Con đường phía trước
admin
2013-01-05T00:58:16-05:00
2013-01-05T00:58:16-05:00
https://ussh.vnu.edu.vn/vi/news/nhan-vat-su-kien/con-duong-phia-truoc-8850.html
/themes/ussh_v2/images/no_image.gif
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN
https://ussh.vnu.edu.vn/uploads/ussh/logo.png
Thứ bảy - 05/01/2013 00:58
USSH — Ghi chép của thầy Phạm Đình Lân (Hội Cựu chiến binh Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) về cuộc gặp mặt cựu chiến binh hai trường ĐHKHXH&NV và ĐHKHTN nhân ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam cuối tháng 12/2012.
USSH — Ghi chép của thầy Phạm Đình Lân (Hội Cựu chiến binh Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) về cuộc gặp mặt cựu chiến binh hai trường ĐHKHXH&NV và ĐHKHTN nhân ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam cuối tháng 12/2012.
Một sáng mùa đông, Hà Nội trời se lạnh. Sân trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn khác hơn mọi ngày. Hoà lẫn với các tốp sinh viên lên giảng đường với áo, mũ đủ sắc màu là những thầy cô giáo luống tuổi, những vị khách khoác trên mình bộ quân phục đã cũ, phù hiệu quân hàm trên vai và những tấm huân huy chương đỏ ngực. Họ là những cựu binh về tham dự cuộc gặp mặt các cựu chiến binh Đại học Tổng hợp Hà Nội nhân ngày thành lập Quân đội nhân dân (22/12/1944-22/12/2012) và ngày hội Quốc phòng toàn dân, do Đảng uỷ, Ban Giám hiệu, Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức.
Hội trường Trường Đại học Khoa học Tự nhiên hôm nay không còn một chỗ trống. Sự có mặt của hơn 400 cựu binh đã làm nóng lên xua bớt cái lạnh đang về. Những lời thăm hỏi, những cái bắt tay, ôm hôn thắm thiết để rồi những kí ức một thời binh lửa ùa về. Nơi mái trường này đã chứng khiến không biết bao nhiêu lần thầy tiễn trò, trò tiễn thầy lên đường nhập ngũ. Các anh tạm gác bút nghiên lên đường ra trận cầm súng chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Cũng từ nơi đây, không ít người ra đi rồi vĩnh viễn nằm lại vì nghĩa nước. Các anh Đinh Trọng Định, Lê Anh Xuân, Nguyễn Văn Thạc… đã khắc vào tâm khảm những người còn lại. Ý chí và hành động của các anh đã viết thêm trang sử cho dân tộc, cho mái trường. Và rất nhiều, nhiều hơn con số trên 400 cựu binh có mặt hôm nay, ngày đó ra đi chiến đấu và được trở về mái trường tiếp tục học tập
Nhà báo Phùng Huy Thịnh, sinh viên Khoa Ngữ văn, nhập ngũ năm 1972 chia sẻ: “Chúng tôi là lớp sinh viên học đại học hai lần tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Không phải chúng tôi học đúp, mà do đế quốc Mĩ gây chiến tranh buộc chúng tôi phải lên đường chiến đấu để giành lại độc lập tự do thống nhất đất nước”.
Từ mái trường ra đi, các anh trở thành người lính, đối mặt với kẻ thù, chịu sự khắc nghiệt của chiến tranh. Nhưng trong hành trang của người lính vẫn có những ước mơ. Ước mơ cả lúc cái chết cận kề, một ngày không xa được trở về mái trường thân yêu. PGS.TS Phạm Thành Hưng (Giám đốc Trung tâm Văn hoá nghệ thuật - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), người đã từng có mặt chiến đấu trực tiếp 82 ngày đêm ở thành cổ Quảng Trị tâm sự: “Trong những thời khắc khốc liệt của trận chiến, tôi vẫn nhớ là có lúc lẩm bẩm một mình đọc hai câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai. Rồi anh giải thích theo cách nghĩ và cảm nhận của anh:Tuổi trẻ tràn đầy nhiệt huyết lúc ấy được lên đường cầm súng chiến đấu là một vinh dự được cống hiến, là trách nhiệm của tuổi trẻ yêu nước. Chiến đấu tốt để trở thành anh hùng, sau chiến tranh được trở lại mái trường học tập trở thành nhà báo hoặc nhà giáo để ghi lại những năm tháng hào hùng đó. Ước mơ đó đối với tôi đã trở thành hiện thực để rồi tôi có cơ hội được nói với các em sinh viên những câu chuyện có thật mà như huyền thoại”.
Trở về
Đất nước thống nhất, các anh lại trở về với mái trường thân yêu tiếp tục lên giảng đường để thâu nhận kiến thức khoa học. Những đêm nằm hầm, những ngày truy kích địch, những lúc vừa khóc vừa bới đất đắp nấm mộ cho đồng đội trước đây, nay trở thành động lực tiếp thêm sức mạnh cho các anh học tốt. Rất nhiều cựu binh đã trở thành những giảng viên giỏi, những giáo sư đầu ngành, những cán bộ cốt cán của nhà trường. Theo thống kê của PGS.TS Nguyễn Chí Hoà (Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) và PGS.TS Trần Quang Huy (Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) thì đến nay có 110 cựu binh đang làm việc tại hai trường, trong đó có 7 giáo sư, 54 phó giáo sư, 18 nhà giáo nhân dân và nhà giáo ưu tú. Có 21 cựu binh vừa làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học vừa làm công tác quản lí từ cấp trường đến bộ môn, trung tâm. Các anh, những người đã đi qua lửa đạn trong chiến tranh để rồi trở về lại tiếp tục cống hiến. Các anh mang trong mình hai tâm thế. Tâm thế của người giáo viên giảng dạy, nghiên cứu khoa học và tâm thế của người lính không quản ngại gian lao, không nản chí trước những khó khăn, không lùi bước trước những thách thức. Hai tâm thế này cộng hưởng hun đúc nên cái chất riêng của người lính, người giảng viên trường Tổng hợp.
GS.TS Nguyễn Văn Khánh (Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) khi đánh giá về sự đóng góp của các cựu binh đối với nhà trường bằng những hình ảnh như sau: “Trường chúng tôi có được như hôm nay chính là nhờ một phần dựa vào bờ vai truyền thống của trường mà trong đó các đồng chí cựu binh đã thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết, với một tinh thần nhân văn cao cả vì sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học phục vụ đất nước. Chúng tôi và thế hệ giáo viên, sinh viên hiện nay và mai sau luôn ghi nhận những đóng góp của các đồng chí”.
Tri ân
Trở về mái trường mỗi cựu binh có những nỗi niềm riêng. Chiến tranh đã đi qua hàng chục năm, có người vẫn còn mang trong mình những di chứng chiến tranh. Có người đã để lại một phần xương máu của mình, nhưng quân số trở về không còn đủ. Giọt nước mắt ngày gặp mặt lăn chậm trên gò má người lính già như muốn níu kéo phút giây lắng lòng nhớ đồng đội. Cựu binh Nguyễn Văn Lâm, từng chiến đấu chiến trường miền đông Nam bộ, trở về với một hành trình tri ân đi tìm mộ của những đồng đội bị thất lạc. Đến nay anh đã cùng người thân tìm được 150 hài cốt trong đó có 80 hài cốt được đưa về quê hương và gia đình.
PGS.TS Bùi Duy Cam (Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) là một cựu binh đã từng chiến đấu ở chiến trường Thừa Thiên-Huế, sau 1975 trở về Trường ĐH Tổng hợp học và công tác cho đến ngày nay, trong bài phát biểu cho rằng: “Cuộc gặp mặt này thật có ý nghĩa nhiều cựu binh từ thành phố Hồ Chí Minh, từ Huế bay ra như những người thân đã lâu mới có ngày gặp mặt, vừa tri ân vừa giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ biết và trân trọng nâng niu những gì cha anh đã xây đắp nên. Hai trường chúng tôi dự định sẽ làm một bia tưởng niệm trong khuôn viên hai trường để nhắc nhở chúng ta hãy trân trọng quá khứ những gì các anh đã xây đắp nên, cho lớp trẻ sau này luôn ghi nhớ và học tập các anh”.
Bia tưởng niệm là nơi để các anh về với chúng tôi và chúng tôi được đến bên các anh. Mong ước đó một ngày gần đây sẽ trở thành hiện thực.