Tin tức

Thầy luôn trong trái tim mọi người!

Thứ tư - 01/05/2013 23:13
Tin PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế đã ra đi mãi mãi sau hơn 10 ngày nhập viện đã khiến đông đảo thầy cô, đồng nghiệp, bạn bè và các sinh viên, học viên các thế hệ của Khoa Sử bàng hoàng thương tiếc. Trong gần 2 tuần, các bạn bè đồng nghiệp, các anh chị em sinh viên vẫn thay nhau túc trực trong viện, những mong kịp thời động viên và tiếp thêm sức lực cho Thầy và gia đình. Song những diễn biến xấu đến quá nhanh. Tình cảm yêu thương tràn ngập của mọi người, sự tận tình của các y bác sĩ cùng những tiến bộ y học tốt nhất đã không thể giúp Thầy trở về với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp.
Thầy luôn trong trái tim mọi người!
Thầy luôn trong trái tim mọi người!

Đến Khoa Lịch sử – ngôi nhà và gia đình thứ hai của Thầy – vào thời gian này, dường như các thầy cô và sinh viên của Khoa vẫn không thể tin vào sự thật. Cảm giác mất mát thật quá lớn! Nỗi buồn đau và xót xa dường như không thể nói thành lời. Khoa Lịch sử và Trường ĐHKHXH&NV đã mất đi một nhà khoa học với trí tuệ tuyệt vời, một nhà quản lí tâm huyết; các thế hệ học trò đã mất đi một người Thầy lớn với nhân cách trong sáng cùng những bài giảng lôi cuốn và độc đáo về lịch sử, văn hoá Việt Nam; đồng nghiệp mất đi một người bạn, người anh luôn chan hoà, giản dị và hết lòng với mọi người; và xã hội mất đi một con người luôn tận tuỵ, nhiệt huyết và tràn đầy tình yêu đến tận cùng với cuộc đời này.

“Thầy Kế ra đi trong tình yêu thương của mọi người”

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc (nguyên Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, ĐHQGHN) vẫn còn thảng thốt “mới sáng còn chuyện trò với nhau mà đến chiều đã nghe tin Kế vào viện, mình đã vội vào ngay… vậy mà đã không thể gặp lại nhau được nữa, thật như một chuyện đùa !”. Biết nhau từ nhỏ, sau đó lên đại học thì cùng vào khoa Lịch sử, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc có nhiều tình cảm và kỉ niệm không thể quên trong suốt hơn 45 năm gắn bó bầu bạn cùng PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế: “Bao giờ mình cũng thấy Kế là con người như thế: sôi động, năng động và cháy hết mình vì tuổi trẻ, cái đó rất đặc biệt. Lúc còn đi học phổ thông ông ấy làm thơ sớm lắm, có bài thơ mình nhớ là bài “Pháo đất” được giải. Đi học thì nghêng ngang cái xe đạp, vừa đi vừa đọc thơ. Nhìn ngoại hình thì có vẻ hơi “cũ” nhưng rất thanh niên tính, rất sôi động. Từ lúc bé cho đến tận sau này Kế vẫn luôn là người hài hước mà nồng nhiệt”.

PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế sinh ra trong một gia đình có bố là một nhà giáo có tài, có tâm, người mẹ cũng là người giỏi chữ Hán, hay thơ nên sớm định hướng cho con cái vào con đường học hành, thi cử, đỗ đạt rồi ra dạy học. Thầy Kế lớn lên ở vùng đất của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm với những tiếng ru của sáo diều và pháo đất.

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc (phải) kể về những đóng góp của PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế đối với ngành Lịch sử.

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc (phải) kể về những đóng góp của PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế đối với ngành Lịch sử.

GS. Ngọc nhớ lại: “Khi vào học ở khoa Sử mình phục ông ấy lắm vì ông ấy biết nhiều. Vừa vào Khoa, chưa học tiết nào nhưng ông ấy đã nói vanh vách về các sách sử, nào là “Đại Việt sử kí toàn thư”, nào là “Việt sử thông giám cương mục”… Có một cái nền rất tốt, nên là học rất giỏi, lại sớm được các thầy giỏi dẫn dắt, như thầy Phan Huy Lê, thầy Phan Đại Doãn, cô Phạm Thị Tâm… Có thể nói anh Kế trưởng thành rất sớm, trở thành cán bộ giảng dạy rất trẻ, có năng lực, uy tín chuyên môn, được sinh viên yêu quý. Anh ấy được học liên tục và đặc biệt là có cơ hội rất quý là đi học nước ngoài, làm PTS, TS ở Nga”.

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc chia sẻ, ở Thầy Kế có cái “máu” thanh niên sôi sục, hoạt động Đoàn rất sớm, lại rất có tài tổ chức, vận động công tác Đoàn. Thầy Kế làm Bí thư chi đoàn cán bộ giảng dạy Khoa Lịch sử, Bí thư Đoàn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, được kết nạp Đảng sớm và cũng tham gia Đảng uỷ Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội rất sớm. Rồi Thầy còn tham gia công tác Thành Đoàn, Trung ương Đoàn, kết hợp nghiên cứu về lịch sử thanh niên, lịch sử Đoàn vào công việc giảng dạy. “Tôi chưa thấy ai mà có nhiệt huyết, dấn thân với tuổi trẻ, với các hoạt động của tuổi trẻ, phong trào của tuổi trẻ và sự phát triển của tuổi trẻ như anh Kế. Cái đó nó ngấm vào máu rồi hay sao ấy. Khi không làm công tác Đoàn nữa để đi làm NCS ở Nga ông ấy buồn lắm, có những lúc phát khóc lên” – GS. Ngọc bùi ngùi.

PGS Nguyễn Hải Kế nói chuyện trong chương trình giao lưu các thế hệ cán bộ đoàn chủ chốt của Trường ĐH Tổng hợp (cũ). Trường ĐHKHXH&NV, ngày 24/3/2011.

PGS Nguyễn Hải Kế nói chuyện trong chương trình giao lưu các thế hệ cán bộ đoàn chủ chốt của Trường ĐH Tổng hợp (cũ). Trường ĐHKHXH&NV, ngày 24/3/2011.

Sau khi PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế bảo vệ xong luận án Tiến sĩ tại Nga trở về Khoa Sử thì GS.TS Nguyễn Quang Ngọc đang là Chủ nhiệm Khoa. Khoa Sử có một “vốn” rất quý là các chuyên gia đầu ngành, đó là “tứ trụ” huyền thoại gồm các Giáo sư: Đinh Xuân Lâm, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng, Phan Huy Lê. Khoa bàn bạc, phân công nhau “bám sát” các “tứ trụ” để học hỏi. PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế được phân công “bám sát” GS. Trần Quốc Vượng. Bộ môn Lịch sử Văn hoá được thành lập và GS. Trần Quốc Vượng làm Chủ nhiệm Bộ môn. PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế được cử làm Phó Chủ nhiệm Bộ môn giúp việc cho GS. Vượng. Những đóng góp lớn nhất của PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế chính là ở lĩnh vực lịch sử văn hoá. Các công trình, tác phẩm của Thầy từ những năm 90 trở lại đây chính là về lịch sử văn hoá và văn hoá học. Đến năm 2004, khi GS.TS Nguyễn Quang Ngọc sang phụ trách Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển (ĐHQGHN), PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế được cử làm Chủ nhiệm Khoa Lịch sử.

GS. Ngọc nhìn nhận: “Thầy Kế là người hết mình vì công việc, đã nhận là làm hết sức. Từ lúc làm Chủ nhiệm Khoa thì Thầy Kế đã tổ chức các công việc của Khoa rất tốt. Từ 2004 đến nay, trong điều kiện rất khó khăn nhưng Khoa cũng đã có những bước phát triển rất tốt trong công tác đào tạo, nghiên cứu, tổ chức sắp xếp con người, công việc. Khoa vẫn giữ vững được vị thế của một đơn vị hàng đầu trong các đơn vị đào tạo, nghiên cứu về Sử học trong cả nước”.

PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế chủ trì tiểu ban Văn hoá của Hội thảo quốc tế Phát triển bền vững thủ đô Hà Nội. Ngày 08/10/2010.

PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế chủ trì tiểu ban Văn hoá của Hội thảo quốc tế Phát triển bền vững thủ đô Hà Nội. Ngày 08/10/2010.

Thành tựu mới nhất và là niềm tự hào của Khoa Lịch sử, mà trong đó có sự đóng góp rất lớn của PGS. TSKH Nguyễn Hải Kế là bộ “Lịch sử Việt Nam” 4 tập. Trước đó, trong đợt kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế cũng tham gia chủ biên và viết chung rất nhiều sách, chủ yếu là sách về văn hoá, giáo dục. Thầy cũng chủ nhiệm 01 đề tài khoa học cấp Nhà nước về Giáo dục của Thăng Long-Hà Nội. Ngoài ra, thầy Kế còn rất nhiều công trình đóng góp có giá trị như cuốn “Văn hoá làng xã Việt Nam” viết về làng Dục Tú – một cuốn khảo cứu rất bài bản, công phu được người trong giới đánh giá cao.

Nhưng trên tất cả, GS. Nguyễn Quang Ngọc nói: “Đây là con người hết lòng vì mọi người, được mọi người yêu quý một cách hiếm có. Thầy Kế đã ra đi trong sự quan tâm, chăm sóc hết mức, trong tình yêu thương của mọi người. Tình yêu thương ấy xuất phát từ chính tình yêu thương mà Thầy đã dành cho mọi người. Đấy là chất “người” nhất của Thầy, cái đặc biệt nhất của Thầy ấy”.

“Một người Thầy luôn hết mình vì công việc và vì học trò!”

Trong một tâm trạng xúc động, dường như chưa thể nguôi ngoai, trấn tĩnh trước sự ra đi đột ngột của người Thầy, PGS.TS Vũ Văn Quân (Phó Chủ nhiệm Khoa Lịch sử) nghẹn lời: “Đây là một mất mát lớn của Khoa Sử, ngành Sử và của Trường ĐHKHXHNV”.

Chia sẻ về người Thầy, người anh và người đồng nghiệp có hơn 30 năm gắn bó, PGS.TS Vũ Văn Quân nói: “Nếu xét trên phương diện của một nhà khoa học, Thầy Kế của chúng ta là một tấm gương sáng về sự say mê khoa học, cả đời Thầy đã đắm đuối với cái nghiệp Lịch sử chuyên về cổ trung đại, sau này rộng ra là ở lĩnh vực Văn hoá học và nhất là Lịch sử văn hoá Việt Nam. Sự đam mê và nỗ lực của bản thân cùng với tố chất bẩm sinh rất thông minh đã hội tụ lại làm nên một khối tri thức về lịch sử văn hoá Việt Nam rất phong phú và sắc sảo”.

Thầy Kế viết không hẳn là nhiều so với những thầy cô giáo khác cùng trang lứa nhưng những bài viết của Thầy đều để lại những dấu ấn nhất định. Những bài viết của Thầy không bao giờ hời hợt mà luôn dựa trên những ý tưởng mới và độc đáo nên các sản phẩm khoa học của Thầy thường được người ta nhớ đến. Về mặt học thuật, tầm ảnh hưởng của Thầy đến các thế hệ học trò, trong giới và ngoài xã hội là rất ấn tượng.

Một số công trình mới xuất bản do PGS Nguyễn Hải Kế chủ biên hoặc tham gia soạn thảo.

Một số công trình mới xuất bản do PGS Nguyễn Hải Kế chủ biên hoặc tham gia soạn thảo.

Ảnh hưởng về xã hội của Thầy cũng rất lớn. Không xuất hiện trên truyền hình với sự sáo mòn của người đi truyền đạt kiến thức mà Thầy thường đề cập đến những vấn đề rất nóng hổi của lịch sử, của văn hoá.

Ở góc độ người thầy thì PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế là một người Thầy theo đúng nghĩa đầy đủ nhất: người cung cấp tri thức, dạy học trò cách tự học, tự tìm tòi, nghiên cứu, tự đào sâu, tự sáng tạo. Ngay từ rất sớm, nhất là sau khi từ Liên Xô (cũ) trở về thì thầy Kế đã áp dụng cách giảng rất mới. Thầy nói không nhiều nhưng biết kích thích học trò tự nêu ra những vấn đề, phải động não trong việc học chứ không phải chỉ chép những lời giảng của thầy.

Thầy Kế không bao giờ tạo ra khoảng cách giữa thầy và trò. Nghiêm thì rất là nghiêm, thậm chí lúc nóng giận có thể quát nhưng chắc chắn là không có người học trò nào sợ thầy Kế theo đúng nghĩa của từ “sợ sệt”, mà cũng không có người học trò nào giận Thầy sau khi bị Thầy quát mắng. Thầy Kế là một trong những người thầy có nhiều học trò nhất và tình cảm thầy trò rất chân thành.

Về vai trò lãnh đạo Khoa Sử, thầy Kế có đầy đủ các yếu tố về năng lực và uy tín chuyên môn để trở thành người lãnh đạo một khoa đào tạo và nghiên cứu ngành khoa học cơ bản hàng đầu của Nhà trường, của ngành KHXHNV cũng như với xã hội. Khi nói đến Khoa Sử và Thầy Kế – Chủ nhiệm Khoa thì người ta sẽ nhận diện được ngay một khoa đào tạo và nghiên cứu về Sử học có tầm cỡ và uy tín hàng đầu của cả nước.

“Thầy như một hạt nhân đoàn kết trong Khoa, đây là một truyền thống rất quý, rất đáng tự hào của Khoa Sử. Các thành viên của Khoa sống rất chan hoà, tình cảm mà thầy Kế chính là người kết nối truyền thống đoàn kết này của Khoa”- PGS.TS Vũ Văn Quân chia sẻ – “Thầy là con người luôn hết mình vì công việc, vì mọi người mà không biết vun vén cho bản thân, không biết vụ lợi”.

Sống giản dị và hoà đồng, sống thật với chính mình và mọi người là cảm nhận chung của tất cả những ai từng sống và làm việc cùng Thầy.

Sống giản dị và hoà đồng, sống thật với chính mình và mọi người là cảm nhận chung của tất cả những ai từng sống và làm việc cùng Thầy.

“Cán bộ trẻ và sinh viên của Khoa đã mất đi một chỗ dựa lớn”

ThS. Đỗ Thị Hương Thảo – học trò của PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế từ năm 1996 và là đồng nghiệp của Thầy tại Khoa Lịch sử từ năm 2001 – xúc động khi nhắc đến người Thầy mà mình vô cùng kính trọng và yêu mến: “Đến lúc Thầy mất thì mới hiểu một điều là với mình, Thầy rất quan trọng, với tư cách là một người thầy, với tư cách là một đồng nghiệp, thậm chí có thể là một người bạn lớn. Trong lòng mọi người, Thầy không chỉ là một người uyên thâm mà còn là người luôn toả sáng”.

Trong Khoa, PGS. TSKH Nguyễn Hải Kế nổi tiếng là người thầy luôn luôn truyền cho sinh viên cảm hứng là hãy nắm bắt được các ý tưởng và hãy nhìn văn hoá Việt Nam – không phải như cái mình đang nhìn thấy, cái diễn ra trên bề mặt mà phải hiểu văn hoá Việt Nam từ truyền thống, phảỉ giải mã được những vẫn đề văn hoá ở chiều sâu thì mới có thể hiểu được văn hoá, hiểu được xã hội và con người Việt Nam.

“Sau khi thầy Vượng mất đi, Bộ môn Văn hoá học mất đi một trụ cột cực kì vĩ đại, nhưng còn một người thầy khác cho thế hệ sau dựa vào, đó là thầy Nguyễn Hải Kế. Nhưng đến giờ thì các thế hệ học trò đã mất đi một chỗ dựa, một cái cây lớn để mình có thể dựa vào về cả nghề nghiệp và cả mặt tinh thần, cuộc sống” – ThS. Đỗ Thị Hương Thảo nói.

Chị cho biết, điều tuyệt vời nhất về thầy Kế là Thầy sống rất có tình. Những học trò nào khó khăn nhất lại được Thầy thương nhất. Thầy có lẽ là lãnh đạo duy nhất mà trong báo cáo tổng kết năm học đã đếm cụ thể bao nhiêu cán bộ trẻ chưa có nhà, chưa lập gia đình, đồng lương không đủ sống. Thầy chia sẻ với cán bộ của mình từ những câu chuyện nhỏ nhất, quan tâm xem con của họ có ngoan không, đã đi học chưa. Chẳng phải riêng học trò mà cả con dâu con rể trong Bộ môn cũng thích Thầy, các cháu trong Khoa cũng thích ông. Có những câu chuyện mà sinh viên có thể rất khó để nói với thầy này, với thầy kia, nhưng gặp thầy Kế thì không cần Thầy phải hỏi đâu mà vẫn có thể tuôn trào được.

Sống giản dị và hoà đồng, sống thật với chính mình và mọi người là cảm nhận chung của tất cả những ai từng sống và làm việc cùng Thầy: “Ngay cả lúc Thầy lên các phương tiện truyền thông cũng vẫn giản dị, mộc mạc và vẫn phong cách tâm tình như thế. Trong ngành khoa học xã hội, những người thầy lớn đóng vai trò rất quan trọng trong sự trưởng thành của mỗi học trò và lúc nào thế hệ sinh viên và cán bộ trẻ cũng cần một người thầy lớn như Thầy Nguyễn Hải Kế”.

KHÓC BÁC NGUYỄN HẢI KẾ

Cứ cho là “tử bất kì”
Trời xanh kia chẳng ra gì, bác ơi!
Không thương người tốt ở đời
Thì đem xé quách cho rồi…trời xanh!

Bác đi em ở sao đành
Đồng vàng thì mất đồng chinh thì còn…

Đâu rồi cái thủa còn son
Câu thơ viết vội nước non tràn trề
Mễ Trì mấy đứa nhà quê
Kẹo dồi chén nước cũng kề cà vui…

Lối xưa điền dã đâu rồi
Chân trần áo xếch tơi bời đó đây
Đâu rồi góc núi chân mây
Liêu xiêu bóng bác hao gầy lội ra…

Đêm về cùng ngẫm ngọt ca
Du du thế sự nại hà lão lai…

Đâu rồi cho đến ngày mai
Còn non còn nước còn dài…còn đâu!

Mà thương mà tiếc mà đau
Trời xanh ta đội trên đầu thế ư?…

Hà Nội đêm 19-3-2013
Nguyễn Hùng Vĩ

TIỄN BẠN!

Viếng hương hồn PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế

Bạn đi đột ngột quá chừng
Mưa rơi bất chợt một vùng ven đô
Cả đời chèo lái con đò
Trên dòng sông chữ toan lo tháng ngày.

Nhớ thời hai đứa mê say
Thu Nga lồng lộng vàng bay ngợp trời
“Xã làng châu thổ” quê tôi
“Giao lưu văn hóa” kiếp người trầm luân
“Lịch sử với chống ngoại xâm”.
Bao nhiêu dông tố sóng gầm trong tim
Tay cầm thần chết lặng im
Vẫn vì con chữ đi tìm giấc mơ…

Hồn trường sau bão xác xơ
Hàng cây trước cổng khăn xô chít đầu
Cuộc đời ân nghĩa cao sâu
Danh thơm một thuở xa sau luân hồi.

Tô Ngọc Thạch


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây