Sinh viên nghiên cứu gì về mình?

Thứ năm - 25/04/2013 05:29
USSH giới thiệu 05 công trình lấy sinh viên làm đối tượng nghiên cứu và đã được nhận Giải thưởng của Đoàn Thanh niên Trường ĐHKHXH&NV.
Sinh viên nghiên cứu gì về mình?
Sinh viên nghiên cứu gì về mình?
Sinh viên nghiên cứu gì về mình?

Nhóm sinh viên Nguyễn Thị Thu Thanh, Nguyễn Thị Mai Anh, Nguyễn Hạnh Linh (K55 Xã hội học).

Trong số hơn 800 công trình NCKHSV năm học 2012-2013, có khá nhiều công trình lấy sinh viên là đối tượng nghiên cứu với những vấn đề liên quan đến cuộc sống, học tập, công việc và các phong trào hoạt động của Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên. 05 công trình xuất sắc sau đây đã được nhận Giải thưởng của Đoàn Thanh niên Trường ĐHKHXH&NV.

Đinh Thị Hà (K55 Sư phạm Lịch sử).

Đinh Thị Hà (K55 Sư phạm Lịch sử).

* Đinh Thị Hà (K55 Sư phạm Lịch sử): Tìm hiểu ảnh hưởng của văn hoá Hàn Quốc đối với sinh viên Trường ĐHKHXH&NV (Giải Nhất)

Làn sóng Hàn Quốc (Korea wave) là một hiện tượng văn hoá trong những năm đầu thế kỉ 21, nhằm quảng bá hình ảnh, văn hoá của đất nước Hàn Quốc mà Việt Nam là nơi chịu ảnh hưởng rất đặc biệt. Sinh viên Đinh Thị Hà đã tiến hành khảo sát thực trạng ảnh hưởng của văn hoá Hàn Quốc đối với sinh viên Trường ĐHKHXH&NV. Báo cáo cho thấy, sự tiếp nhận tự nguyện của văn hoá Hàn Quốc vào Việt Nam thông qua nhiều con đường khác nhau: trao đổi buôn bán, báo chí truyền hình, phim ảnh, internet… Đối với sinh viên Trường ĐHKHXH&NV, những lĩnh vực được quan tâm nhất là điện ảnh, âm nhạc, thời trang Hàn Quốc.

Việc ảnh hưởng của văn hoá Hàn Quốc ngày càng mở rộng đối với giới trẻ cũng đưa lại nhiều ý kiến khác nhau: 149 sinh viên (38%%) cho rằng điều đó hoàn toàn tự nhiên, phù hợp với xu thế chung của quá trình hội nhập; 128 sinh viên (32 %) cho rằng những giá trị truyền thống đang bị mất đi; 24 sinh viên (6%) cho rằng không có ảnh hưởng gì. Theo đánh giá, 316 sinh viên (80 %) cho rằng văn hoá Hàn Quốc chỉ phù hợp với văn hoá Việt Nam trên từng lĩnh vực; 198 sinh viên (50 %) cho rằng cần chọn lọc rồi mới tiếp nhận, ngược lại 121 sinh viên (31 %) cho rằng nên tiếp nhận rồi mới chọn lọc. Điều này đặt ra vấn đề rằng, ý kiến của sinh viên thuộc về vấn đề nhận thức hay quan điểm chủ quan ? Điều đó sẽ giải quyết vấn đề định hướng cách tiếp nhận văn hoá Hàn Quốc như thế nào đối với sinh viên. Từ nhận thức tới lối sống, đó là con đường ngắn nhất để thay đổi con người.

* Bùi Thị Thu Hà, Bùi Thị Thu Trang (K56 Tâm lí học): Tính tích cực hoạt động Đoàn – Hội của sinh viên Trường ĐHKHXH&NV (Giải Ba).

Qua khảo sát nghiên cứu, nhóm tác giả nhận định: sinh viên Trường ĐHKHXH&NV tham gia hoạt động Đoàn – Hội ở mức độ trung bình ! Trong đó, sinh viên tích cực nhất khi tham gia các hoạt động hỗ trợ học tập và NCKH, tiếp đó là các hoạt động chính trị tư tưởng, rồi cuối cùng là các hoạt động văn nghệ, thể thao, chung sức vì cộng đồng. Các nam sinh tham gia hoạt động chung tích cực hơn các bạn nữ. Sinh viên năm thứ nhất tham gia tích cực hơn sinh viên năm thứ hai và thứ ba. Trong số các khoa, sinh viên khoa Báo chí và Truyền thông, Khoa Lịch sử được đánh giá là năng động và tích cực nhất.

Nhóm tác giả kiến nghị, Nhà trường cần tăng cường quyền lợi cho sinh viên, đồng thời có các quy định bắt buộc về trách nhiệm của sinh viên khi tham gia phong trào chung. Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên cần tăng cường thông tin nhanh chóng, kịp thời về hoạt động chung; đổi mới các hoạt động sao cho phong phú, hấp dẫn, thiết thực; tuyên dương, khen thưởng kip thời những sinh viên có thành tích tốt trong công tác.

Ngô Thị Hoa (K55B Khoa học Quản lí).

Ngô Thị Hoa (K55B Khoa học Quản lí).

* Ngô Thị Hoa (K55B Khoa học Quản lí): Thực trạng sinh viên Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN xâm phạm quyền sao chép tác phẩm trên Internet hiện nay (Giải Ba).

Tác giả khảo sát 02 nhóm sinh viên: nhóm những người đã được học về SHTT và nhóm chưa được học về SHTT. Kết luận được rút ra là: chỉ có nhóm sinh viên được học về SHTT mới có nhận thức đúng đắn về quyền tác giả, nhưng nhận thức về quyền sao chép tác phẩm thì rất hạn chế. Tiến hành khảo sát thực trạng sinh viên xâm phạm quyền sao chép tác phẩm trên internet với 3 nhóm tác phẩm (thể hiện dưới dạng chữ viết, âm thanh và hình ảnh), tác giả cho rằng, số lượng sinh viên đã được học về SHTT xâm phạm quyền sao chép ít hơn nhiều lần so với sinh viên không được học về SHTT và nhóm tác phẩm dưới dạng âm thanh là bị sao chép phổ biến nhất.

Như vậy, thực trạng sinh viên vi phạm quyền sao chép tác hẩm trên internet rất phổ biến, nếu không khắc phục kịp thời sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm pháp luật và các chuẩn mực đạo đức.

Báo cáo khẳng định, nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng vi phạm trên là do việc tuyên truyền quy định pháp luật về SHTT còn nhiều hạn chế, chế tài xử lí không chi tiết và hiệu quả. Nhà trường cũng chưa có chương trình đào tạo về SHTT tới toàn thể sinh viên. Sinh viên cũng chưa nhận thức đúng về quyền tác giả và quyền sao chép tác phẩm, không có thói quen trả tiền để sử dụng sản phẩm trên internet.

Nhóm tác giả cũng đề nghị Nhà trường đưa ra chế tài xử phạt chung đối với các sinh viên vi phạm, đồng thời tại cơ hội để sinh viên được tiếp cận với các kiến thức về SHTT, thành lập ban chuyên môn của trường nhằm giải quyết vấn đề về sao chép tác phẩm. Về phía sinh viên cần chủ động tìm hiểu để có nhận thức đúng đắn về SHTT, tập cho mình tư duy chủ động, không dựa dẫm.

Nguyễn Thị My Ly (K55 Việt Nam học và Tiếng Việt).

Nguyễn Thị My Ly (K55 Việt Nam học và Tiếng Việt).

* Bùi Thị Hải, Nguyễn Thị My Ly (K55 Việt Nam học và Tiếng Việt): Văn hoá mặc của giới trẻ qua khảo sát phong cách mặc của sinh viên Trường ĐHKHXH&NV (Giải Ba)

Xu thế hội nhập và toàn cầu hoá mạnh mẽ đã tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực xã hội, ảnh hưởng đến mọi tầng lớp, đặc biệt là giới trẻ. Sự thay đổi trong quan niệm thẩm mĩ của giới trẻ, trong đó có văn hoá mặc là một bằng chứng rõ nét về sự tác động này. Vấn đề mà đề tài quan tâm là, giới trẻ ngày nay mặc thế nào ? Theo họ, mặc thế nào là đẹp và họ thể hiện quan niệm này qua cách ăn mặc thế nào ? Và giá trị truyền thống, bản sắc văn hoá trong văn hoá mặc đang đứng ở vị trí nào trong xu hướng toàn cầu hoá như vũ bão hiện nay ?

Nhóm tác giả khảo sát và rút ra những nhận xét về thực trạng phong cách ăn mặc của sinh viên, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến những thực trạng đó. Thực trạng ăn mặc của sinh viên được phản ánh trên các phương diện: ý nghĩa lựa chọn trang phục, nhận định về trang phục, quan điểm về trang phục, ý thức của sinh viên với trang phục … Báo cáo khẳng định, bên cạnh những xu hướng mặc đẹp, phù hợp với truyền thống thì vẫn còn hiện tượng sinh viên ăn mặc sexy, phản cảm, hoặc ăn mặc thể hiện đẳng cấp. Để khắc phục hiện tượng này, cần có sự can thiệp của Nhà trường, sự tự giác của sinh viên, sự góp ý nhận xét của bạn bè. Nhóm tác giả gửi đến các sinh viên một thông điệp “Hãy tô điểm cho mình bằng thời trang nhưng đừng để thời trang làm mất đi tính cách và hình ảnh đẹp của sinh viên trong mắt mọi người”. Hãy hội nhập nhưng không hoà tan trong văn hoá mặc nhằm gìn giữ bản sắc văn hoá trong xu thế toàn cầu hoá hiện nay.

* Nguyễn Thị Thu Thanh, Nguyễn Thị Mai Anh, Nguyễn Hạnh Linh (K55 Xã hội học): Vốn xã hội của sinh viên thông qua các hoạt động Đoàn – Hội (Giải Ba)

Vốn xã hội là hành trang cần thiết để sinh viên thành công trong xã hội. Với sinh viên, cách thức đơn giản, hiệu quả nhất để trau dồi vốn xã hội cho bản thân là hãy năng nổ tham gia các phong trào, hoạt động Đoàn, Hội. Với ý tưởng đó, đề tài đặc ra nhiệm vụ nghiên cứu: vốn xã hội của sinh viên được kế thừa và phát triển như thế nào thông qua hoạt động Đoàn, Hội?

Nhóm tác giả đã rút ra kết luận: Hoạt động Đoàn – Hội tại Trường ĐHKHXH&NV là một trong những nhân tố căn bản và thuận lợi, góp phần phát triển vốn xã hội cho sinh viên. Vốn xã hội mà các sinh viên được kế thừa từ đặc điểm nhân khẩu học và đặc điểm quan hệ xã hội của gia đình không bao giờ đạt đến cán cân ngang bằng, ở mỗi gia đình khác nhau thì các cá nhân được thừa hưởng nguồn vốn khác nhau. Những sinh viên tích cực tham gia hoạt động Đoàn – Hội sẽ phát triển được vốn xã hội kế thừa, còn những sinh viên có vốn xã hội chưa thực sự lớn thông qua hoạt động Đoàn – Hội, họ cũng phát triển được vốn xã hội cho bản thân, khắc phục tình trạng bất bình đẳng về vốn xã hộim thậm chí phát triển vốn xã hội nhiều hơn những sinh viên đã được sở hữu vốn xã hội kế thừa tương đối lớn. Nhóm tác giả cũng đề nghị Nhà trường, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, sinh viên cần có những giải pháp giúp sinh viên tăng cường vốn xã hội ngay khi còn đang ngồi trên ghế Nhà trường.

Tác giả: THANH HÀ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây