Trong bài viết này, chúng tôi sẽ trả lời những câu hỏi sau đây:
- Xếp hạng đại học cho ai và để làm gì?
- Thực tiễn xếp hạng ở một số nước phát triển như thế nào?
- Xếp hạng đại học bằng cách nào?
- Việt Nam đã có xếp hạng đại học chưa?
- Đâu là thách thức đối với xếp hạng đại học Việt Nam?
- Tại sao lại nói “Phải sống chung với xếp hạng?”
- Xếp hạng đại học ở Việt Nam đi theo hướng nào?
1. Xếp hạng đại học cho ai và để làm gì?
Xếp hạng đại học phục vụ chủ yếu những mục đích dưới đây:
- Xếp hạng đại học để nâng cao chất lượng các trường đại học và xếp hạng đại học đã trở thành xu thế toàn cầu.
- Một số chính phủ và các trường ĐH sử dụng bảng xếp hạng để quyết định số tiền công cho mỗi cơ sở giáo dục. Ví dụ, chính phủ Malaysia đã thành lập một UỶ ban quốc gia nhằm xem xét việc các trường ĐH công nước này xây dựng vị thế của mình trên thế giới như thế nào.
- Bảng xếp hạng quốc tế dùng cho sinh viên và các phụ huynh chọn trường học. Robert J. Coelen, cho rằng: Xếp hạng dần phổ biến trên toàn cầu trong thời đại mà các trường ĐH đang tranh giành sinh viên toàn cầu như một nguồn lực.
- Xếp hạng đại học để các trường hoạch định phương hướng hoạt động của mình.
2. Thực tiễn xếp hạng ở một số nước phát triển như thế nào?
Tạp chí tin tức Mĩ (
U.S News) đã khởi xướng việc xếp hạng hàng năm của các trường Cao đẳng và Đại học ở Mĩ vào năm 1983. Công ty Princeton Review, đã công bố cuốn sách xếp hạng các trường đại học tốt nhất hàng năm. Cuốn đầu tiên đã lần đầu tiên được xuất bản vào năm 1991. Trung tâm này đã đánh giá việc hoạt động của các trường đại học.
Dịch vụ trao đổi giữa các trường đại học ở Đức và tạp chí tin tức hàng tuần Đức Stern đã tuyên bố thứ hạng của các Trung tâm phát triển giáo dục cao của 250 trường đại học ở Đức từ năm 1998.
Xếp hạng trường đại học ở CANADA dựa trên chất lượng và giá trị cảm nhận. Hai hệ thống xếp loại các trường đại học hàng năm ở Canada được tạp chí Maclean và tạp chí The Globe and Mail thực hiện. Các trường đại học của Canada cũng nổi bật trong bảng xếp hạng của các tạp chí quốc tế như The Princeton Review (Hoa Kì), The Times Higher Education Supplement (Anh) và the Academic Ranking of World Universities (Trung Quốc).
Ưu điểm của hệ thống giáo dục
Australia chính là chất lượng đào tạo cao và đồng bộ. Mỗi trường Đại học của Australia có các thế mạnh riêng và đều đáp ứng các quy định khắt khe của Chính Phủ Australia về quy chế đào tạo. Hiện nay, không có bảng xếp hạng chính thức của Chính phủ về các trường Đại học ở Australia. Nhưng Ross Williams và Nina Van Dyke của Viện Đại học Nghiên cứu ứng dụng kinh tế xã hội Melbourne đã đưa ra bảng xếp hạng cấp quốc tế của các trường đại học Úc vào năm 2004.
Thời báo Chủ nhật của Anh lần đầu tiên thông báo về thứ hạng của các trường đại học Anh vào năm 2001.
Như thế, có thể nói rằng Hoa Kì là quê hương của xếp hạng đại học, sau đó xếp hạng đại học đã lan toả ra phạm vi toàn cầu.
Tạp chí
Tuần Châu Á cũng đưa ra danh sách các trường đại học tốt nhất ở khu vực Châu Á từ năm 1997 đến năm 2000. Tạp chí này đã ngừng việc xuất bản vào năm 2001.
Tại Trung Quốc, người ta đã cố gắng trả lời 2 câu hỏi:1/ Thế nào là một đại học đẳng cấp quốc tế; 2/ Khoảng cách giữa các đại học hàng đầu của Trung Quốc với các đại học đẳng cấp quốc tế là bao xa. Đại học Giao thông Thượng Hải (SJTU) tiến hành khảo sát, đánh giá và xếp hạng các đại học hàng đầu thế giới. Theo SJTU, đại học đẳng cấp quốc tế là đại học thuộc top 100. Trung Quốc hiện mới có 2 đại học hàng đầu thuộc top 200, 6 thuộc top 300, 15 thuộc top 400, 18 thuộc top 500. Dưới đây là bảng thứ hạng 20 trường ĐH hàng đầu Trung Quốc năm 2010:
- ĐH Bắc Kinh
- ĐH Thanh Hoa
- ĐH Chiết Giang
- ĐH Phúc Đán
- ĐH Nam Kinh
- ĐH Vũ Hán
- ĐH Giao thông Thượng Hải
- ĐH Sư phạm Bắc Kinh
- ĐH Sun Yat-sen
- ĐH Nhân dân Trung Quốc
- ĐH Nankai
- ĐH Khoa học và Công nghệ Hoa Trung
- ĐH Tứ Xuyên
- ĐH Cát Lâm
- ĐH Khoa học và Công nghệ Trung Quốc
- Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân
- ĐH Sơn Đông
- ĐH Giao thông Tây An
- ĐH Hạ Môn
- ĐH Hàng không và Du hành vũ trụ Bắc Kinh
3. Xếp hạng đại học bằng cách nào?
Xếp hạng đại học là việc làm khó khăn và phức tạp. Câu hỏi đặt ra là làm sao đánh giá và so sánh hai trường đại học. Hiện nay, có hai loại xếp hạng:
- Xếp hạng các trường đại học theo bảng vị trí
- Xếp hạng các trường đại học nhưng không có bảng vị trí
3.1. Xếp hạng các trường đại học theo bảng vị trí
Các bảng xếp hạng các trường đại học là các danh sách về các nhóm trường cụ thể (trong phạm vi của một quốc gia), được xếp hạng tương đối theo một số tiêu chí thông thường theo trật tự từ trên xuống dưới. Việc xếp hạng các trường đại học thường được giới thiệu dưới dạng một “bảng các vị trí”, được liệt kê từ tốt nhất đến tồi nhất.
Các bảng vị trí được lập ra bởi các nhà xuất bản. Về một khía cạnh nào đó mà xét, các bảng xếp hạng đại học có chung một vài đặc điểm với các bảng “hướng dẫn người tiêu dùng”. Xếp hạng đại học, xét cho cùng, là một sự đánh giá nhằm cung cấp thông tin cho xã hội.
Xếp hạng các trường đại học, xét về mặt cấp độ, có 2 dạng khác nhau: các hệ thống xếp hạng của các trường và các hệ thống xếp hạng các khoa trên phạm vi quốc tế hoặc phạm vi quốc gia. Hệ thống xếp hạng quốc gia là hệ thống mà trong đó tất cả hoặc hầu hết các trường đại học được đánh giá với các trường khác. Đây là dạng xếp hạng trường đại học đầu tiên, ví dụ,dạng do U.S News khởi xướng và các nước khác đã thực hiện bằng cách mô phỏng theo. Trong đa số các trường hợp, tất cả các trường đại học trong một nước được đem ra so sánh để
từ “bó đũa” chọn “cột cờ”. Tất nhiên, các trường đại học được đem ra so sánh có các đặc điểm tương tự nhau, từ đó, có các bảng sắp xếp cho một nhóm các trường.
Xếp hạng các khoa (ngành) được dựa trên sự so sánh các khoa của các trường cụ thể với các khoa tương tự ở các trường khác. Việc xếp hạng này thường ở quy mô quốc gia và liên quan đến các trường chuyên nghiệp đào tạo nghề như kinh doanh, luật, và y.... Các dạng bảng xếp hạng vị trí này có quá nhiều dạng này và thường đi vào các chi tiết.
Một số tiêu chí của một số tổ chức xếp hạng được mô tả như dưới đây:
US News and World Report
- Xuất sắc về học thuật qua thăm dò ý kiến của hiệu trưởng, khoa trưởng : trọng số 25%
- Tỉ lệ sinh viên bỏ học và tỉ lệ tốt nghiệp: trọng số 20%
- Cơ sở vật chất (quy mô lớp học, lương giáo sư, trình độ giáo sư, tỉ lệ giáo sư toàn thời gian (fulltime): trọng số 20%
- Điểm tuyển chọn sinh viên: trọng số 15%
- Chi tiêu của nhà trường tính trên mỗi sinh viên: trọng số 10%
- Tỉ lệ cựu sinh viên đóng góp vào ngân quỹ nhà trường: trọng số 5%
- Tỉ lệ tốt nghiệp sau khi điều chỉnh cho chi tiêu và điểm tuyển nhận: trọng số 5%
Times Higher Education Supplement (THES)
- Đánh giá giảng viên từ các trường khác: trọng số 40%
- Số sinh viên tốt nghiệp làm việc trong các công ty toàn cầu : trọng số 10%
- Phần trăm giáo sư là người nước ngoài: trọng số 5%
- Phần trăm sinh viên là người nước ngoài: trọng số 5%
- Tỉ số sinh viên / giáo sư: trọng số 20%
- Số lần trích dẫn tính trên đầu mỗi giáo sư: trọng số 20%
Đại học Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc)
- Số cựu sinh viên tốt nghiệp đoạt giải Nobel và Field: trọng số 10%
- Số giáo sư đoạt giải Nobel và Field: trọng số 20%
- Số bài báo khoa học được trích dẫn nhiều lần: trọng số 20%
- Số bài báo khoa học trên tập san Nature và Science: trọng số 20%
- Số bài báo khoa học trên tập san trong danh bạ SCIE, SSCI: trọng số 20%
- Thành tựu của giáo sư và giảng viên: trọng số 10%
3.2. Xếp hạng không có các bảng vị trí: phương pháp của CHE
Có một phương pháp xếp hạng khác. Trung tâm phát triển giáo dục đại học (CHE) ở Đức thực hiện phương pháp này. CHE phát hành bảng xếp hạng hàng năm cùng với một số đồng nghiệp thuộc giới truyền thông của họ. CHE tiến hành các cuộc khảo sát thường xuyên với xấp xỉ 130.000 sinh viên và 16.000 giáo viên, trên gần 250 trường đại học. Các cuộc khảo sát sinh viên này được mở rộng và hỏi một số câu hỏi về cả kinh nghiệm của sinh viên và sự hài lòng của họ đối với trường đại học họ đã và đang theo học. Các cuộc khảo sát giảng viên thường được thực hiện nhằm tổng hợp số liệu cho một tiêu chí đặc biệt. Tiêu chí này được biết đến như là “sự lựa chọn của chính người trong cuộc” (Chẳng hạn như trong cuộc khảo sát, người ta có thể đề nghị các giáo sư đưa ra tên của 3 trường tốt nhất trong lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu của họ). Các xếp hạng có một số các tiêu chí sử dụng các nguồn số liệu độc lập. Khoảng 2/3 số tiêu chí được dựa trên kết quả khảo sát, còn những số liệu còn lại lấy từ các nguồn của bên thứ 3. Xếp hạng của CHE không sử dụng số liệu có nguồn từ các trường được đánh giá.
Xếp hạng các khoa đại học của Đức do CHE thực hiện khác với các bảng vị trí ở 2 điểm đáng chú ý. Thứ nhất, như đã nói ở trên, nó không chia tỉ lệ hay phối hợp điểm của các tiêu chí riêng lẻ. Số liệu của mỗi khoa ở mỗi tiêu chí được đứng riêng, và không thực hiện xếp hạng các khoa theo thứ tự. CHE thực hiện điều này bởi trên cơ sở cho cho rằng kết hợp một cách rộng rãi các tiêu chí khác loại vào cùng một hệ thống chung duy nhất là vô nghĩa.
Thay vì việc xếp hạng theo thứ tự đơn giản, tất cả các tiêu chí phải được thể hiện ra cho tất cả các trường. Điều đó có nghĩa là, việc sử dụng các “xếp hạng” này khó sử dụng và khó đọc. Và cách làm này có một thuận lợi rất to lớn là các “xếp hạng” đều được chuyển lên một trang web.
Đặc thù của cách xếp hạng này là ở chỗ, vì CHE không tính tỉ lệ cho các xếp hạng, nên điều này tạo điều kiện cho chính người sử dụng trong thực tế có thể tạo ra những tỉ lệ và xếp hạng của riêng họ bằng việc chọn lựa một số tiêu chí nhất định trên cơ sở các dữ liệu của trang web, cung cấp thông tin về trường. Và như vậy, việc đánh giá về chất lượng trường đại học nằm ở những người sử dụng hệ thống xếp hạng .... Điểm đặc biệt thứ 2 của CHE là, trong mỗi tiêu chí, họ không nỗ lực để chia xếp hạng theo thứ tự.
4. Việt Nam đã có xếp hạng đại học chưa?
Tuy chưa có một bảng xếp hạng chính thức nhưng ở Việt Nam bước đầu đã có những kiểu “xếp hạng đại học” mang tính đặc thù. Có hai cách xếp hạng đại học ở Việt Nam:
4.1. Xếp hạng “dân gian”- phi chính quy theo chuẩn đầu vào
Hiện nay ở Việt Nam, tuy không công bố công khai nhưng người ta ngầm hiểu các trường đại học Việt Nam có ba loại:
Loại |
Tiêu chí |
Loại 1 |
24 điểm (8 điểm x3 môn) |
Loại 2 |
Điểm trung bình giữa loại 1 và điểm sàn |
Loại 3 |
Điểm sàn |
Bảng xếp hạng “dân gian” này theo tiêu chí đầu vào.Tiêu chí này cũng là một trong những tiêu chí xếp hạng của nhiều bảng xếp hạng trên thế giới nhưng nó không toàn diện. Đánh giá một trường đại học không thể chỉ bằng chuẩn đầu vào. Một bảng xếp hạng toàn diện phái đánh giá được cả “ đầu vào”; “quá trình đào tạo” và “đầu ra” .
4.2. Xếp hạng theo chuẩn, theo quan điểm của một số đại học; Chẳng hạn Đại học Quốc Gia Hà Nội chủ trương “- Để xếp hạng, ... sẽ phân các trường ĐH thành ba nhóm trường theo học vị cao nhất mà các trường được Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo. Theo đó, sẽ có ba nhóm trường: nhóm có đào tạo sau ĐH đến trình độ tiến sĩ, nhóm có đào tạo đến trình độ thạc sĩ và nhóm đào tạo tới trình độ ĐH.
Việc xếp hạng các trường ĐH cần phản ánh được hai hoạt động chính của nhà trường là giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Trong nghiên cứu khoa học, phải bao hàm cả chuyển giao công nghệ phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Các trường ĐH được xếp hạng theo cùng nhóm theo từng lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu khoa học.” ( Nguyễn Phương Nga,
Xếp hạng đại học Việt Nam: Liệu có khách quan, đáng tin cậy?).
Hiện chưa ĐH nào của Việt Nam có vị trí trong bảng xếp hạng các ĐH hàng đầu châu Á cũng như thế giới. Dưới đây là thứ tự xếp hạng của 7 ĐH Việt Nam mà nhiều phương tiện thông tin đại chúng đã chuyển tải.
STT |
Tên trường |
Xếp hạng |
ASEAN |
Thế giới |
1 |
ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM |
28 |
1920 |
2 |
ĐH Bách khoa TP HCM |
36 |
2190 |
3 |
ĐH Cần Thơ |
47 |
2532 |
4 |
ĐH Quốc gia Hà Nội |
54 |
2850 |
5 |
ĐH Bách khoa Hà Nội |
62 |
3156 |
6 |
ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội |
90 |
4217 |
7 |
ĐH Quốc gia TP HCM |
96 |
4462 |
5. Đâu là thách thức đối với xếp hạng đại học Việt Nam?
Dưới đây chúng tôi trình bày một số nét văn hoá như là một trong những nguyên nhân làm khó cho việc phát triển đại học nói chung và xếp hạng đại học Việt Nam nói riêng.
5.1. Nét văn hoá truyền thống: Học để làm quan, học để làm giầu, ta chưa có nét văn hoá “học để làm khoa học”
Thực tế nền đại học Việt Nam bắt nguồn từ một quan điểm đã thành nét văn hoá của đại đa số chúng ta “Chúng ta đào tạo đội ngũ khoa học, kĩ thuật đông đảo. Nhưng trong điều kiện kinh tế phát triển còn thấp, không có đủ cơ sở để sử dụng thì kĩ sư không phải là người hành nghề mà thành cán bộ, sống bằng bằng cấp và danh vị... Thanh niên và các bậc phụ huynh lại toan tính con đường chắc chắn: học cho có bằng cấp, vào biên chế sống dựa vào nhà nước kiếm lộc, kiếm bổng. Chuẩn bị vào đời bằng trau dồi «tư cách» (đánh giá về đạo đức, vốn hoạt động chính trị) và bằng bằng cấp chứ không phải bằng nghề nghiệp tự lập.” (Trần Đình Hượu).
5.2. Nét văn hoá “đẹp đẽ phô ra xấu xa đậy lại”
Người xếp hạng sẽ lấy ở đâu ra các số liệu chính xác khi đại đa số chúng ta đều được cha ông dạy rằng: “đẹp đẽ phô ra xấu xa đậy lại”. Cách ứng xử này làm cho các nguồn dữ liệu, trong nhiều trường hợp không đáng tin cậy: “Từ năm 2007, bộ GD-ĐT đã triển khai khảo sát thực trạng các trường đại học với 53 tiêu chí.
5.3. Nét văn hoá “
chín bỏ làm mười” là một trở ngại khi chúng ta kiểm định lẫn nhau
Việt Nam là một dân tộc trọng tình, người ta ưa một cách làm “
chín bỏ làm mười” thay vì một cách làm chính xác. Việc các đoàn chuyên gia đánh giá ngoài đi đánh giá các trường đại học khác mang theo nét văn hoá truyền thống này, làm cho các dữ liệu đánh giá ngay cả của các đoàn đánh giá ngoài cũng ít khách quan, và theo đó, việc đánh giá tưởng là khách quan nhất cũng trở thành méo mó.
Xuất phát từ hoàn cảnh và điều kiện này, xếp hạng Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn mà trước hết là
độ chính xác của các số liệu được cung cấp và một mặt khác là tiêu chí xếp hạng. Chọn bộ tiêu chí nào để xếp hạng các đại học Việt Nam?
Giả định rằng chúng ta chọn tiêu chí của Đại học Giao thông Thượng Hải làm tiêu chí đánh giá đại học Việt Nam thì hai tiêu chí đầu tiên chiếm 30% trọng số chúng ta đạt mức /0/. Số cựu sinh viên tốt nghiệp đoạt giải Nobel và Field: trọng số 10% ; Số giáo sư đoạt giải Nobel và Field: trọng số 20%. Tiêu chí tiếp theo: Số bài báo khoa học được trích dẫn nhiều lần: trọng số 20% ; những tiêu chí này thật quá khó đối với giới đại học Việt Nam; Chúng ta có bao nhiêu bài báo đăng ở tập san
Nature và
Science ( trọng số 20%) v.v...? Vì vậy lấy tiêu chí nào để đo các đại học Việt Nam?
6. Tại sao lại nói “Phải sống chung với xếp hạng?”
6.1. Xếp hạng đại học không chỉ là thách thức đối với các đại học Việt Nam mà là thách thức các đại học trên toàn cầu
Cuộc chiến giành giật các giáo sư và SV giỏi của các trường ĐH, buộc các đại học phải nhìn lại chỗ đứng của mình để “biết mình là ai” trong sân chơi quốc tế. Pierre de Maret, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Libre de Bruxelles (Bỉ) và là thành viên Hội liên hiệp các trường ĐH châu Âu, nói: Hiện nay, việc xếp hạng trở thành một phần của giáo dục, dù chúng ta thích hay không. Ông khẳng định các bảng xếp hạng “có ảnh hưởng trực tiếp đến cấp chính quyền và thực sự khiến thức tỉnh nhiều điều”. Có thể nói, trên thế giới, xếp hạng đại học là cách tiếp cận để nâng cao chất lượng các trường đại học và đã trở thành xu thế toàn cầu.
Do vậy có thể nói, ở phạm vi quốc gia dù muốn hay không chúng ta cũng buộc phải sống chung với xếp hạng, đúng như nhận xét của GS. Nguyến Văn Tuấn:
“Trong mấy năm gần đây, ở nhiều nước trên thế giới đã hình thành hội chứng xếp hạng đại học. Mặc cho cảnh báo của những người am hiểu, rằng đây chỉ là “sân chơi” của các đại gia đại học, tâm lí được “ngồi cùng chiếu” gần như đã trở thành một nỗi ám ảnh toàn cầu”.
6.2. Chiếu trên và chiếu dưới trong sân chơi Việt Nam
Giả định rằng, mỗi chúng ta ngồi đây đang học tập hoặc làm việc ở một đơn vị có thứ hạng thấp có nghĩa là ở “chiếu dưới” trong sân chơi xếp hạng Việt Nam thì một bảng xếp hạng sẽ làm cho ta cảm giác
“thua chị kém em” và đương nhiên ta sẽ không muốn có bất kì một bảng xếp hạng nào xuất hiện. Chính vì thế,
khi mà việc đánh giá các trường cũng sẽ gây bất lợi cho các trường có thứ hạng thấp, nhiều trường cao đẳng đại học cảm thấy ngần ngại khi tham gia vào công tác này là điều dễ hiểu. Tâm lí “ngần ngại” này không chỉ xuất hiện ở các nhà quản lí, giảng viên mà cả sinh viên của các trường đại học chiếu dưới. Nhìn từ góc nhìn của những trường đại học này thì việc xếp hạng chẳng khác gì là “sống chung với lũ”. Phải chăng chính vì thế mà “ trong khi sinh viên hào hứng trong việc được xếp hạng bao nhiêu thì phần lớn các hiệu trưởng ĐH hiện nay lo lắng bấy nhiêu”.
Dù muốn hay không, các trường đại học ở Việt Nam đều buộc phải tham gia vào cuộc chơi “xếp hạng”. Tháng 7.2007, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định về quy hoạch mạng lưới các trường cao đẳng đại học giai đoạn 2006 – 2020. Theo đó, Việt Nam phấn đấu đến năm 2010 có 10 trường đại học mà mỗi trường có ít nhất một khoa hoặc lĩnh vực đào tạo đạt tiêu chí chất lượng quốc tế, năm 2015 có 20 trường đạt tiêu chí nêu trên, và năm 2020 có một trường đại học năm trong top 200 trường hàng đầu thế giới.
Như vậy, các đại học Việt Nam không chỉ cần phải có mặt ở “sân đình” Việt Nam để xác định thứ hạng của mình mà còn phải “vươn ra” sân chơi rộng hơn là cấp “khu vực”; “châu Á” và “Quốc tế” .
7. Một số kiến nghị (Xếp hạng đại học ở Việt Nam đi theo hướng nào?)
7.1. Dùng chiến lược “đánh lui từng bước”, “ đánh đổ từng bộ phận” trong xếp hạng đại học.Trong chiến tranh, chúng ta đã từng áp dụng chiến lược này để tiến lên dành thắng lợi hoàn toàn, thiết tưởng đây cũng là chiến lược cần áp dụng trong xếp hạng đại học của nước ta hiện nay. Đây cũng là một xu huớng xếp hạng ở châu Âu. Xu hướng này đưa ra kiểu xếp hạng trường đại học hoàn toàn chỉ gồm có xếp hạng các khoa, ngành (thí dụ lịch sử, kinh tế, sinh học...) như trong trường hợp xếp hạng của CHE ở Đức, xếp hạng của Guardian ở Anh, La Repubblica ở Ý.
7.2. Xếp hạng không nên nỗ lực để chia theo thứ tự. Chúng ta có thể học tập cách xếp hạng của CHE, tức là, trong mỗi tiêu chí, họ không nỗ lực để chia bảng xếp hạng theo thứ tự. Các đại học và trường đại học chỉ được phân thành 3 nhóm tốt, trung bình và kém. Cách xếp hạng này đặc biệt phù hợp với nước ta vì nó phù hợp với tâm lí, văn hoá của người Việt.
7.3. Xếp hạng đại học cần lấy tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau. Vì tâm lí “thành tích” và những nét văn hoá đã phân tích ở trên; cho nên, các số liệu công bố của các trường trong một số trường hợp không phản ánh khách quan các kết quả đạt được của họ; chính vì vậy, cần thu thập các thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, đảm báo tính trung thực của số liệu.
7.4. Cần gắn
xếp hạng với
so chuẩn. “Xếp hạng” không chỉ có ý nghĩa như những gì đã trình bày ở phần trên, mà nó còn giúp người ta tìm ra những trường “chuẩn” để trên cơ sở đó các trường khác tiến hành so chuẩn.
Khái niệm “chuẩn” được hiểu là (1) “
cái được chọn làm căn cứ để đối chiếu, để hướng theo đó mà làm cho đúng” hay (2) “
vật được chọn làm mẫu để thể hiện một đơn vị đó lường”, và (3) “
cái được công nhận là đúng theo quy định hay theo thói quen trong xã hội”.
So chuẩn là một hoạt động đánh giá. Thực ra, so chuẩn là quá trình đánh giá các phương thức hoạt động bên trong của một tổ chức sau đó xác định, phát hiện, và phỏng theo những tổ chức nổi bật trong các tổ chức cùng loại khác được xem là tốt nhất. Một trong những lỗi lớn nhất các tổ chức thường mắc phải là, trong đánh giá họ giới hạn hoạt động đánh giá của mình chỉ trong nội bộ của họ. Đánh giá trong phạm vi nội bộ là cần thiết nhưng tự bắt buộc mình tiến ra bên ngoài và vượt lên trên chính mình nằm trong sự so sánh với các đơn vị khác là phương thức tốt nhằm đạt được thành công.
Vì sao phải tiến hành so chuẩn? Tổng quan các tài liệu cho thấy rằng cần phải tiến hành so chuẩn vì một số lí do như: (1) So chuẩn cung cấp một cách tiếp cận có hệ thống; (2) So chuẩn thiết định phạm vi cần cải tiến theo yêu cầu; (3) So chuẩn mang những chuẩn mực bên ngoài vào đánh giá những hoạt động bên trong (4) So chuẩn xác định những ý tưởng mới và những cách tiếp cận có tính chất đổi mới (5) So chuẩn làm rõ, khuyến khích và cung cấp một cái khung cho sự biến cải. (6) So chuẩn cho phép sáp nhập “thực tiễn tốt nhất” vào tổ chức của một đơn vị được tiến hành so chuẩn.(7) So chuẩn làm giảm tính chủ quan trong việc ra quyết định dựa vào các số liệu chính xác, minh bạch.(8) So chuẩn giúp đỡ cho các tổ chức học tập lẫn nhau; (9) So chuẩn đẩy mạnh những mối liên hệ và tạo ra các mạng lưới.
Bằng việc làm nổi bật những lĩnh vực có vấn đề, cũng như làm nổi bật tiềm năng có thể cải tiến, so chuẩn cung cấp và tạo nên sự khuyến khích những thay đổi và xác lập những mục đích cần cải tiến. Hơn nữa, việc nhấn mạnh vào nhận thức về “đơn vị mẫu” tạo ra công cụ để thiết định và chiến lược phát triển nhằm đạt được những mục đích đã đề ra. Như thế, so chuẩn là một phương pháp toàn diện cho việc cải tiến thực tế của một tổ chức. Nó làm nổi bật những lĩnh vực cần thiết phải cải tiến. Nó cung cấp những dữ liệu khách quan để minh hoạ cho những yêu cầu trong những lĩnh vực có vấn đề và trên cơ sở đó giúp cho các đơn vị xây dựng mô hình kế hoạch và tiến hành cải thiện các lĩnh vực có vấn đề của mình.
Như vậy, có thể nói “xếp hạng” giúp người ta tìm ra những đơn vị nằm ở “chiếu trên” còn “so chuẩn” giúp các đơn vị ở “chiếu dưới” có “mẫu” đối sánh và cải tiến để cùng tiên bộ.
Cho đến hiện nay nhận thức về kiểm định, đánh giá, so chuẩn hay xếp hạng đại học ở Việt Nam còn là những vấn đề mới. Điều đó dẫn đến mơ hồ trong nhận thức của nhiều người. Có ý kiến cho rằng việc đánh giá kiểm định nói chung và “xếp hạng”; nói riêng là những việc thuần tuý để khoe thành tích, hơn là sự nỗ lực tìm kiếm những mặt còn hạn chế để cải tiến vươn lên.
Việc tham khảo những kết quả kiểm định của những đơn vị khác để so sánh tìm ra những mặt mạnh của đơn vị mẫu để từ đó học tập còn chưa được mấy người quan tâm. Việc tham khảo các trường đại học khác chưa phải là việc làm thường xuyên của các đại học và các trường đại học. Phải chăng “kiểm định”; “xếp hạng”; “so chuẩn” là những việc “cần làm ngay” của các đại học và các trường đại học.
Tài liệu tham khảo
- Antony Stella & Da vid Woodhous, Benchmarking in Australian Higher Education: A thematic Analysis of AUQA Audit Reports; Australian Universities Quality Agency
- Kauko Hamalainen;Kimo Hamalainen; Minna Kaartinen-Kaoutaniemi;Dorte Kristofferen- Benchmarking in Improvement of Higher Education; European Network for Quality Assurance in Higher Education. Helsinki
- Nguyễn Văn Tuấn, Xếp hạng đại học: cần minh bạch hoá phương pháp; http://tuanvannguyen.blogspot.com/2008/11/xp-hng-i-hc.html
- Nguyễn Phương Nga; Xếp hạng đại học Việt Nam: Liệu có khách quan, đáng tin cậy? (báo tuổi trẻ)
- Phạm Đỗ Nhật Tiến (TSKH)Xếp hạng đại học và cách tiếp cận mới trong xếp hạng đại học, Tạp chí Cộng sản 28/6/2009
- Thế giới bị “ám ảnh” bởi xếp hạng trường ĐH, http://vietnamnet.vn/giaoduc/2008/10/808854