Về phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam có sự tham dự của Thượng toạ. TS. Thích Phước Đạt - Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Giáo dục Phật giáo TW, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM.
Về phía các cơ quan, đoàn thể có đại diện lãnh đạo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, UBMT thành phố Hà Nội, Ban Tôn giáo Chính phủ, Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, và Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn, ĐHQG TP.Hồ Chí Minh.
PGS.TS Đào Thanh Trường - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Đào Thanh Trường - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN nhấn mạnh, Phật giáo Việt Nam với tinh thần nhập thế đã được khẳng định và chứng minh trong suốt chiều dài lịch sử. Sự nhập thế của Phật giáo Việt Nam không chỉ giúp lan tỏa sâu rộng những giáo lý tốt đẹp của tôn giáo này trong cộng đồng mà còn đồng hành với công cuộc đấu tranh, bảo vệ, xây dựng Tổ quốc trong lịch sử cũng như hiện tại. Trong đó không thể không nhắc đến vai trò và sự đóng góp của nữ giới Phật giáo - một trong tứ chúng cùng cộng tu và thừa hành Phật sự trong ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Lịch sử đã chứng minh Nữ giới Phật giáo Việt Nam là một bộ phận quan trọng, góp phần không nhỏ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. Trong thời bình, sự đóng góp của nữ giới Phật giáo được thể hiện càng rõ nét và trên nhiều phương diện, không chỉ là truyền thụ giáo lý mà còn là những hoạt động xã hội mang ý nghĩa thiết thực góp phần phát triển đất nước.
Là một trong những đơn vị đào tạo hàng đầu về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, trong nhiều năm qua, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN đã thực hiện các nghiên cứu, các hội thảo gắn với vấn đề vai trò của Phật giáo nói chung và sự đóng góp, vị thế của nữ giới với Phật giáo. Hội thảo khoa học “Tinh thần nhập thế của Nữ giới Phật Giáo Việt Nam xưa và nay” là diễn đàn để trao đổi, nhằm làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến đóng góp của Nữ giới Phật giáo Việt Nam trong lịch sử cũng như hiện nay và đưa ra những giải pháp, khuyến nghị nhằm phát huy giá trị tinh thần nhập thế của Nữ giới Phật giáo Việt trong xã hội đương đại.
Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Phước Đạt - Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát biểu
Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Phước Đạt - Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ, hội thảo khoa học “Tinh thần nhập thế của Nữ giới Phật Giáo Việt Nam xưa và nay” là sự tri ân thành tựu và công sức của nữ giới xuyên suốt chiều dài lịch sử Phật giáo Việt Nam. Tinh thần nhập thế của nữ giới Phật giáo Việt Nam xưa và nay đã khẳng định vai trò trong lịch sử dân tộc và cần được khuyến khích, phát huy trong công cuộc đổi mới hiện nay.
Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Phước Đạt hy vọng hội thảo khoa học do bộ môn Tôn giáo học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN tổ chức sẽ mở ra hướng nghiên cứu, tiếp cận mới với nhiều công trình nghiên cứu mới, cổ vũ cho tinh thần nhập thế, đóng góp tích cực của nữ giới Phật giáo trong mọi lĩnh vực, góp phần làm đạo pháp trường tồn, đất nước phồn vinh, nhân dân an lạc. Theo đó, khẳng định vai trò và vị thế phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ đất nước hội nhập toàn cầu.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN phát biểu
Phát biểu chúc mừng hội thảo, GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN cho biết, Trường ĐH KHXH&NV luôn đề cao hoạt động nghiên cứu khoa học, mỗi năm có khoảng 30 đến 40 hội thảo được tổ chức, bao quát nhiều chủ đề trong và ngoài các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Trong đó, Tôn giáo học là một trong những bộ môn có các kết quả nghiên cứu nổi bật của Trường ĐH KHXH&NV với tinh thần nghiên cứu khoa học sôi nổi, thu hút sự quan tâm của cộng đồng khoa học.
Đánh giá cao sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ của các nhà khoa học tại các trường đại học, các viện nghiên cứu, các tổ chức trong việc tổ chức hội thảo, GS.TS Hoàng Anh Tuấn tin tưởng, đây sẽ là nguồn lực to lớn trong nghiên cứu, soi sáng những vấn đề khoa học về tinh thần nhập thế của nữ giới Phật giáo.
PGS.TS Trần Thị Kim Oanh trình - Trưởng Bộ môn Tôn giáo học bày tham luận: Tính “nữ” của văn hóa Việt Nam và vị thế của nữ giới Phật giáo Việt Nam xưa và nay
Ban tổ chức đã nhận được hơn 40 tham luận của các học giả đóng góp nội dung quan trọng trong nghiên cứu về tinh thần nhập thế của nữ giới Phật giáo Việt Nam xưa và nay với các chủ đề chính như: (1) Tinh thần nhập thế của Nữ giới Phật giáo Việt Nam trong lịch sử; (2) Tinh thần nhập thế của Nữ giới Phật giáo Việt Nam trong xã hội đương đại; (3) Một số giải pháp nhằm phát huy tinh thần nhập thế của Nữ giới Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Dự kiến, sau hội thảo, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN sẽ xuất bản cuốn sách với các kết quả nghiên cứu giá trị.
PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Ngọc trình bày tham luận: Hoạt động nhập thế của Ni giới Phật giáo hiện nay.