân của con người.
Với cá nhân em thì ngay từ đầu khi tiếp cận ngành học này, em chỉ có mong muốn là có hiểu biết về tâm lí của con người để có thể có những ứng xử đúng trong cuộc sống. Rõ ràng là hiểu biết về suy nghĩ, tình cảm của những người xung quanh ta sẽ giúp mình làm việc thuận lợi và hiệu quả hơn.
- Ngành học này đã tạo cho bạn những thay đổi gì trong suy nghĩ và trong cuộc sống hàng ngày?
Trần Thị Gấm: Thực sự là sau khi học chuyên sâu về ngành học này, đã có nhiều thay đổi trong suy nghĩ và cả tính cách của bản thân em. Em cảm thấy mình đã biết nghĩ cho mọi người nhiều hơn, biết quan tâm và lắng nghe người khác hơn. Bản thân em cũng cảm nhận cuộc sống một cách chín chắn và cởi mở hơn cũng như tự biết cân bằng bản thân trong những khó khăn của cuộc sống. Em rất tâm đắc với hai câu nói: “Không muốn bị mọi người đối xử với mình như thế nào thì cũng đừng đối xử với người khác như thế” và “Lắng nghe là một kĩ năng của thành công”.
- Bạn nghĩ thế nào về trách nhiệm học tập của sinh viên hiện nay? Bạn có những định hướng và phương pháp học tập gì?
Trần Thị Gấm: Em nghĩ trách nhiệm học tập tốt là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của sinh viên mọi thời. Nhưng điều quan trọng hơn là học tập để có thể đóng góp gì cho cuộc sống? Ngoài việc học để có một vị trí làm việc tốt, xây dựng một cuộc sống đầy đủ cho bản thân thì các bạn trẻ cần có tham vọng sẽ đóng góp tài năng, khả năng sáng tạo của mình cho sự phát triển của ngành nghề, công việc mà mình theo đuổi, vì lợi ích và sự phát triển chung của xã hội.
Em không có phương pháp học tập gì cao siêu cả, chỉ là cố gắng tự học thật nhiều và đọc nhiều sách để mở mang kiến thức mà thôi.
- Theo bạn, sinh viên trong quá trình học đại học phải tích luỹ cho mình những kiến thức và kĩ năng gì?
Trần Thị Gấm: Tất nhiên là sinh viên phải có kiến thức chuyên ngành tốt, nhưng bên cạnh đó, các kĩ năng mềm cũng là những yếu tố cực kì quan trọng để có thành công trong công việc. Đó là kĩ năng giao tiếp, kĩ năng thuyết phục, kĩ năng lắng nghe, kĩ năng lập kế hoạch, kĩ năng làm việc nhóm... mà có thể bạn không có cơ hội rèn luyện trong khi học. Thế thì bằng cách này hay cách khác sinh viên phải tự trang bị mà thôi, để tránh những cú sốc khi đối diện với môi trường làm việc thực tế vốn khác hẳn với môi trường học đại học.
- Bạn mong ước một công việc trong tương lai như thế nào?
Trần Thị Gấm: Mong muốn của em giản dị lắm, chỉ cần một công việc phù hợp với chuyên ngành, khẳng định được bản thân và giúp ích được mọi người. Em luôn muốn áp dụng kiến thức tâm lí đã học để phục vụ một công việc cụ thể nào đó, ví dụ hiện em rất thích học, nghiên cứu và áp dụng kiến thức về tâm lí học kinh doanh, tâm lí học xã hội trong các hoạt động kinh doanh, giao tiếp với khách hàng hay các hoạt động truyền thông quảng cáo của một công ty nào đó…
- Một câu hỏi cuối, bạn có thể bàn luận gì về một vấn đề xã hội khá “hot” hiện nay là xu hướng muốn thể hiện cá tính và thể hiện cái tôi của giới trẻ, nhưng với nhiều hình thức gây sốc?
Trần Thị Gấm: Đúng là hiện nay trong xã hội có những hiện tượng đó. Đài báo nói nhiều đến các vụ việc tự rạch tay chân vì thích thôi, tự tung ảnh mát mẻ trên blog, đưa ra những tuyên ngôn gây sốc về tình yêu, tình dục... Và người ta cũng tranh luận rất nhiều là các bạn trẻ nên hay không nên có những hành động ấy?
Phải thừa nhận là xã hội hiện đại ngày càng phát triển thì các cá nhân, đặc biệt là các bạn trẻ ngày càng muốn thể hiện cái tôi của mình, thậm chí muốn bứt phá ra khỏi những suy nghĩ định kiến quen thuộc của xã hội. Muốn khẳng định bản thân là nhu cầu chính đáng, tuy nhiên, khẳng định bằng cách nào và phải trên cơ sở mọi người nhìn nhận điều đó ra sao? Cần có những quy tắc nhất định trong lối sống của mình, đó là dù làm gì thì làm cũng không được gây những ảnh hưởng tiêu cực đến mọi người. Mỗi người có quyền lựa chọn cách sống nhưng hãy có những lựa chọn sáng suốt nhất.
Tác giả: thanhha
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn