Hành trình về mảnh đất một thời khói lửa

Thứ bảy - 27/04/2013 05:11
Trong bốn ngày (từ 18 đến 21/4/2013), với tinh thần uống nước nhớ nguồn, tri ân các anh hùng, liệt sĩ hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, Công đoàn Trường đã tổ chức đoàn đại biểu đi thăm các địa danh lịch sử ở hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Trị.

VỀ LẠI CỬA TÙNG

(Tặng nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ)

Biển muôn đời ngăn ngắt
Mang mang mây bạc về
Gió mưa mài trắng tóc
Như thực và như mê…

Anh gọi Cửa Tùng ơi
Cầu đôi bờ đã nối
Sao vẫn xa vời vợi
Hay mắt mờ sương giăng.

Lòng chớp tựa hải đăng
Mà thuyền quên lại bến
Xa xôi rồi lỡ hẹn
Sóng vẫn xô đá ghềnh.

Đất bao năm yên bình
Mà lá còn xao xác
Ướm bàn chân lên cát
Mà nhói lòng gai chông.

Bão náu ngoài biển Đông
Nắng đỉnh trời xối lửa
Cát bỏng níu bao người
Như cây cằn níu đá.

Anh về quen hoá lạ
Ai xưa còn nhớ mong
Phố mới dè dặt gió
Mằn mặn chờ trăng trong…

Hiền Lương nơi mỏi sóng
Đời mỏi mê Cửa Tùng
Biển mà nghe anh hát
Sóng bạc đầu như không!…

Cửa Tùng 19-3-2013
Nguyễn Hùng Vĩ

13h10 ngày 18/4/2013, xe chở đoàn cán bộ Nhà trường từ Hà Nội bắt đầu lăn bánh về miền Trung thân yêu. Hà Nội ồn ào và náo nhiệt khuất dần sau những chung cư cao tầng. Trên xe lúc này có 40 thầy cô giáo và viên chức thuộc các thế hệ khác nhau. Có thầy tóc đã nhuốm bạc – những người đã từng trải qua những năm tháng của cuộc kháng chiến chống Mĩ hoặc trực tiếp cầm súng chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị. Cũng có những cán bộ còn rất trẻ, chưa từng trực tiếp chứng kiến những mất mát của cuộc chiến tranh. Mỗi người một tâm trạng, một cảm xúc khác nhau. Nhưng tất cả đều hồi hộp đến với mảnh đất một thời máu lửa để thắp nén tâm nhang tưởng nhớ tới những người con thân yêu của Tổ quốc đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất ở tuổi 20, để hôm nay đất nước được thanh bình, toàn vẹn.

Sau một đêm dừng lại tại thị xã Cửa Lò, địa chỉ đầu tiên mà đoàn tới thăm là Địa đạo Vịnh Mốc – một công trình quân, dân sự ở phía Bắc sông Bến Hải (thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) nhằm chống lại những cuộc tấn công của quân đội Mĩ và chính quyền Sài Gòn trong suốt những năm chiến tranh 1965 -1972.

Hệ thống địa đạo nằm dưới một quả đồi đất đỏ có độ cao khoảng 30m và rộng 7 ha. Địa đạo gồm 3 tầng: tầng 1 cách mặt đất từ 8 đến 10m dùng để cơ động chiến đấu và trú ẩn tạm thời; tầng 2 sâu 12 đến 15m, là nơi ở của nhân dân và hội trường với sức chứa hơn 50 người, 3 giếng nước, bếp Hoàng Cầm, kho gạo, trạm phẫu thuật, trạm gác, máy điện thoại, nhà hộ sinh, nơi đóng trụ sở của Đảng uỷ, UỶ ban nhân dân và Ban chỉ huy quân sự; tầng 3 sâu hơn 30m là kho hậu cần và trung chuyển hàng hoá, vũ khí ra đảo Cồn Cỏ.

Với tổng chiều dài trục chính hơn 2.000m, hai bên đường hầm được khoét tạo thành chỗ ở cho từng hộ gia đình. Lúc đông nhất có khoảng 1.200 người sinh sống. Trong gần 2.000 ngày đêm tồn tại, người dân Vịnh Mốc đã làm nên kì tích sống và chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng Vịnh Mốc vẫn còn đó như một tượng đài bất tử, truyền lại niềm tin, ý chí của dân tộc Việt Nam cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Từ Địa đạo Vịnh Mốc, đoàn trở về Cửa Tùng – nơi tiếp biển của con sông Hiền Lương huyền thoại (còn gọi là sông Bến Hải). Trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, Cửa Tùng là một trong những trọng điểm đánh phá cực kì ác liệt của địch bởi đây vừa là vùng giới tuyến, vừa là cầu tiếp vận cho bộ đội ở Cồn Cỏ tiền tiêu.

Ngày 20/3, đoàn đến thắp hương tại nghĩa trang liệt sĩ Vĩnh Linh trước khi vào thăm Thành Cổ Quảng Trị. Nghĩa trang Vĩnh Linh là một trong những nghĩa trang lớn của tỉnh Quảng Trị, toạ lạc tại thị trấn Hồ Xá, cạnh đường quốc lộ 1A, nơi yên nghỉ của 5.611 liệt sĩ thuộc 41 tỉnh thành trong cả nước.

Tại Thành Cổ Quảng Trị, đoàn đã làm lễ mặc niệm để tưởng nhớ tới các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh trong những ngày tháng chiến tranh ác liệt nhất. Đoàn hết sức xúc động khi người hướng dẫn viên Thành cổ đọc một đoạn thơ trong bài thơ “Tấc đất thành cổ” của thầy Phạm Đình Lân – Giám đốc Trung tâm Nghiệp vụ và Báo chí Truyền thông, Trường ĐHKHXH&NV – trước khi giới thiệu về cụm di tích Thành Cổ Quảng Trị anh hùng:

“Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ
Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió
Dẫu ồn ào đừng lay mạnh hàng cây

Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Thành cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật
Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật
Cho hôm nay tôi đến nghẹn ngào”.

Bênh Thành Cổ là bờ sông Thạch Hãn mùa này lặng trôi – dòng sông linh thiêng đã hoà máu của biết bao anh hùng liệt sĩ. Mọi người bồi hồi xúc động nghe đồng chí Nguyễn Quang Liệu, Phó Chủ tịch Công đoàn Trường đọc lại những dòng cảm xúc của cựu chiến binh Lê Bá Dương dành cho đồng đội:

“Đò lên Thạch Hãn… ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm…”

Tạm biệt Thành Cổ, tạm biệt dòng sông Thạch Hãn, đoàn tới Nghĩa trang Đường 9 đúng thời điểm nắng gắt nhất trong ngày. Nghĩa trang Đường 9 nằm trên một vùng đồi hướng ra quốc lộ số 9, là nơi yên nghỉ của hơn mười ngàn liệt sĩ.

Từ Nghĩa trang Đường 9, đoàn đi theo đường Hồ Chí Minh hướng về Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Có lẽ, không có nơi đâu trên 63 tỉnh thành nước ta, lại có nhiều nghĩa trang liệt sĩ đến thế. Hình như những đau thương mất mát lớn nhất của cuộc chiến tranh đã hội tụ cả về đây.

Nghĩa trang Trường Sơn quy tập mộ phần của hơn 10.200 liệt sĩ. Khu vực trung tâm Nghĩa trang nằm trầm mặc trên một ngọn đồi cao rợp bóng cây rừng. Đài tưởng niệm chính bằng đá trắng cao vút, uy nghiêm, khuyết ba mặt thể hiện nỗi mất mát khôn cùng. Phía sau đài tưởng niệm là một cây bồ đề tán lá xum xuê. Theo lời cán bộ quản trang, cây thiêng đã tự mọc lên tại chỗ này từ ngày xây dựng nghĩa trang. Hơn mười ngàn bia mộ được phân thành khu vực riêng theo từng tỉnh thành, phủ kín ba quả đồi trùng điệp.

Chúng tôi không biết chính xác trong cuộc chiến tranh đi qua đã có bao nhiêu người lính ngã xuống trên các chiến trường. Nhưng đứng trước anh linh của các anh tại nghĩa trang này mới càng thấy nỗi đau thương hiển hiện trên từng tấc đất. Nhiều người trong đoàn đã không cầm được nước mắt khi trở về đây, nghĩ đến người thân của mình còn ở đâu đó mà vẫn chưa tìm được. Mỗi nén hương của cán bộ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn dâng lên các linh hồn liệt sĩ với tấm lòng thành kính cũng đồng thời là những nén tâm nhang dành cho hàng triệu đồng đội của các anh đang nằm lại trong lòng đất trên khắp mọi miền của Tổ quốc.

Tạm biệt Quảng Trị yêu thương, đoàn tiếp tục hành trình trở ra Bắc. Sáng 21/4, đoàn tới thăm di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc – ngã ba huyền thoại, nơi 10 cô gái thanh niên xung phong đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam. Tất cả các cô hi sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, chưa ai trong số họ lập gia đình. Thắp hương trên 10 ngôi mộ và đặt lên những bông cúc trắng, lòng chúng tôi se lại. Những giọt nước mắt chậm lăn. Rời khỏi Đồng Lộc, ai cũng xúc động và thầm hứa với các chị sẽ sống và làm việc thế nào cho xứng đáng với sự hi sinh cao cả của các chị.

Trở về Hà Nội sau hành trình 4 ngày, tuy thấm mệt, nhưng tất cả mọi người đều rất vui vì ai cũng có những kỉ niệm chung, riêng cho mình sau một chuyến đi thực sự ý nghĩa. Những trải nghiệm và cảm xúc đã qua sẽ mãi nhắc nhở chúng ta phải sống trách nhiệm và có ý nghĩa hơn với cuộc đời này.

Tác giả: PGS.TS ĐẶNG XUÂN KHÁNG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây