Cựu sinh viên trường Đại học KHXHNV (ĐHQGHN): Kết nối để đẩy mạnh phát triển

Chủ nhật - 12/03/2017 22:58
GD&TĐ - Đó là chủ đề được các cựu sinh viên bàn luận sôi nổi trong buổi “Gặp mặt cựu sinh viên tiêu biểu 2017” do trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức hôm nay (12/3).
Cựu sinh viên trường Đại học KHXHNV (ĐHQGHN): Kết nối để đẩy mạnh phát triển
Cựu sinh viên trường Đại học KHXHNV (ĐHQGHN): Kết nối để đẩy mạnh phát triển

Theo chia sẻ của GS.TS Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng nhà trường, đây là năm thứ 3 Hội cựu sinh viên của trường đi vào hoạt động nhưng là lần đầu tiên nhà trường tổ chức gặp mặt cựu sinh viên tiêu biểu.

Từ tháng 1/2016 - khi bắt đầu giữ trọng trách hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG HN), trên cơ sở gợi ý của một vị giáo sư người Mỹ, ông đã ấp ủ ý tưởng tổ chức kết nối các cựu sinh viên - những người đã từng học tập rèn luyện tại trường, đã có đủ thời gian trải nghiệm, mang kiến thức học được cống hiến cho xã hội có cơ hội trở về cùng chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ nhà trường và sinh viên các thế hệ sau.

GS. TS Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Nhà trường) phát biểu tại buổi gặp mặt

Buổi gặp mặt đã thu hút sự tham dự của 21 cựu sinh viên tiêu biểu của các khoa. Họ là những đại diện của các thế hệ sinh viên, hiện đang nắm giữ các vị trí công tác quan trọng và có mối liên hệ khá mật thiết với trường xưa lớp cũ.

Thay mặt cựu sinh viên khóa 11 – khoa Lịch sử, PGS.TS Trần Đức Cường (hiện là Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) - bày tỏ sự vui mừng, xúc động khi được tham gia buổi gặp mặt các thế hệ sinh viên tiêu biểu. PGS không quên nhắc đến trường Đại học Văn khoa Hà Nội - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) với một niềm tự hào và niềm tin mãnh liệt vào các thế hệ sinh viên ra trường với chất lượng mang thương hiệu một trong những trường đào tạo các ngành về khoa học xã hội mạnh nhất cả nước.

Trong số đại diện những “cựu sinh viên thành đạt” có mặt trong buổi gặp gỡ, còn có nhiều gương mặt thành danh khi làm “trái nghề”. Họ chia sẻ rằng, kiến thức về xã hội – nhân văn là kiến thức nền tảng, cơ bản giúp họ gặt hái những thành công trong mỗi công việc họ làm.

Ông Hoàng Quốc Quyền - cựu sinh viên khoa Tâm lý K47, hiện là Phó Tổng Giám đốc Công ty viễn thông Viettel (Tập đoàn viễn thông quân đội) - chia sẻ: Những kiến thức khoa học xã hội được học tại trường đại học là nền tảng, là chìa khóa của thành công. Đó là “năng lượng” cần thiết để mỗi cá nhân tỏa sáng trong vị trí công việc của mình, với chỉ số cảm xúc (EQ) đủ để làm xúc tác kết nối các nguồn lực, trong đó con người là nguồn lực cơ bản.

Ông Quyền mong muốn, với vị thế hiện tại, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG HN) đẩy mạnh kết nối: nhà trường với xã hội; đào tạo với nhu cầu nhân lực; kết nối trao đổi kinh nghiệm giữa các thế hệ sinh viên để tạo nên sức mạnh tổng hợp, cống hiến cho sự phát triển chung của xã hội.

Đại diện nữ duy nhất của buổi gặp mặt, bà Nhữ Thị Ngần - cựu sinh viên Khoa Du lịch K48 -Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư du lịch Hà Nội - tiếp tục nhấn mạnh câu chuyện “kết nối”, đồng thời mong muốn nhà trường chú trọng hơn về định hướng nghề nghiệp cho sinh viên trước khi tốt nghiệp để có thể rút ngắn thời gian thất nghiệp cũng như giảm thiểu thời gian đào tạo lại cho các đơn vị sử dụng lao động.

Bà Nhữ Thị Ngần phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu cảm ơn những chia sẻ hữu ích của các cựu sinh viên, GS.TS Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng nhà trường - khẳng định, cuộc gặp mặt thực sự để lại nhiều ý nghĩa thiết thực. Đồng thời ghi nhận những ý kiến đống góp của các cựu sinh viên cho sự phát triển chung của nhà trường. Trong thời gian tới, bên cạnh nghiên cứu cơ bản, nhà trường sẽ chú trọng hơn nữa đến nghiên cứu ứng dụng, đẩy mạnh kết nối đào tạo với nhu cầu nhân lực của xã hội cũng như tăng cường kết nối với cựu sinh viên để phát huy sức mạnh tổng hợp thúc đẩy sự phát triển của nhà trường.

GS. TS Phạm Quang Minh trao quà lưu niệm cho các cựu sinh viên

Trong hơn 60 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn luôn được Đảng và Nhà nước coi là một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn lớn nhất của đất nước, có nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học cơ bản trình độ cao, phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trường có sứ mệnh đi đầu trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao; nghiên cứu sáng tạo và truyền bá tri thức về khoa học xã hội và nhân văn, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Trong thời gian tới, trường phấn đấu trở thành một đại học đứng đầu đất nước về khoa học xã hội và nhân văn, ngang tầm với các đại học danh tiếng trong khu vực, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

 

Tác giả: Kim Thoa (Theo GD & TĐ)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây