Ngôn ngữ
Trong báo cáo đề dẫn hội thảo, PGS.TS Phạm Ngọc Thanh khẳng định, Tây Nguyên là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, văn hoá, xã hội, môi trường; là vùng đất có nhiều biến động, ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của cả nước và khu vực. Một trong những vấn đề quan trọng, có ý nghĩa trước mắt và lâu dài, ảnh hưởng đến toàn bộ tiến trình giải quyết các vấn đề chung của Tây Nguyên là việc phát triển và quản lí phát triển xã hội như thế nào để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Điều ấy đòi hỏi những nhận thức mới, chính sách xã hội mới đối với cộng đồng người Tây Nguyên; đòi hỏi sự đổi mới tư duy và cách tiếp cận mới trong việc hoạch định và thực thi chính sách cho Tây Nguyên, làm cho Tây Nguyên thực sự là “mái nhà chung” của các dân tộc trên con đường phát triển bền vững.
Hội thảo tập trung vào các nội dung chính: những quan điểm có tính chất phương pháp luận và phương pháp tiếp cận nghiên cứu thực tiễn phát triển XH và quản lí phát triển XH bền vững tại Tây Nguyên; kinh nghiệm quốc tế và trong nước về phát triển XH và quản lí phát triển XH vùng đặc thù trong quá trình đổi mới; những vấn đề cụ thể và những kiến nghị cho phát triển xã hội bền vững ở Tây Nguyên.
Các báo cáo có những góc độ tiếp cận khá đa dạng: GS.TS Nguyễn Hữu Khiển (Học viện Hành chính quốc gia) đề cập đến tác động của chính sách xã hội đối với sự phát triển bền vững của Tây Nguyên; GS.TS Phạm Tất Dong đề cập đến những vấn đề an sinh xã hội – khó khăn và định hướng giải quyết; PGS.TS Phạm Ngọc Thanh (Trường ĐHKHXH&NV) bàn về vấn đề nghèo đói, bất bình đẳng, những thách thức trong phát triển bền vững Tây Nguyên; GS.TS Lê Thị Quý (Trường ĐHKHXH&NV) chỉ ra vai trò của gia đình đối với sự phát triển của vùng dân tộc ít người ở nước ta; TS. Bùi Văn Quyền nói về tác động chủ yếu của KHCN đối với sự phát triển của Tây Nguyên từ năm 1986 đến nay; TS. Trần Văn Hải (Trường ĐHKHXH&NV) cho rằng cần tăng cường hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cẩu phát triển của Tây Nguyên giai đoạn hiện nay; PGS.TS Nguyễn Duy Thiệu (Bảo tàng Dân tộc học) phân tích nhận diện những giá trị văn hoá truyền thống Tây Nguyên; PGS.TS Lê Sĩ Giáo (Trường ĐHKHXH&NV) so sánh quản lí xã hội ở Tây Bắc và Tây Nguyên trên nhiều phương diện; TS. Buôn Krông Tuyết Nhung (Trường Đại học Tây Nguyên) nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa luật tục và quản lí phát triển tại Tây Nguyên thời kì đổi mới và hội nhập quốc tế; …
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn