Toạ đàm Tư duy về “kẻ khác” được tổ chức nhân dịp ra mắt bản dịch cuốn sách Nhiệt đới buồn, nhằm giới thiệu về cuốn sách cũng như những đóng góp của tác giả Claude Lévi-Strauss với độc giả Việt Nam. Toạ đàm do Nhà xuất bản Tri thức phối hợp cùng Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Quỹ Văn hoá Phan Châu Trinh và Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO) tổ chức.
Đây là dịp để những người quan tâm đến các vấn đề về nhân chủng học, dân tộc học, triết học nói chung, về vai trò và những đóng góp của tác giả Claude Lévi-Strauss có thể tham gia vào một không gian đối thoại cởi mở. Sau phần trao đổi của các diễn giả, buổi toạ đàm dành phần lớn thời gian cho ý kiến của giới chuyên môn và công chúng thảo luận về nội dung cuốn sách và đánh giá về tác giả.
Buổi toạ đàm có sự góp mặt của các diễn giả:
- Ông Nguyên Ngọc – Nhà văn, Nhà nghiên cứu văn hoá;
- Ông Olivier Tessier – Nhà nhân chủng học công tác tại Viện Viễn Đông Bác Cổ;
- Ông Đỗ Lai Thuý – Nhà nghiên cứu văn hoá, đại diện dịch giả.
Thời gian: 14h30 – 16h, ngày 23 tháng 10 năm 2009 (thứ Sáu)
Địa điểm: L’Espace – Trung tâm Văn hoá Pháp, số 24 Tràng Tiền - Hà Nội.
“Tôi ghét những chuyến viễn du và những nhà thám hiểm.” Câu mở đầu cho tác phẩm
Nhiệt đới buồn (1955) của Claude Lévi-Strauss cứ ngỡ là nghịch lí nhưng nó lại định hướng cho cách ông nhìn về thế giới. Cuộc gặp gỡ với “cái khác” và “những kẻ khác”, những nỗ lực khai mở của nhà dân tộc học để giải mã tính phức hợp của văn hoá trong mỗi xã hội, cũng chính là bấy nhiêu yếu tố tham gia vào việc xác định tính phổ quát đồng thời khẳng định sự đa dạng tuyệt vời của loài người. Về điểm này,
Nhiệt đới buồn là một truyện kể mang tính nhân văn sâu sắc, là sự hoà quyện của du kí, văn bản văn học và nghiên cứu dân tộc học, và từ giao điểm này tác giả đưa ra một cái nhìn có khoảng cách và đôi khi dường như vỡ mộng với những xung năng của con người “Khi chiếc cầu vồng của các nền văn minh của con người không còn chìm nghỉm trong cái khoảng hư không do sự giận dữ của chúng ta đào ra; khi chúng ta còn ở đấy và còn tồn tại một thế giới – thì cái nhịp cầu mảnh mai ấy vốn nối liền chúng ta với cái không thể đạt đến vẫn còn...”
(Trích Thông cáo báo chí của Nxb Tri thức)