Giọt nước mắt của mẹ và khoảnh khắc trưởng thành

Thứ tư - 01/05/2013 23:06
Tối 14/4, Nguyễn Thị Ánh Ngọc (sinh viên năm thứ 3 Khoa Tâm lí học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN) đã trở thành Hoa khôi của cuộc thi Vẻ đẹp vầng trăng khuyết năm 2013.
Giọt nước mắt của mẹ và khoảnh khắc trưởng thành
Giọt nước mắt của mẹ và khoảnh khắc trưởng thành

Trên sân khấu của cuộc thi dành cho nữ sinh khuyết tật, Ánh Ngọc đã toả sáng với câu trả lời thông minh và bản lĩnh: “Tôi – một ngọn nến cong hai lần, ngày hôm nay tôi đã trưởng thành. Tôi vẫn cháy sáng và các bạn cũng vậy!”.

Ánh Ngọc đăng quang tại cuộc thi Vẻ đẹp vầng trăng khuyết, tối 14/4/2013.
Nguyễn Khánh gửi USSH

Ánh Ngọc đăng quang tại cuộc thi Vẻ đẹp vầng trăng khuyết, tối 14/4/2013.

Ánh Ngọc bị cong vẹo cột sống bẩm sinh nên ngay từ lúc mới 9 tháng tuổi đã phải quen với những tháng ngày chữa trị triền miên tại bệnh viện. Lên 4 tuổi, do bệnh tình nặng lên, Ánh Ngọc bắt đầu phải đeo áo nẹp cột sống. Kể về những ngày tháng ấy, cô Trần Thị Giầu – mẹ của Ánh Ngọc vẫn rớt nước mắt vì thương con: “Hai mẹ con đã “đánh vật” với nhau mỗi lần đi ra viện Nhi trung ương chữa bệnh. Nhìn con đau đớn khi phải mặc áo nẹp mà lòng mẹ lại đau, lại xót, thấy mình bất lực quá”. Thậm chí bệnh tật tưởng như đã ngăn cản Ánh Ngọc được học tập bình thường như bao bạn bè khác. Những thách thức đầu tiên của cuộc sống đã đến với Ngọc như thế.

Nhiều năm đeo “áo giáp” đi học, cũng không hiếm những lần bị bạn bè trêu chọc nhưng sự hồn nhiên của tuổi thơ và bản tính dễ hoà đồng với tập thể đã giúp Ánh Ngọc đi qua những ngày tháng khó khăn ấy. Ngoài những bất tiện trong sinh hoạt do bệnh tật gây ra thì đổi lại, Ánh Ngọc học rất giỏi, nhiệt tình tham gia công tác lớp, là lớp trưởng năng nổ từ lớp 1 đến lớp 8. Tính chủ động, độc lập trong cuộc sống của Ngọc cũng được sớm tôi rèn. Đặc biệt, bạn luôn nỗ lực và học tập nghiêm túc với mong muốn mang những điểm số tốt nhất về để làm giảm bớt phần nào nỗi ưu phiền của bố mẹ.

'Chúng ta không thể thay đổi số phận của mình, nhưng chúng ta có thể thay đổi thái độ đối mặt với cuộc sống'.

'Chúng ta không thể thay đổi số phận của mình, nhưng chúng ta có thể thay đổi thái độ đối mặt với cuộc sống'.

Chúng ta không thể thay đổi số phận của mình, nhưng chúng ta có thể thay đổi thái độ đối mặt với cuộc sống” – Ánh Ngọc đã rất sớm nhận thức được một chân lí – cũng là cách ứng xử nhân văn, giúp bạn có cái nhìn lạc quan, cởi mở hơn với cuộc sống, là nền tảng mang đến những niềm vui và hạnh phúc sau này.

Năm lớp 9, với nỗ lực trả lại cho con cuộc sống của một người bình thường, bố mẹ Ánh Ngọc đã gom góp tiền bạc đưa con lên bệnh viện Việt – Pháp để mổ cột sống. Ca mổ thất bại. Ánh Ngọc bị liệt nửa người, không còn khả năng đi lại bình thường. Bố mẹ Ngọc bị thêm một cú sốc lớn. Tỉnh dậy trên giường bệnh, khi được bác sĩ thông báo sự thật này, nhìn những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt mẹ, Ngọc biết mình phải đứng vững. “Đó là khoảnh khắc em thấy mình phải trưởng thành, phải sống trách nhiệm hơn với bố mẹ và mọi người. Em cũng chợt nhận ra, dù có những bất hạnh nhưng cuộc đời vẫn đáng quý và đáng sống biết bao!” – Ngọc chia sẻ. Tình yêu với gia đình và những suy nghĩ tích cực về cuộc sống một lần nữa lại giúp bạn vượt lên những nỗi đau.

Nghị lực và khao khát vươn lên trong cuộc sống của Ngọc đã nhận được nhiều sự đồng cảm và giúp đỡ của bạn bè và mọi người xung quanh. Ánh Ngọc tiếp tục con đường học tập một cách quyết liệt hơn với quyết tâm thi vào ngành Tâm lí học Trường ĐHKHXH&NV. “Người ta nói: ra cuộc sống nhờ bạn bè. Và chính các thầy cô, anh chị sinh viên của Trường ĐHKHXH&NV là những người đầu tiên dang rộng vòng tay đón chào em” – Ngọc tâm sự. Ngay khi chuẩn bị thi vào Trường, Ánh Ngọc đã được giới thiệu và làm quen, trao đổi kinh nghiệm với các bạn sinh viên khuyết tật ở Câu lạc bộ Hoa đá (Trường ĐHKHXH&NV), Trung tâm Sống độc lập Hà Nội. Các anh chị sinh viên của Trường đã về tận quê Hải Dương để thuyết phục bố mẹ cho Ngọc thi và học ở Hà Nội. Vốn thương và lo con khó có thể xoay sở sống một mình tại Hà Nội, nhưng trước tình cảm của thầy cô, bạn bè và quyết tâm của con, bố mẹ Ngọc đã vô cùng cảm động. Tiếp đó, những ngày lưu lại Hà Nội đi thi cho đến việc sắp xếp cuộc sống và học tập ổn định tại Hà Nội là những ngày Ánh Ngọc sống trong niềm hạnh phúc ngập tràn với tình cảm quan tâm giúp đỡ của bè bạn, thầy cô và Nhà trường. “Em là người may mắn!” – Ánh Ngọc luôn nói về mình như vậy với một nụ cười rạng rỡ thường trực trên môi.

Với sự giúp đỡ của các anh chị sinh viên khoá trước, Ngọc đã thuê được một căn nhà phù hợp ở gần trường. Dù không có mẹ thường xuyên ở bên, nhưng với sự hỗ trợ của bạn bè, Ngọc vẫn học tốt và tích cực tham gia các hoạt động xã hội.

Với sự giúp đỡ của các anh chị sinh viên khoá trước, Ngọc đã thuê được một căn nhà phù hợp ở gần trường. Dù không có mẹ thường xuyên ở bên, nhưng với sự hỗ trợ của bạn bè, Ngọc vẫn học tốt và tích cực tham gia các hoạt động xã hội.

Nói về cuộc thi Hoa khôi Vầng trăng khuyết, cô sinh viên ngành Tâm lí học cho biết, đó là một trong những kỉ niệm đẹp nhất. Cuộc thi là sân chơi để những người khuyết tật có cơ hội giao lưu và thể hiện vẻ đẹp và giá trị riêng của bản thân trước mọi người. Ánh Ngọc đã được làm quen và biết thêm câu chuyện đời của nhiều bạn khuyết tật khác. Mỗi người một vẻ nhưng với Ngọc, các bạn đều là những người rất đẹp, có nghị lực vượt qua hoàn cảnh và khát khao trở thành người có ích cho cuộc sống, cho xã hội. Giành được giải thưởng cao nhất là niềm vui quá sức tưởng tượng đối với Ánh Ngọc. Bởi bạn đi thi chỉ với mong muốn được thách thức chính bản thân mình và có thêm cơ hội giao lưu kết bạn. Ánh Ngọc đã trải nghiệm cuộc thi với tất cả những gì bỡ ngỡ và hồn nhiên nhất. Đó là lần đầu đứng trên sân khấu hùng biện về Mẹ trong phần thi Tài năng, được trang điểm và mặc trang phục đẹp để trình diễn và lần đầu được nói lên suy nghĩ của mình về cuộc sống, về cách vượt qua các thử thách và khẳng định những giá trị của riêng mình. Phần thể hiện xuất sắc của Ánh Ngọc đã truyền thêm sự tự tin và cảm hứng cho rất nhiều khán giả có mặt ở hội trường trong đêm chung kết. Đó là hình ảnh của một ngọn nến dù “cong hai lần” nhưng vẫn cháy sáng rực rỡ bằng chính ý chí và niềm tin mạnh mẽ vào cuộc sống.

Sau cuộc thi, Ngọc trở về với công việc của một sinh viên chuyên ngành Tâm lí học với ước mơ sẽ trở thành một nhà trị liệu tâm lí trong tương lai. Bạn tìm thấy nhiều ý nghĩa tốt đẹp của nghề nghiệp này, đó là “khi chữa lành vết thương tâm hồn cho người khác cũng chính là cách bạn chữa lành vết thương trong tâm hồn mình”. Hiện Ngọc cũng đang có kế hoạch cùng với bạn bè thực hiện dự án thành lập trung tâm trị liệu tâm lí cho người khuyết tật, đồng thời tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, đặc biệt là các hoạt động cộng đồng giúp người khuyết tật tự tin hoà nhập và phát huy năng lực của mình, đóng góp cho xã hội.

'Quý giá nhất đối với em là tình yêu của mẹ. Mẹ là người không thể thay thế được trong cuộc đời em'.

'Quý giá nhất đối với em là tình yêu của mẹ. Mẹ là người không thể thay thế được trong cuộc đời em'.

Điều gì là quan trọng nhất, quý giá nhất đối với em trong cuộc sống?”. Ánh Ngọc xúc động rơm rớm nước mắt: “Quý giá nhất đối với em là tình yêu của mẹ. Mẹ là người không thể thay thế được trong cuộc đời em”. Bên cạnh đó là những trải nghiệm cuộc sống, có cả niềm vui, có cả nỗi buồn, có vị ngọt mà cũng có cả những đắng chát. Nhưng điều quan trọng là qua những trải nghiệm ấy, con người ngày càng trưởng thành, hiểu được những giá trị của cuộc sống, học cách cảm thông và yêu thương mọi người hơn. “Cuộc sống là chấp nhận, đấu tranh và vượt qua ” – Ánh Ngọc nói – “Hãy mở lòng mình và chúng ta sẽ tìm được những khoảnh khắc hạnh phúc”.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây