Bên thềm lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và kỷ niệm 75 năm truyền thống Đại học Văn khoa, 25 năm thành lập Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, trang thông tin USSH đã có dịp trò chuyện với những “người Nhân văn” và ghi lại những lời chia sẻ đầy cảm xúc về truyền thống và những bài học kết tinh lại từ chặng đường phát triển rực rỡ 75 năm qua. Đó là các thế hệ nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lý, các sinh viên, cựu sinh viên, học viên… đã gắn bó với Nhà trường tại nhiều thời điểm, những khúc quanh lịch sử của chặng đường phát triển. Đâu là những bài học, những điều còn mãi cần trân trọng giữ gìn? Đâu là những điều cần chung tay vun đắp và hướng tới tương lai?



Vào năm 1993, theo chủ trương của Đảng, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập ĐHQGHN. Đến tháng 9/1995, tôi được nhận quyết định làm Hiệu trưởng của Nhà trường. Thời gian đầu, Nhà trường rất khó khăn. Về cơ sở vật chất, cơ ngơi của trường chỉ là một phần nửa Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây. Khuôn viên chỉ trên 1 héc ta thôi. Nhà cửa thì cũ cả. Kinh phí khi mới bắt đầu là từ số 0.

Công việc của Nhà trường lúc bấy giờ tập trung vào mấy khâu chính. Đầu tiên là lựa chọn để xây dựng một đội ngũ cán bộ quản lý thật sự tâm huyết, thật sự vì sự nghiệp xây dựng trường. Lúc đó, xây dựng được một Ban Giám hiệu phải nói là rất mạnh, và mạnh nhất là đoàn kết một lòng, phấn đấu xây dựng trường. Thế rồi, xây dựng Khối Hiệu bộ, nhỏ thôi, nhưng đều là những thầy cô giáo tận tuỵ, trách nhiệm rất cao. Đấy là việc đầu tiên.

Việc thứ hai là làm tốt công tác tư tưởng. Phải nói là Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội là một trường đại học danh tiếng, là một niềm tự hào của tất cả các thầy giáo, cô giáo và sinh viên của Nhà trường. Tâm lý nuối tiếc Trường Đại học Tổng hợp còn nặng lắm. Lúc đó, cần làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, cho sinh viên rằng: Chúng ta không quên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, chúng ta phát triển trên nền tảng Đại học Tổng hợp Hà Nội nhưng tập trung xây dựng khối khoa học xã hội và nhân văn của Trường Đại học Tổng hợp lên một trình độ mới, tầm vóc mới. Nhờ đó, tạo ra sự đồng thuận rất cao, một không khí hồ hởi, đoàn kết thống nhất để xây dựng Trường.

Việc thứ ba là tập trung xây dựng một hệ thống đào tạo mới. Trước đây, với cơ cấu của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thì Trường chỉ có mấy khoa thôi: Khoa Lịch sử, Khoa Ngữ văn, Khoa Triết học, Khoa Kinh tế… Khi xây dựng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, trên cơ sở cơ cấu ấy, Nhà trường quyết định thành lập thêm các ngành đào tạo mới: Quốc tế học, Đông phương học, Du lịch học, Khoa học Quản lý… Cơ cấu đào tạo của Nhà trường phong phú lắm.

25 năm qua, nguồn lực quan trọng nhất của Nhà trường là nguồn lực con người, vẫn là đội ngũ các thầy giáo, cô giáo rất nổi tiếng, uyên bác, tâm huyết; vẫn là truyền thống rất tốt đẹp của Đại học Tổng hợp Hà Nội, và truyền thống đoàn kết nhân văn. Bên cạnh đó là bằng một loạt các định hướng đúng, trên cơ sở sự thống nhất, đồng thuận rất cao của các thầy giáo, cô giáo và sinh viên, một tinh thần hy sinh, phấn đấu, tất cả vì trường. Trong thời gian ngắn thôi, hơn 1 năm sau, các khó khăn từng bước được giải quyết. Cơ sở vật chất được cải thiện từng bước một. Xây thêm một nhà Hiệu bộ, gọi là nhà D, nâng cấp các giảng đường, chú trọng vấn đề giáo trình, giáo án. Và lúc đó, các thầy cô giáo và các em sinh viên đều thấy rằng đúng là có một Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn riêng là một ưu thế. Thời kỳ phát triển đến sớm và khá vững chắc, tạo một niềm phấn khởi trong toàn trường.

Có ba bài học sâu sắc nhất trong những năm đầu dựng trường. Và theo thời gian, những bài học ấy càng được chứng minh là rất đúng đắn. Đó là bài học về sự thống nhất và đoàn kết rất cao mà trước hết là trong tập thể lãnh đạo. Bài học thứ hai là phải có một tầm nhìn xa, định hướng đúng đắn nhưng lại phải được cụ thể hoá thành kế hoạch, thành bước đi. Từng năm một tập trung làm gì, trong từng năm, thì từng quý một tập trung làm gì? Khâu nào là khâu phải ưu tiên trước, khâu nào là khâu thực hiện sau? Nhờ đó mà bước đi của Trường vững chắc, bền vững, hiệu quả. Và bài học thứ ba thấm thía nhất với Nhà trường là chăm lo cho con người. Tất cả phải cho con người, vì con người: chăm lo, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ giáo viên; chăm lo động viên khích lệ anh chị em sinh viên học tập, nghiên cứu, sáng tạo.

Cho đến giai đoạn hiện nay, những bài học của thời kỳ ban đầu không hề mất đi mà vẫn còn nguyên giá trị. Có thể có nhiều thứ khác và phải khác, nhưng có những cái không bao giờ khác. Đó là sự đoàn kết thống nhất, thì thời nào cũng cần, thời nào cũng có giá trị. Và thứ hai là, tính nhân văn, chất nhân văn, sống đạo lý và tình nghĩa thì không bao giờ lạc hậu cả. Hãy lấy sự thống nhất đoàn kết, hãy lấy tinh thần nhân văn, nhân ái làm điều bất biến để ứng xử với mọi thay đổi của thời cuộc.



Trong thời gian sắp tới, theo tôi, Trường ĐHKHXH&NV vẫn phải dựa trên và khai thác, phát huy đến mức tối đa thế mạnh của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây, một cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học cơ bản, hàng đầu của đất nước. Trong những năm sắp tới, đối với lĩnh vực đào tạo, bên cạnh những ngành và chuyên ngành hiện nay đang có, Trường cần nghiên cứu để xây dựng, phát triển những ngành khoa học mới, mang tính liên ngành, để vừa tiếp tục phát huy thế mạnh nghiên cứu, đào tạo các ngành cơ bản như Triết học, Lịch sử, Văn học, Ngôn ngữ học… vừa phải có những ngành đào tạo mới đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội ở Việt Nam cũng như hướng tới đào tạo công dân toàn cầu. Các cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ của Trường ĐHKHXH&NV không chỉ làm việc ở Việt Nam mà còn có khả năng cạnh tranh ở thị trường lao động quốc tế.

Để có thể sớm đưa Nhà trường trở thành một trường đại học nghiên cứu tiên tiến của khu vực, cần phải tập trung mở rộng và phát triển đào tạo sau đại học, bởi đào tạo sau đại học là một yêu cầu rất quan trọng để xây dựng đại học nghiên cứu. Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, Trường ĐHKHXH&NV bên cạnh việc triển khai các chương trình, dự án hiện có thì cũng cần tập trung xây dựng các định hướng nghiên cứu mới, để làm sao đóng vai trò quan trọng, nòng cốt trong việc đề xuất những luận cứ, luận điểm góp phần tư vấn chính sách cho Đảng và Nhà nước trong việc phát triển đất nước, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng văn hoá và xây dựng con người Việt Nam hiện đại.

Ngoài ra, trong khoa học, cần phải hướng tới việc công bố quốc tế. Nhưng muốn tăng cường công bố quốc tế, cần phải sớm phát triển và nâng cao vị thế của Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn thành tạp chí khoa học uy tín của khu vực và thế giới trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.



Trải qua thời gian dài tạo dựng và phát triển, người ta nói nhiều tới “chất” Tổng hợp và bây giờ là “chất” Nhân văn. Điều đó đã khẳng định một thương hiệu Tổng hợp-Nhân văn đóng vai trò trụ cột trong cơ cấu đa ngành của ĐHQGHN, trong bối cảnh mà KHXH&NV cả thế giới cũng như trong nước đang đối diện với những nhu cầu điều chỉnh. Đó là một lợi thế lớn mà truyền thống của Nhà trường đem lại. Nhà trường cũng đã xác định phương châm: duy trì được những giá trị khoa học truyền thống, cơ bản và trên cơ sở đó luôn tích lũy, hội nhập với các xu hướng phát triển của Nhân văn số hiện đại để vừa đảm bảo tính hàn lâm, truyền thống nhưng cũng bắt kịp các xu hướng mới trong nghiên cứu và đào tạo hiện nay.

Nhà trường xác định đổi mới, tái cấu trúc các chương trình đào tạo cho phù hợp hơn; trong nghiên cứu khoa học thì hài hòa tính kinh điển của một trung tâm học thuật lâu đời với việc nắm bắt các xu hướng nghiên cứu để phục vụ tốt hơn cho các vấn đề thực tiễn của đất nước. Hội nhập quốc tế, phát triển các mối quan hệ hợp tác sẽ đi theo hướng thiết thực, thực chất và chọn lọc để nâng cao hiệu quả. Nhà trường sẽ đặc biệt chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ, có những chính sách hiệu quả, linh hoạt để mỗi cán bộ có thể phát huy được thế mạnh về chuyên môn, có động lực làm việc, cống hiến trong nghiên cứu, giảng dạy cho nhà trường. Các công tác khác của giáo dục hiện đại như đảm bảo chất lượng, phát triển cơ sở vật chất, quản trị hiện đại... cũng sẽ được Nhà trường quyết liệt đầu tư, điều chỉnh để hướng tới một nền quản trị đại học tiên tiến, đáp ứng tiêu chí của giáo dục hiện đại thế kỷ 21 trong bối cảnh hội nhập và thời đại số.



Để nói về mái trường này, tôi muốn nói về những điều rất quan trọng sau:

Thứ nhất, ở ngôi trường này, có một tinh thần, một niềm đam mê đối việc việc dạy, học và nghiên cứu - sự đam mê đó như một ngọn lửa mà bất kỳ sinh viên nào khi vào trường trong những ngày đầu tiên đều có thể cảm nhận sâu sắc từ những người thầy, người cô của mình. Đó là những người thầy mà sau khi lên bảng viết xong một tiết học mà bàn tay đầy phấn, những người thầy mà lưng áo thì nhàu mà giọng nói thì luôn cất lên sang sảng trong các tiết học.

Điều thứ hai tôi học được từ các thầy cô đi trước là sự nghiêm túc, chỉn chu trong công việc. Khi làm bất cứ điều gì, khi dạy cho sinh viên hay khi tham gia nghiên cứu khoa học, chúng ta đều cảm nhận được rằng các thầy cô đều làm mọi thứ với sự suy ngẫm, trăn trở và sự cẩn thận, thấu đáo nhất có thể.

Và điều làm nên thương hiệu của mái trường này, điều chúng tôi được nghe, thấy và cảm nhận bằng trái tim mình - đó là sự tử tế, nhân văn. Ở mái trường này có một sự tử tế rất đặc biệt và nó là một truyền thống, một hồn cốt được truyền lại qua không biết bao nhiêu thế hệ. Ở nơi này, người ta đối đãi giữa đồng nghiệp với đồng nghiệp; giữa lãnh đạo với cán bộ; giữa thầy cô giáo với học trò... bằng sự tử tế, bằng sự chân tình và bằng những điều tốt đẹp nhất. Đó là những giá trị mà tôi tự hào và học được nhiều nhất trong thời gian là sinh viên và sau này là cán bộ giảng dạy tại Trường ĐHKHXH&NV.



Là cựu sinh viên của Trường, giờ là cán bộ giảng dạy, công tác ở mái trường này đã hơn 15 năm; điều đáng tự hào nhất đối với chúng tôi là truyền thống lâu bền về nghiên cứu học thuật và giảng dạy của các thế hệ thầy cô của mái trường này. Ở Khoa Văn học của chúng tôi, các thầy cô thuộc những thế hệ đầu tiên đã xây dựng Khoa, Trường bằng niềm đam mê với khoa học, bằng tình yêu với các ngành khoa học cơ bản. Nhờ vậy, các thầy cô đã xây dựng được một hệ thống những công trình khoa học đồ sộ và kinh điển, trao truyền cho thế hệ sau những nền tảng tri thức quý giá; trao truyền cho chúng tôi cả tình yêu, niềm đam mê, tâm huyết đối với khoa học, với sự nghiệp giáo dục. Chúng tôi mong có thể tiếp tục mang tình yêu và niềm say mê đó truyền lại cho các thế hệ sinh viên tiếp sau.

Xã hội đang thay đổi không ngừng và trước những yêu cầu mới, thế hệ giảng viên chúng tôi vừa có trách nhiệm phát huy, nối dài truyền thống ấy, đồng thời nỗ lực có những sáng tạo riêng. Không ngừng thay đổi chính mình, luôn vận động tự học tập theo những xu hướng, khuynh hướng nghiên cứu và giảng dạy mới là điều chúng tôi luôn tâm niệm. Chúng tôi đổi mới các chương trình đào tạo để vừa giữ được nét truyền thống, cốt cách khoa học mà các thế hệ trước đã định hình nhưng đồng thời có sự thích nghi tốt trong môi trường xã hội hiện đại hôm nay đòi hỏi tư duy sáng tạo, năng động ngày càng cao.



Là một cựu sinh viên được học tập và trưởng thành tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, chúng tôi luôn tự hào về truyền thống nghiên cứu và đào tạo của Nhà trường. Chúng tôi đã gửi lại thật nhiều kỷ niệm không thể quên tại mái trường này và đã học tập và trưởng thành từ đây.

Về mặt kiến thức, từ truyền thống Đại học Tổng hợp Hà Nội cho tới Trường ĐHKHXH&NV, chúng tôi được trang bị nền tảng kiến thức toàn diện và sâu sắc về các ngành khoa học cơ bản trong lĩnh vực KHXH&NV, trên cơ sở đó có thể hòa mình vào thực tiễn của nghề nghiệp và thị trường lao động một cách nhanh chóng. Sau khi ra trường, tôi đã có 16 năm làm giảng viên đại học ngành Triết học và Khoa học chính trị. Từ năm 2016, tôi chuyển hướng làm kinh doanh bất động sản ở Tập đoàn Danko. Dù làm công tác giảng dạy, nghiên cứu hay hiện nay làm về đầu tư bất động sản thì kiến thức được học thầy cô ở trường vẫn đi cùng chúng tôi trên chặng đường sự nghiệp và cuộc sống của mình. Cái “chất” riêng của trường ngấm vào người học là tư duy khoa học trong giải quyết vấn đề, cách nhìn cuộc sống trong cái nhìn toàn diện và tầm nhìn dài rộng. Chúng tôi vẫn áp dụng tất cả những điều này vào việc định hướng, lên kế hoạch và chiến lược phát triển của đơn vị và của chính bản thân mình.



Nhân dịp kỷ niệm 75 năm truyền thống Đại học Văn khoa, 25 năm thành lập Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN, tôi cũng như các bạn học sinh, sinh viên của Trường cảm thấy vô cùng tự hào khi là thế hệ được tiếp nối truyền thống và tiếp thu những giá trị quý giá của các thế hệ đi trước. Là người trẻ, sinh ra và lớn lên trong thời đại hội nhập, chúng tôi không chỉ cố gắng phấn đấu để học tập, rèn luyện, tiếp thu những tri thức mới mà còn luôn năng động chuyển mình cùng với dòng chảy của xã hội, của thời đại. Chúng tôi sẽ sống và cống hiến để xứng đáng là sinh viên của mái trường danh tiếng, giàu truyền thống mang tên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.