Hội thảo giới thiệu sách "Các dân tộc ở Việt Nam"

Thứ năm - 17/05/2018 23:23

Diễn giả: PGS.TS. Vương Xuân Tình (Phó Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc học, chủ biên bộ sách Các dân tộc ở Việt Nam)

Chủ trì: PGS.TS. NGƯT. Lâm Bá Nam (Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam), PGS.TS. Nguyễn Văn Sửu (Trưởng Khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQGHN) 

Thời gian: 9h00, thứ Ba, 22/5/2018

Địa điểm: Phòng 506 nhà E, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, 336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội

Bộ sách Các dân tộc ở Việt Nam của Viện Dân tộc học gồm 4 tập do Nxb Chính trị quốc gia ấn hành, với Tập 1 “Nhóm ngôn ngữ Việt - Mường” (764 tr.) được xuất bản vào năm 2015; Tập 2 “Nhóm ngôn ngữ Tày - Thái Ka đai” (980 tr.) - năm 2016; Tập 3 “Nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ-me” (1.440 tr.) - năm 2017; và Tập 4, gồm Quyển 1 “Nhóm ngôn ngữ Hmông - Dao và Tạng - Miến” (907 tr.), Quyển 2 “Nhóm ngôn ngữ Hán và Mã Lai - Đa Đảo” (964 tr.) đã ra mắt bạn đọc vào tháng 3 năm 2018.

Việc nghiên cứu, biên soạn, xuất bản bộ sách Các dân tộc ở Việt Nam diễn ra trong 6 năm, từ năm 2012-2018. Mục đích của xây dựng bộ sách này nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, đồng thời góp phần quan trọng cho việc tổng kết vấn đề nghiên cứu tộc người ở Việt Nam do Viện Dân tộc học khởi xướng (2012-2015), để chỉ ra những thành tựu và hạn chế trong nghiên cứu về tộc người kể từ sau khi công bố bản Danh mục các thành phần dân tộc Việt Nam vào năm 1979; đồng thời xác định phương hướng, nội dung nghiên cứu trong thời gian tới. Phương pháp nghiên cứu chủ yếu để thực hiện bộ sách Các dân tộc ở Việt Nam là điền dã dân tộc học và nghiên cứu tài liệu (desk study).

Trong bộ sách này, dân tộc Kinh (Việt) lần đầu tiên được giới thiệu một cách tổng quát nên được đề cập tương đối toàn diện, không theo cấu trúc khung biên soạn chung. Với các dân tộc khác, trong biên soạn đều có ba nội dung cơ bản: (1) Tổng quan tình hình nghiên cứu; (2) Trình bày, phân tích sự phát triển và biến đổi về kinh tế - xã hội kể từ năm 1986 đến nay; (3) Một số vấn đề đặt ra trong nghiên cứu và phát triển của tộc người đó. Để bạn đọc dễ nắm bắt những vấn đề chung ở các dân tộc của Việt Nam từ năm 1986 đến nay, ngoài “Lời mở đầu” của mỗi tập hay mỗi quyển, trong Tập 1 có bài “Tổng luận nghiên cứu tộc người và một số vấn đề về dân tộc ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay” (67 tr.); và trong Quyển 2 của Tập 4 có bài (thay Kết luận của bộ sách) “Về vấn đề tộc người với cộng đồng quốc gia - dân tộc ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay” (255 tr.), do Chủ biên thực hiện.  

Tham gia trực tiếp nghiên cứu, biên soạn công trình Các dân tộc ở Việt Nam có 104 lượt cán bộ nghiên cứu, trong đó có 11 lượt cán bộ ở ngoài Viện Dân tộc học. Bên cạnh đó, còn có 61 lượt tác giả ảnh, trong đó có 35 lượt tác giả ở ngoài Viện Dân tộc học; và có 2 tác giả xây dựng bản đồ phân bố dân tộc của các nhóm ngôn ngữ. Việc nghiên cứu, biên soạn, xuất bản bộ sách Các dân tộc ở Việt Nam còn được kết hợp với đào tạo, bằng phương thức liên kết nhiệm vụ này với đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ; kế thừa kết quả nghiên cứu của một số luận văn, luận án. Nguồn tài chính cho thực hiện nghiên cứu, biên soạn là kinh phí đề tài cấp cơ sở của các năm 2013-2015, kinh phí hoạt động khoa học và kinh phí tổ chức Hội nghị Thông báo dân tộc học, chủ yếu từ năm 2012-2015 của Viện Dân tộc học. Để ấn hành, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia đã xây dựng đề án cho bộ sách thuộc danh mục xuất bản phẩm Nhà nước đặt hàng và có 32 lượt cán bộ tham gia biên tập nội dụng.

Bộ sách Các dân tộc ở Việt Nam không chỉ ghi dấu một sự kiện khoa học quan trọng của Viện Dân tộc học, mà còn của ngành Dân tộc học/Nhân học Việt Nam. Đây là bộ sách thuộc loại hình nghiên cứu cơ bản, phục vụ nhiều đối tượng bạn đọc. Có thể nói, bộ sách này có ba giá trị chủ yếu, đó là giá trị thông tin, giá trị tổng hợp và giá trị tổng kết. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn lực nên bộ sách cũng có hạn chế nhất định: có dân tộc được thực hiện nghiên cứu điển dã và có dân tộc chỉ nghiên cứu tài liệu; với những biên soạn dựa trên nghiên cứu tài liệu, lại có dân tộc đã được nghiên cứu nhiều và có dân tộc còn nghiên cứu ít. Năng lực biên soạn của các tác giả cũng chưa đồng đều. Vì thế, chất lượng biên soạn theo mỗi dân tộc cũng không giống nhau.

Với trách nhiệm là người tổ chức khoa học và chủ biên của bộ sách, PGS.TS. Vương Xuân Tình sẽ trình bày về việc nghiên cứu, biên soạn, xuất bản bộ sách này để đồng nghiệp và bạn đọc biết được quá trình thực hiện; những khó khăn, thách thức phải vượt qua; các đóng góp của bộ sách; và những hạn chế do điều kiện, bối cảnh thực hiện để các công trình tiếp nối sẽ bổ sung và vượt lên. 

Chương trình:

 9h00-9h10: Giới thiệu chương trình, diễn giả và đại biểu

 90h10-9h30 : Diễn giả tặng sách cho một số cơ quan và các nhà khoa học

 9h30-10h15: Diễn giả trình bày NGHIÊN CỨU, BIÊN SOẠN VÀ XUẤT BẢN BỘ SÁCH CÁC DÂN TỘC Ở VIỆT NAM

 10h15-11h00: Phát biểu, câu hỏi của khách mời và trao đổi của diễn giả

 11h00: Bế mạc.

Diễn giả: PGS.TS. Vương Xuân Tình, Phó Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) có nhiều nghiên cứu chuyên sâu về: Nhân học ẩm thực, an ninh lương thực, hưởng dụng đất ở vùng cao, văn hóa và phát triển bền vững, quan hệ dân tộc xuyên quốc gia và về vấn đề tộc người với cộng đồng quốc gia - dân tộc ở Việt Nam.    

Tác giả: ussh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây