Ngôn ngữ
Anh Phạm Thiên Vũ bắt đầu nghề hướng dẫn viên du lịch từ năm 1999 sau khi tốt nghiệp trung cấp khoá I Saigontourist. Năm 2002, anh nhận học bổng học chuyên ngành Quản trị du lịch tại Hà Lan. Anh là người sáng lập công ty du lịch ITE SERVICE tại TP. Hồ Chí Minh năm 2009. Năm 2013, anh định cư tại Mỹ và thành lập VUS LINKS TRAVEL cung cấp landtour cho thị trường Châu Á và Việt Nam. Trong suốt chặng đường làm nghề, anh đã đi qua hơn 60 quốc gia, có mặt ở tất cả các châu lục trên thế giới.
Anh Phạm Thiên Vũ - diễn giả chính của buổi giao lưu "Lữ hành - Hướng dẫn: Hành trang và cơ hội" do Khoa Du lịch học tổ chức ngày 21/9/2016 vừa qua
Lý giải niềm đam mê cháy bỏng với nghề, anh Vũ cho biết: tôi yêu cảm giác được chinh phục, được khám phá những miền đất tươi đẹp trên khắp thế giới. Những khoảng không gian mới mẻ, những địa điểm đẹp kỳ diệu cùng những phong tục tập quán văn hoá thú vị tại những vùng miền khác nhau cho tôi niềm đam mê bất tận. Để rồi kết thúc mỗi chuyến đi, bao mệt nhọc, vất vả cũng không thể ngăn cản anh lại háo hức bắt đầu những chuyến đi mới.
Trước lăn tăn về cơ hội nghề nghiệp của các bạn sinh viên, anh Phạm Thiên Vũ khẳng định: nghề nghiệp trong lĩnh vực du lịch rất có tương lai, đặc biệt là ở Việt Nam. Khi con người đã được thoả mãn những nhu cầu cơ bản về cơm ăn, áo mặc thì sẽ quan tâm đến nhu cầu mở rộng hiểu biết của mình. Đây là nhu cầu ngày càng bức thiết và không bao giờ dừng lại. Điều này hứa hẹn rằng ngành du lịch mà các bạn sinh viên đang đầu tư là hoàn toàn đúng hướng.
“Làm hướng dẫn viên du lịch phải… lì” - anh Vũ nhấn mạnh. Chưa nói đến vốn kiến thức nghề nghiệp vội, mà làm hướng dẫn viên du lịch cần phải biết quên bản thân mình vì công việc, không ngại mưa nắng, không ngại khó ngại khổ trên những cung đường dài. “Hướng dẫn viên du lịch trước hết phải là người phục vụ, nhưng họ cũng là người đại sứ văn hoá” - anh Vũ nói. Ở Việt Nam, nhiều công ty du lịch chưa coi trọng vị trí và vai trò của hướng dẫn viên, nhưng ở Mỹ, đây là một nghề rất được coi trọng. Không quá khi nói rằng hướng dẫn viên là linh hồn của tour. Vì khách hàng trải nghiệm dịch vụ du lịch và tiếp nhận những kiến thức văn hoá lịch sử ở mỗi vùng có trọn vẹn và hài lòng hay không đều qua tương tác trực tiếp với người hướng dẫn viên.
Một hướng dẫn viên giỏi cần cả vốn kiến thức sâu rộng về văn hoá, lịch sử các vùng miền và kỹ năng nghề nghiệp. “Kiến thức và tiếng Anh chính là hai thứ giúp chúng ta thành công” - đó là tâm niệm của anh Vũ ngay những ngày đầu anh làm quen với nghề. Anh Vũ có thể tự tin giao tiếp với người nước ngoài khi mới 15 tuổi. Anh có thể sử dụng tiếng Anh thông thạo cho nhiều hoạt động khác nhau, từ giao tiếp, tán dóc cho đến hát hò. Anh thích đọc sách, đặc biệt là các sách về lịch sử, văn hoá, chính trị và coi đó là sự đầu tư đáng giá cho nghề nghiệp, cho tương lai. Nhờ vậy, anh có thể nói chuyện trong nhiều giờ đồng hồ về văn hoá Hà Nội, hay có thể giải thích sâu về văn hoá ăn bốc bằng tay của người Ấn Độ. Anh Vũ đã rong ruổi trên tất cả các bang của nước Mỹ và vô cùng quen thuộc với những địa danh nổi tiếng của châu Âu, thậm chí còn hơn cả chính người bản địa.
Một trong những bí quyết làm nên thành công và sức hút của Phạm Thiên Vũ với tư cách là một hướng dẫn viên du lịch, đó là anh có nhiều tài lẻ và những kỹ năng nghề nghiệp tuyệt vời. Tất cả đều do nỗ lực tự học hỏi và rèn giũa mà thành. Anh có thể nói được giọng cả 3 miền ở Việt Nam, biết nấu ăn và từng phục vụ trong những nhà hàng tại nước ngoài, từng học Cao đẳng nghệ thuật TP HCM… Chính từ niềm yêu thích về ẩm thực mà anh kết nối thành công với du khách nhiều vùng miền trên thế giới, quảng bá cho ẩm thực Việt Nam với bạn bè quốc tế. Là cầu nối giữa khách du lịch và người địa phương, người hướng dẫn viên phải am hiểu văn hoá địa phương; am hiểu tâm lý khách hàng; biết thuyết trình sao cho ấn tượng, hấp dẫn; biết lập kế hoạch và linh hoạt giải quyết các vấn đề phát sinh trong chuyến đi…
Lời khuyên của diễn giả dành cho các sinh viên ngành Du lịch học, đó là hãy luôn có óc tìm tòi, quan sát, ham học hỏi và luôn chuẩn bị hành trang kỹ lưỡng trước mỗi chuyến đi. Để cạnh tranh được trên thị trường lao động ngành du lịch hiện nay, mỗi người cần phải “biết mình, biết ta”, nhận thức được điểm mạnh, điểm yếu của mình để có thể marketing tốt cho bản thân, biết nhanh nhạy tìm ra những “khoảng trống” trong thị trường và tạo ra cơ hội phát triền đột phá khi có thời cơ.
Trên tất cả, điều gì khiến một người hướng dẫn viên du lịch thành công với nghề ? Không ngần ngại, anh Vũ cho biết: đó là sự đam mê với nghề, sự chân thành trong các mối quan hệ, sự tận tình với khách hàng và ý thức giữ gìn hình ảnh bản thân. Diễn giả kết thúc bài phát biểu của mình bằng lời khuyên thực tiễn dành cho các bạn trẻ: dẹp bỏ mọi nỗi sợ hãi và tự ti trong lòng mình, dám dấn thân và nỗ lực hết sức để trở thành một hướng dẫn viên du lịch thực thụ.
Tác giả: Thanh Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn