Tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Khoa, PGS.TS Trịnh Văn Tùng - Trưởng khoa Xã hội học đã điểm lại những thành tích ấn tượng mà tập thể Khoa đã đạt được trong chặng đường phát triển vừa qua. Theo đó, hiện Khoa được giao nhiệm vụ đào tạo 2 ngành Xã hội học (XHH) và Công tác xã hội (CTXH) với các hệ chính quy, vừa học vừa làm, văn bằng II, hệ cấp chứng chỉ, cao học và nghiên cứu sinh.
Ngành XHH đào tạo được 2.408 cử nhân hệ chính quy, 2.200 cử nhân hệ vừa học vừa làm, 250 cử nhân văn bằng II, 753 thạc sỹ, (trong đó có 221 thạc sỹ XHH ứng dụng trong Quản lý chính sách công và Doanh nghiệp được đào tạo bằng tiếng Pháp, chủ yếu đến từ 12 quốc tịch thuộc châu Á, châu Âu và châu Phi, giai đoạn 2007 - 2017), 105 tiến sỹ. Ngành CTXH đào tạo được 1.127 cử nhân chính quy, 777 cử nhân hệ vừa học vừa làm, 415 thạc sỹ định hướng nghiên cứu và định hướng ứng dụng, 30 nghiên cứu sinh, trong đó có 08 NCS đã bảo vệ thành công luận án tiến sỹ. Nhiều sinh viên, học viên SĐH sau khi tốt nghiệp đang giữ những cương vị lãnh đạo quan trọng trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước ở cấp trung ương và các cấp địa phương cũng như nhiều vị trí quan trọng trong các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp; nhiều anh chị em đã và đang khởi nghiệp vững chắc trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.
Về nghiên cứu khoa học, với tư cách một đơn vị đào tạo và nghiên cứu khoa học có uy tín, chất lượng cao, đội ngũ giảng viên, sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh của Khoa Xã hội học luôn đề cao và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học. Đội ngũ cán bộ của Khoa đã chủ trì 16 đề tài cấp Quốc gia (riêng giai đoạn 2010 - 2020, chủ trì 10 đề tài), 01 tập Quốc chí, 10 đề tài Nafosted, 30 đề tài cấp ĐHQGHN (tương đương cấp Bộ), 100 đề tài của các Bộ, Ban, Ngành, Sở và các tổ chức quốc tế khác (Tổng cục DS, Đại học Toulouse 2 Jean-Jaurès (Pháp), GIZ, JIFF, TOYOTA, Ngân hàng thế giới, UNDP, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở KH&CN Hà Nội, Thanh Hóa...). Có 02 nhóm nghiên cứu của Khoa đã được Đại học Quốc gia Hà Nội công nhận là nhóm nghiên cứu mạnh.
PGS.TS Trịnh Văn Tùng (Trưởng khoa Xã hội học) phát biểu tại Lễ kỷ niệm
Giảng viên/nhà nghiên cứu của Khoa hàng năm đã công bố trung bình 3,06 bài báo/người trên các tạp chí khoa học uy tín trong nước và trên thế giới, đây là những tạp chí được Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước công nhận. Đặc biệt, trong 05 năm trở lại đây, số bài báo, chương sách chuyên khảo hoặc sách chuyên khảo được xuất bản bằng tiếng Anh và tiếng Pháp đã gia tăng mạnh mẽ với khoảng 40 bài báo quốc tế, 12 chương sách và 01 sách chuyên khảo.
Cán bộ Khoa đã tham gia vào nhiều dự án cung cấp dịch vụ cộng đồng và dịch vụ xã hội. Trong ba mươi năm qua, Khoa đã xây dựng và phát huy tốt hoạt động hợp tác quốc tế với rất nhiều các đối tác đến từ khoảng 20 quốc gia.
Theo Trưởng khoa Xã hội học Trịnh Văn Tùng, Khoa đang đứng trước bối cảnh và thách thức mới. Đó là nhiều văn bản chính sách của Nhà nước ra đời đã tạo hành lang pháp lý mới cho các trường đại học hướng đến tự chủ về con người, tổ chức, về tài chính, về chương trình đào tạo. Đó là bước vào thời kỳ công nghiệp 4.0, ở đó, công dân số là tiêu chuẩn và tiêu chí bắt buộc đối với giảng viên, nhà nghiên cứu và người học. Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đòi hỏi tất cả đội ngũ, kể cả đội ngũ hỗ trợ, cần hiểu biết, tinh thông ngoại ngữ. Lao động, việc làm và nghề nghiệp trên toàn cầu đang thay đổi từng giờ, lại được xúc tác thêm bởi đại dịch covid-19, đã buộc tất cả mọi người luôn luôn mềm dẻo và có năng lực thích ứng liên tục. Chính sách khởi nghiệp của Chính phủ khuyến khích đổi mới, sáng tạo và năng lực tự tạo dựng việc làm bằng cách ứng dụng kiến thức và kỹ năng đạt được.
Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn trao Cờ thi đua của ĐHQGHN cho Khoa Xã hội học
Trong giai đoạn phát triển tới, tập thể cán bộ, giảng viên, nhà nghiên cứu và các thế hệ người học thuộc khoa Xã hội học cũng đang nắm trong tay những vận hội mới. Thứ nhất, cơ hội khẳng định bản thân mình của từng người được gia tăng, bởi lẽ đặc điểm và cá tính của từng người ngày càng được ghi nhận và tôn trọng. Thứ hai, sự lãnh đạo, đồng hành và hỗ trợ của Đảng ủy, Ban Giám hiệu cùng các phòng, ban chức năng của Nhà trường đang tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho mọi cá nhân phát huy hết tiềm năng của bản thân mình. Thứ ba, tự chủ đại học giúp cho Khoa nói riêng và Nhà trường nói chung có thêm nguồn lực để tái đầu tư vào con người, đầu tư vào đào tạo thực hành nghề XHH và nghề CTXH.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn (Hiệu trưởng Nhà trường) phát biểu tại Lễ kỷ niệm
Thay mặt Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn gửi lời chúc mừng nồng nhiệt đến tập thể Khoa nhân mốc kỷ niệm đặc biệt này. Lãnh đạo Nhà trường đánh giá cao chất lượng đội ngũ cán bộ của Khoa, với 80% cán bộ có học vị TS, hơn 30% có học vị PGS, được đào tạo bài bản và có chuyên môn cao. Trong các đơn vị đào tạo về XHH và CTXH những năm đầu hội nhập, Đảng và Nhà nước đã nghĩ tới xây dựng ngành XHH như một bước chuyển giao bên cạnh các ngành KHXH&NV truyền thống, để “vừa hội nhập vừa cơ bản”. Nếu XHH có thế mạnh về chiều sâu chính sách thì CTXH là sự vận dụng lý thuyết vào trong bối cảnh thực tế xã hội. Hai ngành hòa quyện tạo nên thế mạnh về chuyên môn, vừa phục vụ thực tế xã hội. Trong thời gian vừa qua, với sự gây dựng ổn định, phát triển, các kết quả đào tạo và NCKH của Khoa rất ấn tượng. Hàng vạn học viên các hệ tốt nghiệp ra trường. Năm học vừa qua, Nhà trường công bố gần 150 bài báo khoa học quốc tế thì Khoa XHH đã đóng góp hơn 20 bài trên các tạp chí, chương sách.
Trong thời gian tới, trước yêu cầu đổi mới, hội nhập trong giáo dục nói chung và lĩnh vực KHXH&NV nói riêng, trong đó có ngành XHH và CTXH, Nhà trường kỳ vọng Khoa tiếp tục là đơn vị đào tạo, nghiên cứu vững mạnh với tiềm lực dồi dào; là lá cờ đầu với đóng góp xứng đáng vào thành tích và vị thế của Nhà trường trong nước và quốc tế.