Ngôn ngữ
PGS. TS. Vũ Quang Hiển*
Những năm 2003-2005, khi làm thư ký khoa học của đề tài Lịch sử Chính phủ Việt Nam tập 1 (1945-1954) do PGS. NGND Lê Mậu Hãn chủ trì, tôi có cơ hội được tiếp kiến GS. Trần Văn Giàu - thầy của bậc thầy chúng tôi, tại một số hội thảo khoa học và đặc biệt là ở nhà riêng; được học hỏi ở Ông nhiều kiến thức và phương pháp, nghe Ông nói nhiều điều mà trước đó tôi chưa từng biết. Tôi hiểu Ông đã từ một nhà chính trị trở thành một nhà khoa học chuyên nghiệp như thế nào. Điều toát lên ở con người Ông là ý thức tổ chức kỷ luật và lòng trung thành vô bờ bến của một người cộng sản với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Dù trong hoàn cảnh nào Ông cũng luôn giữ vững ý chí chiến đấu, thể hiện bản chất và bản lĩnh của một nhà cách mạng kiên cường, suốt đời vì đất nước vì nhân dân.
Nhân dịp kỷ niệm 105 ngày sinh của Ông (11-9-1911 – 11-9-2016), tôi viết tham luận này với tấm lòng thành kính về một nhân vật lịch sử mà với chúng tôi đã đi vào ký ức như một huyền thoại.
Những tháng ngày năm 1945, trong điều kiện thông tin liên lạc hết sức khó khăn, không nhận được sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, nhưng Xứ uỷ Nam Kỳ do Trần Văn Giầu làm Bí thư đã phát huy cao độ tinh thần cách mạng chủ động và sáng tạo, bám sát thực tiễn Sài Gòn và Nam Kỳ, căn cứ vào những biến chuyển của tình hình trong nước và thế giới, tự quyết định và chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, tìm đúng phương sách phát triển lực lượng và hành động kịp thời, góp phần vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa dân tộc, thắng lợi của đường lối cách mạng của Đảng và tư tưởng độc lập tự do của Hồ Chí Minh. Lịch sử đã đi qua hơn 70 năm, nhưng dấu ấn về tư duy và hành động của nhà cách mạng, người cộng sản Trần Văn Giàu vẫn in đậm trong ký ức nhân dân.
1. Thành lập Thanh niên Tiền phong - một sáng tạo lớn, đẩy nhanh công cuộc chuẩn bị lực lượng tổng khởi nghĩa
Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (11-1940) bị thực dân Pháp đàn áp dữ đội, tổ chức Đảng và quần chúng ở các tỉnh Nam Kỳ bị tổn thất nặng nề, hầu hết cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Xứ ủy Nam Kỳ, Thành ủy Sài Gòn và nhiều tỉnh ủy các tỉnh ở miền Đông, miền Tây Nam Bộ bị địch bắt, giam cầm, giết hại; tổ chức cơ sở Đảng bị phá vỡ ở nhiều địa phương; phần lớn các căn cứ cách mạng bị lộ; phong trào cách mạng lắng xuống và gặp khó khăn trong nhiều năm kế tiếp. Đối tượng mà thực dân Pháp và quân phiệt Nhật tập trung tiêu diệt là các tổ chức do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Việc phục hồi lực lượng cách mạng ở Nam Kỳ gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, Đảng bộ Nam Kỳ có sự phân hoá thành hai hai cơ quan xứ uỷ, tuy cả hai đều chung mục tiêu lý tưởng, nhưng trong hoạt động cũng có những điều không thống nhất)[1].
Trong lúc lực lượng cách mạng Nam Kỳ chưa phát triển, các giáo phái mà thực chất là những chính đảng thân Nhật, tập hợp quần chúng dưới hình thức tôn giáo như Cao Đài, Hoà Hảo, cùng phái Trốt-kít và nhiều nhóm chính trị khác ráo riết hoạt động và đều nhận được sự quan tâm của cơ quan tình báo Kempeitai của Nhật. Nhiều nhóm ảo tưởng vào Nhật, trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhật để thoát khỏi ách thực dân da trắng, giành độc lập dân tộc.
Vấn đề chuẩn bị lực lượng cách mạng đòi hỏi phải có hình thức tập hợp quần chúng phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể, nhất là khi cả Pháp và Nhật đều ra sức lôi kéo quần chúng bằng nhiều hình thức khác nhau)[2]. Phải tìm ra một hình thức tổ chức đông đảo quần chúng tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền là một câu hỏi lớn đối với các nhà lãnh đạo của Đảng ở Nam Kỳ, đòi hỏi phải có bản lĩnh chính trị và phương pháp cách mạng sáng tạo. Nếu chỉ biết kiên trì tổ chức bí mật, chỉ nhấn mạnh một chiều lực lượng công nhân va nông dân thì sẽ sa vào tình trạng cô độc, hẹp hòi và rất khó huy động quần chúng lên trận địa cách mạng.
Xứ ủy Nam Kỳ do Trần Văn Giàu làm Bí thư chủ trương: "Phải tìm một số hình thức tổ chức và hoạt động công khai – không nhất thiết phải là hợp pháp – hợp với ý đồ của ta, mang tính chất động viên chính trị cao, trước hết là cho thanh niên, động viên được hàng vạn, hàng chục vạn, hàng triệu người dân, đưa họ xuống đường theo khẩu hiệu cách mạng giải phóng dân tộc”)[3].
Đầu năm 1945, Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào đoạn kết. Quân đội các nước Đồng minh đang phản công mạnh trên khắp các chiến trường. Chủ nghĩa phát xít sắp tới ngày tận số. Cơ hội để nhân dân Việt Nam nổi dậy giành chính quyền đang tới gần. Trong khi đó, lực lượng cách mạng ở Nam Kỳ vẫn chưa tiến kịp phong trào cả nước.
Trong thế thất bại liên tiếp ở mặt trận châu Á - Thái Bình Dương, Nhật tiến hành đảo chính lật đổ Pháp, độc chiếm Đông Dương (9-3-1945), tung chiêu bài “Việt Nam độc lập”, dựng ra chính quyền Bảo Đại - Trần Trọng Kim, trao trả cho chính quyền này cái bánh “độc lập”, nhưng vẫn giữ quyền trực tiếp cai trị Nam Kỳ, đồng thời nắm toàn bộ lực lượng quân đội và bộ máy cảnh sát. Chính phủ Nhật hoàng ngang ngược tuyên bố: “Đến khi nào Đông Dương tỏ ra mình đã đến trình độ một nước độc lập, bấy giờ Chính phủ Nhật sẽ giúp cho giải phóng hẳn hoi”)[4].
Vào thời điểm Nhật đảo chính Pháp, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp Hội nghị ở Từ Sơn, Bắc Ninh (9-3-1945) và ra bản chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta (12-3-1945), xác định phương hướng hành động của toàn Đảng, toàn dân trong cao trào kháng Nhật cứu nước, nhưng do ở xa Trung ương, điều kiện giao thông liên lạc gặp nhiều khó khăn, nên Đảng bộ Nam Kỳ khi đó không nhận được chỉ thị này.
Tình hình hết sức khẩn trương, đòi hỏi Xứ uỷ Nam Kỳ phải phát huy cao độ tinh thần chủ động và sáng tạo để đưa phong trào cách mạng tiến lên.
Giữa lúc ấy, Thống đốc Nam Kỳ Minoda Fujio và Tổng lãnh sự Nhật Ida mời bác sĩ Phạm Ngọc Thạch và kỹ sư Ngô Tấn Nhơn đứng ra tổ chức thanh niên ở Nam Kỳ nhằm lôi kéo quần chúng ủng hộ Nhật. Khi đó chính quyền Nhật không hề biết Phạm Ngọc Thạch là một đảng viên cộng sản do Trần Văn Giàu kết nạp. Phạm Ngọc Thạch đã báo cáo với Trần Văn Giàu và Hà Huy Giáp sự việc này.
Trong những biến đổi của tình hình thế giới và trong nước, Nam Kỳ có thể và cần phải lợi dụng khả năng công khai để huy động hàng triệu quần chúng trong lực lượng chính trị, sẵn sàng tham gia khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến. Muốn vậy phải thừa cơ tổ chức một đoàn thể thanh niên lớn mạnh với tư tưởng chính trị bao trùm là tinh thần yêu nước, thương dân, chống thực dân, quyết hy sinh, phấn đấu cho nển độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Tổ chức Đảng cần phải bí mật và nghiêm ngặt, nhưng tổ chức quần chúng cần công khai và nhẹ nhàng mới có điều kiện tập hợp lực lượng rộng rãi.
Nhận thấy khả năng có thể lợi dụng ý đồ của Nhật để thành lập một tổ chức quần chúng, đồng thời cũng thấy Phạm Ngọc Thạch là một đảng viên đang hoạt động công khai, hợp pháp, một con người bản lĩnh và tài ba)[5], Trần Văn Giàu và Hà Huy Giáp, sau khi cân nhắc mọi mặt, đã đề xuất với Xứ uỷ cho Phạm Ngọc Thạch đứng ra công khai tổ chức phong trào thanh niên và được Xứ uỷ chấp thuận. Việc đặt tên cho tổ chức thanh niên được bàn bạc kỹ và quyết định lấy tên là Thanh niên Tiền phong, một cái tên mang ý nghĩa giao trách nhiệm xung kích, đi đầu cho tuổi trẻ đầy nhiệt huyết)[6]. Nhiều cán bộ được Xứ ủy phái vào tổ chức này để cùng với những thanh niên cộng sản khắp các tỉnh nhanh chóng xây dựng một đoàn thể yêu nước rộng rãi mang tinh thần chiến đấu cao, có khả năng thu hút mạnh mẽ lực lượng quần chúng đông đảo theo đường lối cách mạng giải phóng dân tộc.
Quyết định của Bí thư Trần Văn Giàu và Xứ uỷ Tiền phong là một quyết định đầy trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, lấy lợi ích của cách mạng, của dân tộc làm trọng, một quyết định hết sức táo bạo, sáng suốt, linh hoạt, cho phép huy động đến mức cao nhất, nhanh nhất lực lượng thanh niên vào con đường có tổ chức để giác ngộ và rèn luyện thành một đội quân chính trị mạnh mẽ theo phương hướng cách mạng của Đảng. Người Nhật không thể ngờ rằng đằng sau Phạm Ngọc Thạch là một Xứ ủy đang tìm kiếm một hình thức tổ chức và hoạt động công khai của thanh niên, không phải một tổ chức thể thao, văn hoá theo đường hướng “Đại Đông Á”, phục vụ cho lợi ích của đế quốc Nhật Bản, mà là một tổ chức theo phương hướng chính trị yêu nước và độc lập dân tộc của Đảng Cộng sản.
Thanh niên Tiền phong là một hình thức tập hợp lực lượng hiệu quả, mau chóng, huy động đông đảo thanh niên ở nông thôn và thành thị lên trận địa cách mạng; có vai trò to lớn trong quá trình gấp rút chuẩn bị và tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ Tháng Tám năm 1945)[7] Thực tiễn đó chứng tỏ một cách hùng hồn rằng chủ trương của Bí thư Trần Văn Giàu và Xứ uỷ Nam Kỳ là hoàn toàn đúng đắn.
2. Chú trọng chuẩn bị và lãnh đạo tổng khởi nghĩa ở thành phố Sài Gòn, góp phần giành thắng lợi quyết định trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945
Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ tháng 11-1940 cho thấy, lúc phong trào cả nước chưa phát triển, chỉ tiến hành khởi nghĩa ở một vài địa phương khi chưa có sự chuẩn bị chu đáo sẽ không thể giành thắng lợi. Điều đó có tác động rất lớn đến tư duy của cán bộ và đảng viên ở Nam Kỳ trong thời cơ Tháng Tám năm 1945.
Sài Gòn, Huế, Hà Nội và các đô thị khác là nơi đóng các cơ quan đầu não của những thế lực ngoại xâm. Trong tổng khởi nghĩa, đô thị giữ vai trò quyết định thắng lợi. Nếu “chỉ dựa vào lực lượng vũ trang và đấu tranh vũ trang, chỉ dựa vào rừng núi và nông thôn mà không nhanh chóng động viên hàng triệu quần chúng đứng lên, không chuyển toàn bộ lực lượng chính trị và vũ trang của ta giáng những đòn tiến công quyết liệt vào trung tâm thần kinh của địch ở thành thị thì có thể ta đã lỡ mất thời cơ có một không hai trong những ngày Tháng Tám năm 1945”)[8].
Để giành thắng lợi cho cách mạng giải phóng dân tộc ở một nước nông nghiệp, phải kết hợp phong trào nông thôn với phong trào thành thị, chú trọng xây dựng lực lượng và tiến hành khởi nghĩa ở cả thành thị và nông thôn, trong đó khởi nghĩa ở thành thị giữ vai trò quyết định. “Đảng của giai cấp vô sản cần phải phối hợp phong trào nông dân với các mục tiêu cách mạng và các hoạt động của giai cấp vô sản ở các trung tâm công nghiệp… Tổ chức và chuẩn bị các hoạt động phối hợp, nếu có thể cùng một lúc ở thành thị và nông thôn thì đó sẽ là mục đích căn bản của đảng cách mạng ở các nước nông nghiệp và nửa nông nghiệp”)[9].
Để có thể khởi nghĩa ở cả thành thị và nông thôn cần chuẩn bị lực lượng trên cả hai địa bàn này. Tuy nhiên, những cuộc khởi nghĩa ở thành thị nhằm vào các cơ quan đầu não của đối phương có ý nghĩa quyết định thắng lợi của tổng khởi nghĩa. Chính vì thế, phải có sự chuẩn bị chu đáo lực lượng khởi nghĩa ở thành thị. Sài Gòn là thành thị quan trọng nhất ở Nam Kỳ. Giành được chính quyền ở Sài Gòn góp phần quan trọng vào thắng lợi triệt để của cuộc tổng khởi nghĩa toàn quốc.
Với sự ra đời và hoạt động của Thanh niên Tiền phong do Bí thư Trần Văn Giàu trực tiếp chỉ đạo, phong trào đô thị Sài Gòn phát triển mạnh, nhất là sự tham gia của các trí thức tiến bộ, làm cho tổ chức của Thanh niên Tiền phong có tính chất mặt trận rộng rãi, chứ không phải là một tổ chức cô độc, hẹp hòi. Ban quản trị, ban chỉ đạo đóng ở số 14 đường Charner (đường Nguyễn Huệ ngày nay) gồm những trí thức nổi tiếng như giáo sự Lê Văn Huấn (trường Pétrus Ký), kỹ sư Kha Vạng Cân, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (tổng thư ký), bác sĩ Nguyễn Văn Thủ, luật sư Thái Văn Lung, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, sinh viên Tạ Bá Tòng, sinh viên Huỳnh Văn Tiểng… Hầu hết họ là học viên trong lớp lý luận chính trị do Trần Văn Giàu phụ trách với các cộng sự là Hà Huy Giáp và Nguyễn Văn Nguyễn.
Để một tổ chức cách mạng tồn tại và hoạt động hợp pháp, Thanh niên Tiền phong lấy cờ là cờ vàng sao đỏ. Màu đỏ là màu cách mạng, sao đỏ là hướng dẫn đúng đường, nền cờ màu vàng là màu dân tộc. Cờ vàng sao đỏ mang ý nghĩa là cách mạng giải phóng dân tộc, nhưng vẫn tránh được sự nghi ngờ và theo dõi của Nhật.
Ngày 5-7-1945, Thanh niên Tiền phong tổ chức Lễ Tuyên thệ ở vườn Ông Thượng (Công viên văn hoá Tao Đàn ngày nay). Trước 25 ngàn thanh niên trong đội ngũ chỉnh tề, thủ lĩnh Phạm Ngọc Thạch nhấn mạnh mục đích, tinh thần cách mạng mà mỗi thanh niên đều phải có. Việc nhắc tới những nhân vật lịch sử Việt Nam hiện đại như Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai… được đoàn viên Thanh niên Tiền phong và công chúng hoan nghênh nhiệt liệt. Lễ Tuyên thệ kết thúc, từng đoàn người ra về trong không khí hồ hởi và ca vang bài hát Lên đàng.
Với những hoạt động phong phú, liên tục và náo nhiệt như tuyên truyền cổ động, mittinh, tuyên thệ, diễn thuyết, tuần hành…, nhất là ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định)[10], lực lượng của Thanh niên Tiền phong ngày càng phát triển, kể cả ở những tỉnh chưa có tỉnh ủy Đảng Cộng sản như Bà Rịa, Hà Tiên. Đến tháng 8-1945, Thanh niên Tiền phong đã có hàng triệu đoàn viên. Bên cạnh Thanh niên Tiền phong còn có “Thanh niên Tiền phong ban xí nghiệp” (vốn là công đoàn)[11]. Không khí cách mạng ngày càng sôi sục, báo hiệu một sự đột biến đang dần đến.
Thanh niên Tiền phong là một sáng tạo có ý nghĩa chiến lược của Xứ uỷ và nhân dân Nam Kỳ, gắn với sự quyết đoán của Bí thư Trần Văn Giàu. Nhờ đó, chỉ trong một thời gian ngắn, thành phố Sài Gòn nói riêng, các tỉnh Nam Kỳ nói chung đã có một lực lượng chính trị hùng hậu được chuẩn bị chu đáo, một lực lượng cơ bản và giữ vai trò quyết định thắng lợi của tổng khởi nghĩa.
Trong tư duy chính trị Trần Văn Giàu, việc thành lập và hoạt động của Thanh niên Tiền phong ở Nam Kỳ lúc đó là một biện pháp tích cực nhằm đẩy nhanh sự tích luỹ về lượng để chuẩn bị cho bước phát triển nhảy vọt về chất khi thời cơ đến. Đó cũng chính là sự đóng góp xuất sắc của phong trào cách mạng ở Sài Gòn nói riêng, Nam Kỳ nói chung trong cao trào kháng Nhật cứu nước đang dâng lên mạnh mẽ ở cả thành thị và nông thôn.
Tháng 8-1945, Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Quân phiệt Nhật đầu hàng Đồng minh không điều kiện. Thời cơ cách mạng xuất hiện. Uỷ ban Khởi nghĩa toàn quốc được thành lập và phát đi bản Quân lệnh số 1 (13-8-1945). Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân trào (14 và 15-8-1945) quyết định phát động tổng khởi nghĩa. Quốc dân Đại hội (ngày 16 và 17-8-1945) thông qua Nghị quyết lịch sử giành chính quyền toàn quốc. Tuy nhiên, do điều kiện giao thông khó khăn, đại biểu Nam Kỳ ra Việt Bắc dự họp cũng không về kịp. Một lần nữa, Đảng bộ Nam Kỳ không nhận được chủ trương của Trung ương Đảng và Quân lệnh của Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc. Những diễn biến mau lẹ của tình hình đòi hỏi sự chủ động quyết đoán của Xứ uỷ đứng đầu là Bí thư Trần Văn Giàu.
Ngày 15-8-1945, Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ thành lập Ủy ban khởi nghĩa do Trần Văn Giàu làm Chủ tịch. Hội nghị Xứ uỷ mở rộng họp tại Chợ Đệm (Bình Chánh) bàn việc khởi nghĩa nhưng không đạt được sự đồng thuận, do một số ý kiến lo ngại có thể bị đàn áp như cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ (11-1940). Vì thế, Hội nghị quyết định tiếp tục hoàn tất công việc chuẩn bị; bám sát tình hình, nếu Hà Nội khởi nghĩa thì Xứ ủy sẽ quyết định ngày khởi nghĩa cho Sài Gòn[12]; đưa Việt Minh ra công khai ở Sài Gòn. Khí thế cách mạng ở Sài Gòn ngày càng sôi sục[13].
Ngày 20-8-1945, Xứ ủy Nam Kỳ nhận được tin khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội. Bí thư Xứ uỷ Trần Văn Giàu được Phạm Ngọc Thạch cho biết Nhật sẽ không can thiệp nếu nhân dân Sài Gòn khởi nghĩa giành chính quyền[14]. Sáng ngày 21-8-1945, Xứ ủy triệu tập Hội nghị mở rộng. Với đầu óc nhạy cảm, Bí thư Xứ uỷ Trần Văn Giàu nhạn thấy thời cơ giành chính quyền đã xuất hiện, và với lực lượng sẵn có có thể phát động ngay một cuộc khởi nghĩa ở Sài Gòn, nhưng vẫn có ý kiến chưa nên khởi nghĩa vì sợ quân Nhật sẽ theo Anh, Pháp đàn áp quần chúng. Trên cơ sở cân nhắc thân trọng và nhằm đạt sự thống nhất cao trong Xứ uỷ, Bí thư Trần Văn Giàu đề nghị và được Xứ uỷ nhất trí giao cho Tỉnh ủy Tân An lãnh đạo khởi nghĩa thí điểm ở tỉnh lỵ vào đêm ngày 22-8-1945.
Khởi nghĩa giành chính quyền ở Tỉnh lỵ Tân An giành thắng lợi nhưng quân Nhật không có phản ứng gì, làm tan biến những lo ngại về khả năng quân Nhật đàn áp cách mạng. Sáng 23-8-1945, Trần Văn Giàu triệu tập gấp Hội nghị Xứ ủy, quyết định khởi nghĩa ở Sài Gòn vào tối ngày 24-8-1945. Cả Sài Gòn vùng dậy giành chính quyền nhanh, gọn không đổ máu.
Cuộc khởi nghĩa ở Sài Gòn thắng lợi, cũng là lúc các thế lực ngoại xâm sắp tràn vào Việt Nam, thực dân Pháp quyết tái chiếm Việt Nam một lần nữa. Những thế lực nội phản bắt đầu ngóc đầu dậy. Nền độc lập dân tộc đang bị de doạ nghiêm trọng. Với nhãn quan chính trị sắc bén và tầm nhìn xa trong rộng, Trần Văn Giàu sớm dự báo về nguy cơ mới của đất nước và khẳng định quyết tâm của nhân dân bảo vệ thành quả cách mạng. Chiều ngày 25-8-1945, trong cuộc mít tinh trước dinh Đốc lý Sài Gòn, Chủ tịch Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ Trần Văn Giàu long trọng tuyên bố: “Đồng bào toàn dân. Hôm nay là ngày vẻ vang nhất trong lịch sử của Nam Bộ Việt Nam. Giữa thanh thiên bạch nhật, chúng tôi, Ủy ban Hành chánh lâm thời, nhân danh toàn thể quốc dân Nam Bộ, tuyên bố trước mặt toàn cầu và trước mặt toàn thể quốc dân rằng: Chế độ Cộng hòa Dân chủ thành lập tại Nam Bộ Việt Nam. Chúng tôi tuyên bố không thừa nhận chế độ Nam triều và cương quyết chống chế độ thực dân. Không một ngoại bang nào có thể viện lý do gì để bác bỏ được điều quyết định long trọng của đồng bào ta hoài bão lâu nay: Nước Việt Nam hoàn toàn độc lập (TG nhấn mạnh). Thay mặt cho Mặt trận Việt Minh miền Nam, chúng tôi lãnh trách nhiệm nắm giữ chính quyền Nam Bộ, để đến ngày triệu tập xong Quốc hội, sẽ giao lại cho đại biểu toàn quốc”[15].
Thành công của tổng khởi nghĩa ở Sài Gòn, cùng thắng lợi của khởi nghĩa ở Hà Nội (19-8), Huế (23-8) và các đô thị khác đã xoá bỏ các cơ quan đầu não của chế độ thực dân, có tác dụng quyết định thắng lợi của cuộc khởi nghĩa toàn quốc.
3. Trí tuệ, lương tâm và trách nhiệm của Trần Văn Giàu trong ngày Lễ Độc lập (2-9-1945) ở Sài Gòn
Ngày 2-9-1945, Lễ Độc lập được tổ chức tại Sài Gòn. Lễ đài đặt trên đường Cộng Hòa (nay là đường Lê Duẩn), phía sau nhà thờ Đức Bà. Biển người Sài Gòn đổ ra đường trong rừng cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc, cờ các nước Đồng minh và cờ của các đoàn thể. Khẩu hiệu giăng đầy khắp các đường phố: Việt Nam dân chủ cộng hòa muôn năm!, Đả đảo thực dân Pháp!, “đặc biệt khẩu hiệu Độc lập hay là chết là sản phẩm của ông Giàu được viết bằng năm thứ tiếng: Việt, Hoa, Anh, Pháp, Nga đã xuất hiện trong ngày này”[16]. Từ 12h00 trưa, quần chúng đã tụ hội đông đảo bên lễ đài và trên những đường phố lớn.
Đúng 14h00 chiều ngày 2-9-1945, buổi lễ bắt đầu bằng nghi thức chào quốc kỳ[17]. Theo kế hoạch ban đầu, Ban Tổ chức sẽ tiếp sóng Đài Tiếng nói Việt Nam lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đinh (Hà Nội) để đồng bào Sài Gòn nghe qua hệ thống loa phóng thanh. Nhưng do điều kiện kỹ thuật, việc tiếp sóng không thành. Ban tổ chức đề nghị Bí thư Xứ ủy, Chủ tịch Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ Trần Văn Giàu phát biểu. Ông suy nghĩ ít phút, ghi nhanh những ý chính, rồi bước lên lễ đài, thưa với đồng bào từng lời chậm rãi và chắc chắn như đọc một bài diễn văn[18] mà nội dung của nó dường như khẳng định lại những nội dung cơ bản trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình.
Mở đầu, Trần Văn Giàu hùng hồn tuyên bố về biến cố vĩ đại trong lịch sử dân tộc được mở ra bằng thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945; khẳng định kỷ nguyên độc lập tự do đã bắt đầu, khơi dậy niềm tự hào của nhân dân Việt Nam vừa bước từ địa vị nô lệ lên địa vị người làm chủ đất nước: “Việt Nam từ một xứ thuộc địa đã trở thành một nước độc lập. Việt Nam từ một đế chế đã trở thành một nước Cộng hòa. Việt Nam đương tiến bước trên đường sống”.
Nhìn thấu ý đồ trở lại xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp với sự giúp sức của các đế quốc Mỹ và Anh, nền độc lập dân tộc vừa giành được đã đứng trước nguy cơ mới, Ông tố cáo mạnh mẽ âm mưu thâm hiểm của kẻ thù và căn dặn đồng bào bằng những lời mang đầy tính dự báo: “Kẻ địch toan tính một cuộc âm mưu gác lại ách nô lệ trên cổ 25 triệu đồng bào… Chúng tôi đã nắm được bằng cớ chắc chắn là họ toan dùng võ lực thình lình lật đổ chính phủ Dân chủ Cộng hòa để đặt lại một quan toàn quyền như thuở trước. Mừng thắng lợi nhưng đồng bào chớ say sưa vì thắng lợi. Bởi vì Việt Nam yêu quý của chúng ta đương gặp một tình cảnh nguy nan. Không khéo lo, nước ta, dân ta có thể bị tròng lại ách nô lệ”.
Hướng về đông đảo quần chúng tham dự buổi lễ, Ông thân mật nêu hai câu hỏi, như khích lệ ý chí quyết tâm của nhân dân Sài Gòn sẵn sàng đứng lên chiến đấu bảo vệ thành quả cách mạng, quyết không chịu trở lại đời nô lệ: "Đồng bào ở đây có ai thừa nhận một quan toàn quyền cai trị xứ ta không? Có ai chịu bó tay để cho chế độ thực dân - ra mặt hay giấu mặt - trở lại không?".
Sau mỗi câu hỏi của Ông, ầm vang tiếng đáp rõ ràng, dứt khoát của cả biển người: "Không! Không! Không!". Đó không chỉ là quyết tâm của nhân dân Sài Gòn, nhân dân Nam Bộ, mà cũng là quyết tâm chung của cả dân tộc Việt Nam.[19]
Dựa vào sức mạnh đoàn kết và tinh thần yêu nước của nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ hướng đến Chính phủ phủ Pháp khẳng định chính sách của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trong quan hệ với nước Pháp, báo trước với những người thực dân hiếu chiến ý chí độc lập tự do và quyết tâm đoàn kết với nhân dân Pháp chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược:
"Việt Nam dân chủ cộng hòa sẵn sàng ký kết với Cộng hòa Pháp những hiệp ước cộng tác về kinh tế, về văn hóa, luôn về binh bị nữa, nếu Pháp công khai thừa nhận quyền độc lập của chúng tôi.
Nhược bằng trái lại, các người kể chúng tôi như tôi mọi thì liên hiệp với dân chúng cách mạng Pháp, chúng tôi thề chết (chứ) không nhượng bộ trước bất cứ một sự hăm dọa hay khiêu khích nào".
Đối với Chính phủ của nhân dân Việt Nam vừa mới thành lập, Ông nói lên lời thề son sắt của nhân dân Sài Gòn, nhân dân Nam Bộ: “Chúng ta thề cương quyết đứng bên cạnh Chánh phủ, chống mọi sự xâm lăng, dầu chết cũng cam lòng". Đáp lời Ông, cả rừng đưa cao nắm tay, đồng loạt hô lớn: "Xin thề! Xin thề! Xin thề!"
Kết thúc bài nói, người cộng sản Trần Văn Giàu tha thiết kêu gọi: "Quốc dân hãy sẵn sàng chiến đấu!... Đứng lên! Ngày độc lập bắt đầu từ nay! Tiến tới, vì độc lập, vì tự do, tiến tới mãi! Không một thành lũy nào ngăn nổi chí của muôn dân trên đường giải phóng!"[20].
Phải chăng lời kêu gọi đồng bào sẵn sàng chiến đấu là một sự tiên đoán thiên tài của Ông về cuộc kháng chiến của nhân dân Thành Đồng Tổ quốc chống thực dân Pháp tái chiếm Nam Bộ sắp bắt đầu?
Tuy không chuẩn bị trước, nhưng bài phát biểu của Bí thư xứ uỷ, Chủ tịch Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ Trần Văn Giàu thể hiện một thiên tài trí tuệ và một nhãn quan chính trị sắc bén, một triết lý nhân văn sâu sắc, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người ở một nước thuộc địa với khát vọng cháy bỏng là độc lập tự do.
Năm 1945 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và sự thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, “Chính quyền cách mạng của nước dân chủ mới ấy không phải thuộc quyền riêng một giai cấp nào mà là của chung cả toàn thể dân tộc”[21]. Cả trong tư duy và hành động, trong lời nói và việc làm của Bí thư Xứ uỷ Trần Văn Giàu khi đó mãi để lại âm hưởng của một cơn bão táp cách mạng làm đổi đời cả dân tộc Việt Nam. Hoạt động cùng đồng chí, đồng bào ở đất phương Nam xa Trung ương Đảng, nhưng trong trái tim và khối óc Ông luôn thấm đẫm giá trị cốt lõi của lý luận cách mạng giải phóng và phát triển dân tộc của Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng của Đảng.
* Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử ĐCSVN, Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN
[1] Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (11-1940), hệ thống tổ chức của Đảng ở Sài Gòn, các tỉnh Gia Định, Chợ Lớn cũng như toàn Nam Kỳ bị khủng bố, đánh phá tan hoang. Hầu hết các đảng viên cốt cán có trọng trách lãnh đạo đều bị bắt, bị giết, bị đày đi Côn Đảo. Từ đó đến cuối 1943, Đảng bộ Nam Kỳ không có Xứ ủy và hoàn toàn mất liên lạc với Trung ương. Tháng 3-1941, chi bộ nhà tù Tà Lài cử tám đảng viên vượt ngục để gầy dựng lại cơ sở. Sáu người trong số này lần lượt bị bắt lại, chỉ có hai người thoát là Dương Quang Đông và Trần Văn Giàu. Hai người đã nắm tình hình, bắt lại liên lạc, lần lượt lập ra các tỉnh ủy mới ở 21 tỉnh, thành Nam Bộ. Tháng 10-1943, 11 trong số các tỉnh ủy mới đã cử đại biểu dự hội nghị tại Chợ Gạo (Mỹ Tho) để thành lập Xứ ủy Nam Kỳ. Hội nghị bầu Trần Văn Giàu làm bí thư Xứ ủy và ra tờ báo Tiền Phong làm cơ quan ngôn luận. Xứ ủy này được gọi là Xứ ủy Tiền Phong. Cùng thời gian này, một nhóm đảng viên khác hoạt động ở vùng ven Sài Gòn, thuộc tỉnh Gia Định cũng nỗ lực khôi phục tổ chức Đảng, ra báo Giải Phóng làm cơ quan ngôn luận. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, ngày 20-3-1945, nhóm Giải Phóng họp tại Xoài Hột (Mỹ Tho), lập Xứ ủy Nam Kỳ lâm thời và bầu ông Dân Tôn Tử làm bí thư. Xứ ủy này được gọi là Xứ ủy Giải Phóng (Theo trang tin daotao.vtv.vn). Như vậy, ở Nam Kỳ có hai Xứ ủy, với hai tờ báo khác nhau là Tiền Phong và Giải phóng. Hai xứ uỷ cùng chung mục tiêu lý tưởng, nhưng trong hoạt động có những điểm không thống nhất, Tổng Bí thư Trường Chinh có bài “Để thống nhất Đảng bộ Nam Kỳ hãy kíp di vào đường lối” đăng trên báo Cờ Giải phóng của Đảng, chỉ rõ: “Chúng ta sẽ phạm một tội lớn, nếu trứơc giờ quyết liệt, chúng ta còn chia rẽ mãi” (Xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t. 7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 412-415).
[2] Ngay khi Nhật, Pháp còn tạm thời hoà hoãn với nhau, cả hai đều ra sức lôi kéo ưc để tạo cơ sở xã hội cho sự thống trị của mình. Nhật muốn tổ chức một đoàn thể thanh niên để cạnh tranh với tổ chức của thực dân Pháp do đại tá Ducoroy cầm đầu.
[3] Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, mục từ “Thanh niên Tiền phong”.
[4] Dẫn theo Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t. 7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 376.
[5] Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch lại là cháu ngoại của một người hoàng tộc; học ở Hà Nội rồi ở Pháp, giỏi chuyên môn về bệnh lao, có nhà thương tư, làm bác sĩ cho gia đình đại tư bản số một Sài Gòn Hui Bòn Hỏa; rồi chơi thân với Minoda, Ida và một số tướng lĩnh Nhật, nên Nhật không thể ngờ ông là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Vì thế Nhật mới mời ông đứng ra thành lập tổ chức thanh niên ở Nam Kỳ.
[6] Nếu lấy tên “Thanh niên tiền tuyến” thì không đúng, vì nhân dân Việt Nam đang chống lại chiến tranh Đại Đông Á của Nhật. Lấy tên “Thanh niên cứu quốc” như các hội quần chúng của Việt Minh sẽ bộc lộ lực lượng cách mạng trước Nhật và tay sai. “Tiền phong” là tên một tờ báo của Xứ ủy Nam Kỳ lưu hành bí mật, tên của báo Thanh niên Cộng sản ở Pháp, cũng tên một tờ báo tiếng Pháp của Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1937 (Avant Garde) tại Sài Gòn.
[7] Sau 2 tháng vận động, ngày 1-6-1945, tổ chức Thanh niên Tiền phong chính thức ra mắt. Các thủ lĩnh phòng trào gồm có bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, nha sĩ Nguyễn Văn Thủ, luật sư Thái Văn Lung, bác sĩ Hồ Văn Nhựt, Trần Văn Khéo... và các sinh viên Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước, Trần Bửu Kiếm... Ban quản trị Thanh niên Tiền phong gồm: Lê Văn Huấn, Kha Vạng Cân, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Thủ, Thái Văn Lung, Tạ Bá Tòng, Huỳnh Tấn Phát, Huỳnh Văn Tiểng, Kiều Công Cung, Hồ Văn Nhựt... Chỉ riêng tại Sài Gòn, phong trào đã có hơn 20 vạn người tham gia và phát triển hơn 1 triệu đoàn viên trong toàn cõi Nam Kỳ.
[8] Lê Duẩn: Tuyển tập, t. 2, Nxb. Chính trị quốc gia,, Hà Nội, 2008, tr, 787.
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 30, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 565-566.
[10] Những buổi tập hợp để tuyên truyền cổ động về chủ nghĩa yêu nước, ý thức độc lập, thống nhất, tự do, dân chủ; với những quy mô khác nhau, lớn nhất là từ năm đén bảy chục ngàn người. Các cuộc tuyên thệ, míttinh, hội họp buổi chiều hay ban đêm tại các trụ sở với các bài diễn thuyết của thanh niên, giáo sư, cựu chính trị phạm. Những cuộc tuần hành với cờ xí, hàng ngũ chỉnh tề, lời hát hùng tráng, tạo nên một không khí chính trị sôi động trong thời gian đẩy mạnh chuẩn bị tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
[11] Gần đến ngày khởi nghĩa thì “Thanh niên Tiền phong ban xí nghiệp” lấy lại tên Tổng Công đoàn. Cả Tổng Công đoàn và Thanh niên Tiền phong đều tuyên bố công khai là thành viên của Mặt trận Việt Minh.
[12] Sau này GS. Trần Văn Giàu, nguyên Bí thư Xứ uỷ Nam Kỳ viết: “Hà Nội có làm sớm thì Sài Gòn mới khỏi trễ nải nguy hiểm. Tuy Sài Gòn đã có tập hợp đủ lực lượng, nhưng nếu Hà Nội chưa làm thì vị tất Sài Gòn đã làm vì còn nhớ mãi kinh nghiệm của tháng 11-1940”. Xem: Cách mạng Tháng Tám và sự nghiệp đổi mới hôm nay, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1995, tr. 39.
[13] Sáng 18-8-1945, Tổng thư ký Thanh niên Tiền phong Phạm Ngọc Thạch tự treo cờ đỏ búa liềm trước nhà mình. Thành ủy Sài Gòn chủ trương treo cờ đỏ trước nhà hàng Anh Long, cơ quan liên lạc của Thành ủy. Chiều cùng ngày, tại sân bóng Vườn Ông Thượng, trong lễ tuyên thệ lần thứ hai của Thanh niên Tiền phong, Phạm Ngọc Thạch đọc diễn văn khích lệ lòng yêu nước, cổ vũ quần chúng đứng lên làm cách mạng. Đêm ngày 20-8-1945, tại lễ truy điệu Nguyễn An Ninh ở rạp Nguyễn Văn Hảo, Thành ủy Sài Gòn tổ chức giới thiệu Chương trình hành động của Việt Minh. Sáng ngày 21-8-1945, 10 xe ô tô cắm cờ đỏ sao vàng chạy khắp các phố Sài Gòn cổ vũ tinh thần quần chúng.
[14] Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch trưc tiếp gặp Thống chế Nhật Têrauchi tại Tổng hành dinh Đông Nam Á của quân Nhật ở Sài Gòn, Têrauchi hứa sẽ không can thiệp
[15] Báo Bình Định, ngày 25-8-1913.
[16] Theo trang daotao.vtv.vn, Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam.
[17] Lúc đó, bản Tiến quân ca của Văn Cao chưa được phổ biến trong Nam nên ban quân nhạc cử bài Quốc tế ca và bản Thanh niên hành khúc, nhạc của Lưu Hữu Phước, lời của nhóm Hoàng Mai Lưu.
[18] Các nhà báo ghi lại bài diễn văn bằng phương pháp tốc ký để công bố toàn văn trên các báo xuất bản ở Sài Gòn ngày hôm sau. Những câu trích trong bài này đều dẫn theo trang daotao.vtv.vn Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam, có đối chiéu với bài viết của Phan Văn Hoàng: Lễ Độc lập 2-9-1945 tại Sài Gòn, báo TuổirẻOnline, ngày 2-9-2006.
[19] Cũng vào thời điểm lịch sử này, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 3)
[20] Phan Văn Hoàng: Lễ Độc lập 2-9-1945 tại Sài Gòn, báo TuổirẻOnline, ngày 2-9-2006.
[21] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t. 7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 114.
Tác giả: PGS. TS Vũ Quang Hiển
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn