Tin tức

Dự thảo chương trình hành động: "Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo"

Thứ hai - 02/06/2014 14:27
Đây là một trong những nội dung trọng tâm, thu hút được sự quan tâm của đông đảo các đồng chí đại biểu tham dự Hội nghị công tác Đảng diễn ra vào sáng ngày 31/5/2014 tại Thị xã Cửa Lò, Nghệ An.
Dự thảo chương trình hành động:
Dự thảo chương trình hành động: "Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo"

Tham dự hội nghị có GS.TS Nguyễn Hữu Đức, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc ĐHQGHN, GS.TS Nguyễn Văn Khánh, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, cùng đại diện các Chi ủy các Chi bộ, Thủ trưởng các đơn vị và Giám đốc các Trung tâm. 

GS.TS Nguyễn Văn Khánh, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV phát biểu tại hội nghi

Sau bản báo cáo công tác Đảng 5 tháng đầu năm và phổ biến tài liệu hướng dẫn công tác Đảng của Đảng ủy Nhà trường do GS.TS Vũ Đức Nghiệu (Phó Hiệu trưởng Nhà trường) trình bày. Các đại biểu tiếp tục tập trung lắng nghe và đóng góp nhiều ý kiến cho báo cáo dự thảo chương trình hành động của Đảng bộ Nhà trường thực hiện Nghị quyết Trung ương 8, Khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục do PGS.TS Nguyễn Văn Kim (Phó Hiệu trưởng Nhà trường) trình bày.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8, khóa XI về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế", Đảng bộ Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN đã triển khai học tập, quán triệt sâu rộng nội dung và tinh thần của Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên, viên chức, sinh viên toàn Trường. Trên cơ sở kế hoạch hành động của các chi bộ, Đảng ủy Nhà trường đã xây dựng kế hoạch chương trình hành động cụ thể.

PGS.TS Nguyễn Văn Kim, Phó Hiệu trưởn Nhà trường đang trình bày nội dung của bản dự thảo

Mục tiêu chương trình hành động hướng tới là

- Đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng và thu hút nhân tài; phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.

- Thúc đẩy nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, đổi mới và tư vấn chính sách, thiết thực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

- Đổi mới phương thức quản lý và quản trị đại học theo hướng hiện đại, đẩy mạnh hội nhập khu vực và quốc tế sâu rộng, tạo đà tiến tới xay dựng Trường trở thành đại học nghiên cứu

Tóm lược về phương hướng và giải pháp thực hiện đổi mới là

1. Về nhận thức, tư tưởng và chỉ đạo

- Phải làm cho toàn thể cán bộ, đảng viên, sinh viên hiểu rõ mục đích, yêu cầu, các mục tiêu của chương trình hành động, trên cơ sở đó thống nhất nhận thức và hành động nhằm đổi mới toàn diện các mặt công tác của Nhà trường, tạo bước phát triển mới của Nhà trường trong thời gian tới.

- Biến nhận thức về đổi mới trở thành các giá trị niềm tin và các phong trào thi đua công tác, giảng dạy, nghiên cứu, học tập tốt trong toàn thể cán bộ, sinh viên Trường.

2. Về công tác đào tạo, kiểm định chất lượng: Hoàn thiện và tiếp tục triển khai sâu rộng mô hình đào tạo theo tín chỉ trong các bậc học, các hệ đào tạo, cụ thể trên một số mặt sau:

- Trên cơ sở mục tiêu đổi mới giáo dục và đào tạo, tiếp tục xác định rõ và công khai mục tiêu, chuẩn đầu ra của từng bậc học, môn học, chương trình, ngành và chuyên ngành đào tạo, coi đó là cam kết đảm bảo chất lượng của cả hệ thống, là căn cứ giám sát và đánh giá chất lượng giáo dục và đào tạo.

- Triển khai và thực hiện thành công Đề án quy hoạch ngành, chuyên ngành của Nhà trường giai đoạn 2014-2020.

- Xây dựng và phát triển hệ thống học liệu giai đoạn 2014-2020.

- Đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập theo hướng hiện đại, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, khả năng vận dụng  kiến thức, kỹ năng của người học.

- Đổi mới hình thức và phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục đào tạo, đảm bảo yếu tố trung thực, khách quan.

- Thực hiện đánh giá chất lượng đào tạo ở cấp độ quốc gia, quốc tế để làm căn cứ xây dựng chính sách, giải pháp cải thiện chất lượng đào tạo của Nhà trường. Coi sự chấp nhận của xã hội đối với người học cũng như các sản phẩm khoa học là tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng đào tạo và nghiên cứu.

3. Công tác nghiên cứu khoa học

- Tăng cường nâng cao chất lượng và hiệu quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu, giữa Nhà trường và các cơ quan Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp trong xã hội.

- Hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, trung tâm/viện nghiên cứu xuất sắc.

- Xây dựng cơ chế hỗ trợ, đẩy mạnh công bố trong nước, quốc tế, đặc biệt là các công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín.

- Xây dựng kế hoạch triển khai xây dựng Trường trở thành một đại học nghiên cứu.

4. Công tác đối ngoại và hội nhập khu vực, quốc tế

- Đẩy mạnh liên kết, hợp tác , tranh thủ các nguồn tài trợ cho các hoạt động đào tạo, nghiên cứu giữa Nhà trường với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước, tận dụng tốt nguồn lực xã hội cho sự đổi mới, phát triển của Nhà trường.

- Xây dựng chiến lược hợp tác quốc tế hướng chú trọng tới chất lượng, mở rộng quan hệ đối với các đối tác quan trọng, có uy tín nhằm nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại để tăng cường và mở rộng ảnh hưởng của Nhà trường trong khu vực và trên thế giới. Thúc đẩy quan hệ hợp tác, liên kết đào tạo, tích cự đề xuất tham gia các hoạt động phói hợp nghiên cứu khoa học với các đối tác trong nước, khu vực và quốc tế.

5. Công tác quản trị đại học, tài chính, cơ sở vật chất

- Phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm để đổi mới cơ chế quản lý, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch.

- Thực hiện cơ chế người học, đối tác tham gia đánh giá hoạt động tổ chức đào tạo.

- Chuẩn hóa các điều kiện đảm bảo chất lượng của quá trình đào tạo, nghiên cứu, chú trọng chất lượng đầu ra, đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý.

- Quản lý và sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu.

6. Công tác tổ chức cán bộ

- Rà soát cơ cấu tổ chức, điều chỉnh hoặc thành lập các mô hình đơn vị mới, phù hợp cho việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ theo yêu cầu đổi mới.

- Xây dựng quy hoạch, triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và thu hút đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học, cán bộ lãnh đạo quản lý trình độ cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới của Nhà trường.

- Xây dựng quy định sử dụng cán bộ và thực hiện đánh giá kết quả công việc theo yêu cầu vị trị và hiệu quả công tác, khuyến khích và xây dựng môi trường làm việc chủ động, sáng tạo, trách nhiệm và hội nhập.

Những góp ý xây dựng

Dự thảo đã thu hút được nhiều ý kiến đóng góp và chia sẻ của các đồng chí tại hội nghị. GS.TS Nguyễn Hữu Đức nói: "ĐHQGHN rất hoan nghênh Đảng bộ Trường ĐHKHXH&NV, các đồng chí đã rất chủ động để xây dựng chương trình hành động quan trọng này". Nhưng để bản dự thảo này có thể đi vào thực tiễn một cách hiệu quả hơn nữa, Đảng bộ Nhà trường cần xác định được yếu tố căn bản trong định hướng đổi mới căn bản và toàn diện, nếu không sẽ rơi vào con đường cũ, cách suy nghĩ cũ và không thể phát triển nhanh được.  Đồng chí Nguyễn Hữu Đức chia sẻ một số gợi ý cho Đảng bộ Nhà trường:

-  Nên tập trung xác định những từ khóa mới, bởi nếu không có những từ khóa đó thì chúng ta sẽ không có căn bản và toàn diện.

- Trong định hướng phát triển, nên hướng sự phát triển theo diện và điểm. Đồng chí Nguyễn Hữu Đức chia sẻ: Thực tế hiện nay, các công trình nghiên cứu, các đề tài khoa học của ĐHQGHN nói chung và của Trường ĐHKHXH&NV nói riêng, đa số vẫn chỉ dừng lại ở diện là chủ yếu, điểm, điểm sáng, điểm lớn vẫn còn nhiều bất cập, chưa được phát huy tối đa.

- Nên tập trung đến đội ngũ cán bộ trình độ cao, cán bộ đầu đàn, đầu ngành. Tập trung đi sớm, đi nhanh trong việc đãi ngộ và quan tâm tới đội ngũ cán bộ này. Bởi đây là những tổng công trình sư tạo nên thương hiệu và danh tiếng, đưa vị thế của Nhà trường vươn dài, vươn xa và bền vững.

GS.TS Nguyễn Hữu Đức, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc ĐHQGHN phát biểu tại hội nghị

Ngoài ý góp ý và gợi ý của đồng chí Phó Giám đốc ĐHQGHN, dự thảo còn nhận được nhiều ý kiến từ các đồng chí khác trong hội nghị. Theo PGS.TS Đoàn Đức Phương, chủ nhiệm Khoa Văn học, bản dự thảo về chương trình hành động này nên nhấn mạnh hơn nữa công tác giáo dục chính trị tư tưởng, vì giáo dục tư tưởng hiện nay có tác động rất nhiều đến sự phát triển của chính trị xã hội đất nước, đặc biệt là thời điểm hiện tại. Chúng ta phải thường xuyên giáo dục để cho giảng viên, học viên và sinh viên hiểu về ý thức trách nhiệm cho sự phát triển của Trường, của đơn vị, ý thức trách nhiệm của cá nhân đối với sự phát triển của xã hội, của đất nước.

PGS.TS Đoàn Đức Phương, Chủ nhiệm Khoa Văn học đóng góp ý kiến về bản dự thảo chương trình hành động

Đồng tình với ý kiến của đồng chí Đoàn Đức Phương, ThS Ngô Thị Kiều Oanh (Phó phòng Tổ chức Cán bộ) cũng chia sẻ: Trong các mục tiêu thì chúng thì chúng ta phải đặt ngay vấn đề công tác chính trị tư tưởng lên đầu. Bởi phải thông suốt vê mặt công tác chính trị tư tưởng thì các hoạt động khác mới có thể thực hiện tốt.

ThS. Ngô Thị Kiều Oanh đóng góp ý kiến tại hội nghị

Đồng chí Ngô Kiều Oanh cũng chia sẻ thêm: Bản dự thảo về chương trình hành động này đòi hỏi chúng ta phải có sự chuyển biến mạnh mẽ về chất và về toàn diện mọi lĩnh vực hoạt động của Nhà trường, cho nên nội dung trong chương trình hành động này một mặt nên bám sát vào tinh thần của nghị quyết, đồng thời chúng ta cũng cần phải bám sát vào các mảng nội dung công tác của Nhà trường.

Thay mặt chủ tọa hội nghị GS.TS Nguyễn Văn Khánh, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường kết luận hội nghị: Trên cơ sở chương trình hành động của Đảng bộ Trường, các Chi bộ  sẽ tiến hành cụ thể hóa và xây dựng thành các chương trình hành động của Chi bộ, chỉ đạo đơn vị triển khai thực hiện trong thời gian tới, trước mắt là trong năm học sắp tới và sau đó là lộ trình dài hơn, 5 năm hay 10 năm.

Để có thể xây dựng chương trình hành động cụ thể đó, các Chi bộ phải giải đáp được các câu hỏi sau:

- Mục tiêu của đổi mới giáo dục đào tạo nói chung hay là công tác đào tạo, nghiên cứu các hoạt động của đơn vị mình là gì?

- Đổi mới cái gì? Tập trung vào những nội dung mới nào?

- Đổi mới như thế nào? Và làm như thế nào đổi mới được? Tập trung vào các giải pháp để thực hiện công tác đổi mới.

Trên cơ sở lộ trình đã vạch ra, cứ sau một năm học chúng ta sẽ đánh giá xem xét lại chúng ta thực hiện được cái gì? Cái gì chưa thực hiện được? Trên cơ sở đó chúng ta xây dựng các kế hoạch cho những năm học tiếp theo. Tập trung xây dựng chương trình hành động một cách cụ thể, tránh việc chung chung.

Hội nghị cũng tổ chức tặng giấy khen của Đảng ủy ĐHQGHN cho các tập thể, cá nhân thuộc Đảng bộ Trường ĐHKHXH&NV.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây