Cần nhận thức đúng đắn hơn nữa về vai trò của KHXH&NV

Thứ bảy - 02/03/2013 03:25
Cần nhận thức đúng đắn hơn nữa về vai trò của KHXH&NV Việt Nam là vấn đề mà nhiều ý kiến phát biểu tập trung nhất của các giáo sư, các nhà khoa học Trường ĐHKHXH&NV tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Vũ Luận ngày 27/02/2013. Những ý kiến trao đổi trực tiếp và thẳng thắn của Bộ trưởng và các nhà giáo liên quan đến nhiều vấn đề: đổi mới giáo dục đào tạo, chế độ chính sách cho nhà giáo; phân cấp quản lí giáo dục đại học, giải pháp để xây dựng và phát triển ngành KHXHNV trong bối cảnh hiện nay…
Cần nhận thức đúng đắn hơn nữa về vai trò của KHXH&NV
Cần nhận thức đúng đắn hơn nữa về vai trò của KHXH&NV
Cần nhận thức đúng đắn hơn nữa về vai trò của KHXH&NV Việt Nam là vấn đề mà nhiều ý kiến phát biểu tập trung nhất của các giáo sư, các nhà khoa học Trường ĐHKHXH&NV tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Vũ Luận ngày 27/02/2013. Những ý kiến trao đổi trực tiếp và thẳng thắn của Bộ trưởng và các nhà giáo liên quan đến nhiều vấn đề: đổi mới giáo dục đào tạo, chế độ chính sách cho nhà giáo; phân cấp quản lí giáo dục đại học, giải pháp để xây dựng và phát triển ngành KHXHNV trong bối cảnh hiện nay… Trong báo cáo tình hình xây dựng và phát triển Nhà trường thời gian qua, GS.TS Nguyễn Văn Khánh - Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV cho biết: Năm vừa qua là một năm rất thành công của Trường trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Trường đấu thầu thành công 09 đề tài cấp Nhà nước, triển khai 10 đề tài Quỹ Nafosted, cùng hàng chục đề tài các cấp khác. Trường cũng tổ chức thành công hơn 30 hội thảo, toạ đàm trong nước và quốc tế; công bố hơn 600 bài báo, trong đó có hơn 30 bài báo khoa học quốc tế; 05 nhà giáo vinh dự nhận giải thưởng Hồ Chí Minh và Nhà nước về KHCN. Về đào tạo, Trường không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo các hệ, có nhiều chuyển biến mạnh mẽ trong đổi mới hoạt động giảng dạy và học tập, điều chỉnh thành công 23 chương trình đào tạo ở trình độ ĐH và 52 chương trình đào tạo SĐH, tiếp tục mở thêm nhiều ngành, chuyên ngành đào tạo phục vụ nhu cầu xã hội. Để tạo điều kiện cho Nhà trường có những đóng góp lớn hơn nữa, xứng đáng với vị thế, sứ mạng được giao, Trường ĐHKHXH&NV cũng đề nghị: Thứ nhất, Bộ sớm có những văn bản trình Chính phủ ban hành quy chế về hoạt động của ĐHQGHN trong đó có những điều khoản về tự chủ, tự chịu trách nhiệm liên quan đến Trường ĐHKHXH&NV cũng như các trường thành viên của ĐHQGHN; Thứ hai, Bộ sớm thông qua việc đưa một số ngành, chuyên ngành đào tạo thí điểm đã khẳng định được hiệu quả và chất lượng qua thực tế đào tạo tại Trường vào danh mục mã ngành chính thức của Nhà nước. Thứ ba, Bộ sớm xem xét uỷ quyền cho Trường hoặc ĐHQGHN phê duyệt các chương trình đào tạo liên kết quốc tế nhằm tranh thủ nguồn lực trong nước, quốc tế để phát triển một số ngành học mang tính tiên phong trên cơ sở hợp tác với các đối tác có uy tín, tin cậy. Thứ tư, đề nghị Bộ giao cho Trường làm đầu mối trong việc tổ chức, triển khai Đề án 911 và chuẩn bị những điều kiện cần thiết để cử NCS thuộc các lĩnh vực KHXH&NV đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài. Thứ năm, đề nghị Bộ ủng hộ và giao cho trường tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển Trường ĐHKHXH&NV thực sự trở thành một trung tâm trọng điểm hàng đầu đất nước trong nghiên cứu, đào tạo KHXH&NV; có cơ chế hỗ trợ các ngành KHCB vốn là thế mạnh của Trường trong việc đào tạo các nhà khoa học, chuyên gia và nguồn nhân lực chất lượng cao. Thứ sáu, Đề nghị Bộ và các cơ quan hữu quan giao cho Trường chủ trì hoặc tham gia xây dựng, thực hiện một số chương trình đề án nghiên cứu, mà trọng tâm trong thời gian tới là chương trình KHXHNV và chương trình biển Đông.

Tại buổi làm việc, các giáo sư đã đề xuất với Bộ trưởng nhiều giải pháp liên quan đến việc phải xây dựng nhận thức đúng đắn về vị trí và vai trò của KHXHNV trong xã hội hiện nay cũng như cần có những chính sách tích cực để hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển và đóng góp của ngành vào sự phát triển chung của đất nước. GS.NGND Vũ Dương Ninh cho rằng thách thức lớn nhất của KHXH&NV là ở nhận thức về sứ mệnh, vai trò, vị trí của KHXH&NV hiện nay trong xã hội chưa đúng. KHXH&NV chưa được nhìn nhận, đánh giá đúng với giá trị và tầm quan trọng của nó đối với xã hội. Và “đây là một nguy cơ đối với sự tồn vong của dân tộc” - GS. Ninh khẳng định. GS.NGND Hà Minh Đức phát biểu: Phải coi KHXH&NV là vốn quý của đất nước chứ không chỉ là vấn đề của một ngành khoa học. Có nhiều vấn đề của KHXH&NV cần giải quyết mà ta có thể nhìn thấy hàng ngày trong xã hội: đạo đức, kỉ cương trong giáo dục, chủ quyền dân tộc, tâm lí xã hội, bảo tồn giá trị văn hoá… Và dường như sự tiếp nối, kế tục trong KHXH&NV Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức. Đội ngũ cán bộ KHXH&NV cũng còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, ảnh hưởng tới lòng yêu nghề của họ. GS.NGND Đinh Văn Đức thì khuyến nghị: Nhà nước cần khẩn trương có cơ chế đặc thù để hỗ trợ sự phát triển của các ngành KHXHNV, hỗ trợ các nhà khoa học XHNV công bố các công trình nghiên cứu, có chính sách phù hợp về lương, thu nhập để đảm bảo cuộc sống cho các nhà khoa học. Cho rằng NCKH là một điểm yếu của các đại học Việt Nam hiện nay, GS. Đức đề nghị Bộ cần xúc tiến nhiều giải pháp khả thi để cải thiện tình trạng này. Bên cạnh đó, một số ý kiến khác bàn về quyền tự chủ của các trường đại học, phân cấp quản lí chương trình liên kết đào tạo, quy định về mở các chương trình đào tạo thí điểm, sách giáo khoa trong đào tạo, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu tại trường đại học...

Đánh giáo cao những phát biểu tâm huyết của các nhà giáo, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận bày tỏ sự hài lòng với kết quả thu được tại buổi làm việc. Bộ trưởng phát biểu: “Chuyến xuất hành công tác thực tế đầu năm mới tại Trường chính là nhằm gửi thông điệp đánh giá cao Trường ĐHKHXH&NV - một trung tâm đào tạo hàng đầu về KHXH&NV, một cơ sở đào tạo đại học và sau đại học có uy tín trong nền giáo dục đại học Việt Nam, nhận được sự tín nhiệm của nhiều cơ sở đại học khu vực và thế giới. Sắp tới, cần có sự tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn giữa Trường, ĐHQGHN với Bộ vì sự phát triển của ĐHQGHN, các đơn vị thành viên cũng như của ngành giáo dục đào tạo”. Trao đổi cùng các nhà giáo, Bộ trưởng cho biết, bắt đầu từ 2012 và quyết liệt hơn từ 2013, toàn ngành giáo dục sẽ đẩy mạnh việc chuyển đổi mô hình phát triển từ dựa trên số lượng, quy mô sang phát triển dựa trên chất lượng, hiệu quả. Bên cạnh đó, thực hiện chỉ thị của Thủ tướng, ngành giáo dục cũng tiếp tục thực hiện đổi mới quản lí trong toàn ngành theo hướng: xoá bỏ xin - cho, tăng tính chủ động và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở đào tạo. Quản lí Nhà nước của Bộ, sở với quản lí chuyên môn của các hiệu trưởng sẽ được phân cấp, tách bạch rõ ràng. Hoạt động của Bộ nhằm phục vụ sự phát triển đúng hướng và thuận lợi cho các trường, góp phần thanh tra, chấn chỉnh, xử lí các sai phạm. Về việc học hỏi kinh nghiệm quản lí giáo dục của nước ngoài, Bộ trưởng bày tỏ quan điểm rằng, không chỉ nắm thông tin xem nước ngoài họ làm gì, mà còn phải hiểu tại sao họ làm như vậy, bởi tất cả các chính sách ấy phải gắn với những đặc điểm riêng về kinh tế, văn hoá, xã hội của mỗi nước. Có những chủ trương tốt ở các nước khác nhưng áp dụng vào Việt Nam lại không thành công. Về xây dựng quy chế hoạt động đối với các đại học thành viên của các đại học quốc gia và đại học vùng, Bộ cho rằng cần đảm bảo các trường này có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm ít nhất là ngang với các đại học lớn khác trực thuộc Bộ. Về các chương trình đào tạo liên kết quốc tế, tới đây, Bộ sẽ không trực tiếp phê duyệt, quản lí mà chỉ đưa ra các tiêu chí để các trường căn cứ vào đó để thực hiện. Bộ sẽ chỉ làm nhiệm thanh tra, kiểm tra công tác này. Liên quan đến Đề án 911, Bộ trưởng ghi nhận, Trường ĐHKHXH&NV đã và sẽ tiếp tục là một đầu mối chuyên môn quan trọng tham mưu, tư vấn cho Bộ. Khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước đối KHXH&NV trong bối cảnh hiện nay, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp nhận tất cả các ý tưởng, tình cảm, kể cả những lo lắng, băn khoăn của các nhà giáo đối với những tồn tại đã nêu. Những ý kiến sâu sắc và quý giá này sẽ giúp Bộ có những suy nghĩ, cân nhắc cụ thể để đề xuất cơ chế đặc thù nhằm đem đến sự phát triển xứng đáng và đúng tầm cho ngành KHXH&NV Việt Nam.

Cũng tại buổi làm việc PGS.TS Phùng Xuân Nhạ - Uỷ viên dự khuyết BCH TW Đảng, Giám đốc ĐHQGHN - thể hiện sự ủng hộ và đồng tình của ĐHQGHN với nhiều chủ trương của Bộ và những ý kiến phát biểu của các nhà giáo. Sắp tới, ĐHQGHN xây dựng nghị định và quy chế hoạt động mới sẽ đảm bảo tính tự chủ cao nhất cho các đơn vị thành viên không khuôn khổ Luật giáo dục Đại học đã được Quốc hội thông qua. Về mở các ngành đào tạo thí điểm cũng như triển khai các chương trình liên kết đào tạo quốc tế, ĐHQGHN chủ trương tiếp tục đẩy mạnh nhưng phải đảm bảo các yếu tố chất lượng đào tạo. ĐHQGHN cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo ủng hộ ĐHQGHN tham gia mạnh hơn vào Đề án 911 trên cơ sở những ưu thế hiện có như: uy tín, năng lực, cơ cấu đa ngành đa lĩnh vực với các điều kiện sử dụng nguồn lực chung để đảm bảo chất lượng. Cũng trong nỗ lực hỗ trợ sự phát triển của các ngành KHCB, ĐHQGHN và các đại học vùng đã có kế hoạch phối hợp cùng xây dựng quy hoạch phát triển cán bộ KHCB, mong sớm được Bộ thông qua. Thực hiện chủ trương đổi mới cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, thời gian qua, ĐHQGHN đã tiên phong cùng các cơ sở đào tạo của Bộ xây dựng 5 đề án với nội dung đổi mới theo tinh thần coi trọng các ngành KHCB. Có 16 ngành KHCB của ĐHQGHN, trong đó có 06 ngành của KHXH&NV được ưu tiên đầu tư về cả học phí lẫn hỗ trợ tuyển sinh. Chương trình này sẽ tiếp tục được đầu tư chiều sâu trong tương lai nhằm giúp các ngành KHXH&NV có thể tiếp cận các điều kiện tốt nhất để phát triển. ĐHQGHN cũng đã quyết định giao cho Trường ĐHKHNV triển khai 02 đề tài nghiên cứu trọng điểm về đánh giá nguồn nhân lực KHXH&NV Việt Nam và nghiên cứu về đạo đức, lối sống. ĐHQGHN cũng ủng hộ Nhà trường tham gia vào các chương trình nghiên cứu lớn của đất nước như Chương trình Tây Bắc, Chương trình nghiên cứu về biển Đông và Chương trình nghiên cứu về KHXH&NV. nhằm phát huy hơn nữa năng lực, vị thế và trách nhiệm tiên phong của một cơ sở đào tạo hàng đầu đối với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của đất nước ta.

Tác giả: thanhha

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây