USSH — Ghi chép của thầy Phạm Đình Lân (Khoa Báo chí và Truyền thông) trong chuyến thăm và tặng quà của Cụm công đoàn 5 trường cho các em học sinh và giáo viên tại Bắc Kạn cuối tháng 12/2012.
Khi thầy cô làm ông già Noel
Buổi sáng ngày Noel trời se lạnh. Sương mù trĩu nặng trên các cành cây, vờn trên đỉnh núi báo hiệu một đợt gió mùa đang tới. Trong bản thôn có tiếng gọi í ới của con trẻ rủ nhau đến trường. Mái tóc còn vương những giọt sương long lanh buốt giá. Hôm nay là ngày chủ nhật, là ngày mở đầu ngày Noel mang đến cho các em một niềm vui khác lạ. Chỉ một lúc nữa thôi các em được nhận quà của các thầy cô giáo cụm 5 trường đại học tại Hà Nội trao cho các em.
PGS.TS Đặng Xuân Kháng - Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - cho biết: "Đây là một hoạt động thường niên của trường trong những năm gần đây và là lần đầu tiên phối hợp với cụm 5 trường đại học tại Hà Nội bao gồm: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Tự nhiên, Đại học Bách Khoa, Đại học Xây dựng và Đại học Kinh tế quốc dân, tham gia chương trình phát động của Công đoàn giáo dục Việt Nam về hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng sâu vùng xa. Đợt đi hỗ trợ lần này cho 600 em học sinh và 60 giáo viên có hoàn cảnh khó khăn tích cực vươn lên đạt thành tích cao trong dạy và học của 12 trường tiểu học, trung học phổ thông và trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn”.
Con đường từ tỉnh lộ vào trường tiểu học Xuất Hoá không xa nhưng còn nhiều đất đá vương vãi. Vách núi như một bờ vai thiên nhiên cho trường dựa vào che bớt gió bắc. Gần hai mươi thầy cô cụm 5 trường đại học hôm nay như các ông già Noel không áo đỏ, mũ đỏ… đến với các em bằng món quà thiết thực và bằng sự cảm thông chia sẻ với các đồng nghiệp nơi đây đang ngày đêm vượt mọi khó khăn trong cuộc sống, cần mẫn rèn dạy các em nên người. Hơn 150 triệu đồng hỗ trợ, là kết quả vận động đóng góp của các thầy cô giáo cụm 5 trường đại học, là tình cảm chân thành, là sự sẻ chia, tuy không lớn nhưng mang đầy đậm chất nhân văn. Nhìn gương mặt hồ hởi biểu lộ sự vui sướng hồn nhiên của các em nhiều thành viên trong đoàn không cầm được nước mắt trong nụ cười cảm động. Món quà giúp cho các em có thêm động lực để tiếp tục khắc phục khó khăn, chăm học chăm rèn để sau này trở thành người có ích cho đất nước.
Tinh thần vượt khó
Khi hỏi về trường, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thuỷ, Phó Hiệu trưởng trường tiểu học Xuất Hoá trải lòng: “Trường hiện nay có 21 cán bộ giáo viên và nhân viên và 194 em theo học. Trường cũng còn nhiều khó khăn, vẫn còn lớp tạm. Nhà ăn chưa có nên phải nhờ nấu ở nhà dân. Tuy nhiên chúng tôi không lấy đó để coi nhẹ việc khác, mà luôn chú trọng nâng cao nghiệp vụ cho giáo viên. Đồng thời dạy học phải đi đôi rèn giũa cho các em, vì các em trong đang độ tuổi hình thành tính cách. Sự cố gắng đó đã được các cấp ghi nhận, nhiều năm liền trường đạt danh hiệu tiên tiến".
Em Nguyễn Thị Cẩm Ly là một học sinh đặc biệt, không may bị bệnh máu trắng, phải thường xuyên thay máu. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng em vẫn quyết tâm đến lớp với cô giáo và bạn bè. Bằng ý chí và nghị lực bệnh tật không khuất phục được em. Li luôn là học sinh khá của trường, trở thành tấm gương cho các bạn noi theo.
Em Hứa Minh Hiếu, Đàm Quang Hưng và nhiều em khác là con em thuộc diện hộ nghèo, nhưng được sự động viên của các thầy cô nên các em đã cố gắng học tốt. Khi hỏi các em nhận được quà các em sẽ sử dụng như thế nào, em Nông Thị Uyên, học sinh tiên tiến lớp 5A của trường trả lời: “Em đưa về cho mẹ giữ để khi nào được lên thị trấn em sẽ mua thêm sách vở. Em thích nhất là các sách chuyện về cổ tích, ngụ ngôn”…
Con đường phía trước
Một đồng nghiệp công tác tại trường Kinh tế quốc dân thổ lộ: “Đúng là cái nghèo nó chẳng chừa ai nếu như con người chùn bước, nhưng nó chẳng làm được gì nếu con người phải biết cách khuất phục nó”. Câu nói đó có chút gì triết lí, hình như đồng nghiệp tôi một phần vừa đúc rút qua chuyến đi trải nghiệm lần này. Tinh thần tương thân tương ái trong cộng động là nét đẹp, là báu vật mà ta phải sử dụng và giữ gìn phát triển.
PGS.TS Lê Thị Minh Loan (Trưởng ban nữ công Trường ĐHKHXH&NV) có chút ngậm ngùi: “Có đi mới thấy hết cái khó khăn của các em học sinh và giáo viên miền núi, vùng sâu vùng xa. Em nào cũng mong manh tấm áo mỏng, đôi dép đơn sơ vẹt mòn theo thời gian và cung đường đi học. Có đi chúng ta mới thấy, mới hiểu. Và như vậy mới cảm thông sẻ chia. Ông cha ta có câu: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” cơ mà.
Phía trước là con đường. Con đường của người miền xuôi lên với bà con, với các em học sinh và giáo viên miền núi, vùng sâu vùng xa rất rộng mở. Để làm được việc đó, sẻ chia dù nhỏ rất cần một tấm lòng cộng hưởng cùng tinh thần trách nhiệm.