Tin tức

Di động xã hội của nhân lực khoa học và công nghệ trong bối cảnh hội nhập quốc tế: Lý luận và thực tiễn

Thứ sáu - 24/11/2017 02:57
Cuốn sách chuyên khảo: “Di động xã hội của nhân lực khoa học và công nghệ trong bối cảnh hội nhập quốc tế: Lý luận và thực tiễn” là tập hợp kết quả nghiên cứu về vấn đề di động xã hội của nhân lực KH&CN từ cơ sở lý luận, hiện trạng đến các giải pháp chính sách.

Công trình được nghiên cứu với hy vọng góp một phần nhỏ vào việc hoàn thiện hệ thống khái niệm của xã hội học nói chung và xã hội học KH&CN nói riêng. Đồng thời, chuyên khảo sẽ đưa ra những phân tích về các loại hình di động xã hội của nhân lực KH&CN hiện nay cũng như các tác động dương tính, âm tính và ngoại biên của các loại hình di động đó tới sự phát triển KH&CN, KT-XH của quốc gia thông qua nghiên cứu trường hợp di động xã hội của cộng đồng KH&CN ĐHQGHN. Từ đó, đưa ra khuyến nghị chính sách định hướng các “luồng” di động xã hội cho nhân lực KH&CN nhằm góp phần phát triển KH&CN, tránh lãng phí chất xám, tăng cường nguồn lực phát triển cho Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế.

Cuốn sách được cấu trúc bao gồm các nội dung chính sau:

Phần thứ nhất giới thiệu về cơ sở lý luận nghiên cứu di động xã hội của nhân lực KH&CN trong bối cảnh hội nhập quốc tế, trong đó tập trung vào làm rõ các khái niệm như di động xã hội, nhân lực KH&CN, di động xã hội của nhân lực KH&CN, cộng đồng KH&CN… cũng như các tiếp cận lý thuyết được sử dụng để nghiên cứu di động xã hội của nhân lực KH&CN như lý thuyết hệ thống, lý thuyết chức năng-cơ cấu, lý thuyết xung đột…

Phần thứ hai tập trung phân tích hiện tượng di động xã hội của nhân lực KH&CN tại một số quốc gia trên thế giới. Trong đó, tập trung vào việc nghiên cứu hiện tượng di động xã hội kèm di cư (liên quan đến “chảy chất xám”) của nhân lực KH&CN giữa các quốc gia, các khu vực trên thế giới như các quốc gia ASEAN, OECD, Mỹ La Tinh và một số các quốc gia có những chính sách đặc thù trong thu hút, quản lý di động xã hội của nhân lực KH&CN như Hoa Kỳ, CHLB Đức, Ấn Độ.

Phần thứ ba mô tả di động xã hội của nhân lực KH&CN tại Việt Nam qua phân tích một kết quả nghiên cứu xã hội học về di động xã hội của một CĐKH&CN là CĐKH ĐHQGHN. Qua đó những hình thức di động xã hội đặc thù của nhân lực KH&CN Việt Nam đã được nhận diện và mô tả như: di động kèm di cư (hiện tượng chảy “chất xám”); di động không kèm di cư (hiện tượng chảy “chất xám” tại chỗ); di dộng ngành khoa học; di động giữa các tổ chức KH&CN; di động dọc liên quan đến sự thay đổi vị trí hành chính trong khoa học, di động dọc liên quan đến sự phát triển chiều sâu của khoa học… cũng như vai trò của các loại hình di động xã hội trên tới sự phát triển KH&CN của các tổ chức KH&CN, các quốc gia.

Phần thứ tư khuyến nghị các giải pháp chính sách nhằm phát huy hiệu quả các tác động dương tính (positive effect), hạn chế các tác động âm tính (negative effect) và điều chỉnh các tác động ngoại biên (side effect) của các loại hình di động xã hội của nhân lực KH&CN trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Các khuyến nghị được đưa ra trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm hoạch định chính sách quản lý di động xã hội của nhân lực KH&CN tại một số quốc gia trên thế giới và qua phân tích kết quả nghiên cứu trường hợp di động xã hội của một CĐKH tại Việt Nam.

Tác giả: PGS. TS Đào Thanh Trường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây