Ngôn ngữ
“Lục thập” là 60 – sáu mươi tuổi mới cho ra tập thơ đầu lòng. Sáu mươi tuổi mới lại “sang ngang”… Toàn là những chuyện hi hữu. Nhưng nếu coi thơ là sự tỏ bày, mĩ học của thơ là sự đồng điệu, triết học của thơ là những nghiệm sinh về nỗi “đau đớn lòng” thì “điểm nhìn” ở tuổi 60 lại là một sự lựa chọn “sâu sắc nước đời”:
Tuổi xuân toàn những phong ba
Anh em chinh chiến, mẹ cha đói nghèo
Nửa đời mới nói chuyện yêu
Vô duyên bất hạnh bao nhiêu nhỡ nhàng
Cuối đời duyên phận dở dang
Tuổi lục thập lại sang chèo đò.
(Tự vịnh tên mình)
Thơ anh Bá Thành, vì vậy, là máu thịt của 60 năm cuộc đời anh: từ chuyện vui đến chuyện buồn, từ quá khứ đến hiện tại, từ cái chung đến cái riêng, từ thuở tóc còn xanh đến khi mái đầu đã ngả màu sương… Có quá nhiều điều để cắt nghĩa cho cái tên “Lục thập” của tập thơ mà ở đây, mọi sự kiếm tìm của “kĩ thuật trữ tình” chỉ là thứ yếu. Anh quan tâm nhiều nhất đến sự chân thành của cảm xúc, đến việc biểu thị một cách trung thực những tâm tư, suy nghĩ và hình bóng, dáng dấp của chủ thể trữ tình.
Thuở sinh viên, lòng phơi phới niềm tin, Nguyễn Bá Thành đã xếp bút nghiên cùng bạn bè lên đường theo tiếng gọi của lí tưởng, vì một nền độc lập, tự do cho Tổ quốc:
Chưa ra đất lửa tiền phương
Bỗng nghe tiếng súng chiến trường gọi tên
…
Gấp rồi cuốn sách bìa da
Mở trang đầu quyển giáo khoa cuộc đời
Ba lô trĩu nặng đường dài
Sinh viên lớp lớp hát bài hành quân
(Tòng quân ca)
Thời gian quân ngũ tuy không dài nhưng cũng đủ để lưu giữ trong anh những kỉ niệm đẹp về một vị thủ trưởng nóng tính, về đồng đội thân yêu, đã in dấu trong thơ anh những miền đất hải ngoại xa xôi và lắng lại trong lòng anh nhiều cảm xúc: Dòng sông kia có phải Von-ga Đông?/ Nước êm đềm đã ru bờ yên ngủ/ Không như sông Hồng, sông Lô phù sa cuộn đỏ/ Nước mênh mang sóng vỗ mạnh đôi bờ (Tập trận trên sa mạc); Quê người lắm rượu nhiều hoa/ Quê ta máu đỏ thấm tà áo nâu (Những chiều Ba – Cu). Và ngay từ những ngày sục sôi nóng bỏng đó, trong tiếng hô xung trận, tâm hồn đa cảm của Nguyễn Bá Thành đã có nhiều suy tư, day dứt:
Tôi cầm khẩu AK trong tay
Với cái giá bằng mười tấn thóc
…
Tôi ước mơ lần sau về thăm
Sẽ bán khẩu AK mua máy xát thóc
Bán dàn ra-đa để xây trường học
Bán quả Sam-3 xây bệnh viện ngàn giường
(Cối xay tre và máy bay, tên lửa)
Thơ Nguyễn Bá Thành là thứ thơ duy tình. Dù viết về thời thế hay gia cảnh thì anh luôn luôn nhìn ngắm sự đời bằng thước đo nhân nghĩa. Chính vì vậy, bên cạnh những vần thơ “ưu thời mẫn thế”, Lục thập của Nguyễn Bá Thành chất chứa tình yêu thương cùng những nỗi niềm riêng tư. Thơ anh là một “bảo tàng gia đình” nhỏ, một thế giới tâm tư và những cung bậc cảm xúc nối liền anh với những người ruột rà, máu mủ: Đó là ông Nội, bà Nội, ông Ngoại, bà Ngoại, cha, mẹ, các em – người còn người mất, vợ con – vợ cũ, vợ mới, con trai, con dâu, con gái, cháu nội và cả các ông bà thông gia…
Để có được hạnh phúc đầm ấm, sum vầy của đại gia đình hôm nay, gia đình nhỏ của Bá Thành đã một lần lung lay, đổ vỡ. Những ai gần gũi, bạn bè thân thiết đều nhớ về một thời sóng gió của đời anh qua những trải nghiệm nặng nề, chua chát:
Không tiền mà phải chia tay
Vừa tẻ, vừa nhạt, vừa cay, vừa nồng
Một đời làm lụng khổ công
Về già lại hoá tay không từ đầu
Không khanh tướng, chẳng công hầu
Không nhà, không vợ, không trâu, không cày
(Chia tay không tiền)
Tuy nhiên, khi những thương tổn, mất mát và nỗi đau chia li qua đi, trời đã “mỗi ngày một sáng” lên, anh lại nhớ và viết về người bạn đời một thuở của mình với nỗi cảm thông và tình thương sâu nặng:
Nhớ xưa nàng sống cùng ta
Vừa yêu vừa kính như là phu quân
Căn phòng nhỏ ở Thanh Xuân
Nuôi gà, nuôi lợn, áo quần vá may
Tưới rau, quét lá luôn tay
Quay len, quay sợi, cả ngày, cả đêm
(Gửi người vợ cũ)
Có thể nói, thơ anh Bá Thành đã cảm hoá được người đọc nhờ những chi tiết, sự việc đời thường “lấm láp bụi đời” mà ám ảnh khó quên đó.
Là một trong những “chuyên gia hàng đầu” về Chế Lan Viên và lí thuyết tư duy thơ, thường luận bàn sắc sảo về các kiểu tư duy: hướng nội và hướng ngoại, tương đồng và tương phản. Theo đó, nếu có thể, tôi tạm gọi thơ anh Bá Thành là thứ thơ hướng nội, điểm mạnh của thơ anh là sự khai thác những đối lập – tương phản. Cùng với nó là sự nhạy cảm trước cái hài. Phải là người bản lĩnh lắm mới dám mang cái bản ngã, con người cá nhân của mình ra để cười cợt, giễu đùa… Và đặc biệt là dám lấy cái già nua, cũ kĩ của mình, cũng như của thế hệ mình để mà “đua”, mà đối đáp với cái trẻ trung, tân tiến của các em thế hệ thơ 8x thế kỉ XX:
Thơ anh nói chuyện non sông
Thơ em nói chuyện đàn ông đàn bà
Thơ anh cảm hứng địch ta
Thơ em cảm hứng bất hoà phu thê
Thơ anh có hẹn có thề
Thơ em tuỳ thích đi về bướm ong
(Thơ anh và thơ em)
Lục thập là hơn cái tuổi “Ngũ thập tri thiên mệnh” 10 năm. Thơ của người đã qua cái ngưỡng trọng đại đó của cuộc đời không thể là “sự chơi” mặc dầu ngày nay có lắm kẻ “chơi thơ”. Đọc Lục thập, tôi đã cố “lấy hồn tôi để hiểu hồn người”, nhưng chắc chắn là còn nhiều tâm sự, gửi gắm mà tôi chưa thể cảm nhận đủ đầy. Vậy, xin những ai là tri kỉ, tri âm hãy mở lòng để đón nhận một tiếng thơ được cất lên ở tuổi xế chiều như một thứ gừng vừa cay vừa nồng, nhưng rất tâm đắc, có thể nói là những vần thơ gan ruột của chính người làm thơ:
Sáu mươi tuổi mới đem ra
Xin cùng bè bạn cho ta giãi bày
Tác giả: PGS.TS Lý Hoài Thu
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn