Hội CCB Trường ĐHKHXH&NV được thành lập ngày 22/12/2001. Trong nhiều năm qua, Hội CCB Trường đã tham gia nhiều hoạt động của Nhà trường, của Hội CCB các cấp, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, liên tục được Thành Hội CCB Hà Nội xếp loại đơn vị thi đua xuất sắc. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Hội luôn luôn đặt ở vị trí hàng đầu là công tác giáo dục thế hệ trẻ.
Giáo dục truyền thống của dân tộc, đất nước nhân các sự kiện lớn
Nhân các ngày kỉ niệm 30/4, 7/5, 22/12 hàng năm, Hội CCB Trường đã phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên đều đặn tổ chức các cuộc gặp gỡ giao lưu với các nhân chứng lịch sử. Điển hình như cuộc giao lưu với các CCB tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ nhân kỉ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; hai lần tổ chức Triển lãm “Hình ảnh và hiện vật về cuộc đấu tranh của cựu chiến sĩ bị địch bắt tù đầy tại nhà tù Phú Quốc” và giao lưu với hơn 80 cựu tù Phú Quốc (2005, 2009); phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức thành công đêm giao lưu “Một thời Hoa lửa”; giao lưu với các nhân chứng bảo vệ Bác Hồ và Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; giao lưu với các cựu chiến binh nguyên là các thầy giáo; sinh viên nhà trường tham gia kháng chiến chống Mĩ; giao lưu với các Nhà văn Quân đội đã tham gia cuộc kháng chiến chống Mĩ ... Các cuộc gặp gỡ, giao lưu đã góp phần giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ nhà trường và được các thày cô giáo, sinh viên đánh giá cao.
Hội đã thường xuyên phối hợp với Đoàn thanh niên, Hội Sinh viên làm tốt công tác giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Nhiều thày cô đã không chỉ dạy tốt mà còn giúp đỡ, chỉ bảo tận tình cho sinh viên trong nghiên cứu khoa học, trong các mặt đời sống tinh thần.
Nhân dịp ngày Người Khuyết tật Việt Nam 20/4/2010, Hội CCB Trường đã tổ chức gặp gỡ giao lưu với câu lạc bộ Hoa Đá (Câu lạc bộ sinh viên khuyết tật của trường) có sự tham gia của đại diện lãnh đạo trường và nhiều hội viên Hội sinh viên khuyết tật Hà Nội và Hội người khuyết tật huyện Thanh trì với chủ đề “Vượt lên chính mình“ nhằm động viên các sinh viên khuyết tật phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ rèn luyện, học tập.
Trong dịp Đại lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, Hội cũng đã phối hợp với Khoa Báo chí và Truyền thông của trường tổ chức gặp gỡ, giao lưu với đoàn CCB Mĩ, góp phần tăng cường hiểu biết giữa CCB hai bên và giáo dục cho sinh viên về sự hi sinh to lớn của nhân dân ta, dân tộc ta trong cuộc đấu tranh giành và bảo vệ độc lập dân tộc.
Nhiều năm qua, nhà trường không có sinh viên bị kỉ luật vì mắc phải các tệ nạn xã hội, không có các tệ nạn xã hội xâm nhập vào trường, không có con em CCB mắc các tệ nạn xã hội. Nhân các ngày kỉ niệm chiến thắng 30/4, ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7, ngày thành lập Quân đội 22/12, các chi hội cũng đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú nhằm giáo dục lòng yêu nước, truyền thống anh hùng của các lớp cha anh cho sinh viên như mời các nhân chứng lịch sử, các thày cô giáo là CCB, các văn nghệ sĩ quân đội giao lưu, nói chuyện với sinh viên.
Lan toả lòng tự hào về truyền thống của Nhà trường
Tổ chức tiền thân của Trường ĐHKHXH&NV văn thuộc ĐHQGHN là Trường Đại học Văn khoa Hà Nội (thành lập theo sắc lệnh số 45 do Chủ tịch Hồ Chí Minh kí ngày 10/10/1945). Trong hơn sáu mươi năm xây dựng và phát triển, Trường ĐHKHXH&NV luôn được Đảng, Nhà nước và xã hội đánh giá là một trung tâm đào tạo và nghiên cứu KHXH&NV lớn nhất của đất nước, có nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học cơ bản trình độ cao, phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thành tích về đào tạo và NCKH của Nhà trường được thể hiện thông qua các danh hiệu: Huân chương Lao động hạng Nhất năm (1981), Huân chương Độc lập hạng Nhất (2001), danh hiệu Anh hùng Lao động thời kì đổi mới (2005), Huân chương Hồ Chí Minh (2010); 10 nhà giáo được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và 16 nhà giáo được tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học, công nghệ; 25 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân và 56 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Đây là những thành tích mà Hội luôn luôn lấy làm cơ sở để giáo dục truyền thống cho sinh viên Nhà trường.
Hai khổ thơ đã được chọn để giới thiệu về thành cổ Quảng Trị do nhà báo - Phạm Đình Lân - Phó chủ tịch Hội CCB Trường sáng tác:
Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ
Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió
Dẫu ồn ào đừng lay mạnh hàng cây
Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Thành cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật
Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật
Cho hôm nay tôi đến nghẹn ngào.
Trường ĐHKHXH&NV là nơi đã đào tạo ra những nhà chính trị lớn của đất nuớc như GS.TS. Nguyễn Phú trọng, Bí thư thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị,... những nhà khoa học hàng đầu của quốc gia: Trần Văn Giầu, Trần Đức Thảo,... những nhà thơ, nhà văn liệt sĩ Lê Anh Xuân, Nguyễn Trọng Định v.v.. Đó là những tấm gương tiêu biểu để hội CCB giáo dục truyền thống cho các em. Cụ thể hơn, các thầy giáo-CCB hiện đang làm việc trong Trường đều là những tấm gương để các em noi theo. Từ khi thành lập đến nay, Hội CCB Trường có 14 đ/c bảo vệ luận án Tiến sĩ, 04 đ/c được tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, 02 đ/c được phong Giáo sư, 27 đ/c được phong Phó Giáo sư. Tấm gương phấn đầu đầu của các Thầy đã là những bài học sinh động để giáo dục các em...
Hàng năm, Hội CCB Trường tổ chức các cuộc “về nguồn”, “thăm lại chiến trường xưa” để ôn lại những kỉ niệm cũ, nuôi dưỡng thêm những cảm xúc, để cùng nhắc nhở nhau sống tốt đẹp và trọn vẹn hơn mỗi giây phút hôm nay. Từ những chuyến đi này, nhiều bài thơ, bài hát, bút kí, truyện ngắn … có giá trị đã được các CCB của Hội sáng tác và đăng tải trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng - như là những cảm xúc chắt lọc nhất, suy ngẫm chân thực nhất nhắn nhủ đến thế hệ trẻ ngày nay.