Ngôn ngữ
Trước đó, thông qua các tọa đàm và đặc biệt gần đây là hội thảo với chủ đề “Nhật Bản trong thời đại châu Á” của Khoa Đông phương học, những giảng viên trẻ của Khoa có cơ hội trình bày các nghiên cứu đồng thời nâng cao hiểu biết của mình về các lĩnh vực chuyên môn. Tuy nhiên, những tọa đàm như vậy chỉ được tổ chức với quy mô nhỏ trong một nhóm giảng viên của Khoa vì thế việc tiếp tục và phát triển chương trình này là cần thiết. Trong hoàn cảnh đó, chi đoàn cán bộ trẻ của Khoa đề xuất nâng chương trình khoa học này lên cấp Khoa để không chỉ các giảng viên trẻ của Khoa mà cả các nhà nghiên cứu từ các khoa khác, các viện nghiên cứu cũng có thể tham gia và trải nghiệm một môi trường khoa học mới mẻ.
Trong chiến lược phát triển của Trường ĐHKHXH&NV tầm nhìn đến năm 2020, hoạt động nghiên cứu được coi là trụ cột chính thúc đẩy và định hướng để trường trở thành đại học nghiên cứu. Trong xu thế đó, các phương pháp nghiên cứu đa ngành và liên ngành được khuyến khích. Trong bối cảnh đó, Khoa Đông phương học có nhiều lợi thế bởi những đặc trưng nội khu vực và liên khu vực cũng như tính đa ngành và liên ngành cao của mình. Hơn nữa, hầu hết các giảng viên đều được đào tạo tại nhiều nước khác nhau do đó họ có thể chia sẻ với nhau những phương pháp nghiên cứu cũng như các học thuyết liên quan đến chuyên ngành của mình và các chuyên ngành khác.
Tọa đàm đầu tiên của chuỗi tọa đàm "Những nghiên cứu mới về Nhật Bản và châu Á” diễn ra ngày 24/5/2014
Chuỗi các tọa đàm này hướng vào mục tiêu :
- Hội tụ những người tham gia từ các chuyên ngành khác nhau của Khoa Đông phương học như: Trung Quốc học, Korea học, Nhật Bản học, Ấn Độ học, Đông Nam Á học cũng như các ngành khác như: Kinh tế, Lịch sử, Chính trị, Ngôn ngữ, Quan hệ Quốc tế… nhằm tiếp cận các vấn đề từ nhiều ngành nghiên cứu, nhằm làm sáng rõ các câu hỏi được đưa ra bởi các giảng viên trẻ.
- Mở rộng mạng lưới các nhà nghiên cứu trẻ nghiên cứu Nhật Bản học cũng như Đông phương học.
- Nhằm chỉ rõ vai trò và vị trí của Nhật Bản trong bối cảnh quan hệ chính trị và quốc tế hiện nay tại khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á.
Chuỗi tọa đàm sẽ gồm 4 tọa đàm chính, diễn ra từ 24/5/2014 đến 31/ 3/2015.
Nội dung cụ thể sẽ được trao đổi tại các tọa đàm:
- Những cách tiếp cận mới trong nghiên cứu châu Á;
- Ứng dụng ngôn ngữ học khối liệu vào dạy và học các ngôn ngữ châu Á ;
- Những đặc trưng văn hóa và tôn giáo truyền thống của Nhật Bản và các nước châu Á- ảnh hưởng của chúng tới đời sống hiện đại của những nước này và khu vực châu Á;
- Vai trò của Nhật Bản trong sự phát triển của châu Á mới;
- Những phát hiện mới trong nghiên cứu Nhật Bản và các nước châu Á;
- Nghiên cứu những khuynh hướng văn học đương đại tại Nhật Bản và các nước châu Á khác.
Tác giả: Thanh Hà
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn