Sức hấp dẫn từ các ngành khoa học cơ bản

Thứ ba - 13/08/2013 03:58
Các ngành khoa học cơ bản – cùng những nỗ lực đổi mới và vận động tự thân của các cơ sở đào tạo cho phù hợp với nhu cầu xã hội – hơn lúc nào hết đang chứng tỏ mình có những ưu thế đặc biệt.

Sau một thời gian dài bùng nổ đào tạo rồi đến bão hoà nhân lực các ngành “hot” một thời như kinh tế, ngoại thương, ngân hàng… trên thị trường lao động, xã hội dường như đã có những thay đổi trong cách nhìn nhận và đánh giá về các ngành nghề đào tạo. Và các ngành khoa học cơ bản – cùng những nỗ lực đổi mới và vận động tự thân của các cơ sở đào tạo cho phù hợp với nhu cầu xã hội – hơn lúc nào hết đang chứng tỏ mình có những ưu thế đặc biệt…

Thí sinh “mặn mà” hơn với các ngành KHCB

Trong mùa tuyển sinh đại học năm 2012, 2013 vào Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN, số lượng hồ sơ đăng kí dự thi vào các ngành học có sự thay đổi đáng ngạc nhiên so với mọi năm. Năm 2012, số hồ sơ đăng kí dự thi vào Trường tăng gần 27%. Riêng năm 2013, có 06 ngành đào tạo có số hồ sơ đăng kí dự thi tăng từ 40% trở lên so với năm 2012, trong đó, tập trung vào rất nhiều ngành khoa học cơ bản như: Ngôn ngữ học (tăng 240%), Sư phạm Ngữ văn (tăng 77,63%), Hán Nôm (tăng 69,9%), Nhân học (tăng 62,7%), Sư phạm Lịch sử (tăng 46,15%)… Một số ngành khoa học cơ bản khác cũng có lượng hồ sơ đăng kí tăng đáng chú ý như: Triết học (tăng 27,42%), Văn học (tăng 18,12%), Lịch sử (tăng 13,64%).

Bên cạnh đó, hồ sơ dự thi khối D (khối thi mà thí sinh được đánh giá là có học lực đều ở cả các môn tự nhiên và xã hội) tăng đáng kể từ 1.919 hồ sơ dự thi năm 2012 lên 2.593 hồ sơ năm 2013 (tăng 35%). Hồ sơ dự thi các khối A tăng 5 %, khối B tăng 20 %.

PGS.TS Nguyễn Văn Kim (Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) cho biết, đây là một tín hiệu đáng mừng cho thấy xã hội và người học nói chung đã có cái nhìn tích cực về các ngành khoa học cơ bản, đặc biệt là các ngành KHXH&NV. Ngay cả đối với các khối thi mới như khối A và B vào Trường, số hồ sơ đăng kí cũng tăng đáng kể.

PGS.TS Nguyễn Văn Kim cũng cho rằng sự thay đổi nhu cầu xã hội này là một tất yếu trong bối cảnh hiện nay: “Có một giai đoạn khá dài chúng ta đã có những nhận thức chưa thật đúng về vai trò của các ngành khoa học cơ bản. Trong giai đoạn tăng trưởng nóng trước đây, xã hội coi trọng các ngành mới như công nghệ, ngoại ngữ, tài chính… nhưng giờ đây, chúng ta đã dần đặt lại đúng tầm vóc và vị trí xứng đáng cho khoa học cơ bản trong sự phát triển của khoa học, giáo dục, bảo tồn văn hoá cũng như sự phát triển, hội nhập quốc tế của đất nước ta”.

Bên cạnh đó, sinh viên các ngành khoa học cơ bản cũng ngày càng nhận được nhiều ưu đãi và hỗ trợ trong quá trình học tập, nghiên cứu và tìm kiếm việc làm. Năm học 2012-2013, lần đầu tiên có chế độ ưu tiên dành cho sinh viên 6 ngành khoa học cơ bản (Chính trị học, Hán Nôm, Lịch sử, Nhân học, Triết học, Văn học) của Trường ĐHKHXH&NV. Theo đó, sinh viên các ngành học này sẽ được hỗ trợ học bổng với mức 4.200.000 đồng/sinh viên/năm; được tham gia các khoá học phát triển năng lực nghề nghiệp do Nhà trường tổ chức mà không phải đóng học phí. Đây là ưu đãi mới nhất nằm trong chương trình hỗ trợ sự phát triển của các ngành khoa học cơ bản của ĐHQGHN.

Thu hút người học bằng chất lượng đào tạo

Trong một khoảng thời gian dài trước đây, sức ép về nhu cầu nhân lực mới đến từ nền kinh tế thị trường đã đặt nhiều trường đại học có các ngành khoa học cơ bản trước những lựa chọn phải thay đổi để thích nghi và tồn tại. Nhiều trường vì chạy theo thị hiếu đã mở rộng đào tạo các ngành nghề mà mình chưa thực sự đủ năng lực, nhiều trường lại để thui chột các ngành đào tạo truyền thống vốn là thế mạnh của mình. Trong hoàn cảnh ấy, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN đã có định hướng đúng khi kiên trì giữ vững chất lượng đào tạo, từng bước phát huy và lan toả những lợi thế của các ngành khoa học cơ bản đến nhiều ngành khoa học ứng dụng mới. Hiện nay, hệ thống các ngành đào tạo của Trường phong phú, trải dài từ các ngành khoa học cơ bản, giàu truyền thống như Lịch sử, Ngôn ngữ, Văn học, Triết học… cho đến các ngành học mới nhiều tiềm năng phát triển và được người học yêu thích như: Báo chí truyền thông, Đông phương học, Quốc tế học, Tâm lí học, Xã hội học, Du lịch học, Thông tin học, Quản trị văn phòng, Việt Nam học, Quan hệ công chúng,… Truyền thống đào tạo mạnh về các ngành khoa học cơ bản đã giúp các ngành học của Nhà trường có bản sắc riêng, giúp sinh viên Nhà trường tiếp thu tốt kiến thức chuyên ngành trên nền tảng kiến thức vững chắc về các ngành KHXH&NV.

Trong nỗ lực đổi mới để giữ vững chất lượng đào tạo, Trường đã có hơn 4 năm thực hiện chuyển đổi phương thức đào tạo niên chế sang đào tạo tín chỉ, nhằm tạo sự liên thông mạnh mẽ hơn giữa các chương trình đào tạo, giúp sinh viên chủ động và tích cực hơn trong xây dựng kế hoạch học tập, có thể học vượt, học sớm và lấy bằng ĐH chỉ trong thời gian hơn 3 năm. Bên cạnh hệ chuẩn, Trường có một số hệ chất lượng cao và hệ quốc tế nhằm đem đến cho sinh viên những cơ hội học tập tốt nhất.

Năm học vừa qua, Trường thực hiện thành công việc chuyển đổi CTĐT theo chuẩn đầu ra nhằm giúp sản phẩm đào tạo đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động và hướng tới hội nhập mạnh mẽ với nền giáo dục và đào tạo khu vực và thế giới. Cũng trong năm học 2012-2013, Trường ĐHKHXH&NV được cấp chứng chỉ kiểm định chất lượng đạt chuẩn quốc gia với 60/61 tiêu chí đạt chuẩn.

Khoa học cơ bản: phổ nghề nghiệp rộng

“Sinh viên theo học các ngành khoa học cơ bản tại Trường ĐHKHXH&NV có nhiều lợi thế” – GS. Vũ Dương Ninh (nguyên Chủ nhiệm Khoa Quốc tế học) khẳng định. Bởi truyền thống đào tạo từ Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cho đến Trường ĐHKHXH&NV hiện nay là bên cạnh việc cung cấp kiến thức tổng hợp và cơ bản còn đặc biệt coi trọng việc giảng dạy kĩ năng nghiên cứu, phương pháp tư duy, cách nhìn nhận, phân tích vấn đề. Chính tư duy khoa học, khách quan đã giúp người học có cách nhìn chính xác trong việc đánh giá và giải quyết nhiều vấn đề trong công việc và cuộc sống sau này. Nhiều người tuy không làm việc đúng ngành được đào tạo nhưng do có nền kiến thức cơ bản, phương pháp tư duy logic nên đã đảm nhiệm tốt chức trách của mình trong công tác chuyên môn cũng như công tác quản lí.

TS. Nguyễn Quang Liệu (Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên Trường ĐHKHXH&NV) cho rằng trong giai đoạn hiện nay, sinh viên các ngành khoa học cơ bản có khả năng kiếm việc làm cao. Bởi khoa học cơ bản có ứng dụng nghề nghiệp rộng lớn trong xã hội nên sinh viên sau tốt nghiệp có phổ nghề nghiệp rất rộng để chọn lựa. TS. Liệu cũng chia sẻ một thực tế là sinh viên ngành Văn học, Ngôn ngữ, Hán Nôm, Chính trị học của Nhà trường có thể đi làm báo, làm biên tập, biên kịch, làm phim ảnh… Sinh viên ngành Lịch sử có thể di dạy các môn học về chính trị, văn hoá, lịch sử và làm việc tại các bảo tàng, dự án nghiên cứu… Nhiều sinh viên KHXH&NV thành công trong lĩnh vực kinh doanh hay các ngành nghệ thuật… Đó là vì “sinh viên các ngành khoa học cơ bản được trang bị kiến thức cơ bản, tư duy tổng hợp và đặc biệt là phương pháp luận giúp họ có vốn hiểu biết xã hội phong phú, lối tư duy khoa học trong mọi vấn đề và khả năng thích ứng với đa dạng các loại công việc” – TS. Nguyễn Quang Liệu nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, trong nỗ lực mở rộng cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên, Trường ĐHKHXH&NV đã có những sáng kiến như triển khai bằng kép, ngành chính – phụ; mở rộng liên kết hợp tác với các địa phương và nhà tuyển dụng. Chuẩn tiếng Anh đầu ra… IELTS được áp dụng cùng việc quan tâm nhiều hơn đến thực hành nghề, kĩ năng mềm đã đem lại cho sinh viên những lợi thế đáng kể.

Tác giả: Thanh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây