Góp ý cho chính sách giáo dục Việt Nam

Thứ ba - 20/04/2010 03:19
Hiện đại hoá, xã hội hoá giáo dục đại học Trung Quốc và kinh nghiệm cho Việt Nam là chủ đề hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc (Trường ĐHKHXH&NV) tổ chức ngày 16/4/2010.
Hiện đại hoá, xã hội hoá giáo dục đại học Trung Quốc và kinh nghiệm cho Việt Nam là chủ đề hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc (Trường ĐHKHXH&NV) tổ chức ngày 16/4/2010. Có 12 báo cáo được trình bày bởi các chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Hội Khuyến học Việt Nam, Viện Chiến lược và Chương trình phát triển (ĐHQGHN). Các tham luận tập trung vào các vấn đề chính:
  • Quá trình hiện đại hoá, xã hội hoá giáo dục đại học của Trung Quốc: nguyên nhân, giải pháp, thành tựu và hạn chế
  • Góp ý cho chính sách giáo dục Việt Nam
TS. Nguyễn Văn Căn trong tham luận “Cải cách, hiện đại hoá giáo dục ở Trung Quốc - thành tựu, vấn đề và triển vọng” đã phân tích chi tiết quá trình cải cách giáo dục, hiện đại hoá giáo dục ở Trung Quốc qua 2 giai đoạn 1978-1992 và 1993-2003. Ông nhận định: thành tựu quan trọng nhất của quá trình cải cách này ở Trung Quốc là nâng cao được nhận thức về vai trò và vị tró của giáo dục trong quan niệm của xã hội cũng như mỗi con người. Với mục tiêu chiến lược lấy khoa học giáo dục để chấn hưng đất nước, vị trí của giáo dục trong chiến lược phát triển đất nước đã được Trung Quốc đặt lên hàng đầu. Với phương châm ấy, cùng những bước đi thận trọng và bám sát yêu cầu thực tiễn, Trung Quốc đã có những chủ trương hợp lí và cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, chú trọng chất lượng giáo dục vùng miền núi và nông thôn, tạo những hướng phát triển trọng điểm và mũi nhọn trong giáo dục đại học. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã hình thành và từng bước hoàn thiện thể chế nhà nước quản lí giáo dục theo pháp luật, xã hội tham dự và giám sát hoạt động giáo dục theo pháp luật. Sau kinh tế, giáo dục đã trở thành lĩnh vực lập pháp nhiều nhất, đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển giáo dục của chính phủ Trung Quốc. PGS. Nguyễn Văn Hồng với báo cáo “Trung Quốc khoa giáo hưng quốc” lại phân tích những thành công trong cải cách giáo dục Trung Quốc gắn với tư tưởng và tầm nhìn chiến lược của các nhà lãnh đạo và nhà lí luận nổi tiếng như Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân về vai trò của giáo dục, khoa học kĩ thuật cũng như về đãi ngộ và sử dụng người tài. Từ đó, báo cáo chỉ ra một số hạn chế của giáo dục Việt Nam hiện nay như: chưa có chủ trương và biện pháp cụ thể, quyết liệt về phát hiện, bồi dưỡng nhân tài; phát triển các ngành nghề đào tạo chưa có tính toán cụ thể trên nhu cầu xã hội; chưa đãi ngộ và sử dụng đúng trí thức có năng lực; các đề tài nghiên cứu có khả năng áp dụng thực tế không cao... Phần thảo luận góp ý cho phát triển giáo dục Việt Nam nhận được sự quan tâm trao đổi nhiều nhất của các đại biểu tại hội thảo. GS.VS.TSKH Phạm Minh Hạc trình bày 2 báo cáo: “Hãy cứu lấy giáo dục đại học” và “Xã hội hoá: không thương mại hoá giáo dục” đã đề cập cụ thể đến nhiều vấn đề “nóng” hiện nay như: không chặt chẽ trong giám sát thành lập trường đại học; việc giám sát đảm bảo chất lượng đào tạo đại học còn đang bị buông lỏng; việc mở các ngành học đại học mà không dựa trên cơ cấu xã hội, cơ cấu dân tộc, nhu cầu xã hội; sách giáo khoa chưa được quan tâm đúng mức; hiện tượng thương mại hoá giáo dục tràn lan làm suy giảm chất lượng đào tạo... Hai báo cáo “Xã hội học tập” và “Giáo dục thường xuyên trong xã hội học tập” của GS. Phạm Tất Dong lại đề cập đến một xu hướng của giáo dục thế kỉ 21 là giáo dục suốt đời, giáo dục thường xuyên và giáo dục cho tất cả mọi người. Trên cơ sở phân tích các mô hình phát triển giáo dục ở các nước tiên tiến trên thế giới, báo cáo đề xuất những giải pháp để phát triển một mô hình hiệu quả cho giáo dục Việt Nam. Ngoài ra, một số ý kiến thảo luận khác bàn về vấn đề quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các trường đại học; về xây dựng, quản lí và nâng cao chất lượng của các đại học trọng điểm của Việt Nam; vấn đề học phí và trách nhiệm của người dân và nhà nước trong đào tạo...

Tác giả: thanhha

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây