Ngôn ngữ
Lễ trao giải “Cây bút VSL và Thư Việt Nam 2018” tại Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt
"Cây bút VSL và Thư Việt Nam 2018" là cuộc thi viết được CMC tổ chức hàng năm dành cho các bạn sinh viên Việt Nam và sinh viên nước ngoài trong và ngoài trường. Cuộc thi hướng tới khai thác và tôn vinh vẻ đẹp của tiếng Việt thông qua việc viết và chia sẻ những câu chuyện, những kỷ niệm, những cảm xúc… mà mỗi người từng trải qua. Năm nay, với 69 bài viết của tác giả Việt Nam và nước ngoài, cuộc thi đem đến nhiều bài viết có chất lượng tốt, có ý tưởng thú vị và đặc biệt là đem đến những cảm xúc rất đẹp cho người đọc.
Thư Việt Nam: Có một Việt Nam như thế!
Cuộc thi "Thư Việt Nam 2018" với chủ đề “Việt Nam trong mắt tôi” đã nhận được sự hưởng ứng tích cực, nhiệt thành của các bạn sinh viên quốc tế. 25 tác giả đến từ 6 quốc gia: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Nga và Ba Lan. Các bài viết được thể hiện dưới nhiều hình thức đa dạng: viết thư cho mẹ, viết cho bạn bè, ghi lại những trải nghiệm và đưa ra nhiều nhận xét thú vị, độc đáo về quãng thời gian sống và học tập tại Hà Nội. Đặc biệt có bạn sinh viên nước ngoài còn làm thơ.
Tất cả các bài viết đều thể hiện thái độ nghiêm túc, trân trọng của người viết với cuộc thi. 25 bài là 25 lời tâm sự, tâm tình tự đáy lòng về cuộc sống ở Việt Nam, đặc biệt ở Hà Nội. Các bài viết đã chia sẻ rất thật về những khó khăn mà người nước ngoài trải qua như: về thời tiết, giao thông, sự khác biệt về phong tục tập quán, nếp sống, nếp nghĩ, rào cản ngôn ngữ… Nhưng những khó khăn này đã không làm các bạn nản lòng. Cố gắng vượt qua, hòa nhập vào cuộc sống mới ở Việt Nam, các bạn dần dần khám phá ra những nét đẹp ẩn sâu trong lối sống của người Việt Nam. Nhiều bài viết có những phát hiện thú vị về ẩm thực và giao thông ở Việt Nam - những phát hiện khá tinh tế mà người Việt chúng ta, đôi khi vì đã quá quen thuộc với nó đã không thể nhìn thấy được. Ví dụ như một bạn đã nhìn ra sự giống nhau giữa cà phê phin và người Việt. Hương thơm thoang thoảng của cà phê phin giống là “nụ cười mỉm của người Việt” ...
Những sinh viên Nga vừa tham gia một sự kiện ở Trung tâm Văn hóa Nga và kịp trở về để chuẩn bị tham gia chương trình văn nghệ với bài hát Ka chiu sa
PGS.TS Nguyễn Thiện Nam (Trưởng khoa Việt Nam học và Tiếng Việt) chia sẻ: cuộc thi năm nào cũng được tổ chức nhưng lần nào khi đọc các bài viết của các bạn nước ngoài, tôi đều xúc động. Trước hết là các bạn ấy viết rất thật, viết cả mặt tốt và mặt xấu khi trải nghiệm văn hoá và lối sống ở Việt Nam. Tiếp đó là có những bạn khi mới vào học thì năng lực tiếng Việt chỉ ở mức bắt đầu, nhưng qua cuộc thi đã cho thấy những tiến bộ vượt bậc của bạn ấy trong sử dụng tiếng Việt. Và do đó tôi rất hạnh phúc khi thấy được thành quả của quá trình đào tạo tại Khoa thể hiện qua cuộc thi này.
PGS.TS Hoàng Anh Tuấn (Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV)
Tại lễ trao giải, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn (Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) chia sẻ: thầy ấn tượng với bài viết đạt giải Nhất của tác giả Naoko (Nhật Bản) khi tình cờ đọc được bài viết này trên website của trường. Bài viết thu hút người đọc bởi sự nhẹ nhàng, trong trẻo và cảm nhận tinh tế của người viết: “Đọc tiêu đề bài viết là biết ngay của sinh viên nước ngoài, nhưng một người nước ngoài mà sử dụng tiếng Việt còn hay hơn người gốc Việt !”.
Naoko Kobayashi, nữ sinh đạt giải nhất cuộc thi "Thư Việt Nam" đang đọc một đoạn trong thư, nói về phẩm chất "tha thứ" của người Việt
Tất nhiên, vẫn còn đâu đó những lỗi diễn đạt vụng về, những lỗi sai ngữ pháp, chính tả song trên hết, các bài viết cho thấy tình cảm chân thành đối với đất nước và con người Việt Nam. Có tác giả chia sẻ: ở Việt Nam điều quý giá nhất là tình người. Một tác giả khác cũng có chung suy nghĩ: “Có quá nhiều điều để nói về đất nước xinh đẹp này. Nhưng nếu chỉ được chọn một từ để nói về Việt Nam thì tôi chọn từ “tình cảm”". Một bạn nước ngoài khác đã viết: “Không gian của Việt Nam, ngoài vẻ đẹp của thiên nhiên, còn ẩn chứa vẻ đẹp nhân văn”… Hay có những câu viết làm người đọc rưng rưng: “Tôi đã chứng kiến quãng thời gian tuyệt vời nhất trong tuổi thanh xuân của tôi, cảm ơn Việt Nam đã cho tôi những kỷ niệm đẹp mà tôi không bao giờ quên”.
Các bài viết góp phần lan toả thông điệp: Hãy đến Việt Nam, học và trải nghiệm cuộc sống như con người nơi đây để biết được: Trên thế giới này, có một Việt Nam như thế!
Cây bút VSL: cảm xúc thanh xuân trong trẻo và mãnh liệt
PGS.TS Hoàng Anh Tuấn và đại diện Quỹ Đào Minh Quang trao giải Nhất "Thư Việt Nam 2018" và giải Nhất "Cây bút VSL"
Nếu “Thư Việt Nam” đánh thức người đọc về những giá trị của văn hoá Việt Nam thì các bài viết của “Cây bút VSL” lại tràn đầy tinh thần thanh xuân và khát vọng của tuổi trẻ. 44 bài dự thi không chỉ đến từ Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt mà còn đến từ các khoa khác như: Văn học, Ngôn ngữ học, Lịch sử, Đông phương học, Khoa học quản lí, Du lịch học, Xã hội học... Cuộc thi đã khơi dậy cảm hứng sáng tạo và tình yêu tiếng Việt vượt khỏi không gian của ngôi nhà VSL.
TS. Đặng Hoàng Giang - thư ký của cuộc thi phát biểu: "Sức hút của cuộc thi là bằng chứng cho tấm lòng và hy vọng của tất cả chúng ta về một nền học thuật nhân bản và khai phóng của tương lai được bắt đầu bằng những câu chuyện cuộc đời của những người trẻ, bằng cảm hứng sáng tạo và khát vọng vươn lên của tuổi thanh xuân, bằng khả năng sử dụng đến mức thuần thục, thậm chí điêu luyện một thứ tiếng Việt thật thà và đẹp đẽ, trong sáng và đầy tin yêu".
PGS.TS Nguyễn Thiện Nam trao giải bài viết được yêu thích nhất cho 2 tác giả
So với năm ngoái, cuộc thi năm nay có thêm những lời tâm sự sâu sắc hơn và những góc nhìn nhuần nhị hơn, thấm đẫm hơn về cuộc đời và thời cuộc. Mỗi bài viết là một lời tự bạch đáng yêu về những mối tình trong veo của một thời tuổi trẻ, những hoài niệm đầy ắp suy tư như: “can đảm hơn, để bước đi trong thanh xuân”, “thanh xuân là để bỏ lỡ”, “thanh xuân ai không mơ hồ”, “không phải tạm biệt mà là hẹn gặp lại”… Cũng có những câu chuyện về những tháng ngày sôi nổi thiết tha ở mái trường đại học, nơi mỗi sinh viên trải nghiệm biết bao niềm vui và sự cống hiến cho cộng đồng dưới màu áo tình nguyện.
Có tác giả kể cho độc giả nghe về một thời tuổi trẻ phong phú: “Thanh xuân của tôi là đi tìm kiếm và thấu cảm thanh xuân của người khác, qua từng trang sách”. Thanh xuân cũng để lại dấu ấn trong ước mơ chân thành về nghề giáo, về văn chương và những câu chuyện bên lề đánh thức những cảm xúc nhân văn. Thanh xuân cũng mang dáng vẻ những “hồi ức của ngày hôm qua” với dòng tâm sự chân thực vô hạn. Thanh xuân còn in trong cả một không gian hư cấu đầy cảm xúc qua hình ảnh “Đôi chân” với câu chuyện đa cảm như một thiên phóng sự trữ tình đương đại.
Hai giải Nhì của "Cây bút VSL" và "Thư Việt Nam 2018"
“Gửi anh bạn tên “Thanh xuân” của tôi. Anh là chặng thứ hai của cuộc đời. Như cánh đồng cỏ non xanh hoang dại và đầy sức sống. Hãy cứ sắc, dày, hãy cứ yếu mềm và mãnh liệt, đó là những nét tươi đẹp hồn nhiên nhất của tuổi trẻ. Miễn sao anh trở thành một thanh xuân đúng nghĩa, mang đến cho tôi đủ hành trang để sẵn sàng bước vào mùa hè của đời người đầy nắng nôi và giông bão…”. Những dòng chữ này đến từ một sinh viên đang ở ngưỡng cửa đầu tiên của trường đại học, đủ cho chúng ta tin tưởng về một lối tư duy đầy bản sắc và có chiều sâu của thế hệ trẻ trường Nhân văn.
Độc giả còn ngạc nhiên với những tâm trạng thế này: “Mình còn trẻ, trước lúc mình già đi, mình sẽ làm mọi thứ mình muốn, không quan trọng đúng hay sai dù biết sẽ có lúc mình day dứt hối hận. Cảm ơn thanh xuân này đã cho mình đủ dũng khí để thực hiện điều mình chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể làm. Cảm ơn thanh xuân này giúp mình lớn khôn, lôi mình ra khỏi vỏ bọc của những tư tưởng cũ kĩ. Cảm ơn thanh xuân này giúp mình trải nghiệm những điều thú vị nhất. Cảm ơn thanh xuân này cho mình tin vào tương lai. Bạn có thể ghé thăm Thanh Xuân của Hà Nội rất nhiều lần nhưng thanh xuân của cuộc đời chỉ đến với bạn một lần, một lần duy nhất”.
Hai giải Ba của "Cây bút VSL 2018" và "Thư Việt Nam 2018""
Nhưng chúng ta sẽ còn xúc động nhiều lần hơn khi đọc đến một tên gọi khác của thanh xuân trong bài viết “Thanh xuân của tôi gọi tắt là mẹ”: “Thế đấy, mẹ dùng cả thanh xuân, cả cuộc đời này chỉ vì con của Mẹ. Thanh xuân của tôi đẹp khi có Mẹ và nó cũng chỉ trọn vẹn khi có Mẹ. Tôi chỉ muốn nói rằng bạn đừng băn khoăn tìm kiếm thanh xuân của mình ở đâu xa mà hãy bắt đầu ở những điều nhỏ nhặt nhất. Đừng lãng phí thanh xuân mà hãy nhận ra giá trị thật sự và ý nghĩa thật sự của thanh xuân mà bạn cần tìm là gì và sống trọn với nó, trân quý nó và hết mình vì nó. Thanh xuân đẹp lắm. Đừng để nó trôi qua nhanh mà vô nghĩa… Thanh xuân của tôi là Mẹ và những ngày tháng thanh xuân của tôi được bắt đầu từ chính thanh xuân của Mẹ…”.
Các tác giả được trao giải Khuyến khích
Như mọi lần, cuộc thi “Cây bút VSL và Thư Việt Nam 2018” dù đã khép lại nhưng vẫn để lại những dư âm cảm xúc rất đẹp trong lòng bao người. Vượt ra ngoài một cuộc thi để tôn vinh Tiếng Việt, các bài viết đã chạm đến những yêu thương, tạo ra những khoảng lặng đẹp đẽ trong nhịp sống đời thường vốn quá hối hả. Và như ThS. Đào Văn Hùng (Phó trưởng khoa Việt Nam học và Tiếng Việt) chia sẻ với các bạn thí sinh: Chúng tôi không phải là người mang đến giải thưởng cho các bạn. Chính các bạn đã khiến chúng tôi cảm thấy được tưởng thưởng xứng đáng như là một nơi để ngỏ mọi lời chào và hy vọng. Chúc mừng cuộc thi, chúc mừng các bạn và chúc mừng chúng ta - những thầy cô và sinh viên của VSL với một mùa thi thành công mỹ mãn - mùa của yêu thương, mùa của những suy tư, gửi gắm".
Kết quả cuộc thi “Thư Việt Nam 2018”
Diana Tszya (Nga): Tại sao tôi lại quyết định đi du lịch Việt Nam.
Hanae (Nhật Bản): Các bạn ở Hà Nội thân mến.
Jee Hyn Ha (Hàn Quốc): Việt Nam trong mắt tôi.
Seth (Thái Lan): Ký ức về Hà Nội năm ấy.
Kỷ Tinh Thần (Trung Quốc): Việt Nam trong mắt tôi (Thơ).
Kết quả cuộc thi “Cây bút VSL 2018”
Phạm Thị Diệu Thùy (K60 Ngôn ngữ học): Hồi ức ngày hôm qua.
Bùi Thị Diệp Anh (K60 Đông Phương học): Thanh xuân.
Nguyễn Thị Lan Anh (K61 Sư phạm văn): Đôi chân.
Nguyễn Thị Thanh Nga (K61 Văn học): Ước mơ của bạn là gì?
Hoàng Thị Thủy (K60 Việt Nam học): Thanh xuân vùi mình bên đống sách.
http://www.ussh.vnu.edu.vn/d6/vi-VN/news/Viet-Nam-qua-doi-mat-cua-mot-nguoi-Nhat-1-702-17097
http://www.ussh.vnu.edu.vn/d6/vi-VN/news/Vi-minh-con-tre-1-702-17096
http://www.ussh.vnu.edu.vn/d6/vi-VN/news/Thanh-xuan-cua-toi-got-tat-la-Me-1-702-17106
Tác giả: Thanh Hà. Ảnh: Ngọc Tùng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn