Tin tức

[Sách] Chính sách: Khoa học, công nghệ và đổi mới (STI) của Việt Nam trong xu thế hội nhập quốc tế: Thực trạng và giải pháp

Thứ sáu - 24/11/2017 03:02
Nghiên cứu các đặc điểm của hệ thống STI từ chính sách đến thực tiễn hoạt động chính là nội dung của cuốn chuyên khảo với tựa đề “Chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới (STI) của Việt Nam trong xu thế hội nhập quốc tế: thực trạng và giải pháp”.

Trong thời đại ngày nay, sự phát triển của KH&CN đã và đang làm chuyển biến sâu sắc nền kinh tế thế giới, chi phối đến mọi hoạt động xã hội, trong đó có quan hệ quốc tế. Quốc gia nào cũng nhận thức được việc phát triển KH&CN làm công cụ hữu hiệu nhất cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội và củng cố vị trí của mình trong cuộc cạnh tranh về kinh tế và chính trị. Chiến lược phát triển của các nước đều dựa trên cơ sở phát triển KH&CN, trong đó điều cốt lõi là phải làm chủ các thành tựu KH&CN cần thiết nhất cho sự phát triển của mình. Một cuộc chạy đua ráo riết đang diễn ra giữa các nước đang phát triển nhằm làm chủ các lĩnh vực công nghệ cao và rút ngắn khoảng cách với các quốc gia phát triển. Điều này dẫn đến sự bùng nổ của hoạt động KH&CN trong thế kỷ 21, thúc đẩy quá trình phân công lao động và hợp tác quốc tế, dẫn đến thế “phụ thuộc” và “đối trọng” lẫn nhau giữa các quốc gia.

Bên cạnh đó, các chính phủ, các tập đoàn công ty lớn đang bỏ ra những khoản kinh phí khổng lồ cho nghiên cứu và triển khai (R&D) để có được công nghệ mới, sản phẩm mới, và cũng nhờ đó thu về những khoản lợi nhuận lớn, tạo nên lợi thế trong cuộc cạnh tranh toàn cầu. Hoạt động chuyển giao công nghệ cũng như việc nâng giá các sản phẩm có hàm lượng khoa học cao và hạ giá các nông sản, khoáng sản thô càng làm gia tăng khoảng cách giữa các nước giàu và nghèo. Như vậy, quá trình toàn cầu hóa vừa tạo ra các cơ hội, vừa đặt ra sự “cộng dồn” các thách thức với các nước đang phát triển. Điều này đòi hỏi sự cần thiết của việc đổi mới tư duy hoạch định về thực thi hệ thống chính sách phát triển KH&CN phù hợp phát huy tiềm lực của quốc gia.

Là một quốc gia giàu tài nguyên và có nguồn lao động dồi dào, song nhiều năm qua thứ hạng của KH&CN Việt Nam chưa có nhiều biến chuyển trong các bảng xếp hạng uy tín thế giới về khoa học, công nghệ và đổi mới. Năm 2014, Việt Nam được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO xếp hạng về trình độ đổi mới sáng tạo 71/143 quốc gia, và xếp thứ 5/35 quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Dẫu vậy, vẫn còn một số chỉ tiêu còn bị tụt hậu trong những năm gần đây so với các quốc gia cùng khu vực. Điều này phản ánh thực trạng phát triển KH&CN của Việt Nam. Bài toán đặt ra đối với các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu và những người quan tâm đến sự phát triển của KH&CN nước nhà là “Làm thế nào để hệ thống STI Việt Nam tương thích với quá trình hội nhập KH&CN quốc tế và có đóng góp tích cực nhất cho công cuộc phát triển ở Việt Nam?”

Nghiên cứu các đặc điểm của hệ thống STI từ chính sách đến thực tiễn hoạt động chính là nội dung của cuốn chuyên khảo với tựa đề “Chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới (STI) của Việt Nam trong xu thế hội nhập quốc tế: thực trạng và giải pháp”. Thông qua cuốn sách này, tác giả mong muốn sẽ đóng góp các luận cứ khoa học phục vụ quá trình hoạch định chính sách phát triển hệ thống STI Việt Nam trong quá trình hội nhập KH&CN quốc tế. Đây cũng là vấn đề thu hút được sự quan tâm của đông đảo độc giả gần xa – các cá nhân hoạt động KH&CN, các tổ chức KH&CN, các nhà quản lý và các nhà nghiên cứu cùng trao đổi và thảo luận. Để từ đó, rút ra những giải pháp chính sách kiến nghị đối với tổ chức quản lý, các nhà hoạch định chính sách, góp phần tích cực tạo nền tảng cho các bước đà tăng trưởng vượt bậc cho Việt Nam trong “thế giới phẳng” như hiện nay.

Hà Nội, tháng 4 năm 2016

Tác giả: PGS. TS Mai Hà, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây