USSH giới thiệu cuốn sách "Hoa Kì với vấn đề vũ khí hạt nhân trong hơn nửa thế kỉ qua (1945-2010)" của PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Thủy (Khoa Quốc tế học, Trường ĐHKHXH&NV), Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, 10/2012, 344 trang.
Vũ khí hạt nhân cùng với quá trình cắt giảm vũ khí hạt nhân là vấn đề chính trị và quân sự quan trọng kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Với tư cách là nước đầu tiên chế tạo thành công vũ khí hạt nhân và cũng là nước đầu tiên sử dụng loại vũ khí này trong chiến tranh, Hoa Kì đã sử dụng loại vũ khí này như một công cụ hữu hiệu trong chính sách đối ngoại của mình.
Song song với việc chạy đua vũ trang hạt nhân, ngay từ đầu Hoa Kì đã ý thức được sự sống còn trong vấn đề kiểm soát sự phổ biến của vũ khí hạt nhân nhằm giữ thế độc quyền và lợi thế trong các vấn đề quốc tế. Tuy nhiên, năm 1949 Liên Xô đã phá vỡ thế độc quyền của Hoa Kì, trở thành nước thứ hai sở hữu loại vũ khí nguy hiểm này. Tiếp đó một loạt nước như Anh, Pháp, Trung Quốc, … đã sản xuất được vũ khí hạt nhân. Trong bối cảnh của cuộc Chiến tranh lạnh, vấn đề vũ khí hạt nhân, đặc biệt là cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân giữa các siêu cường, chủ yếu giữa Hoa Kì và Liên Xô, đã đẩy thế giới tới bờ vực của sự huỷ diệt. Vấn đề giải trừ quân bị đã được đặt ra cấp thiết và Hoa Kì đã trở thành nước đi tiên phong trong quá trình kiểm soát và cắt giảm vũ khí hạt nhân. Câu hỏi được đặt ra là tại sao từ rất sớm, các chính quyền Mĩ đã đưa ra đề nghị về việc kiểm soát và hạn chế vũ khí hạt nhân? Động cơ chính của Hoa Kì trong vấn đề này là gì? v.v…
Để giúp các nhà khoa học, các nhà quân sự và đông đảo bạn đọc quan tâm, tìm hiểu đến vũ khí hạt nhân, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản cuốn sách "Hoa Kì với vấn đề vũ khí hạt nhân trong hơn nửa thế kỉ qua (1945-2010)" của PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Thủy (Khoa Quốc tế học). Cuốn sách cung cấp những thông tin cơ bản về vấn đề vũ khí hạt nhân nói riêng và vũ khí huỷ diệt hàng loạt nói chung. Trên cơ sở đó tác giả tập trung luận giải cho các vấn đề: 1. Động cơ và vai trò của Hoa Kì trong quá trình kiểm soát và cắt giảm vũ khí hạt nhân; 2. Ý nghĩa của những hiệp ước về kiểm soát và cắt giảm vũ khí hạt nhân mà Hoa Kì đã kí kết đối với hoà bình và an ninh thế giới. Ngoài ra, cuốn sách còn đề cập đến phong trào đấu tranh chống chạy đua vũ trang, chống vũ khí hạt nhân trên thế giới; quan điểm và chính sách của Việt Nam đối với vấn đề vũ trang hạt nhân và kĩ thuật hạt nhân.
Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật
Cuốn sách gồm 4 chương với những nội dung chính như sau:
Chương 1: Cơ sở của quá trình kiểm soát và cắt giảm vũ khí hạt nhân (1945-1962). Chương này trình bày bối cảnh của sự ra đời của vũ khí hạt nhân, động cơ của Hoa Kì trong việc ném bom nguyên tử ở Nhật Bản năm 1945 và những hậu quả của nó. Một số vấn đề khác có liên quan đến vũ khí hạt nhân được trình bày trong chương này bao gồm quan điểm của nhân dân Mĩ và của chính quyền Mĩ đối với vũ khí hạt nhân, bước đầu của cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân giữa Hoa Kì và Liên Xô, cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba tháng 10-1962 và những hệ quả của nó, các cuộc đàm phán bước đầu giữa Hoa Kì và Liên Xô về vấn đề kiểm soát và cắt giảm vũ khí hạt nhân.
Chương 2: Hoa Kì với vấn đề kiểm soát và hạn chế vũ khí hạt nhân (1963-1976). Chương này phân tích bối cảnh quốc tế, thực trạng của sự phổ biến vũ khí hạt nhân trên thế giới cũng như tương quan lực lượng vũ khí hạt giữa Hoa Kì và Liên Xô. Đó là những cơ sở quan trọng cho việc hoạch định và thực thi chính sách đối ngoại và chính sách hạt nhân của các chính quyền Mĩ. Trong giai đoạn này, Hoa Kì đã tham gia kí kết 5 hiệp ước song phương và đa phương về kiểm soát và hạn chế vũ khí hạt nhân. Tác giả đã phân tích động cơ của Hoa Kì trong việc tham gia những văn kiện này cũng như những tác động của các văn kiện đó đối với quan hệ quốc tế và quan hệ Mĩ - Xô.
Chương 3: Hoa Kì với vấn đề cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược (1977-1991). Chương 3 trình bày chính sách đối ngoại và chính sách hạt nhân của các chính quyền Mĩ trong giai đoạn này có liên quan đến các vấn đề quan hệ quốc tế, quan hệ Mĩ - Xô, cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân trên thế giới. Chương này cũng trình bày việc kí kết 3 hiệp ước quan trọng về cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược giữa Hoa Kì và Liên Xô, phân tích ý nghĩa và những tác động của các văn kiện này đối với đời sống chính trị quốc tế, đặc biệt là ở châu Âu.
Chương 4: Hoa Kì với vấn đề vũ khí hạt nhân sau Chiến tranh Lạnh (1992-2010). Chương này tập trung trình bày chính sách hạt nhân của các chính quyền Mĩ dưới thời các Tổng thống Bill Clinton, George Bush, Barack Obama trong bối cảnh của tình hình an ninh - chính trị quốc tế thời kì sau Chiến tranh Lạnh. Vai trò của Hoa Kì trong các cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên và Iran, phong trào đấu tranh chống chạy đua vũ trang hạt nhân trên thế giới trong giai đoạn này cũng là những nội dung chính của Chương 4.