Ngôn ngữ
Miền ký ức
PGS.TS Đinh Văn Hường sinh ra và lớn lên nơi mảnh đất miền Trung có con sông Lam xanh mát chảy qua làm dịu bớt sự nhọc nhằn của Mẹ. Xã Hưng Lĩnh, huyện Hưng Nguyên là nơi thầy đã gửi lại bao kỉ niệm buồn vui, khó nhọc. Xa quê hương đã lâu, nhưng những ký ức của người con xa quê thì không bao giờ nhạt phai. Thầy tâm sự: “Cứ mỗi lần về quê lại thấy lưng Mẹ còng đi một ít, miếng trầu nhai lâu hơn mới đậm màu cay ngọt. Bờ đê vạt ruộng, dòng sông là nơi bắp ngô, củ sắn thay gạo nuôi người mà cả làng quê lúc ấy đều thấm mặn mồ hôi”.
Thương mẹ đã sang tuổi già, mấy chục năm lần hồi hạt gạo nuôi con. Năm 1970, gia đình nhận tin dữ, người cha thân yêu của thầy hy sinh trong một trận đánh tại chiến trường Quảng Trị. Đau thương, buồn khổ, gánh nặng đặt trên đôi vai Mẹ. Thương mẹ, thầy cố gắng học tập, vừa học tập vừa giúp đỡ Mẹ vượt lên nỗi đau này. Những thành tích học tập mà thầy đã đạt được là niềm động viên, an ủi Mẹ và những người thân. Lên cấp 3, thầy thi đỗ chuyên văn trường Phan Bội Châu, trường cấp 3 danh tiếng của xứ Nghệ. Không những vậy, thầy lúc đó là một cán bộ lớp, cán bộ Đoàn năng động, tích cực hoạt động công tác Đoàn, Đội và các hoạt động xã hội khác. Năm 1980, thầy đạt điểm cao khi đăng ký thi vào Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, và là một trong bốn người được chọn đi học tập ngành báo chí ở Liên Xô. Hơn 10 năm tu nghiệp ở xứ sở Bạch Dương, thầy tốt nghiệp Đại học ngành Báo chí, tiếp tục học sau đại học và bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ Báo chí. Trong thời kỳ này, thầy có dịp được học tập tại giảng đường đại học Lômônôxốp – một trường đại học danh tiếng trên thế giới.
PGS.TS.NGƯT Đinh Văn Hường (Ảnh: Thành Long)
Những đóng góp cho ngành Báo chí Truyền thông
Sau khi hoàn thành chương trình Tiến sĩ, thầy trở về Tổ quốc và nhận công tác nơi giảng đường thân yêu của mình: Khoa Báo chí, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (lúc này khoa Báo chí vừa mới thành lập được một năm). Thời gian đầu mới thành lập, thiếu thốn trăm bề. Sách, giáo trình hầu như không có, trong lúc đó nhu cầu đào tạo báo chí ngày càng lộ rõ và yêu cầu của nhà trường là phải gấp rút chuẩn bị để mở ngành đào tạo. Để đáp ứng bước đầu về tư liệu báo chí, thầy được Ban Chủ nhiệm khoa và các nhà khoa học chịu trách nhiệm dịch thuật, viết mới các tư liệu cơ bản về Báo chí – Truyền thông. Chỉ một năm sau, cuốn “Cơ sở lý luận Báo chí – Truyền thông” viết chung với PTS. Dương Xuân Sơn và thầy Trần Quang được biên tập và in, trở thành cuốn sách lý luận đầu tiên của khoa phục vụ đào tạo và nghiên cứu. Thầy cũng chủ trương xây dựng các đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ giảng dạy như đề tài “Báo chí với vấn đề dân số kế hoạch hóa gia đình”; “Báo chí với vấn đề giáo dục pháp luật cho tuổi trẻ” v.v… Thầy cũng là người tích cực trong việc xuất bản sách báo chí như: Báo chí - Những vấn đề lý luận và thực tiễn; Thời gian và Nhân chứng; Thời sự báo chí…
Là người được đào tạo bài bản ở một nước có nền báo chí truyền thông hiện đại, tiên tiến, việc nghiên cứu, lựa chọn các chương trình đào tạo, các phần học là rất cần thiết. Thầy cho rằng, ở nước ta hoạt động báo chí có đặc thù riêng, báo chí là công cụ của công tác tư tưởng của Đảng, là tiếng nói của Nhà nước và là diễn đàn tin cậy của Nhân dân. Hoạt động báo chí phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc và Nhân dân lên trên hết. Thực tiễn sinh động trong hoạt động báo chí truyền thông cho thấy rằng lý luận phải đi trước một bước để đón đầu và định hướng cho sự phát triển đúng hướng. Có hai vấn đề mà chúng tôi thấy thầy Đinh Văn Hường đã có ý thức và quan điểm rõ ràng trong việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu báo chí.
Thứ nhất là từ năm 1995, nghĩa là sau thành lập Khoa Báo chí và Truyền thông 5 năm, thầy Đinh Văn Hường đã nhận thấy vấn đề Pháp luật và đạo đức báo chí có vai trò quan trọng trong tác nghiệp báo chí. Hoạt động báo chí là hoạt động thông tin, có tính lan truyền và tạo lập dư luận, định hướng một cách nhanh nhất, sức mạnh của thông tin không kém gì sức mạnh của vật chất. Chính vì vậy Pháp luật và đạo đức báo chí được coi trọng. Người làm báo ngoài sự có tầm, có tài còn cần phải có đạo đức nghề nghiệp, bởi nó là tấm gương phản chiếu về thái độ, trách nhiệm trước cộng đồng, xã hội. Người làm báo không chỉ nắm vững luật, hiểu biết luật như là một công dân mà cần có trái tim, lòng vị tha, nhất là tính trung thực.
Từ những suy nghĩ đó, thầy đã đăng ký xây dựng môn học: Pháp luật và đạo đức báo chí, nhằm trang bị, giới thiệu cho các nhà báo tương lai về hệ thống pháp luật của Nhà nước và hành vi đạo đức nghề nghiệp. Những năm đầu xây dựng, chỉ là những buổi nói chuyện chuyên đề, dần dần trở thành môn học tự chọn và nay là môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo báo chí của khoa. Thực tế hoạt động báo chí truyền thông hiện nay đã chứng minh tầm nhìn xa trông rộng của thầy.
Thứ hai, trong mấy năm gần đây nhiều nhà khoa học, nhà quản lý dự báo hướng phát triển của ngành báo chí truyền thông sẽ thành lập các tập đoàn báo chí truyền thông. Đây là một vấn đề mới, có tính chiến lược. Trên các diễn đàn, thầy Đinh Văn Hường đã có những suy nghĩ, nhận định cho từng bước đi nhất định. Đó là sự hình thành nhóm báo. Điều này thể hiện rất rõ là trong tiến trình phát triển báo chí nước ta, kể cả thời kỳ thuộc địa cũng đã có nhóm báo như: Nhóm báo Đông Dương tạp chí do Nguyễn Văn Vĩnh đứng đầu rồi đến những năm ba mươi của thế kỷ trước có nhóm báo Tao Đàn. Ngày nay, các nhóm báo của các đơn vị, Bộ, ngành cũng hoạt động theo từng nhóm báo như Tuổi trẻ, Thanh niên, Công an Nhân dân, Đài tiếng nói Việt Nam, v.v… Sự phát triển đơn lẻ của các cơ quan báo chí không đủ rộng để báo chí phát triển, gia nhập vào hoạt động truyền thông các nước có nền báo chí phát triển. Đồng thời điều kiện kinh tế, công nghệ cũng chưa đủ mạnh để có thể phát triển nhanh chóng, vững chắc. Do vậy, để đi tới tập đoàn báo chí chuyên nghiệp cần phải có lộ trình thích hợp.
Hơn mười năm ở cương vị là Chủ nhiệm Khoa Báo chí và Truyền thông, thầy có đóng góp lớn trong việc tổ chức đơn vị và xây dựng đổi mới chương trình đào tạo phù hợp với thực tiễn của đời sống. Nguồn nhân lực cho khoa chủ yếu được chọn lựa quy hoạch từ những sinh viên xuất sắc có tố chất làm cán bộ giảng dạy. Và hiện tại nguồn nhân lực đó đang phát huy và đóng góp nhiều cho khoa trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học và quản lý đơn vị. Nhiều em nay đã giữ cương vị chủ nhiệm khoa, phó chủ nhiệm khoa và đã và đang phát huy năng lực của mình tiếp tục xây dựng khoa vững mạnh và phát triển. Trong đào tạo, thầy chủ trương gắn giữa lý luận và thực tiễn để người học có nền tảng tri thức khoa học đồng thời có kỹ năng tác nghiệp vững vàng để có thể có sản phẩm truyền thông ngay từ trên giảng đường học tập. Có thể nói sinh viên Khoa Báo chí và Truyền thông đã làm chủ giảng đường, làm chủ giờ học để tiếp nhận kiến thức một cách tối đa nhất.
Chừng ấy suy nghĩ, chừng ấy việc làm cũng đủ nói lên một sự đam mê giảng dạy và nghiên cứu. Phía trước là những đỉnh núi tri thức trùng điệp. Trên con đường chông gai đó, thầy vẫn tiếp tục chinh phục, dù ở cương vị nào!
PHÓ GIÁO SƯ, TIẾN SĨ, NHÀ GIÁO ƯU TÚ ĐINH VĂN HƯỜNG
+ Chức vụ quản lý đã đảm nhiệm: Chủ nhiệm Khoa Báo chí và Truyền thông (2001-2011). Bí thư Đoàn Thanh niên, Trường ĐHKHXH&NV (1995-1998). Trưởng Ban Chính trị và Công tác Học sinh Sinh viên - Đại học Quốc gia Hà Nội (2011 đến nay).
Cơ sở lý luận báo chí - truyền thông (đồng tác giả), NXB ĐHQGHN, 2004. Tổ chức và hoạt động của tòa soạn, NXB ĐHQGHN, 2003. Các thể loại báo chí thông tấn, NXB ĐHQGHN, 2006. Báo chí - Những vấn đề lý luận và thực tiễn (đồng tác giả), NXB Giáo dục và NXB ĐHQGHN, 9 tập, từ năm 1994 đến năm 2014. Báo chí và truyền thông dân số kế hoạch hóa gia đình (đồng tác giả), NXB ĐHQGHN, 2 tập (1997 và 1999). Các thể loại báo chí (đồng tác giả), NXB ĐHQG TP.HCM, 2005. Nghề báo (đồng tác giả), NXB Kim Đồng, 2006. Văn hóa truyền thông trong thời kỳ hội nhập (đồng tác giả), NXB Thông tin và Truyền thông, 2013. Một số vấn đề về Kinh tế Báo in, NXB ĐHQGHN, 2015. |
Tác giả: ThS. Phạm Đình Lân