Ngôn ngữ
Thầy Ngọc sinh ra tại một làng quê nghèo vùng ven biển Đông Bắc đất nước - “xã nghèo nhất của huyện nghèo nhất Bắc Bộ Việt Nam” - như thầy vẫn thường nói về quê hương Hùng Tiến, Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Sóng gió, sông nước miền duyên hải đã hun đúc nên các bậc trai tráng khỏe khoắn, nước da nâu mật, giỏi bơi lội, dũng cảm, kiên cường và dám nghĩ dám làm. Tuổi thơ của thầy Ngọc, cũng như bao kình ngư thiếu niên khác của mảnh đất “ăn sóng nói gió” ấy, là những tháng ngày chăn trâu cắt cỏ triền đê, nhảy cầu sông lặn ngụp trong làn nước mặn vị thủy triều dưới nắng hè óng ả, là những mũ rơm, khăn quàng đỏ cắp sách tới trường trong không khí sục sôi cả dân tộc gồng mình kháng chiến chống Mĩ. Sinh ra trong một gia đình đông anh chị em, thầy Ngọc thừa hưởng tướng mạo đẹp sáng, trí tuệ sắc sảo và tính cách cương quyết, mạnh mẽ từ cha, nhưng cũng không nhận thiếu chút nào sự nhân hậu và giàu tình cảm của Mẹ. Những ưu đãi trội vượt đó, ngẫu nhiên thay, lại cũng đặt/kế thừa lên vai thầy từ rất sớm trọng trách của người con trai trưởng trong nhà, khi anh trai thầy - liệt sĩ Nguyễn Quang Thụ - đã hy sinh năm Mậu Thân 1968, để lại nỗi mất mát quặn ngấm trong lòng các bậc sinh thành.
Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Quang Ngọc
Tư chất thông minh, thầy Ngọc sớm hoàn thành các bậc học tại quê nhà với thiên hướng khoa học tự nhiên, đặc biệt là môn Toán. Một sự tình cờ mà hữu duyên đã đưa thầy đến với ngành Sử, Khoa Sử - Trường Đại học Tổng hợp, mà trong đó không thể không kể đến vai trò, sức ảnh hưởng to lớn của các bậc giáo sư tiền bối Phan Huy Lê và Trần Quốc Vượng. Chính những bài giảng đầu tiên của hai thầy trong “Tứ trụ” đã giữ được chân thầy Ngọc ở lại Khoa, và cũng thật không phải ngẫu nhiên khi các tên tuổi của Sử học Việt Nam hiện đại như Phan Huy Lê, Nguyễn Quang Ngọc đều xuất phát là “dân” Toán, Lý. Tháng 9 năm 1969, nhập học tại Khoa Lịch sử, khóa sinh viên K14 của thầy không còn phải lên khu sơ tán của Trường Đại học Tổng hợp ở Thái Nguyên. Nhưng những năm đầu mới trở về Thủ đô sau chiến tranh phá hoại của Mĩ, cơ sở vật chất của Khoa và Trường còn rất thiếu thốn với giường nằm là chiếu trải nền xi-măng, bàn học mỗi giờ lên lớp là đầu gối, và bữa cơm sinh viên nội trú chỉ với bát cơm ngô, bánh bột mì hay món canh rau “toàn quốc”. Tuy nhiên, sự thiếu thốn về vật chất không hề làm suy giảm niềm tin và tinh thần hăng say học tập, tìm tòi nghiên cứu của thầy và bạn bè đồng môn, đồng lứa. Dưới sự dìu dắt trực tiếp của Giáo sư Phan Huy Lê, thầy Ngọc cùng với một người bạn chuyên ban Cổ sử, sau này là Tiến sĩ Đỗ Đức Hùng - đã từng khoác ba lô cuốc bộ theo khắp dấu tích Trưng Trắc, Trưng Nhị trên đất Ba Vì, Đan Phượng; mạnh dạn vấn chuyện các cụ già làng, khảo sát cặn kẽ tư liệu Hán Nôm, góp phần không nhỏ vào nghiên cứu khởi nghĩa Hai Bà Trưng trong lịch sử dân tộc. Có thể nói, những khó khăn của đất nước trong khói lửa chiến tranh không thể ngăn được bước chân khoa học của thầy trò Khoa Lịch sử, trong đó có người sinh viên xuất sắc Nguyễn Quang Ngọc, cho đến khi anh được lệnh nhập ngũ vào mùa thu năm 1972.
Gác bút nghiên theo tiếng gọi của Tổ quốc, thầy Ngọc dành trọn 4 năm của tuổi 20 cho màu áo lính, “trấn thủ lưu đồn” tận xứ Mường Lèo, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Chính trong thời gian này, tâm hồn lãng mạn của người lính trẻ nơi “đầu súng trăng treo” đã gửi gắm thành những áng thơ trong trẻo, đầy cảm xúc, chan chứa tình yêu quê hương, đất nước, khát vọng tuổi thanh xuân. Ít ai biết được thầy Ngọc có cả tập thơ trong quân ngũ, một số bài được tác giả đăng trên tạp chí Biên phòng với bút danh Ngọc Quang, còn lại từ lâu đã được cất kỹ cho riêng mình, lặng lẽ, kín đáo, và không phô trương. Thơ hay nhưng dường như chỉ số ít bạn hữu của thầy được thưởng thức, cũng như ít ai được biết đằng sau vẻ bề ngoài rắn rỏi, cương nghị, sắc sảo và hùng biện ấy là một nội tâm tinh tế, nhạy cảm và bay bổng. Không chỉ vậy, cũng chính quãng thời gian tại ngũ đã tôi rèn cho “nhà thơ lính” ấy một bản lĩnh vững vàng như bàn thạch, một tinh thần thép và một ý chí kiên định trước bất cứ một thử thách khắc nghiệt nào của cuộc sống và sự nghiệp.
GS. Nguyễn Quang Ngọc là Chủ nhiệm Khoa Lịch sử (Trường ĐHKHXH&NV) (1996-2004); Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, ĐHQGHN (2004-2012); Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội (2004-2014); Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (2010-đến nay).
Khó có thể tóm gọn chỉ trong mấy trang viết cả một cuộc đời nghiên cứu khoa học, mà cho đến nay đã ngót 40 năm cống hiến, của Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Quang Ngọc. Tuy nhiên, có 6 điểm chính nổi bật trong nhân cách và sự nghiệp của thầy mà chúng tôi, với tư cách những học trò của thầy Ngọc, thấy cần phải khẳng định.
Trước hết, thầy là một trong số hiếm người sớm được giao những trọng trách, vị trí công tác với vai trò tổ chức, đóng góp và trách nhiệm với tập thể từ khi tuổi còn rất trẻ. Sau khi giải phóng Miền Nam, đất nước được thống nhất, thầy Ngọc trở lại Khoa Sử hoàn thành tiếp năm thứ tư đại học, chuyên ban Lịch sử Việt Nam Cổ trung đại và được giữ lại làm giảng viên ngay sau đó. Dù trong bối cảnh hết sức khó khăn của đất nước, của đời sống cán bộ viên chức nửa sau thập kỷ 1970, dưới sự định hướng của Giáo sư Phan Huy Lê cũng như ý chí quyết tâm và tự hoạch định của bản thân, thầy Ngọc sớm bước theo con đường khoa học, say mê chuyên môn, nỗ lực trau dồi các hành trang tri thức, kỹ năng để trở thành học giả lớn của Lịch sử Việt Nam. Dẫu vậy, tố chất lãnh đạo vẫn sớm bộc lộ, dù chủ nhân của nó không hữu ý phô trương, và thầy đã được cử làm Bí thư Chi đoàn Cán bộ Giảng dạy, rồi Bí thư Liên Chi đoàn Thanh niên, một Đảng viên trẻ đầy tiềm năng kế cận thế hệ “Tứ trụ triều đình” và Ban Lãnh đạo Khoa. Cũng vì thầy Ngọc đã từng làm Bí thư Liên Chi đoàn, nên thầy trò, anh em trong Khoa Sử, cho đến nay, đều noi gương thầy để phấn đấu, và coi nhiệm vụ này trở nên sáng giá, có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Hơn thế, từ những năm 80 của thế kỷ trước, thầy Ngọc đã sớm đảm nhiệm Phó Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Việt Nam Cổ trung đại, một Tổ có bề dày truyền thống và hội tụ các học giả lớn của Khoa Lịch sử; rồi tham gia vào Ban Chủ nhiệm Khoa và trở thành vị Giáo sư Chủ nhiệm trong gần một thập niên chuyển giao thế kỷ XX-XXI. Có lần, người bạn vong niên của thầy, dịch giả Cao Xuân Tứ, trong chén rượu một chiều đông Amsterdam, đã nói lại về tiên đoán của mình: “Tư chất như Ngọc, sinh ra kiểu gì cũng để làm lãnh đạo!”. Và còn cao quý hơn nữa, đó là người lãnh đạo về chuyên môn, học thuật, một nhà khoa học mà dù ở bất cứ cương vị nào, tâm huyết của thầy cũng đều hướng về sự nghiệp nghiên cứu của cá nhân, và của tập thể.
GS. Nguyễn Quang Ngọc (ngoài cùng, bên phải) cùng các đồng nghiệp Khoa Lịch sử
Thứ hai, sự nghiệp khoa học của thầy Ngọc tập trung, khai phá và giải quyết các vấn đề lớn quan trọng của lịch sử Việt Nam, trong đó có cả những vấn đề hóc búa, thời sự của chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, dân tộc. Ở chủ đề nghiên cứu nào, thầy cũng để lại dấu ấn đóng góp của mình, với những cuốn sách chuyên khảo, những bài viết có giá trị khoa học lớn. Đó là Lịch sử Chiến tranh Việt Nam trung đại với các cuốn Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 và 1288 (1988), Lật đổ chúa Trịnh, đại phá Mãn Thanh (1994), Khởi nghĩa Lam Sơn và thành lập vương triều Lê (2008), Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa năm 1789 (2009) cùng loạt bài về khởi nghĩa Tây Sơn (đề tài luận văn cử nhân 1977), khởi nghĩa Hai Bà Trưng, chiến thắng Bạch Đằng trên các tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Lịch sử Quân sự từ những năm 70, 80 liên tục cho đến gần đây (với công trình Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng sau 1970 năm nhìn lại - 2010). Đặc biệt, tên tuổi Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc gắn liền với nghiên cứu làng xã, nông thôn Việt Nam, một chủ đề mà thầy, cùng với hai học giả xuất chúng Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn, đã khai phá từ thập kỷ 1980, với các công trình lớn như Tìm hiểu làng Việt (1990), Về một số làng buôn ở đồng bằng Bắc Bộ thế kỷ XVIII-XIX (1993), Tìm hiểu kinh nghiệm tổ chức quản lý nông thôn ở một số khu vực Đông Á và Đông Nam Á (1995), Quản lý nông thôn nước ta hiện nay - Một số vấn đề và giải pháp (1996), Làng Việt Nam Đa nguyên và Chặt (2006), và Một số vấn đề về Làng xã Việt Nam (2009).
Chuyên gia nghiên cứu làng xã, nhưng thầy Ngọc không giới hạn mình trong chủ điểm khoa học chuyên sâu, thầy luôn tích cực “khai hoang vỡ đất” những vấn đề mới đối với bản thân, cũng như đối với ngành học của đơn vị. Trong đó Lịch sử Đô thị và Đô thị học là một trong những chủ điểm như vậy. Nếu tính từ bài khảo cứu đầu tiên về nguồn gốc hình thành đô thị Hải Phòng (1985) và Hoàng thành Thăng Long thời Lý - Trần (1986), thì Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc đã có 30 năm liên tục quan tâm nghiên cứu các vấn đề của lịch sử đô thị Việt Nam. Bề dày đóng góp khoa học của thầy đối với mảng đề tài này có thể kể đến Địa chí Cổ Loa (2007), 1000 năm Vương triều Lý và Kinh đô Thăng Long (2009), Hoàn thiện mô hình tổ chức và quản lý đô thị Hà Nội: Luận cứ và giải pháp (2010), Quản lý và phát triển Thăng Long - Hà Nội (2010), Địa bạ cổ Hà Nội (2010), Atlas Thăng Long - Hà Nội (2010), Lịch sử Thăng Long - Hà Nội (2011), Đô thị Quảng Yên: Truyền thống và định hướng phát triển (2011), Phát triển bền vững thủ đô Hà Nội (2012), hay những Đề tài nghiên cứu mà Thầy Ngọc cùng các cộng sự đa ngành/liên ngành tự nhiên - xã hội đã và vừa hoàn thành: Hệ thống cảng biển vùng duyên hải Bắc Bộ thế kỷ XI-XIX (2008), Nghiên cứu xây dựng mô hình tổ chức và quản lý nhà nước đặc thù của các đô thị trực thuộc trung ương ở nước ta (2010), Đất ngập nước trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội…
GS. Nguyễn Quang Ngọc cùng các đồng nghiệp trẻ của Khoa Lịch sử
Thầy Ngọc thường khiêm tốn rằng: “Tôi là người nông thôn nghiên cứu đô thị”, nhưng những ai có chuyên môn đều biết đó chính là một trong những thế mạnh của thầy, mà nhờ đó nhà khoa học có cái nhìn toàn diện về thực thể đô thị nghiên cứu, về mối liên hệ nông thôn - thành thị, về quá trình từ “làng” đến “phố” đặc trưng của đô thị Việt Nam truyền thống và đương đại. Người ta chọn thầy đảm nhiệm chức Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và Phát triển Thủ đô, cho dù thầy muốn và đã đến tuổi được nghỉ quản lý, là hoàn toàn có cơ sở xác đáng.
Liên quan đến vấn đề đô thị cũng như làng xã, thầy Ngọc, cùng với các Giáo sư của Bộ môn, Khoa, Trường, đặc biệt là Giáo sư Phan Huy Lê, cũng đã khai phá các vấn đề kinh tế - xã hội và văn hóa trong lịch sử Việt Nam bên cạnh mảng đề tài chống ngoại xâm từ thập niên 70 của thế kỷ trước. Các công trình đại thành của phức hợp đề tài này có thể kể đến: Cơ cấu xã hội trong quá trình phát triển của lịch sử Việt Nam (1995), Các giá trị truyền thống và con người Việt Nam hiện nay (1994-1996), Kinh tế hàng hóa của Thăng Long - Hà Nội: Đặc trưng và kinh nghiệm phát triển (2010), Những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam (2010), hoặc các cuốn sách về thủ công nghiệp Việt Nam (Những bàn tay tài hoa của cha ông - 1988, Gốm Bát Tràng thế kỷ XIV-XIX - 1995), hay loạt bài về kết cấu kinh tế, thương nghiệp nông thôn, sở hữu ruộng đất làng xã Việt Nam trên tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Nghiên cứu Kinh tế, Xã hội học cuối những năm 1980 đầu những năm 90 đã làm nên tên tuổi của thầy.
Đặc biệt, điều làm nên nét cá tính của thầy Ngọc là thầy không ngại đương đầu với những chủ đề nghiên cứu gai góc, phức tạp, mà thậm chí vì hiến mình cho khoa học, nói tiếng nói của người làm khoa học, đôi khi Thầy bị ảnh hưởng ít nhiều đến bản thân. Từ thập niên 1990, thầy Ngọc đã chủ trì đề tài Lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa trong chương trình nghiên cứu Biển Đông - Hải Đảo (cùng các nhà nghiên cứu Nguyễn Thừa Hỷ, Trần Bá Chí, Vũ Văn Quân). Có thể nói, trong giới Sử học Việt Nam hiện đại, thầy là người đi đầu trong việc khai mở vấn đề chủ quyền dân tộc trên các quần đảo ngoài Biển Đông. Những năm 2000, khi vấn đề an ninh, chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trở nên căng nóng, thì đây cũng là lúc thầy Ngọc đóng góp tiếng nói mang sức nặng học thuật, gần như đại diện cho các nhà sử học, đứng lên đấu tranh khẳng định và bảo vệ sự thiêng liêng và toàn vẹn lãnh thổ của cha ông. Một loạt bài viết chuyên sâu của thầy được xuất bản, thảo luận về chiến lược biển từ vua Lý Anh Tông đến triều Tây Sơn, về chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa thế kỷ XVII-XVIII-XIX; các Đề tài nghiên cứu do Bộ Ngoại giao giao phó (“Hệ thống tư liệu về chủ quyền Trường Sa - Hoàng Sa” 2010); cũng như những tham luận khoa học được công bố tại các diễn đàn trong nước và thế giới. Sự cương quyết, thẳng thắn, trái tim và khối óc nhiệt huyết, chân chính của nhà khoa học, cũng như bản lĩnh đanh thép của người lính trong thầy đã vượt lên trên tất cả những xuyên tạc, bóp méo sự thật của miệng lưỡi thế gian. Cá nhân tôi thực tiễn chưa bao giờ thấy quá lo lắng cho thầy mình trong những thời khắc như vậy, vì tôi vẫn nhớ như in lời Bố tôi (cố TS. Đỗ Đức Hùng - Viện Sử học) nói lúc sinh thời: “Không gì có thể lay chuyển và đánh bại được ý chí, tinh thần của Ngọc, bởi Ngọc sở hữu một bản tính mạnh mẽ, cứng rắn, lại được rèn luyện trong môi trường công an vũ trang khi tại ngũ…”. Tôi biết Bố mình luôn cảm mến và khâm phục người bạn đồng môn, đồng nghiệp ấy!
Sự xuất chúng trong nghiên cứu của thầy Ngọc còn được thể hiện ở cả hai mặt: năng lực tổng kết lịch sử, cũng như khả năng khảo cứu chuyên sâu, vốn là đặc trưng của giới Khảo cổ, Cổ sử. Ngoài tuổi 40, thầy đã được giao chủ biên, chủ nhiệm những bộ sách giáo trình, giáo khoa, các đề tài lớn, cấp Nhà nước về tổng kết lịch sử Việt Nam. Cuốn giáo trình Tiến trình Lịch sử Việt Nam do thầy Ngọc đứng đầu biên soạn đã được tái bản nhiều lần và trở thành tài liệu môn học không thể thiếu trong giảng dạy tại Đại học Quốc gia Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung. Bộ sách Lịch sử Việt Nam, gồm 4 tập (2012), là thành quả Đề tài KX mà thầy làm chủ nhiệm, đã và đang là tổng kết hiệu quả nhất lịch sử dân tộc cho đến nay, trước khi một bộ Quốc sử thời đại Hồ Chí Minh đang thành hình, trong đó thầy cũng là một học giả chủ chốt. Bên cạnh các công trình có tầm khái quát lớn là những khảo cứu sâu của Thầy về Vương triều Lý (2009, 2010), về thành cổ Thăng Long (1986-2012), về các địa danh, nhân vật, bi ký, đô thị cổ, cấp thôn Nam Bộ (2006)…; hay những chương trình nghiên cứu địa phương do thầy đứng đầu như Địa chí Nam Định (2004), Địa chí Đông Anh (2014)… Có thể nói, thầy Ngọc là một trong những giáo sư, nhà khoa học vẫn luôn theo sát chuyên môn, phát triển nghiệp nghiên cứu của cá nhân và tập thể, cho dù thời gian và tâm sức của thầy đã phải chia sẻ nhiều cho những đóng góp với đơn vị, tổ chức và xã hội.
GS. Nguyễn Quang Ngọc cùng các thế hệ nhà giáo, nhà khoa học của Khoa Lịch sử.
Thứ ba, thầy Nguyễn Quang Ngọc là người có nhiều đóng góp lớn cho mỗi đơn vị mà thầy đứng đầu, cho Bộ môn, Khoa, Trường, cho ngành học, khai vỡ những ngành - lĩnh vực mới. Hai nhiệm kỳ Chủ nhiệm Khoa Lịch sử của thầy là quãng thời gian bản lề quan trọng đối với Khoa, cơ hội, thách thức và không ít khó khăn. Đây là thời kỳ 10 năm sau Đổi mới, đất nước chuyển mình theo hướng hội nhập và phát triển, Đại học Quốc gia hình thành (1995), các giáo sư, học giả lớn của Khoa được san sẻ đi gây dựng nhiều đơn vị mới trong Đại học Quốc gia và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Nhưng đây cũng là giai đoạn chuyển giao thế kỷ và hội tụ nhiều thành tựu cao quý của Khoa về phát triển và hội nhập quốc tế, trong đó có vai trò không nhỏ của người đứng đầu chèo lái - là thầy. Lần lượt lễ kỷ niệm 40 năm, 45 năm Khoa (1995, 2001) và đón nhận Danh hiệu Anh hùng thời kỳ Đổi mới (2000) đã đưa uy tín và vị thế của Khoa Lịch sử lên tầm cao mới. Có thể nói, “việc đến tay” của thầy Ngọc bao giờ cũng là trách nhiệm lớn đặt ra và vai trò cải cách: thầy chuyển sang làm Phó Giám đốc (2002), rồi Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu Văn hóa (2003) thì Trung tâm phát triển thành Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển (2004), nhiệm vụ đặt ra không chỉ khoa học mà còn đào tạo Thạc sĩ, rồi Tiến sĩ ngành Việt Nam học; Trung tâm Hà Nội học trực thuộc Viện thành hình cũng không thể thiếu vắng vai trò của thầy Ngọc; Bộ môn Văn hóa học và Lịch sử Văn hóa Việt Nam của Khoa Lịch sử cũng trông cậy vào thầy trong cuộc cách mạng đào tạo Sau Đại học… Những đóng góp tảng nền của thầy cho Việt Nam học, Khu vực học, Hà Nội học, nghiên cứu liên ngành, Lịch sử Văn hóa Việt Nam cũng từ đây. Và quan trọng hơn thế, thầy Ngọc không phải là người quá tham vọng hãnh tiến, do vậy, chưa bao giờ thầy xa rời khoa học, sự ung dung, thanh thản luôn hiện hữu, nét đăm chiêu, có chăng, là những lo lắng cho công việc chung của tập thể, cho các chương trình nghiên cứu mà thầy đảm trách.
Thứ tư, Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc là một nhà khoa học có tầm ảnh hưởng rộng lớn, trong giới học thuật Việt Nam và thế giới. Ngay từ những năm 1990 và cho đến nay, thầy Ngọc đã có các mối quan hệ quốc tế với không chỉ thế giới Đông Âu, Đông Á mà cả giới hàn lâm Phương Tây. Có thể kể đến: Trung tâm Việt Nam học thuộc Đại học Công nghệ Texas, Đại học Hawaii, Đại học George Washington (Hoa Kỳ); Đại học Tokyo, Đại học Hiroshima, Đại học Kyoto, Đại học Osaka, Đại học Nagoya, Đại học Showa, Đại hoc Waseda (Nhật Bản), Đại học Quốc gia Úc; Đại học Passau, Đại học Humboldt, Đại học Göttingen (Đức), Đại học Leiden (Hà Lan); Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Inha, Viện Hàn Quốc học (Hàn Quốc); Đại học Paris VII, Viện Viễn Đông bác cổ (Pháp); Đại học Quốc gia Moskva, Đại học Quốc gia Saint Peterburg (Liên bang Nga); Đại học Quốc gia Lào; Đại học Göteborg (Thụy Điển)... Chính uy tín của người đứng đầu Khoa Lịch sử như vậy mà nhiều lượt cán bộ giảng viên Khoa đã được gửi đi học tập, trao đổi tại nước ngoài như tại Hà Lan, Canada, Mỹ, Úc, Đức… Hoặc ngay tại Việt Nam, một lứa giảng viên thế hệ 7x, 8x có được trình độ Ngoại ngữ thành thạo như hiện nay phần lớn là nhờ công khuyến khích, tạo điều kiện của thầy Ngọc.
Thứ năm, cũng chính với tầm ảnh hướng lớn đó, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Quang Ngọc đã giảng dạy, hướng dẫn và đào tạo nhiều thế hệ học trò ngành Sử. Thầy luôn nhiệt tình hết sức để học trò có cơ hội bơi ra biển lớn. Cá nhân tôi, khi còn đang tìm đường xuất ngoại dưới sự giới thiệu của thầy, từng chứng kiến thầy đã đấu tranh mạnh mẽ như thế nào để một bậc đàn anh của mình được hành thông du học ở Tây Âu. Nhờ vậy, nhiều người bây giờ đã thành danh, trở thành các Phó giáo sư, Tiến sĩ, giảng viên, nhà khoa học trẻ, hoặc các nghiên cứu sinh đang du học tại hải ngoại. Nhiều học trò của Thầy Ngọc đã tiếp bước thầy, tham gia công việc quản lý, đứng đầu đơn vị Sử, Việt Nam học, Đô thị học, Văn hóa học trong cả nước. Bộ Atlas Thế giới Bruxelles 1827 đầy ý nghĩa mà thầy mang về cho Tổ quốc (năm 2014) cũng bắt đầu từ sự phát hiện tình cờ của một học trò thầy Ngọc đang tu nghiệp tại nước ngoài (Pháp).
GS.Nguyễn Quang Ngọc và người bạn đời - TS Sử học Đặng Vân Chi
Và cuối cùng, thầy Ngọc sở hữu một gia đình hạnh phúc, viên mãn, và luôn ở bên thầy trong mọi bước đường sự nghiệp. Người bạn đời của thầy - Tiến sĩ Sử học Đặng Vân Chi, con gái của Nhà Sử học Đặng Huy Vận, hậu duệ dòng họ Đặng làng Hành Thiện nổi tiếng - đã đồng hành với thầy Ngọc từ những tháng ngày gian khó của cuộc sống cán bộ giảng viên những năm 1980, cùng thầy khảo cứu về làng cổ Gia Viên và làng xã Thủy Nguyên, Hải Phòng - vùng đất có nhiều gắn bó với cả thầy và cô, và hết lòng chăm lo cho công danh khoa học của chồng. Tổ ấm mà thầy cô vun đắp suốt 3 thập kỷ nay đã là động lực và hậu phương vững chắc cho sự thăng hoa của thầy trong nghiên cứu và cống hiến. Hai người con của thầy cô đều đã và đang bước trên con đường học vấn hàn lâm. Nhà địa lý học trẻ tuổi, Thạc sĩ Nguyễn Quang Anh, đã tiếp nối sự nghiệp của cha, nhưng theo cách riêng: ứng dụng công nghệ viễn thám (GIS) vào sử học và khu vực học. Như một sự hữu duyên đầy ý nghĩa, những kết quả nghiên cứu của Quang Anh đã bổ trợ và củng cố cho các giả thuyết khoa học của thầy.
Sẽ chưa bao giờ là đủ khi viết về chân dung nhà giáo, nhà Sử học Nguyễn Quang Ngọc, một người không hay nói về các danh hiệu, thành tích của mình, những hồ sơ nọ, lý lịch kia của Thầy đều là nhờ có đồng nghiệp và vợ tập hợp, cập nhật giúp. Một danh sách thực sự đầy đủ về các công trình, bài viết của thầy Ngọc cho đến nay vẫn khuyết thiếu hẳn 10 năm chưa có thống kê. Và những trang khắc họa, tự sự đầy cảm xúc và từ tâm can này của tôi cũng hoàn toàn nằm ngoài sự “cho phép” và “hợp tác” của thầy!
GIÁO SƯ, TIẾN SĨ, NHÀ GIÁO NHÂN DÂN NGUYỄN QUANG NGỌC
+ Đơn vị công tác: Bộ môn Lịch sử Việt Nam Cổ trung đại (Khoa Lịch sử). Bộ môn Văn hóa học và Lịch sử Văn hóa Việt Nam (Khoa Lịch sử). + Chức vụ quản lý: Chủ nhiệm Khoa Lịch sử (Trường ĐHKHXH&NV) (1996-2004). Chủ nhiệm Bộ môn Văn hóa học và Lịch sử Văn hóa Việt Nam (Khoa Lịch sử). (2013-nay). Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, ĐHQGHN (2004-2012). Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và Phát triển Thủ đô, Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội) (2014-đến nay). Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội (2004-2014). Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (2010-đến nay).
Về một số làng buôn ở đồng bằng Bắc Bộ thế kỷ XVIII-XIX, Hội Sử học Việt Nam xuất bản, Hà Nội, 1993. Cơ cấu xã hội trong quá trình phát triển của lịch sử Việt Nam (Chủ biên), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995. Địa chí Nam Định (Tổng Chủ biên)), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004. Một số vấn đề về làng xã Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2009. Vương triều Lý 1009-1226 (Chủ biên, Tác giả), Nxb. Hà Nội, Hà Nội, 2010. Lịch sử Việt Nam (Tổng Chủ biên, Đồng Tác giả), 4 tập, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2012. “The Sovereignty of Vietnam over Paracel and Spratly Archipelagos in the 17th, 18th and 19th Centuries: Documentations and Historical Truth”, Vietnam Social Sciences, 147, 1-2012, pp. 1-9.
+ Công trình khoa học tiêu biểu của ĐHQGHN năm 2005 cho công trình Địa chí Nam Định (Tổng Chủ biên), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004. + Giải Bạc Sách hay, Giải Đồng Sách đẹp toàn quốc của Hội Xuất bản Việt Nam năm 2008 cho công trình Địa chí Cổ Loa, (Đồng Chủ biên, Tác giả) Nxb. Hà Nội, Hà Nội, 2007. + Giải A Giải Báo chí Toàn quốc 1000 năm Thăng Long Hà Nội của Ban Tuyên giáo Trung ương, Thành phố Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam cho bài viết Từ Văn Lang đến Thăng Long - Quá trình tìm chọn Kinh đô muôn đời của đất nước. |
Tác giả: TS. Đỗ Thị Thuỳ Lan