Tin tức

“Sống không có mục đích như đi tàu biển mà không có la bàn vậy”

Thứ tư - 02/11/2016 06:12
Khán giả vốn khá quen thuộc với hình ảnh TSKH Đoàn Hương và PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái - hai người bạn tâm giao cũng là hai nhà nghiên cứu văn hoá nổi tiếng - “song kiếm hợp bích” tại nhiều diễn đàn và talkshow lớn nhỏ trên báo chí và truyền thông. Nhưng đối với sinh viên Khoa Báo chí và Truyền thông, không dễ để có thể được gặp gỡ với cả hai cô và lại còn được lắng nghe hai diễn giả kể những câu chuyện đời, chuyện nghề say sưa như thế. May mắn đó đã đến với đông đảo sinh viên ngành Báo chí và Truyền thông trong buổi toạ đàm “Người Việt trẻ và vấn đề văn hoá ứng xử” vừa qua.
“Sống không có mục đích như đi tàu biển mà không có la bàn vậy”
“Sống không có mục đích như đi tàu biển mà không có la bàn vậy”

Có lẽ đã khá lâu TSKH Đoàn Hương mới có dịp trở lại nói chuyện cùng sinh viên Khoa Báo chí và Truyền thông. Và như cô chia sẻ, đây vẫn là ngôi nhà thân thương, nơi cô đã có bao kỷ niệm đáng nhớ với đồng nghiệp và các học trò trong suốt cuộc đời làm nghiên cứu và giảng dạy. Và với sinh viên nhiều thế hệ của Khoa thì được gặp cô Đoàn Hương còn là một niềm mong mỏi không giấu diếm. Có thể thấy cảm xúc là một phần vô cùng quan trọng trong suốt buổi trò chuyện khiến diễn giả nhiều lần phải ngừng lại vì xúc động.

Câu chuyện mà TSKH Đoàn Hương chia sẻ xoay quanh tầm quan trọng của văn hoá ứng xử của người trẻ để đạt được tới thành công và hạnh phúc. Nó gồm cả ứng xử với xã hội, với gia đình và với chính bản thân mình.

“Hãy sống có lý tưởng và mục tiêu cụ thể. Vì chỉ có mục đích và lý tưởng sống được xác định sớm và rõ ràng mới khiến chúng ta đi đến nơi, về đến chốn và vượt qua được những khó khăn của cuộc sống” - cô nói. Còn nếu không xác định được mình muốn cái gì và mình sẽ trở thành ai, thì như là “đi tàu biển mà không có la bàn vậy”, sẽ mất phương hướng và không có động lực sống.

TSKH Đoàn Hương

Cô cho biết, điều hạnh phúc nhất trong đời là được làm nghề mà mình yêu thích, đó là trở thành một nhà nghiên cứu và giảng dạy về văn hoá, đặc biệt là văn hoá phương Đông. Cô xuất thân từ cử nhân văn chương tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, rồi trở thành Tiến sĩ Khoa học Ngữ văn đầu tiên của Việt Nam sau 10 năm học tập và nghiên cứu tại Nga. Với cô, tình yêu từ văn chương đã được nối dài sang lĩnh vực văn hoá rồi đến lĩnh vực báo chí.

Trước đây, khi chưa có Khoa Báo chí và Truyền thông thì những người làm báo đa phần xuất thân từ dân văn chương. Và cho đến nay, truyền thống đào tạo của Khoa Báo chí và Truyền thông tại Trường ĐHKHXH&NV có đặc điểm nổi trội là kết hợp được sự lãng mạn của dân văn chương và sự thực tế, thời sự của nghề báo. Sự lãng mạn và giàu kiến thức nền tảng về văn hoá giúp sinh viên của Khoa có cái nhìn sâu rộng và thấu đáo hơn, lý giải được sâu sắc hơn các hiện tượng xã hội. Sự thực tiễn và năng động lại giúp các bạn bắt kịp với dòng thời cuộc và soi chiếu tư duy của mình lên các vấn đề một cách tỉnh táo và khách quan. Đó chính là niềm tự hào trong truyền thống đào tạo báo chí của Khoa. Và cô khuyên các bạn trẻ hãy hiểu, giữ và phát huy được niềm tự hào ấy trong suốt chặng đường làm nghề của mình.

Vậy làm thế nào để các bạn trẻ có ứng xử đúng trong môi trường xã hội vốn nhiều biến động và phức tạp ? TSKH Đoàn Hương cho rằng chỉ khi có vốn văn hoá và vốn sống làm nền tảng mới giúp chúng ta có cách hành xử đúng. Muốn vậy, các bạn trẻ cần đọc sách thật nhiều; học ngoại ngữ như là một công cụ “sinh tử” trong thời buổi hội nhập hiện nay; tích cực tham gia các phong trào của cộng đồng, xã hội; sống tích cực và quý trọng thời gian, nâng cao thể lực và mở rộng trí óc, sống nhân ái và giàu tình yêu…

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái đã giới thiệu tập thơ mới nhất của cô tại buổi nói chuyện, đó là tập thơ "Tị nạn chiều". Cô có tâm nguyện bán 1000 cuốn để lấy tiền quyên tặng cho một bạn sinh viên gặp hoàn cảnh khó khăn trong TP Hồ Chí Minh

Câu chuyện về văn hoá ứng xử của người trẻ trong cuộc sống của TSKH Đoàn Hương được PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái tiếp nối với phần trò chuyện về văn hoá ứng xử với nghề báo cho những sinh viên ngành Báo chí và Truyền thông. Cô Minh Thái chia sẻ về ấp ủ của cô và nhiều đồng nghiệp là muốn chung tay xây dựng Khoa Báo chí và Truyền thông thành cái nôi đào tạo các nhà báo giỏi nghề cho nền báo chí nước nhà. Để sau khi tốt nghiệp, sinh viên Báo chí có thể ra trường và tác nghiệp ngay lập tức, có những cống hiến xứng đáng với vị trí, vai trò của nhà báo cũng như kỳ vọng của xã hội hiện nay.

Cô nhấn mạnh: thông tin, cái mới và tôn trọng sự thật là những yếu tố căn cốt của nghề báo. Một nhà báo giỏi là phải có nền tảng văn hoá tốt, có sự am hiểu về văn hoá dân tộc mình. Tiếp đó, họ phải có tình yêu với văn chương, cái đẹp và khả năng sử dụng tiếng Việt nhuần nhuyễn. Bên cạnh kiến thức trong trường đại học, các bạn trẻ cần học ở trường nghề với các nhà báo giỏi. Đồng thời, các bạn cần tự học, tự nỗ lực trau dồi mình rất nhiều thì mới có thể thành công.

Trước câu hỏi của sinh viên về sự lựa chọn giữa việc phải giữ đạo đức và lý tưởng nghề nghiệp với một bên là áp lực “cơm áo gạo tiền” của cuộc sống, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái khẳng định: Những người hành nghề báo một cách tử tế và có đạo đức vẫn luôn sống “khoẻ”. Nếu đam mê và giỏi nghề thì các bạn trẻ sẽ vượt qua được mọi cám dỗ và khó khăn để tìm được chỗ đứng riêng cho mình.

 

Tác giả: Thanh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây