Tin tức

Để thương hiệu luôn toả sáng

Thứ ba - 02/11/2010 12:55
Ngày 17/11 tới, Trường ĐHKHXH&NV sẽ tổ chức Lễ kỉ niệm 65 năm ngày truyền thống. Trong không khí của ngày hội lớn, các thế hệ nhà giáo đã bày tỏ nhiều tình cảm yêu mến với mái trường có bề dày truyền thống lịch sử, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến cho sự phát triển của Nhà trường trong thời gian tới.
Để thương hiệu luôn toả sáng
Để thương hiệu luôn toả sáng
Ngày 17/11 tới, Trường ĐHKHXH&NV sẽ tổ chức Lễ kỉ niệm 65 năm ngày truyền thống. Trong không khí của ngày hội lớn, các thế hệ nhà giáo đã bày tỏ nhiều tình cảm yêu mến với mái trường có bề dày truyền thống lịch sử, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến cho sự phát triển của Nhà trường trong thời gian tới.

1. GS.TS Phan Hữu Dật (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội): Hội nhập với thế giới bằng thế mạnh KHXH&NV Việt Nam

Tôi rất mừng khi thấy Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN từ khi tách khỏi Trường Đại học Tổng hợp đã có nhiều điều kiện để phát triển và giữ vững được vị trí đầu đàn về nghiên cứu và đào tạo KHXH&NV của cả nước. Nhân 65 năm ngày truyền thống của Nhà trường, tôi xin gửi đến một vài kinh nghiệm đúc rút từ quá trình xây dựng và phát triển của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (ĐHTHHN) trước đây: Thứ nhất, muốn giữ vững vị trí đại học đầu ngành, trọng điểm thì điều kiện tiên quyết là phải chăm lo xây dựng đội ngũ thầy giáo đủ về số lượng, có chất lượng và trình độ khoa học cao Thứ hai, trong mọi hoàn cảnh luôn phải đặt vấn đề chất lượng đào tạo lên hàng đầu. Muốn thế thì ngay từ khâu tuyển sinh cần phải chặt chẽ sao cho tuyển cho được những người giỏi. Trong quá trình học, Nhà trường phải chú trọng rèn luyện cho sinh viên tư duy khoa học, phương pháp nghiên cứu, phải biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo. Thứ ba, phải gắn chặt giảng dạy và NCKH, lấy NCKH làm điểm tựa cho hoạt động giảng dạy.

Thứ tư, công tác chính trị tư tưởng trong Nhà trường phải thực hiện cho được nhiệm vụ định hướng, bồi dưỡng hoài bão khoa học, khát vọng vươn lên trong học tập của sinh viên. Phải có thật nhiều những người như Ngô Bảo Châu với khát vọng chinh phục những đỉnh cao khoa học và nâng tầm vị thế của đất nước trên bản đồ khoa học thế giới. Thứ năm, để thực hiện mục tiêu vươn lên vị trí cao trong giáo dục đại học khu vực và thế giới, chúng ta cần xác định rõ hướng đi cụ thể là hội nhập ở những ngành nào, lĩnh vực nào. Theo tôi cái mà chúng ta có cơ hội đóng góp cho khoa học thế giới trước hết phải là những ngành KHXHNV của Việt Nam. Ta phải đứng đầu thế giới về Lịch sử Việt Nam, Văn học Việt Nam, Triết học Việt Nam…, có những công trình nghiên cứu tầm cỡ về các lĩnh vực khoa học của riêng Việt Nam, biến nó thành thế mạnh của mình.

2. PGS.TS Vũ Thị Phụng (Chủ nhiệm Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng): Tạo dựng phong cách “Xã hội - Nhân văn” để góp phần phát huy và quảng bá thương hiệu của trường

Hơn 30 năm học tập và làm việc tại trường, tôi luôn cảm thấy tự hào, vì mỗi lần đi công tác, chỉ cần giới thiệu về nơi mình đã từng học và làm việc, tôi đều được nghe những lời ca ngợi, được thấy sự thán phục của mọi người khi nói tới trường hoặc nhắc tới những người Thầy tuyệt vời của Trường Đại học Tổng hợp trước đây, Trường ĐHKHXH&NV hôm nay.

Tôi hiểu rằng, sở dĩ có được những lời ca ngợi và niềm tự hào như vậy là vì trong suốt những năm qua, các thế hệ thầy trò của trường đã tạo dựng được một phong cách rất riêng, phong cách “Tổng hợp”, phong cách “Xã hội - Nhân văn”. Đó là tài sản vô cùng quý giá của trường, là thương hiệu mà hàng chục thế hệ đã dày công vun đắp và tiếp nối. Đó là phong cách của những người thầy đam mê khoa học, luôn tìm tòi và lí giải các vấn đề của xã hội, của con người bằng các luận chứng có cơ sở và căn cứ, không tư duy một chiều, luôn sáng tạo và đổi mới. Rồi, từ những nghiên cứu sâu sắc của mình, họ mang đến cho sinh viên những giờ giảng đầy tâm huyết, dạy như “rút ruột, rút gan”, cuốn sinh viên vào thế giới khoa học hấp dẫn và thấm đẫm chất nhân văn. Đó là phong cách của những con người luôn coi tri thức, sự hiểu biết và nhân phẩm là những giá trị cốt lõi. Chính phong cách của những người thầy đã tạo nên phong cách của các thế hệ học trò, với hiểu biết rộng, tư duy sâu sắc, luôn sáng tạo trong cách nhìn, cách lí giải các vấn đề, luôn tìm tòi và dấn thân vào cái mới, biết dũng cảm chối từ và vượt qua những cám dỗ thông thường.

3. GS.TS Đỗ Quang Hưng (Bộ môn Khoa học Chính trị): KHXH&NV phải hướng tới chuẩn quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu

Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN đang có quyết tâm rất cao trong việc hội nhập với thế giới, tôi cho đây cũng là xu thế tất yếu của KHXH&NV nói chung mà một trường đại học hàng đầu như chúng ta không thể đứng ngoài. Hội nhập không chỉ có ý nghĩa là để thu hút các nguồn lực phục vụ sự phát triển của mình mà quan trọng hơn là đã đến lúc người Việt Nam phải đóng góp cho khoa học thế giới những vấn đề có tầm nhân loại. Vấn đề là cần xác định rõ các tiêu chí để hướng tới chuẩn quốc tế, theo tôi là những yếu tố sau: Thứ nhất, KHXH&NV ngày nay phải có khả năng trả lời các vấn đề của con người và xã hội vừa rộng rãi nhưng vừa cụ thể. Thứ hai, nghiên cứu và đào tạo KHXH&NV phải hướng tới tính hiện đại, cập nhật với sự phát triển của thế giới, thể hiện ở cả vấn đề nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, hệ thống tri thức cho đến việc học tập, áp dụng các mô hình, phương pháp, chương trình đào tạo mới.

Thứ ba, KHXH&NV và khoa học tự nhiên cùng các ngành khoa học khác ngày nay không có sự chia tách một cách khô cứng, ngược lại có sự đan xen chặt chẽ và tác động đến nhau. Sự đan xen chặt chẽ này phải thể hiện rõ trong các nghiên cứu và đào tạo KHXH&NV. Hiện nay, một trong những điểm yếu của KHXH&NV ở các nước đang phát triển như Việt Nam là không tận dụng được hết các kiến thức và phương tiện của khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ trong nghiên cứu và đào tạo, ví dụ như áp dụng nhiều phương pháp nghiên cứu, đo đạc của Toán học hay các phương tiện máy móc, kĩ thuật hiện đại… Thứ tư, nghiên cứu KHXHNV phải hướng đến các mục tiêu của nhân loại, các vấn đề toàn cầu bên cạnh các mục tiêu của dân tộc. Khi xác định các hướng nghiên cứu, KHXH&NV Việt Nam phải chú ý đón đầu và gắn các nghiên cứu của mình với các vấn đề có tầm nhân loại, chẳng hạn như: biến đổi khí hậu, ảnh hưởng môi trường tác động đến con người, các vấn đề tâm lí mới nảy sinh trong xã hội hiện đại… Thứ năm, nghiên cứu và đào tạo KHXH&NV Việt Nam phải có khả năng “lưu thông” với các nước. Đây cũng là một trong những điểm khó nhất của Việt Nam vì trên thực tế những nghiên cứu hội nhập của Việt Nam chưa sâu, hay nói cách khác là chưa gia nhập được với các nguồn mạch nghiên cứu thế giới. Một biểu hiện cụ thể và rất đáng mừng tại Trường ĐHKHXH&NV hiện nay là sự phát triển ngày càng mạnh các chương trình liên kết đào tạo quốc tế với các đại học đẳng cấp trên thế giới. Đây sẽ là một hoạt động hiệu quả góp phần thúc đẩy mạnh sự hội nhập của Nhà trường với thế giới.

4. PGS.TS Phạm Thành Hưng (Phó Chủ nhiệm Khoa Văn học): Giải quyết tốt mối quan hệ giữa đa dạng hoá các loại hình đào tạo và đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản

Trong định hướng phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội thành một đại học đa ngành, đa lĩnh vực, có trình độ cao, đồng thời lại theo hướng một đại học nghiên cứu, rõ ràng đang đòi hỏi một sự kết hợp hài hoà, biện chứng, nhằm khắc phục sự mâu thuẫn tất yếu giữa phương châm đa dạng hoá loại hình đào tạo với đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản. Mấy năm gần đây, Trường ĐHKHXH&NV đã phát triển nhiều ngành nghề đào tạo mới có tính ứng dụng và thực hành nghề cao. Đây là một hướng phát triển hợp quy luật, đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tế của đất nước. Nhà trường đã thành một trong những địa chỉ tin cậy cho xã hội đặt hàng. Sinh viên các ngành Báo chí, Du lịch, Thông tin thư viện, Lưu trữ và quản trị văn phòng, Quản lí xã hội, Quốc tế học v.v. ra trường đều dễ chọn việc làm. Tuy vậy, gắn liền với xu hướng phát triển đó là sự sao nhãng ít nhiều đối với nghiên cứu lí thuyết và khoa học cơ bản. Theo tôi, một số khoa đào tạo có tính truyền thống như các ngành Ngữ Văn, Lịch Sử, Triết học đã một thời tạo nên bản sắc, ưu thế của Đại học Tổng hợp khi xưa đang cần được quan tâm đầu tư nhiều hơn.

Trong nhiều thập kỉ qua, chính những ngành khoa học cơ bản và truyền thống đó đã từng đào tạo một đội ngũ cán bộ khoa học và văn hoá hùng hậu, có khả năng không chỉ trong nghiên cứu, giảng dạy mà còn cả trong các lĩnh vực hoạt động thực tiễn rất đa dạng. Theo tôi, đây không phải là một sự chấp nhận, một sự thích ứng bất đắc dĩ mà là một thực lực được tác thành từ đào tạo khoa học cơ bản. Ngữ văn, Lịch sử, Triết học của các khoa truyền thống xưa kia không đơn thuần là tri thức hiểu biết mà còn là, và quan trọng là phương pháp tư duy và kĩ năng giải quyết các vấn đề mà khoa học và đời sống đặt ra. Nói như vậy, không có nghĩa là nhà trường cần thu hẹp, dọn dẹp khoa này và mở rộng, phát triển khoa kia. Vấn đề quan tâm cụ thể ở đây là các ngành, các bộ môn khoa học cơ bản chứ không phải là đơn vị đào tạo. Các ngành khoa học đó phải trở thành mũi nhọn đào tạo, phải được chuyển hoá thành tri thức nền tảng cho các ngành học làm nghề.

Tác giả: thanhha

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây