Ngôn ngữ
ThS. Trần Bách Hiếu (Bộ môn Khoa học Chính trị) trân trọng giới thiệu cuốn sách “The EU through the Eyes of Asia Volume II: New Cases, New Findings (Liên minh châu Âu qua cái nhìn của châu Á, tập II: Những trường hợp mới, những kết quả nghiên cứu mới), được in tại Nhà xuất bản World Scientific vào tháng 10 năm 2009, dày 270 trang.
ThS. Trần Bách Hiếu (Bộ môn Khoa học Chính trị) trân trọng giới thiệu cuốn sách “The EU through the Eyes of Asia Volume II: New Cases, New Findings (Liên minh châu Âu qua cái nhìn của châu Á, tập II: Những trường hợp mới, những kết quả nghiên cứu mới), được in tại Nhà xuất bản World Scientific vào tháng 10 năm 2009, dày 270 trang.
Cuốn sách là thành quả của 18 tháng nghiên cứu của các nhà nghiên cứu đến từ New Zealand, Philippines, Indonesia và Việt Nam. Trong đó, các nhà nghiên cứu Việt Nam bao gồm: PGS.TS. Phạm Quang Minh (Chủ nhiệm Khoa Quốc tế học - Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQG Hà Nội), NCS. Bùi Hải Đăng (Phó Chủ nhiệm Khoa Quan hệ Quốc tế - Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh), ThS. Trần Bách Hiếu (Giảng viên Bộ môn Khoa học Chính trị - Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQG Hà Nội).
[img class="caption" src="images/stories/2009/12/04/image001.jpg" border="0" alt="Trang bìa của cuốn sách." title="Trang bìa của cuốn sách." align="right" width="198"/>Có thể thấy, châu Âu và châu Á đã và đang liên kết ngày càng chặt chẽ với nhau trong những thập kỉ vừa qua. Sự phát triển quan hệ qua lại giữa hai châu lục này bắt nguồn từ những ràng buộc mang tính lịch sử, văn hoá, kinh tế, chính trị. Cũng chính bằng thực tế của mối quan hệ sâu sắc giữa hai khu vực, như một cách tự nhiên, các học giả, các nhà nghiên cứu đặt ra câu hỏi “EU được nhận thức như thế nào tại châu Á?”. Và câu hỏi này đã trở thành vấn đề gây được sự chú ý và khiến nhiều người suy nghĩ nhiều hơn về mối quan hệ giữa châu Á và châu Âu. Đồng thời, vấn đề trở nên đặc biệt hơn khi EU đã và đang trở thành đối tác kinh tế quan trọng bậc nhất đối với nhiều nước ở châu Á, trong khi vẫn nổi lên như một đối tác đối thoại an ninh và chính trị lâu đời đối với châu lục này. Trước thực tế đó, cuốn sách “The EU through the Eyes of Asia Volume II: New Cases, New Findings” đã ra đời, đáp ứng đòi hỏi cần phải truyền tải những tri thức, thông tin đáng tin cậy và cập nhật về những nhận thức mới về EU ở châu Á.
Bắt đầu từ năm 2006, Quỹ Á - Âu (ASEF) và Trung tâm quốc gia nghiên cứu châu Âu (NCRE) tại Đại học Canterbury, New Zealand đã thành lập Mạng lưới nghiên cứu châu Âu tại châu Á (ESiA) và đề xướng dự án nghiên cứu “EU qua cái nhìn của châu Á”. Dự án nghiên cứu so sánh đầu tiên này nhằm tìm hiểu một cách chi tiết những nhận thức về EU ở châu Á. Năm 2009, dự án nghiên cứu “EU qua cái nhìn của châu Á” đã được tiến hành tại 12 địa điểm nghiên cứu trên toàn châu Á. Ở mỗi khu vực, dự án đều cố gắng tiếp cận một cách hệ thống những sự hiện diện của EU thông qua việc phân tích tin bài đưa về EU trên các tờ báo, các kênh truyền hình uy tín, cũng như đánh giá về EU của công dân các nước châu Á, giới tinh hoa cũng như quan điểm của các nhà lãnh đạo quốc gia đó.
Cuốn sách Liên minh châu Âu qua cái nhìn của châu Á, tập II: Những trường hợp mới, những kết quả nghiên cứu mới đã trình bày những phát hiện, khám phá mới của dự án. Đồng thời, cuốn sách cũng đã cung cấp toàn cảnh nghiên cứu một cách chi tiết và hệ thống về sự hiện diện của EU qua các công trình nghiên cứu của ba nhóm nghiên cứu đến từ Việt Nam, Indonesia và Philippines (hay còn gọi tắt là khu vực ba nước “VIP”). Toàn bộ dữ liệu phân tích, nghiên cứu được thực hiện trong năm 2008 và nửa đầu năm 2009. Bên cạnh đó, cuốn sách đã so sánh những kết quả, phát hiện từ giai đoạn đầu của dự án được thực hiện ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan vào năm 2006 (xuất bản tập 1 vào năm 2007). Có thể nói, những kết quả nghiên cứu được công bố của dự án “EU qua cái nhìn của người châu Á” có giá trị rất lớn đối với các nhà hoạch định chính sách và những nhà lãnh đạo ở cả châu Âu và châu Á.
“Liên minh châu Âu qua cái nhìn của châu Á, tập II” là một công trình gồm 7 chương. Ba chương đầu của cuốn sách được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu đến từ Philippines, Việt Nam, Indonesia, đưa ra những bức tranh toàn cảnh về những nhận thức và những hình ảnh của EU được phản ánh ở mỗi quốc gia. Trong đó, Chương 1 được thực hiện bởi ba nhà nghiên cứu Alma Maria Salvador, Leslie Advincula-lopez và Manuel Enverga, nghiên cứu, điều tra hình ảnh EU ở Philippines. Chương 2 do các nhà nghiên cứu Phạm Quang Minh, Bùi Hải Đăng và Trần Bách Hiếu chấp bút. Chương này nghiên cứu cụ thể những nhận thức về EU ở Việt Nam qua phản ánh của báo chí truyền thông, dư luận xã hội và quan điểm của giới tinh hoa, tầng lớp các nhà lãnh đạo của Việt Nam. Chương 3 được viết bởi các tác giả Cornelis Pieter, Frederik Luhulima, Edward Panjaitan và Anika Widiana, khám phá toàn cảnh hình ảnh EU ở Indonesia. Ba chương tiếp theo của cuốn sách là kết quả của những nghiên cứu so sánh trường hợp, 9 dữ liệu nghiên cứu của cả 9 nước châu Á đã được tập hợp lại để phân tích, trong đó mới nhất là các dữ liệu do các nhóm nghiên cứu của Việt Nam, Indonesia và Philippines cung cấp. Chương 4 do tác giả Martin Holland viết. Chương này mô tả sơ lược những nhận thức về EU với tư cách là một chủ thể chính trị và kinh tế ở khu vực Đông Á gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Philippines và Việt Nam. Tác giả của chương 5 là Natalia Chaban. Chương này trình bày về nhận thức hình ảnh EU ở các nước châu Á, thể hiện qua các lĩnh vực xã hội, môi trường và phát triển. Chương 6 được viết bởi hai nhà nghiên cứu Lai Suet-yi và Natalia Chaban, so sánh những nhìn nhận và đánh giá về quá trình ASEM bằng các kết quả thu được qua phân tích truyền thông, dư luận và quan điểm của giới lãnh đạo ở cả 9 nước châu Á. Chương 7 do tác giả Peter Ryan đảm nhiệm và cũng là chương cuối của cuốn sách, là lời kết cho những phát hiện quan trọng của một giai đoạn nghiên cứu mới của dự án Mạng lưới nghiên cứu châu Âu tại châu Á (ESiA). Chương này cũng trình bày những vấn đề như làm thế nào để nghiên cứu những nhận thức bên ngoài EU và qua đó trở thành công cụ để trình bày rõ ràng, dễ hiểu chính sách giữa châu Á và châu Âu khi phát triển quan hệ đối thoại.
Có thể nói, cuốn sách “The EU through the Eyes of Asia Volume II: New Cases, New Findings” đã thể hiện một tinh thần hợp tác nghiên cứu khoa học mang tính quốc tế hiệu quả giữa các học giả, các nhà nghiên cứu đến từ nhiều nước, vùng lãnh thổ của châu Á như Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Philippines và Việt Nam trong việc phối hợp nghiên cứu với Trung tâm quốc gia nghiên cứu châu Âu (NCRE) tại Đại học Canterbury, New Zealand. Đối với các nhà nghiên cứu Việt Nam, công trình nghiên cứu Liên minh châu Âu ở Việt Nam đã thể hiện sự phối hợp vừa nhịp nhàng vừa ăn ý và rất hiệu quả giữa các thành viên đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, của những nhà có kinh nghiệm và nhà nghiên cứu trẻ - những người đang là nghiên cứu sinh và học viên cao học. Khi dự án hoàn thành cũng là lúc nghiên cứu sinh chuẩn bị bảo vệ luận án về bản sắc văn hoá châu Âu và học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ của mình. Đồng thời, việc kết quả nghiên cứu của dự án được Nhà xuất bản danh tiếng hàng đầu thế giới - World Scientific in ấn và phát hành, là thành quả đáng ghi nhận và hết sức có ý nghĩa dành cho các nhà nghiên cứu, những người đã làm việc không mệt mỏi trong khoảng thời gian kéo dài từ năm 2007 đến năm 2009. Cuốn sách không chỉ cho thấy những nhận thức về EU ở mỗi nước riêng rẽ mà còn đưa ra một bức tranh toàn cảnh về EU ở cả 9 nước châu Á từ góc độ so sánh. Kết quả nghiên cứu này có ý nghĩa to lớn đối với các nhà hoạch định chính sách, người dân, lãnh đạo của cả hai châu lục, góp phần tăng cường sự hiểu biết về hợp tác, thịnh vượng và phát triển của toàn thế giới.
Tác giả: i333
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn