Tin tức

Hội thảo Nghiên cứu Việt Nam lần thứ 3

Thứ ba - 06/12/2011 02:38
Trong hai ngày 4 và 5 tháng 12 năm 2011, tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã diễn ra Hội thảo Khoa học quốc tế Nghiên cứu Việt Nam (“Engaging with Vietnam: An Interdisciplinary Dialogue”) lần thứ III. Đây là hội thảo do Trường ĐHKHXHNV (ĐHQGHN) và Đại học Monash (Australia) đồng tổ chức.
Hội thảo Nghiên cứu Việt Nam lần thứ 3
Hội thảo Nghiên cứu Việt Nam lần thứ 3
Trong hai ngày 4 và 5 tháng 12 năm 2011, tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã diễn ra Hội thảo Khoa học quốc tế Nghiên cứu Việt Nam (“Engaging with Vietnam: An Interdisciplinary Dialogue”) lần thứ III. Đây là hội thảo do Trường ĐHKHXHNV (ĐHQGHN) và Đại học Monash (Australia) đồng tổ chức. Chủ đề của Hội thảo lần này tập trung thảo luận về mối quan hệ giữa các lí thuyết, phương pháp phương Tây với các giá trị, kinh nghiệm và kiến thức bản địa hoá châu Á. Từ đó, mục đích chính của Hội thảo là khuyến khích tăng cường đối thoại học thuật Đông-Tây nhằm tìm ra giải pháp tối ưu trong nghiên cứu và đào tạo khoa học xã hội và nhân văn. Lí do cơ bản là từ trước cho đến nay, trong khoa học xã hội và nhân văn, phần lớn các lí thuyết và phương pháp đều chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các quan điểm lấy phương Tây làm trung tâm. Thông qua đối thoại khoa học, hội thảo mong muốn tìm hiểu xem các dự án, chương trình và kết quả nghiên cứu đã được giới học giả châu Á thực hiện như thế nào, có ý nghĩa và vai trò như thế nào? Liệu “phương Đông”, “phương Tây”, “châu Á” và “các tri thức địa phương” có mối quan hệ với nhau như thế nào trong nghiên cứu và giảng dạy về khoa học xã hội và nhân văn trong bối cảnh toàn cầu hoá. Liệu “kỉ nguyên châu Á” có thể trở thành hiện thực trong thế kỉ XXI và bổ sung cho những gì mà phương Tây đã làm?

Hội thảo đã nhận được gần 100 tham luận của các giáo sư, học giả, nhà nghiên cứu, nghiên cứu sinh... đến từ Australia, Indonesia, Hoa Kì, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Thuỵ Sĩ, Trung Quốc, Vương Quốc Anh, Việt Nam… Trong số các báo cáo viên có những học giả nổi tiếng thế giới như GS. Carlyle Thayer (Học viện Quốc phòng Australia), GS. Liam Kelley (Đại học Hawaii at Manoa), GS. Stephen O’Harrow - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (Đại học Hawaii at Manoa), GS. Michael Singh (Đại học Tây Sydney), GS. Philip Hirsch (ĐH Sydney), GS. Viv Edwards (Đại học Reading, Vương quốc Anh), TS. Charles Morisson - Giám đốc Trung tâm Đông-Tây… Về phía Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã có bài báo cáo và tham gia của các cán bộ sau đây: PGS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung (Bảo tàng Nhân học), TS. Hoàng Anh Tuấn, TS. Lê Quỳnh Nga, NCS. Lý Tường Vân, ThS. Đỗ Thanh Loan, ThS. Hoàng Hồng Nga (Khoa Lịch Sử), PGS.TS. Nguyễn Thiện Nam (Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt), TS. Nguyễn Tuấn Anh (Khoa Xã hội học), TS. Nguyễn Thu Hương (Bộ môn Nhân học) và PGS.TS. Phạm Quang Minh (Khoa Quốc tế học). Khách mời đặc biệt của Hội thảo là Ông Dương Trung Quốc, Đại biểu Quốc hội, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư kí Hội sử học Việt Nam. Trong bài phát biểu có tiêu đề “Vai trò của trí thức trong giao lưu văn hoá Đông-Tây”, Ông Dương Trung Quốc đặt vấn đề: “Hôm nay chúng ta bàn đến quan hệ “Đông-Tây”. Nhưng với Việt Nam, nhất là liên quan đến vai trò trí thức Việt Nam thì trước tiên không thể không nói đến quan hệ “Nam-Bắc”. Với tư cách là một nhà sử học, sau khi điểm qua tiến trình lịch sử của Việt Nam từ thời Hùng Vương đến nay, ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh: “Quan hệ Nam Bắc ấy đã chi phối như nhân tố chủ đạo của một trường kì lịch sử xuyên suốt lịch sử và cho đến ngày nay vẫn còn là một yếu tố không thể bỏ qua.” Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Allaster Cox đã phát biểu chào mừng Hội thảo, đánh giá cao ý tưởng hợp tác giữa Đại học Monash và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, qua đó đã tạo ra diễn đàn rộng lớn thu hút được sự quan tâm của giới nghiên cứu nhiều nước. Trong lời phát biểu chào mừng Hội thảo, PGS.TS. Vũ Đức Nghiệu, Phó Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh: “Riêng với Australia, Trường ĐH KHXHNV đã có hợp tác từ những năm 1990, khi Việt Nam vừa thực hiện chính sách Đổi mới. Cho đến nay đã có hàng trăm cán bộ và sinh viên của Nhà trường được cử đi nghiên cứu, nâng cao trình độ, học tập ở các trường Đại học của Australia như Đại học Quốc gia Úc (ANU), Đại học Sydney, Đại học Nam Úc… Với một nền giáo dục tiên tiến có trình độ chuyên môn cao, môi trường thân thiện, khoảng cách địa lí không xa, chi phí học tập không cao, lại sử dụng tiếng Anh và cấp khá nhiều học bổng, Australia đang trở thành một trong những địa chỉ rất được ưa chuộng của giới trẻ Việt Nam nói chung, cán bộ và sinh viên Trường chúng tôi nói riêng.” PGS.TS. Vũ Đức Nghiệu cũng bày tỏ hi vọng: “Đại học Monash sẽ tiếp tục hợp tác với chúng tôi không chỉ trong dự án “Engaging with Vietnam” mà còn mở rộng sự quan tâm sang các lĩnh vực khác như đào tạo giảng viên, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho một số ngành mới của chúng tôi như: công tác xã hội, khoa học quản lí, phân tích chính sách, nghệ thuật học, nhân học…” và cam kết “sẽ làm hết sức mình để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học và sinh viên của hai bên tiếp xúc, trao đổi và học tập lẫn nhau”. Ngoài 04 phiên toàn thể diễn ra ở Hội trường tầng 8 nhà E, Hội thảo được chia thành 4 tiểu ban tiến hành đồng thời với hàng trăm ý kiến thảo luận, trao đổi, đóng góp. Kết thúc Hội thảo, thay mặt lãnh đạo Nhà trường, PGS.TS Nguyễn Văn Kim đã bày tỏ lời cám ơn đến Đại học Monash và các đại biểu và hi vọng sẽ được tiếp tục hợp tác trong tương lai. Thay mặt Đại học Monash, TS. Phan Lê Hà cám ơn Trường ĐHKHXHNV và các đồng nghiệp đến từ ĐH Monash đã tổ chức chu đáo và thành công hội thảo “Engaging with Vietnam” lần thứ III. Cuối cùng, TS. Charles Morrison, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Tây, Đại học Hawaii đã phát biểu đánh giá cao chất lượng chuyên môn của Hội thảo cũng như công tác tổ chức chuyên nghiệp, chu đáo của Trường ĐHKHXH&NV và tuyên bố sẵn sàng đứng ra tổ chức Hội thảo “Engaging with Vietnam” lần thứ IV tại Hawaii vào tháng 10 năm 2012.

Tác giả: admin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây