Ngôn ngữ
1. Từ Điển Việt-Anh (Vietnamese English Dictionary) - PGS. Bùi Phụng, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2000
Cuốn “Từ điển Việt - Anh” của PGS. Bùi Phụng đã được tái bản nhiều lần kể từ nǎm 1978, tới lần tái bản thứ 30 đã từ 15.000 từ tăng lên 350.000 từ, được các nhà học giả trong và ngoài nước đánh giá là cuốn từ điển Việt – Anh lớn nhất và đầy đủ nhất từ trước tới nay. Tác giả đã công phu trong nghiên cứu ngôn ngữ Việt Nam về mặt từ vựng cũng như về ngữ pháp và ngữ nghĩa, nêu ra được sự hoạt động của từ trong những ngữ cảnh khác nhau, giúp dịch tiếng Việt sang tiếng Anh thuận lợi, chuẩn xác. Từ điển cũng góp phần tìm ra những nét tương đồng và dị biệt giữa tiếng Việt và tiếng Anh, cũng như những nét đặc sắc trong tiếng Việt.
2. Văn học Việt Nam hiện đại và lý luận văn học (về văn học hiện đại) - GS.NGND Hà Minh Đức, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2000
Cụm công trình về Văn học Việt Nam hiện đại và Lý luận văn học này của GS Hà Minh Đức gồm 4 công trình:
- “Nam Cao, đời văn và tác phẩm” (192 trang), nghiên cứu về đời sống và hoạt động văn học của Nam Cao, tác phẩm của Nam Cao và con đường đi tới chủ nghĩa hiện thực (phần I); sáng tác của Nam Cao thời trước và sau cách mạng tháng Tám (Phần II và III); nông thôn trong sáng tác của Nam Cao (Phần IV).
- “Khảo luận văn chương” ra mắt vào năm 1998, là chuyên luận khái quát về phong trào thơ mới, văn hoá lãng mạn (1930 - 1945), về kịch nói thời kỳ đầu hình thành và phát triển, về quan điểm thơ văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về sự nghiệp văn chương của các tác giả: Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Tế Hanh, Tô Hoài.
- “Thơ và mấy vấn đề về thơ Việt Nam hiện đại” (402 trang) là công trình GS Hà Minh Đức hoàn thành cho xuất bản vào năm 1974, gồm 7 chương, với nội dung là xác định một quan điểm đúng đắn về thơ; nhà thơ - cái tôi và nhân vật trữ tình trong thơ; tính khuynh hướng của thơ ca; cảm xúc và suy nghĩ trong thơ; truyền thống và sáng tạo trong thơ; hình thức của thơ.
- “C.Mác, Ph.Ănghen, V.I.Lênin và một số vấn đề lý luận văn nghệ” được Nhà xuất bản Sự Thật xuất bản năm 1982, đề cập tới các nội dung: Mác, Ănghen và một số vấn đề lý luận văn nghệ; quan hệ giữa văn nghệ và đời sống xã hội; tính giai cấp, tính Đảng, tính dân tộc và sự sáng tạo nghệ thuật; thế giới quan – thực tại và đời sống - quá trình phát triển văn học; điều kiện lịch sử mới và những đóng góp của Lênin về lý luận văn nghệ; nhận thức Macxit và những vấn đề đặc trưng của văn học nghệ thuật; nguyên tắc tính Đảng trong văn học; nhiệm vụ xây dựng nền văn hoá mới và vấn đề kế thừa di sản văn hoá cũ.
3. Cụm công trình về văn hóa Việt Nam gồm: Văn hóa Việt Nam, cách tiếp cận mới; Thử tìm hiểu tính cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều - GS. Phan Ngọc, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2000
Cụm công trình về văn hóa Việt Nam gồm hai tác phẩm:
- “Văn hóa Việt Nam, cách tiếp cận mới” xuất bản năm 1998. Công trình giới thiệu một cách hiểu về văn hóa Việt Nam, phân tích các vấn đề văn hóa ở mặt quan hệ, lý giải tại sao có những cách giải quyết khác nhau trong các nền văn hóa khác nhau ở các vấn đề có tính toàn nhân loại. Công trình có giá trị lịch sử vừa có giá trị văn hóa, giúp người đọc có cái nhìn bao quát, thấu hiểu đường lối của Đảng, tư tưởng Bác Hồ trong lịch sử-hiện tại, từ đó đổi mới, nâng cao văn hóa ở từng cá nhân phù hợp với hoàn cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Tác phẩm gồm 6 chương: Chương 1: vấn đề văn hóa và cách tiếp cận mới; Chương 2: Tiến tới một sự nhận thức mới về văn hóa Việt Nam; Chương 3: Nói chuyện với văn hóa Huế; Chương 4: Nguyễn Trãi; Chương 5: Nguyễn Đình Chiểu; Chương 6: Nguyễn Ái Quốc.
- “Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều”, 328 trang, là nghiên cứu của tác giả với một tác phẩm cụ thể, với cách tiếp cận từ góc độ văn hóa. Ở công trình này, ông đã có những phát hiện mới mẻ, đầy tính thuyết phục về giá trị của Truyện Kiều và khẳng định tài năng của Nguyễn Du. Chẳng hạn, ông đã tìm những điểm khác biệt giữa Truyện Kiều và Kim Vân Kiều và tìm sự khác biệt này là do truyền thống văn hóa; thơ lục bát là hình thơ độc đáo ở Việt Nam, không có ở Trung Quốc; cách phân tích nội tâm nhân vật Kiều là kiểu mà các phú Nôm đương thời hay làm.
4. Tìm về cội nguồn (2 tập) - GS.NGND Phan Huy Lê, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2000
“Tìm về cội nguồn” (2 tập) là một cụm công trình nghiên cứu về lịch sử Việt Nam thời trung đại, chủ yếu từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX của GS Phan Huy Lê, công bố từ năm 1959 đến 1966. Cụm công trình này có nội dung theo các chủ đề: Các nguồn sử liệu và phương pháp, kết quả tiếp cận; Một số vấn đề lớn của lịch sử Việt Nam như quá trình hình thành dân tộc; sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội; Những vấn đề kinh tế – xã hội Thiết kế chính trị; Những trận thắng lớn trong lịch sử chống ngoại xâm; Một số nhân vật lịch sử tiêu biểu; Truyền thống dân tộc. Cụm công trình này góp phần nâng cao hiểu biết khoa học về lịch sử dân tộc, đã được sử dụng trong biên soạn giáo trình, chuyên đề giảng dạy đại học, sau đại học và trong biên soạn sách giáo khoa phổ thông, cũng như các loại sách phổ cập tri thức sử học cho nhân dân, đóng góp tích cực trong giáo trình truyền thống dân tộc, nâng cao nhận thức về những đặc điểm và quy luật vận động của xã hội và dân tộc Việt Nam.
5. Khảo và luận một số thể loại, Văn học trung đại Việt Nam - PGS.NGƯT Bùi Duy Tân, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2005
Công trình khảo và luận một số thể loại, tác phẩm tác giả văn học Trung đại Việt Nam (khảo và luận) đã khảo cứu nhiều vấn đề: khơi nguồn văn bản thơ vịnh sử, một loại thơ vua suy tôn danh nhân đất nước thời xưa; trả lại tên đích thực của tác giả bài thơ "Nam quốc sơn hà", gọi đó là bài thơ "Thần vô - danh thị"… Công trình cũng bàn luận với nhiều kiến giải mới trên lĩnh vực nghiên cứu văn học cổ: như lần đầu khảo sát hầu hết văn bản thơ vịnh nam sử và đánh giá đúng là thể tài thơ ca để lại nhiều bài xứng đáng là những bài ca yêu nước và tự hào dân tộc, khi viết về danh nhân lịch sử mà sau này suy tôn là anh hùng dân tộc. và bổ sung vào lịch sử nghiên cứu các tác giả lớn: Nguyễn Trãi - Nguyễn Bỉnh Khiêm - Lê Thánh Tông... những bài viết có suy nghĩ, tìm tòi mới. Công trình khảo và luận đã ghi lại tinh thần tôn sư trọng đạo, thấu lý, đạt tình, thái độ khách quan khoa học khi viết về: Ðặng Thai Mai, Cao Xuân Huy...
6. Phương ngữ học tiếng Việt - GS.NGND Hoàng Thị Châu, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2005
Công trình dựa vào những phương pháp của ngôn ngữ học và phương pháp học để miêu tả, phân tích, để giới thiệu những biến thể địa phương của tiếng Việt, lý giải các nguyên nhân xã hội và các quy luật biến đổi ngữ âm đã tạo ra sự đa dạng đó. Tác giả đã vận dụng những tư liệu về lịch sử ngôn ngữ có được để xác định niên đại cho những mốc biến đổi. Đây là kết quả sưu tầm và nghiên cứu của tác giả trong nhiều năm giảng dạy. Công trình đã phân vùng phương ngữ tiếng Việt và chỉ rõ, lý giải những đặc điểm của ngôn ngữ từng vùng. Ðồng thời, đã tìm ra được các quy luật biến đổi và phát triển của ngôn ngữ để từ đó hướng tới việc chuẩn hóa ngôn ngữ toàn dân.
7. Làng xã Việt Nam - Một vấn đề kinh tế - văn hóa - xã hội - GS.NGND Phan Đại Doãn, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2005
Cuốn sách Làng xã Việt Nam - Một vấn đề kinh tế - văn hóa - xã hội, gồm các nội dung chính: kết cấu kinh tế; kết cấu xã hội; kết cấu văn hóa và phần tổng luận. Cuốn sách nhấn mạnh vấn đề cơ bản trong sản xuất của nông dân nước ta từ xưa đến nay là tái sản xuất tiểu nông "tư liệu con người". Vì vậy, việc di dân, khai hoang lấn biển là việc bức thiết của nông dân ta trước đây. Cuốn sách có ý nghĩa quan trọng đối với việc nghiên cứu đặc điểm kinh tế - xã hội của làng xã Việt Nam cổ truyền và hiện đại. Nội dung cuốn sách cần thiết để phát huy truyền thống tốt đẹp của làng xã Việt Nam, đồng thời khắc phục mặt hạn chế của nó trong quá trình đổi mới đất nước. Đây tài liệu bổ ích đối với các nhà khoa học, các nhà quản lý, hoạch định chính sách về nông nghiệp - nông dân - nông thôn.
8. Một số vấn đề về dân tộc học Việt Nam - GS.TS.NGND Phan Hữu Dật, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2005
Công trình bao gồm 59 bài nghiên cứu khoa học, đề cập nhiều lĩnh vực của dân tộc học Việt Nam như chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách, các nguyên tắc cơ bản của chính sách dân tộc của Ðảng và Nhà nước ta, quá trình tộc người và quan hệ dân tộc ở nước ta, văn hóa các dân tộc nước ta, một số vấn đề về hôn nhân gia đình và xã hội nguyên thủy ở nước ta... Quá trình phát triển của các dân tộc nước ta từ năm 1945 đến nay và sự cống hiến của các dân tộc vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Công trình của GS.TS Phạm Hữu Dật đã góp phần xây dựng cơ sở lý luận cho bộ môn dân tộc học ở nước ta, làm phong phú hơn nhận thức xã hội về vấn đề dân tộc và làm sáng tỏ quan điểm của Nhà nước ta về chính sách dân tộc. Ði sâu vào một số khía cạnh cụ thể như: xã hội nguyên thủy, hôn nhân gia đình, hệ thống dân tộc, văn hóa tộc người, tác giả đã đóng góp mới trong nhận thức những vấn đề thuộc đối tượng, nhiệm vụ dân tộc học, những vấn đề hôn nhân gia đình của các dân tộc thiểu số.
9. Các tập Lý luận phê bình: Ngô Tất Tố, Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, Nhà văn Việt Nam, Hàn Mặc Tử - GS.NGND Phan Cự Đệ, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2007
Cụm công trình của GS. Phan Cự Đệ được nhận Giải thưởng Nhà nước bao gồm Nhà văn Việt Nam (nghiên cứu văn học), Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại (lý luận phê bình), Ngô Tất Tố (nghiên cứu văn học), Hàn Mặc Tử (nghiên cứu văn học). Các công trình này phần nào phản ánh được tính hệ thống cũng như sự đa dạng trong sự nghiệp nghiên cứu văn học của tác giả. Lấy văn học Việt Nam hiện đại làm đối tượng, GS. Phan Cự Đệ cung cấp cái nhìn xuyên suốt mang tính lịch sử để thấy được tiến trình vận động và phát triển của nền văn học, đồng thời soi chiếu và tổng kết các hiện tượng từ góc độ lý luận, vừa nghiên cứu các trường hợp tiêu biểu. Bộ sách Nhà văn Việt Nam (thực hiện cùng với GS. Hà Minh Đức) đã cung cấp các tư liệu và nhằm giúp người đọc hình dung về nền văn học hiện đại một cách cụ thể, sinh động thông qua chân dung các nhà văn được lựa chọn. Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại có tính chất như một chuyên đề lý luận. Công trình này tổng kết được, về mặt văn học sử, những thành tựu của tiểu thuyết Việt Nam hiện đại thế kỷ XX, bắt đầu từ những khuynh hướng tiểu thuyết trước 1930 (như Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách) cho đến các trào lưu tiểu thuyết lãng mạn và hiện thực phê phán trước năm 1945, trào lưu tiểu thuyết hiện thực xã hội chủ nghĩa và các khuynh hướng khác nhau của tiểu thuyết thời kỳ đổi mới.. Tác phẩm Ngô Tất Tố thì chỉ ra hành trình của Ngô Tất Tố từ “Một nhà nho “bất kính” đối với Khổng Tử” đến “Một nhà văn hiện thực xuất sắc viết về nông thôn trước Cách mạng tháng Tám”, tác giả của “một bộ sử biên niên của xã hội Việt Nam những năm ba mươi và bốn mươi” với một sự khảo sát và phân tích kỹ lưỡng, có hệ thống văn nghiệp của Ngô Tất Tố. Còn Hàn Mặc Tử (phê bình và tưởng niệm) đã tìm hiểu thế giới nghệ thuật độc đáo, phức tạp, bí ẩn, chỉ ra những nét đặc trưng trong quan niệm thẩm mỹ, trong cá tính sáng tạo của thi sĩ, phân tích sự hòa hợp giữa “chất Đạo và chất Đời trong thơ Hàn Mặc Tử” không chỉ bằng cái nhìn khách quan với vốn kiến thức phong phú về các trường phái, trào lưu văn học và triết học, về văn hóa, tôn giáo, mà bằng cả sự đồng cảm, tiếc thương của một tấm lòng trân trọng và một trái tim nhạy cảm với cái đẹp.
10. Cụm công trình: Từ vựng và từ vựng học tiếng Việt gồm các công trình: Từ vựng học tiếng Việt; Từ và nhận diện từ tiếng Việt - GS.TS Nguyễn Thiện Giáp, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2010
Cuốn Từ vựng học tiếng Việt xuất bản lần đầu năm 1985, là một trong các giáo trình cơ bản của Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐHKHXH&NV. Sách đã vận dụng những nguyên lí hiện đại trong từ vựng học và ngữ nghĩa học của thế giới vào việc giải quyết những vấn đề về từ vựng, ngữ nghĩa tiếng Việt được nghiên cứu và ở lĩnh vực nào công trình này cũng đã thể hiện những đóng góp riêng.
Từ và nhận diện từ tiếng Việt là kết quả của một đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ "Vấn đề nhận diện và phân loại các đơn vị từ vựng tiếng Việt" và dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ "Từ và âm tiết trong tiếng Việt". Đây là một công trình công phu, có chất lượng tốt, đóng góp không nhỏ vào việc giải quyết một vấn đề hết sức quan trọng nhưng cực kì nan giải trong Ngôn ngữ học. Công trình đã chỉ ra sự chưa nhất quán, chưa hợp lí, chưa phù hợp với thực tế của những cách xác định từ và hình vị trong tiếng Việt. Trên cơ sở thành tựu của ngôn ngữ học hiện đại, tác giả đã đề xuất một giải pháp riêng nhằm khắc phục những nhược điểm nói trên.
11. Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII - XVIII - XIX - PGS.TS.NGƯT Nguyễn Thừa Hỷ, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2010
Công trình này đã phác hoạ được diện mạo của Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ, nhất là các thế kỷ XVII - XVIII - XIX, làm nổi bật được kết cấu kinh tế - xã hội, các hoạt động kinh tế của Thăng Long - Hà Nội qua các thế kỷ XVII - XVIII - XIX, chính sách của các nhà nước phong kiến Việt Nam đối với vấn đề này qua trường hợp Thăng Long - Hà Nội. Công trình đưa ra những phân tích sắc sảo về kết cấu kinh tế, cấu trúc xã hội, cơ chế đẳng cấp và sự giao lưu đẳng cấp; những khái quát về các nhân tố phát triển và hưng khởi của thành thị, về mối quan hệ thành thị - nông thôn, về thế lưỡng hợp nhà nước - dân gian trong thành thị, về dạng thức phát triển và chuyển biến của thành thị trở thành những luận đề quan trọng. Là một nghiên cứu xuất sắc về Thăng Long – Hà Nội, công trình có thể coi là một chuyên khảo mẫu mực về lịch sử Thăng Long – Hà Nội với tư cách một đô thị đóng vai trò trung tâm chính trị – hành chính của đất nước.Công trình có ảnh hưởng rộng rãi trong giới nghiên cứu trong và nước, sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh khi tiếp cận lịch sử xã hội Việt Nam thời kỳ trung đại.
12. Ngữ âm Tiếng Việt - GS.TS.NGND Đoàn Thiện Thuật, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2010
Công trình miêu tả các hiện tượng ngữ âm-âm vị học tiếng Việt: cấu trúc âm tiết, đặc điểm ngữ âm và âm vị học của thanh điệu, giải thuyết âm vị học các vần có nguyên âm ngắn…thông qua việc áp dụng một cách khoa học những cơ sở lí thuyết và phương pháp miêu tả ngữ âm-âm vị học của âm vị học truyền thống. Đồng thời, Ngữ âm tiếng Việt đã kế thừa các thành tựu những về lí luận và phương pháp nghiên cứu ngữ âm các ngôn ngữ Đông phương của các tác giả thuộc trường phái Đông phương học Nga – Xô Viết để nghiên cứu ngữ âm tiếng Việt. Những kết quả của Ngữ âm tiếng Việt được áp dụng trong nghiên cứu ứng dụng ngữ âm tiếng Việt (ngữ âm học ứng dụng – Applied Phonetics), góp phần giải quyết một số vấn đề thực tiễn liên quan đến ngữ âm tiếng Việt. Có thể coi đây là một trong các công trình đặt nền móng cho việc giảng dạy và nghiên cứu ngôn ngữ học nói chung và Việt ngữ học nói riêng.