Để KHXH&NV Việt Nam hội nhập với thế giới

Thứ hai - 25/02/2013 07:35
Trường ĐHKHXH&NV đã có một năm khá thành công trên nhiều mặt hoạt động và hiện có những bước đi đầu tiên trong lộ trình hội nhập với thế giới. Nhân dịp đầu xuân, các nhà giáo lão thành của Trường đã chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ về sự phát triển của Nhà trường thời gian qua, đồng thời đưa ra những gợi ý cho chặng đường phát triển và hội nhập sắp tới.
Để KHXH&NV Việt Nam hội nhập với thế giới
Để KHXH&NV Việt Nam hội nhập với thế giới
Trường ĐHKHXH&NV đã có một năm khá thành công trên nhiều mặt hoạt động và hiện có những bước đi đầu tiên trong lộ trình hội nhập với thế giới. Nhân dịp đầu xuân, các nhà giáo lão thành của Trường đã chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ về sự phát triển của Nhà trường thời gian qua, đồng thời đưa ra những gợi ý cho chặng đường phát triển và hội nhập sắp tới.

GS.NGND Đinh Xuân Lâm: Hội nhập cần có bản lĩnh

Trường ĐHKHXH&NV luôn là niềm tự hào của chúng tôi và tôi rất vui mừng khi thấy sự tiến bộ rõ rệt của Nhà trường, đặc biệt là về mặt chất lượng. Trường ngày càng mở rộng các hệ đào tạo, từ cử nhân cho tới nghiên cứu sinh (NCS). Số lượng NCS người nước ngoài ngày càng nhiều. Điều đó khẳng định uy tín của Trường ta ngày càng lớn, có sức thu hút những sinh viên ở nhiều quốc gia khác đến theo học và tìm hiểu về văn hoá Việt Nam. Bằng chuyên môn của mình, Nhà trường đã giúp phát huy ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế. Các chương trình đào tạo ngày càng phong phú và hoàn chỉnh hơn, đáp ứng được yêu cầu học tập của các NCS nước ngoài, trong đó có nhiều người đến từ các nước có nền đại học tiên tiến như Anh, Pháp, Nga... ; cũng như giúp phát triển, mở rộng ngành Việt Nam học tại nước ngoài.

Thế hệ chúng tôi trước đây chủ yếu được đào tạo trong nước, trưởng thành nhờ tự học, tự làm nên có nhiều hạn chế do ít được tiếp xúc với môi trường thế giới. Thế hệ cán bộ sau này là những người được đào tạo bài bản ở những nước có nền đại học tiên tiến, do đó nhiều anh chị em rất giỏi. Họ nắm được các quan điểm phát triển giáo dục và cập nhật tình hình phát triển đại học thế giới nên vận dụng được rất tốt vào công tác quản lí của Nhà trường. Các thế hệ lãnh đạo Nhà trường cũng rất có ý thức mở rộng quan hệ hợp tác với các trường đại học nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm, nâng cao trình độ. Yêu cầu hội nhập quốc tế là yêu cầu rất lớn bây giờ và có tính chất bắt buộc. Tuy nhiên, hội nhập cũng cần bản lĩnh để lựa chọn hội nhập cái gì, cái gì là cần thiết cho khoa học xã hội và nhân văn (KHXHNV) Việt Nam và cho đất nước? Một điểm yếu cản trở chúng ta hội nhập hiện nay là giảng viên chưa sử dụng tốt ngoại ngữ. Tôi đã từng chứng kiến những chuyên gia nước ngoài sang giảng dạy tại trường ta, họ có thể sử dụng đồng thời cả tiếng Anh và tiếng Pháp một cách thuần thục và tự nhiên. Giáo sư nước ngoài có thể sử dụng sử dụng 3, 4 ngọại ngữ cũng là chuyện bình thường. Chúng ta cũng nên tránh chạy theo khẩu hiệu hội nhập mà không chú trọng thực chất và hiệu quả của các hoạt động. Trường ĐHKHXH&NV cần khai thác những mặt mạnh của KHXHNV Việt Nam để giới thiệu ra nước ngoài với tư cách một cơ quan chuyên môn. Trường có rất nhiều mặt mạnh về khoa học cơ bản, hãy từ các mặt mạnh ấy mà phát huy lên. Hội nhập nhưng cần giữ được căn cốt và bản lĩnh của mình. Trường ĐHKHXH&NV có trách nhiệm quan trọng trong việc tham vấn cho các cơ quan Đảng, Nhà nước về sự phát triển của khoa học xã hội và con người Việt Nam. Trường đã có ý thức về trách nhiệm này nhưng chưa làm được nhiều. Tôi mong rằng Trường sẽ phải tiếp tục coi đây là nhiệm vụ lớn của mình, giúp cho các cơ quan Đảng, Nhà nước xây dựng và phát triển được cơ sở và sức mạnh chính quyền của mình trên nền tảng “tính” Việt, phát huy ảnh hưởng của Việt Nam rộng trên thế giới.

GS.NGND Nguyễn Kim Đính: Phát triển nhưng phải luôn giữ được bản sắc và truyền thống

Chúng tôi - thế hệ sinh viên và giáo viên lứa đầu tiên của Trường - rất mừng khi chứng kiến sự phát triển hôm nay của Trường ĐHKHXH&NV. Đây cũng là tâm nguyện của những cựu giáo chức đã về nghỉ chế độ nhưng vẫn còn đau đáu hướng về Trường. Nếu trước đây, về KHXH&NV, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (ĐHTHHN) chỉ có 2 khoa Ngữ Văn và Triết thì giờ đây Trường đã có tới 14 khoa với gần 20 ngành học. Đây là một sự phát triển lớn mạnh mà trước đây chúng tôi không dám nghĩ tới.

Điều đáng mừng thứ hai là Trường ta dù phát triển nhưng vẫn giữ được nề nếp giảng dạy học tập tốt, mối quan hệ thầy trò vẫn được trân trọng giữ gìn. Dù đội ngũ lãnh đạo có thay đổi nhiều qua thời gian nhưng tập thể Trường vẫn giữ được sự đoàn kết thống nhất, điều này là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của một trường đại học. Nhất là trong bối cảnh xã hội hiện nay vẫn còn những vấn đề về đạo đức thầy trò, giáo dục chạy theo lợi nhuận, học giả - bằng thật, rồi hiện tượng mâu thuẫn kiện tụng nội bộ… Có điều kiện tham dự nhiều cuộc họp của Trường, tôi có cảm nhận là sự phát triển của Nhà trường đang đi đúng hướng. Trường rất nghiêm túc và quyết tâm trong các chiến lược phát triển, thể hiện qua những kế hoạch, lộ trình và mục tiêu rất rõ ràng. Tôi lấy ví dụ, việc chuyển đổi đào tạo tín chỉ theo xu hướng thời đại là rất đúng đắn, và dù khó khăn thì Trường ta cũng đã tiên phong làm được. Chúng ta đã có danh hiệu rất cao quý mà Nhà nước và xã hội đã trao cho. Những danh hiệu ấy nhắc nhở chúng ta cần luôn giữ gìn và phát huy hơn nữa những gì đã có, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp khoa học, giáo dục, đào tạo của đất nước. Ta phải nắm chắc nhiệm vụ chính của chúng ta là xây dựng khoa học cơ bản - KHXHNV của Việt Nam. Đó là bản sắc và thế mạnh của Trường ĐHKHXH&NV. Dù có đa ngành đa lĩnh vực thì cuối cùng cũng phải chọn lựa lĩnh vực nào là trọng tâm rõ rệt nhất của Trường. Chúng ta vẫn cần liên kết, hợp tác trong nước và quốc tế để phát triển, nhưng là hợp tác trên cơ sở vị thế và tư thế của mình, trên cơ sở nắm chắc nhiệm vụ chính của mình. Chúng ta cần có bản lĩnh, tránh vì tác động của nền kinh tế thị trường mà chạy theo lợi nhuận làm mất đi bản sắc, cái truyền thống ấy. Và riêng đối với KHXH&NV phải quan niệm là, mình hội nhập, học hỏi thế giới nhưng ngược lại, thế giới cũng phải học hỏi chúng ta. Cho nên muốn hội nhập tốt thì các ngành KHXH&NV của mình phải rất tập trung vào những gì là đặc sắc và căn bản của Việt Nam. Thứ hai, trong bối cảnh hiện nay, muốn giới thiệu KHXHNV Việt Nam với thế giới phải có nền tảng ngoại ngữ tốt. Ở đây, tôi muốn nói thêm là để có đủ trình độ ngoại ngữ để theo các ngành KHXHNV thì không phải là điều đơn giản như đối với các ngành khoa học tự nhiên (KHTN). Do đó việc giảng dạy ngoại ngữ cho khối ngành KHXHNV cũng phải khác, chứ ko thể giống như đối với ngành KHTN hay công nghệ. Bên cạnh đó, ngành KHXHNV rất nên trang bị cho sinh viên một vốn kiến thức cơ bản về Hán Nôm giúp thế hệ sau hiểu biết cho cặn kẽ di sản của cha ông để lại, hiểu được nếp văn hoá cội nguồn của người Việt Nam. Như vậy, để có thể đào tạo được lớp trẻ có thể đối thoại, giao lưu với thế giới thì trước hết phải có “vốn” Việt Nam tốt, sau đó là có “vốn” ngoại ngữ tốt. Thứ ba, đã gọi là trường đại học thì giảng dạy phải gắn với nghiên cứu, đặc biệt là khi trường ta là trường về khoa học cơ bản. Trước đây, từ thời Trường ĐHTHHN có nhiều hoạt động sinh hoạt khoa học định kì rất hiệu quả như: tổ chức hội nghị khoa học cuối năm ở từng khoa để tất cả cán bộ báo cáo những kết quả nghiên cứu của mình trong năm. Và bộ môn phải là đơn vị hạt nhân, đơn vị tác chiến tạo sự gắn kết giữa các thầy cô trong hoạt động khoa học, chuyên môn. Bên cạnh đó, Trường cũng cần sớm đưa sinh viên tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) và trải nghiệm thực tế nghề nghiệp ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

GS.NGND Vũ Dương Ninh: Trường đang có những bước đi vững chắc

Trong bước đường phát triển, Trường ĐHKHXH&NV gặp không ít khó khăn nhưng chúng ta vẫn đều đặn giữ được tốc độ và sức vươn lên. Trong thời gian qua, chúng ta đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học: số lượng đề tài ở tầm cỡ quốc gia tăng mạnh; các đề tài đăng kí được thực hiện khá nghiêm túc đem lại những kết quả thực tiễn phục vụ công tác đào tạo của Nhà trường cũng như các vấn đề xã hội, dân sinh của đất nước. Về ảnh hưởng xã hội, Trường ta ngày càng phát huy được uy tín, sự tín nhiệm đối với xã hội. Ví dụ: trong dịp kỉ niệm 1000 năm Thăng Long, Hà Nội, rất nhiều đề tài có sự tham gia của cán bộ, sinh viên của Trường. Chúng ta cũng từng tham gia nhiều hội nghị Việt Nam học quốc tế, ở đó các giáo sư, nhà khoa học trường ta đã trình bày những tham luận được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Gần đây, nhân dịp kỉ niệm 40 năm ngày kí kết hiệp định Paris, Trường tổ chức hội thảo quốc tế được đánh giá cao, có sự tham gia của các học gỉa nước ngoài từ Pháp, Mĩ, Anh... Nói như thế để thấy rằng về mặt NCKH, Trường ta đạt được nhiều kết quả, góp ích thiết thực cho sự phát triển khoa học cũng như sự phát triển của đất nước.

Về đào tạo, Trường vẫn là một địa chỉ đáng tin cậy ở mọi trình độ, đặc biệt ở đào tạo trình độ tiến sĩ. Đó là nhờ chúng ta giữ được chất lượng đào tạo dù chưa thể thoả mãn với những gì đã có. Trong môi trường đào tạo tín chỉ, một số sinh viên đã vươn lên rút ngắn được thời gian học tập, điều này thể hiện sự chủ động và năng lực, ý chí của các em. Với những thành tựu trong đào tạo và NCKH như vậy, chúng ta có vị thế và uy tín đối với các trường đại học khu vực và thế giới. Chúng ta đã kí kết nhiều văn bản hợp tác đào tạo với các đối tác nước ngoài và trên thực tế cũng đào tạo được nhiều sinh viên nước ngoài đến từ nhiều quốc gia, giúp họ hiểu rõ về lịch sử và văn hoá Việt Nam, qua đó trở thành cây cầu nối giới thiệu văn hoá Việt Nam ra nước ngoài. Có thể nói rằng Trường ĐHKHXH&NV đã có những bước đi có thể không rầm rộ, nhưng vững chắc. Điều đó cũng bắt nguồn và được kế thừa từ truyền thống Trường ĐHTHHN trước đây. Trường đặt mục tiên hội nhập quốc tế là mục tiêu đúng đắn, có ý nghĩa lâu dài và thực tiễn. Đó cũng là con đường không thể khác được nếu chúng ta muốn trở thành cơ sở đào tạo có vị thế ở khu vực và quốc tế. Nhưng để đạt được mục tiêu này, chúng ta còn nhiều việc phải làm. Trước hết, cần giảm bớt độ “vênh” giữa chương trình đào tạo của chúng ta với thế giới. Có nhiều môn chúng ta có mà thế giới không có, nhiều môn thế giới có, chúng ta cũng có nhưng mới ở trình độ thấp. Giải quyết được độ “vênh” đó mới có thể tiến gần nhau hơn. Hai là, một điểm yếu chung của nền giáo dục nước ta là phương pháp giảng dạy và học tập dù có nhiều cải tiến nhưng vẫn chưa đạt tầm quốc tế. Nhiều giảng viên học nước ngoài về rất tích cực áp dụng những phương pháp mới trong cách dạy; nhiều sinh viên thấy được trách nhiệm và vị trí của mình trong học tập nên cũng đã rất nỗ lực. Nhưng thực sự vẫn còn khoảng cách với thế giới và chúng ta phải rất quyết tâm và tích cực thì mới khắc phục được. Vậy cải tiến theo hướng nào? Đó là phải nâng cao tính tự học, tự chịu trách nhiệm của người học. Ba là, cần khắc phục những hạn chế trong việc giảng dạy và học tập ngoại ngữ hiện nay. Những cán bộ có thể sử dụng ngoại ngữ thành thạo trong nghiên cứu và giảng dạy thường đã được đào tạo ở nước ngoài hoặc được học thêm ngoại ngữ nhiều ở bên ngoài, nếu chỉ học ngoại ngữ trong khuôn khổ nhà trường không đủ để làm việc và không thể hội nhập được. Ở trường ta có nhiều tấm gương không học tập ở nước ngoài nhưng sử dụng ngoại ngữ giỏi là do tự học. Thứ tư, đây là thời đại công nghệ thông tin (CNTT) nên chúng ta phải thành thạo CNTT, sử dụng tốt mạng Internet, máy tính. Dù hiện nay ai cũng biết dùng máy tính, nhưng dùng máy tính, mạng như thế nào cho hiệu quả vào nghiên cứu và giảng dạy không phải ai cũng làm được. Cuối cùng, tôi cho rằng, ở Việt Nam hiện nay rất cần có một đội ngũ cán bộ KHXHNV “tinh”, có chất lượng. Trường ĐHKHXH&NV phải đào tạo được những sinh viên, cán bộ ham thích và gắn bó cả cuộc đời với ngành nghề này. Đội ngũ tinh nhuệ đó sẽ là máy cái vững chắc để có thể đào tạo được nhiều lớp học trò có chất lượng, có khả năng phổ biến khoa học và đóng góp cho xã hội nhiều hơn.

Tác giả: thanhha

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây